Quảng Bình là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chính tình yêu quê hương là động lực, là sức mạnh để đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, cùng đồng bào cả nước đứng lên chống lại ách áp bức của thực dân, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Người
dân làng An Xá đón Đại tướng về thăm quê năm 2004. (Ảnh: TL)
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách
mạng sôi nổi, bước chân Đại tướng đã in dấu trên mọi chiến trường,gắn bó với nhiều miền quê của Tổ quốc, đảm
nhận nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước
và Quân đội nhưng trái tim Đại tướng bao giờ cũng tha thiết với đồng bào, đồng
chí và bà con cô bác ở quê nhà. Với quê hương, Đại tướng luôn dành những tình cảm chân thành,sâu
đậm và sự quan tâm đặc biệt. Lúc sinh thời Đại tướng đã
tâm sự “Quảng
Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Dù việc nước với bao bộn bề nhưng Đại tướng vẫn giành
thời gian để nhiều lần được về thăm quê, đồng thời thường xuyên theo dõi và có
hướng chỉ đạo từng bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.
Bước chân của Đại tướng đến đâu là
mặn nồng đến đó, với những lời dặn dò chân tình, sâu sắc để lại trong lòng nhân
dân, cán bộ, đảng viên chiến sĩ lực lượng vũ trang và anh hùng lao động nhiều
tình cảm sâu lắng. Trong tim Đại tướng luôn chỉ có một mong muốn, đó là: Quê
hương Quảng Bình một thời nổi danh “Hai giỏi” sẽ mãi mãi vươn lên, tiến đến dân
giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 1962, Đại tướng về thăm
quê, đi thăm xã Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch. Đại tướng biểu dương những
thành tích trong chiến đấu, sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, nhân
dân Quảng Trạch nói chung và xã Cảnh Dương nói riêng. Đại tướng căn
dặn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trạch phải nêu cao tinh thần đoàn kết,
khắc phục khó khăn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự
nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Nhớ lại những ngày đế quốc Mỹ leo thang
đánh phá miền Bắc, trong đó có Quảng Bình, tháng 5 năm 1965, Đại tướng đã điện
thoại chỉ đạo, căn dặn quân và dân Quảng Bình phải: phối hợp thật tốt; đánh
thật tốt; tránh thật tốt; các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng
an ninh thì ở lại, còn các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân phải sơ tán tránh mọi
tổn thất... nhờ đó mà quân và dân Quảng Bình đã không bị bất ngờ, chủ động đánh
thắng trận đầu, bắn cháy 04 máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống 01 phi công Mỹ,
các cơ quan, đơn vị và nhân dân Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng được
an toàn, giảm thiểu những thiệt hại do không kích của đế quốc Mỹ gây ra.
Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh
đất Quảng Bình đã hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, song người dân Quảng
Bình đã cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi
lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu Quảng Bình lập được chiến công xuất
sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen
ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả
nước.
Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế
quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, vào ngày mồng một Tết Đinh Mùi (4/02/1967), sau
khi hợp tác xã Quang Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao
động năm 1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xã Quang Phú (Đồng Hới). Nói
chuyện với Đảng bộ và nhân dân Quang Phú, Đại tướng biểu dương thành tích của
hợp tác xã: “Vừa qua Quốc hội, Chính phủ tặng cho hợp tác xã Quang Phú danh
hiệu Anh hùng.Các đồng chí và bà con xã viên đã sản xuất tốt nhưng phải sản
xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số
công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay đã anh hùng rồi nhưng làm thế nào
giữ và anh hùng lần thứ hai nữa...”. Phát huy truyền thống anh hùng trong sản
xuất, nhân dân Quang Phú đã nỗ lực phấn đấu, đến năm 1972 Quang Phú lại được
phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đại tướng mong đợi.
Năm 1967, sau chiến công bắn rơi
máy bay Mỹ ngày 8/3/1967, Bác Hồ gửi 07 huy hiệu của Người thưởng cho 07
cô gái Cảnh Dương dũng cảm; chị Trương Thị Gấm - nữ dân quân trực chiến xã
Cảnh Dương, đại diện cho cán bộ chiến sỹ dân quân xã Cảnh Dương (cầm theo
1 mảnh xác máy bay) ra Thủ đô Hà Nội báo công với Đại tướng. Đại tướng
khen ngợi, biểu dương tinh thần chiến đấu quả cảm của đội dân quân xã
Cảnh Dương, cũng như tinh thần chiến đấu của quân và dân Quảng Trạch
góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc
lần thứ nhất (1965 - 1968).
Năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
có chuyến đi khảo sát đường Trường Sơn. Khởi đầu từ đường 9 theo đường 24 ra
đường 20 - Quyết Thắng dọc theo các trọng điểm: dốc Chà Là, đèo Phu La Nhích,
ngầm Ta Lê, cua chữ A, dốc 68... nhân chuyến đi này, Đại tướng đã đến thăm, gặp gỡ và
động viên anh chị em công nhân Đội vận tải Sông Gianh tại xã Quảng Thuận đã
có nhiều đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hòn
La (5/1972 - 01/1973). Đại tướng hỏi thăm, động viên, căn dặn anh chị em
công nhân ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng, đảm
bảo thông tuyến, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, quân và dân Quảng Trạch nêu cao
khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận giao thông”,
“mặt đường, mặt nước là chiến trường, tàu thuyền, phà xe là vũ
khí”không quản ngày đêm lao động, khẩn trương thông xe, thông phà, thông
tuyến, đảm bảo huyết mạch giao thông, vận chuyển chi viện cho chiến
trường Miền Nam.
Vào những năm 1980, khi đất nước
bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những
lần về thăm quê, Đại tướng luôn dành nhiều thời gian để thăm những điển hình
làm ăn tốt ở Quảng Bình và động viên mọi người học hỏi làm theo.
Tháng 3 năm 1985, Đại tướng về
thăm, làm việc với huyện Quảng Trạch, đi thăm xã Cảnh Dương, Đại
tướng đã ân cần thăm hỏi mọi mặt, từ tình hình chính trị, kinh tế
đến đời sống xã hội và lưu tâm một số mặt chưa làm được của huyện
nhà, đồng thời dặn dò một số vấn đề quan trọng trong công tác xây
dựng và củng cố tổ chức Đảng, chăm lo đời sống cho nhân dân, tập
trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng khai thác và
phát huy thế mạnh của huyện, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.
Đại tướng nhắc nhở nên tập trung trồng rừng để phủ xanh đồi núi,
phục vụ đời sống nhân dân;
Trong lần về thăm quê năm 1990, sau
khi đến
thăm khối cơ quan Mặt trận, Đoàn thể của tỉnh, Đại tướng đã dành nhiều thời
gian để đến thăm, làm việc và trò chuyện với cán bộ Hội Nông dân tỉnh nhà. Đại tướng nói: “Tôi làm quân sự nhưng từng
là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân”.
Đại tướng căn dặn: “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng
nề. Bây giờ hoà bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc
nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống
của bà con vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa
để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con
nông dân làm tốt thuỷ lợi, thâm canh các loại cây con có hiệu quả kinh tế cao
để xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân
chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào
sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội phải là chỗ dựa vững chắc
cho bà con nông dân vươn lên…”
Năm 1992, trong chuyến về thăm quê
sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đại tướng đã có buổi làm việc và
dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình: Tỉnh nhà mới lập lại, được
Trung ương hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước
hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình
chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức
sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi
lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện,
nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi.
Phải tăng cường kinh tế đối ngoại... Đại tướng nhắc tỉnh nhiều về phát triển
giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền
vững, lâu dài. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng chỉ rõ: Phải chăm lo công
tác tư tưởng, lãnh đạo phải đảm bảo niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn
là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu...
Năm 1998, về thăm quê hương, dù
tuổi già sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay”
của xã Phong Thủy, nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng
ân cần căn dặn: Phải luôn nỗ lực lao động sản xuất để giữ cho được danh hiệu
“Gió Đại Phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào
là quê hương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cán bộ, nhân dân trong huyện
cần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương của cha ông, để không
ngừng vun đắp cho sự lớn mạnh của huyện nhà.
Ra thăm dòng sông Kiến Giang -
dòng sông với câu hò khoan êm đềm, sâu lắng, đã từng đi vào giấc ngủ của Đại
tướng cũng như bao trẻ thơ, bao thế hệ, Đại tướng căn dặn lãnh đạo huyện phải
có biện pháp để giữ cho dòng sông mãi mãi xanh trong, mãi mãi trong lành, thơ
mộng, chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường cảnh quan, xanh - sạch - đẹp
và có chỗ để nhân dân đứng hai bên bờ cổ vũ cho Lễ hội bơi thuyền truyền thống
của quê hương vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 hàng năm.
Năm 1999, Đại tướng lại về
thăm quê, đi thăm một số đơn vị, địa phương trong tỉnh, lần này tuy tuổi
đã cao nhưng Người vẫn đau đáu lo lắng cho dân, cho nước, cho quê hương. Đại tướng đã hỏi cặn kẽ tình hình nhân
dân vùng cát hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, đây là vùng khó khăn nhất từ xưa.
Sau khi nghe báo cáo của huyện, Đại tướng đã biểu dương việc tỉnh ta trong
mấy năm qua, đã đầu tư một số dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng cát, nhất
là xây dựng các tuyến đường ra biển và cho rằng đó là việc làm sáng tạo, cần
phát huy. Trong chuyến thăm quê lần này, Đại tướng về thăm lại xã Quang Phú. Đại
tướng dành thời gian thăm và nói chuyện với mẹ Nghèng - Người được Nhà nước
phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Mẹ Nghèng không biên
chế, không hưởng lương, nhưng có đến 40 năm trồng rừng chắn cát.
Đại tướng hỏi thăm chuyện làng, chuyện
xã, mừng Quang Phú ngày càng đổi mới và không quên dặn dò: “Bác Hồ nói vì lợi
ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người nên chúng ta phải trồng
nhiều rừng hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát. Trồng rừng cho
con cháu đời sau hưởng lợi, hiệu quả của rừng phi lao chắn cát không phải ngày
một ngày hai mà mãi mãi”.
Đại tướng đặc biệt quan tâm đến
công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Một chuyện hết sức cảm động là, trong
lần về thăm tỉnh ta tháng 8/1999, đúng ngày sinh nhật Đại tướng. Theo chương
trình có nhiều đoàn đại biểu đến mừng thọ, nhưng được tin Trường THPT Đào Duy
Từ kỷ niệm 40 năm thành lập, Đại tướng đã dành gần trọn buổi sáng 25/8 để đến
thăm trường. Khi biết trường có em Trần Đức Long đạt giải học sinh giỏi quốc
tế, Đại tướng đã cho gọi em lên lễ đài chụp chung ảnh kỷ niệm, tặng hoa, tặng
quà...
Năm 2002, về thăm quê, đến nói
chuyện với thầy và trò Trường Trung học phổ thông Chuyên Quảng Bình, Đại
tướng ân cần dặn dò thầy và trò nhà trường phải nhận thức “Tri thức là của
cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại” và “chúc Trường Trung
học phổ thông Chuyên Quảng Bình ra sức phấn đấu, các cô giáo, thầy giáo dạy
giỏi, các em học sinh trai gái học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu,
đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cả nước”. Trong dịp này, Đại tướng về thăm quê
hương trước ngày Tết độc lập đúng 10 ngày. Năm đó, huyện Lệ Thủy quyết định tổ chức lễ
hội đua thuyền truyền thống 2/9 sớm hơn so với mọi năm để đón Đại tướng.
Hàng ngàn người dân Lệ Thủy bây giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh Đại tướng đứng
trên ca nô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người. Dòng Kiến Giang
lúc đó dậy sóng bởi tiếng hô vang “Hoan hô đại tướng! Hoan hô đại tướng!”.
Những lần về thăm quê hương, lần
nào Đại tướng cũng nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải
luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống
yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy,
đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống
của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để
chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh. Đại tướng chân tình
nhắc nhở bà con Lệ Thủy - nơi chôn nhau cắt rốn của Người: Trong mọi hoàn cảnh
bà con chúng ta phải luôn luôn cố gắng, không được đầu hàng trước hoàn cảnh và
số phận. Phải biết tự lực cánh sinh, không được chủ quan, ỷ lại. Dân giàu thì
nước mới mạnh, tự thân vận động là chính, ai cũng phải cố gắng vươn lên trên
đôi chân của chính mình.
Trong chuyến về thăm quê hương lần
cuối cùng vào tháng 11 năm 2004, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mãi mãi không quên
lời tâm sự của Đại tướng: "Dù ở xa nhưng trái tim tôi vẫn hướng về
quê hương, có khá đầy đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có những việc làm
tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi tỉnh nhà có những chuyện chưa hay…". Cũng
trong chuyến về thăm quê lần này, khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, làm
cạn dòng chảy, Đại tướng đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh nghiên cứu tìm giải pháp
khắc phục để ngư dân ra vào cửa biển an toàn. Đại tướng băn khoăn khi biết có
hiện tượng khai thác đá làm ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc
gia Phong Nha - Kẻ Bàng và đề nghị tỉnh cần sớm có quy hoạch tổng thể khu vực
này.
Đại tướng đặc biệt quan tâm đến
những vấn đề chiến lược lâu dài của tỉnh. Trăn trở lớn nhất của Đại tướng là
Quảng Bình vẫn còn là tỉnh nghèo so với cả nước và người dân Quảng Bình phần
lớn đang còn nghèo. Làm gì để thoát nghèo, vươn lên hoà vào sự phát triển chung
của cả nước là vấn đề luôn được Đại tướng nhắc nhở trong những chuyến về thăm
quê.
Những kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại
tướng đều có thư chúc mừng và những lời căn dặn chí tình. Tại Đại hội Đảng bộ
tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005 - 2010), những lời căn dặn của Đại
tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại
hội xem xét, quyết định: “Tôi mong Đại hội lần này hãy nhìn thẳng vào sự thật,
nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, phát huy dân chủ, bàn bạc để thấy rõ
những nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn,
tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng. Tỉnh
Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ
khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Phát huy truyền thống
đó, ngày nay chúng ta phải quyết tâm chiến thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu,
vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Muốn vậy, tôi
thấy vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tỉnh là phải không ngừng tăng cường
đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là trong cấp uỷ. Phải
coi trọng công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ; sử dụng
những cán bộ thực sự có đức, có tài”...
Thực hiện lời căn dặn của Đại
tướng, trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã nêu cao ý chí tự
lực, tự cường, đoàn kết đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách, tập trung
huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm đưa sự
nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên, phấn đấu sớm thoát khỏi
tình trạng tỉnh nghèo như mong mỏi của Đại tướng.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trên nền tảng vững chắc của tiến trình đổi mới,
nhất là kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Bình đã có nhiều bước tiến vượt
bậc, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng cả trong phát triển kinh tế - xã
hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính
trị.
Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay,
cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong
đó nông, lâm nghiệp và thủy sản22,59%, công nghiệp - xây dựng 28,44% và dịch vụ
48,97%; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm
(2016 - 2020) đạt 6,13%. Thu ngân sách trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng
khá, bình quân 17,4% năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22.352
tỷ đồng. Từ
một địa phương thường xuyên phải đối phó với thiếu đói lúc giáp hạt, nay không
những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực
hàng hoá.
Công nghiệp đã có bước phát triển,
nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn được hình thành. Một số sản phẩm
công nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và từng bước có chỗ đứng vững chắc
trên thị trường. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư ngày
càng đồng bộ, hiện đại. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Quảng
Bình đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi; các khu
kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu
quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông
thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát
triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Có thể nói,
đó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh.
Du lịch từng bước trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận
là Di sản thiên nhiên thế giới, với vương quốc hang động độc đáo, kỳ vĩ, làm
say đắm lòng người, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong
nước và quốc tế. Tổng số khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7
triệu lượt khách; doanh thu tăng bình quân 9 - 10% năm.
Trên cơ sở đẩy mạnh phát
triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn chăm lo phát triển các lĩnh
vực văn hóa - xã hội. Chính vì vậy, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm sóc
sức khỏe nhân dân, khoa học công nghệ, văn hóa, văn nghệ, báo chí, phát thanh -
truyền hình, thể dục, thể thao… ngày càng phát triển. Lần đầu tiên Quảng Bình
có em học sinh Nguyễn Thế Quỳnh đoạt hai huy chương vàng Olympic Vật lý
quốc tế; có vận động viên trở thành vận động viên thể thao nam đầu tiên của
nước ta đạt đẳng cấp quốc tế.
Công tác chăm sóc, hỗ trợ các đối
tượng chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển
kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được đặc biệt quan tâm, đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ
hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,1%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh
có 81/128 xã đạt nông thôn mới, đạt 61,72%, trong đó 12 xã đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt của tỉnh từ
thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản, làng miền núi, vùng cao đang
từng ngày khởi sắc.
Sức mạnh tổng hợp của tỉnh nhà đã
tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho tỉnh ta tiếp tục đi lên với nhiều
triển vọng tốt đẹp. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy
chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính
trị ngày được nâng cao. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)
về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về
“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày
càng đi vào chiều sâu. Bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh
gọn, hiện đại, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tinh thần đoàn kết, nhất
trí trong toàn Đảng bộ và nhân dân được củng cố vững chắc, trở thành động lực
quan trọng để đưa Quảng Bình phát triển lên một tầm cao mới.
Ngôi nhà gắn bó với Đại tướng từ
thuở thiếu thời và là nơi Đại tướng từ giã mái ấm thân thương để bước chân ra
đi làm cách mạng nay đã được đầu tư tôn tạo, trở thành Khu Lưu niệm, thành nơi
thăm viếng, điểm di tích giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay
và mai sau.
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi
Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự
nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong lời điếu Lễ quốc tang của Đại
tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đánh giá cao
công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân
đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người,
nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là
vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
PL giới thiệu