Trải qua bao năm tháng, kiến thức
rớt rụng phần nào. Hôm nay vào học chương trình “Trung học phổ thông” (ngày
trước gọi là cấp III) bỡ ngỡ lắm, phần nào thèn thẹn và chán nản. Bởi đến tuổi
này rồi còn đi học để lấy bằng cấp III. Nhưng theo học một thời gian, gần gũi
cùng bạn bè đồng nghiệp, đồng cảnh ngộ, rồi được các thầy hết lòng truyền thụ
kiến thức, vậy là tôi đam mê học. Cứ sau buổi làm việc cuối ngày là ăn vội gói
mì tôm, tối đến lớp học. Cứ thế 2 năm học xong 3 lớp để có tấm bằng Trung học
phổ thông theo “chuẩn hóa”. Được học ở “Trung tâm giáo dục thường xuyên”, chúng
tôi nói đùa với nhau là mình sẽ nên người, bởi được giáo dục thường xuyên mà!
Ngày ấy, Thầy Hải (giám đốc Trung
tâm), Thầy Mưu (Phó giám đốc Trung tâm) dạy chúng tôi môn toán. Thầy An (chủ
nhiệm đến hết khóa học) dạy môn văn. Thầy Cư, cô Hằng dạy môn hóa; thầy Tĩnh
dạy môn lý; thầy Minh (người cùng xã) dạy môn sinh...
Thầy Mưu dạy môn toán, biết chúng
tôi kiến thức ở lớp dưới bị rơi rụng, nên mỗi lần giảng bài là thầy kẻ bảng
thành 2 phần, một phần hệ thống kiến thức lớp dưới, một phần là bài mới, nên
học sinh như chúng tôi cũng dễ tiếp thu.
Thầy An dạy văn với dáng người cao,
có chất giọng ấm trong, hiền dịu nên có tính thu hút. Điều mà tôi nhớ nhất là
học về thơ và trong đó có thơ lục bát. Thầy nói thơ khác văn xuôi, có cái văn
xuôi không nói được, nhưng thơ nói được. Thơ có tính tu từ cao, súc tích, có
hình ảnh, mang nghĩa bóng, có tính ẩn dụ...Về thơ lục bát thì thầy đưa ra những
bài thơ hay làm mẫu. Rồi thầy nói là lục bát cũng có khi gieo được vần “lưng”, ví
dụ như: “Trời mưa trời gió đùng đùng/Cha con ông Trùm đi gánh phân trâu/Mang về
trồng bí trồng bầu/Trồng hoa, trồng quả, trồng trầu, trồng cau”; rồi: “Núi cao
chi lắm núi ơi/Núi che mặt trời không thấy bạn yêu”...Thầy lấy bài thơ của Tố
Hữu với câu: "Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/Em có tuổi hay không có
tuổi..."! Đây là câu hỏi tu từ, biết mà vẫn hỏi! Câu hỏi tôn vinh, nâng
cao vị thế của người con gái Việt Nam kiên trung dũng mãnh...
Còn thầy Minh dạy môn sinh, nhưng
phong cách dạy và tính tình sôi nổi, nên học môn sinh mà thấy mượt mà như học văn.
Thầy Cư, với vẻ hiền từ, thân hiện, nhiệt tình giảng bài dễ hiểu. Cô Hằng có
giọng phát âm chuẩn nói giọng Thanh Hóa, cô khiêm tốn, nhân cách. Thầy Tĩnh
dáng người khỏe mạnh, vui vẻ, để biết được mức độ tiếp thu bài của học sinh,
nên mỗi lần kiểm tra là thầy thường ra đề chẵn lẻ, để hạn chế xem bài nhau.
Tất cả các thầy dạy chúng tôi đều
gần gũi với học sinh chúng tôi, như người một nhà. Đặc biệt, qua tiếp xúc với
chúng tôi, các thầy, cô có học vị cao, so với chúng tôi là “kẻ trên trời, người
dưới đất”, nhưng thầy cô nào cũng khiêm tốn, gần gũi, đôn hậu, dịu hiền mà
thanh cao. Thầy nào, cô nào cũng mong cho chúng tôi tiếp thu được bài giảng.
Hai năm dưới ánh điện, dưới ánh sáng
tri thức của các thầy cô truyền dạy, tôi vui sướng được cầm tấm bằng tốt nghiệp
“Trung học phổ thông”, chính hiệu là bằng “tốt nghiệp”. Bởi có lần tôi được
nghe một thầy giáo bảo rằng: Thi tốt nghiệp cấp II đúng ra là gọi: “Thi hết cấp
II”, chứ tốt nghiệp là học xong cấp III thì mới gọi là “tốt nghiệp”. Vì từ cấp
I, cấp II, cấp III, đều là giáo dục “phổ thông”...tôi ngẫm nghĩ e đúng rứa!
Nhưng gì thì gì, ngày đó tôi cũng đã cầm được tấm bằng “Tốt nghiệp” mà trước đó
chưa đi học tôi không bao giờ mộng tới. Cũng từ đó mà tôi có những tấm bằng
khác nữa.
Vui quá tôi mới nổi hứng viết mấy
câu gieo vần:
Xốn xang cái buổi tựu trường
Bồi hồi nhớ lại bước đường năm xưa
Một thời đang tuổi ấu thơ
Bên thầy, bên bạn ước mơ tràn đầy
Nào ngờ số phận lắt lay
Bút nghiên xếp lại đường cày nối cha
Chiến trường một thuở xông pha
Bao năm việc xã cơm nhà tưởng yên
Nào ngờ lại chuyện bút nghiên
Đèn sách theo học kiếm thêm chữ thầy
Hai năm dưới mái trường này
Tóc trò điểm bạc, tóc thầy hoa râm
Còn đâu cái tuổi lặng thầm
Cài hoa, ép bướm gieo mầm ước mơ
Đến nay tuổi đã xế trưa
Bao năm thất học nên thưa chữ thầy
Hai năm lấp lại sao đầy
Nói chi đến chuyện có ngày thành
danh...
Là học sinh, nên xưng là “Em”! Em
cảm ơn tất cả các thầy cô trải bao thế hệ đã dạy dỗ, truyền kiến thức cho em!
Đặc biệt là thời CNH-HĐH có các thầy cô giáo ở Trung tâm giáo dục thường xuyên
của huyện Lệ Thủy.
An Thủy,
ngày 17/11/2021
THIÊN MÃ