Phóng viên (P.V): Vừa qua, khi các trường trung học phổ thông (THPT) bắt đầu
xét tuyển sinh vào lớp 10, dư luận trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở thành phố
Đồng Hới xôn xao về việc có hàng trăm học sinh không được vào học các trường
THPT mà phải phân luồng đi học nghề. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế
nào?
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Để có kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học
2021-2022 trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức
các cuộc họp để lấy ý kiến của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị
trực thuộc, các phòng GD-ĐT, các trung tâm giáo dục - dạy nghề với mong muốn tổ
chức một kỳ thi vừa thực hiện công tác tuyển sinh vừa đánh giá chất lượng dạy
học cấp trung học cơ sở (THCS), qua đó để điều chỉnh cách thức chỉ đạo, quản lý
giáo dục trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào
lớp 10 THPT năm học 2021-2022 tại điểm thi Trường THPT Quảng Ninh
Năm nay tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT được UBND tỉnh phê duyệt là 82,6%
(giảm gần 2% so với năm trước). Vì vậy, tỷ lệ
học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học này cao hơn so với các năm
học trước, nhất là ở địa bàn Đồng Hới. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm
trong những ngày qua.
Mặt khác, một
số phụ huynh và học sinh chưa xác định đúng năng lực thực sự của con em mình để
lựa chọn trường dự tuyển phù hợp dẫn đến không trúng tuyển vào lớp 10 THPT theo
nguyện vọng.
P.V: Có một vấn đề nổi lên được dư luận quan tâm, đó là rất nhiều học
sinh có kết quả học tập xếp loại khá, giỏi nhưng điểm thi thấp. Đây cũng là một
trong những nguyên nhân gây sốc cho các bậc phụ huynh, khi con em mình không có
cơ hội vào học các trường THPT. Ông có thể cho biết rõ thêm về thực tế này?
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm bởi vì những năm trước đây
không tổ chức thi mà chỉ căn cứ điểm học bạ để xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT
nên ở nhiều trường THCS có tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi cao đột biến
(có trường trên 80-90%).

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ
đến trường thi
Năm nay có đổi mới là kết hợp điểm thi tuyển và học bạ để xét tuyển sinh
với mong muốn như đã nêu ban đầu, nên khi có kết quả thi thì nhiều phụ huynh
sốc với kết quả học tập của con mình (có những em học sinh xếp loại học lực
khá, giỏi trong cả 4 năm THCS nhưng có điểm thi thấp dưới trung bình). Qua kết quả thi tuyển sinh vừa rồi cho thấy rằng kết quả trong
học bạ chưa phản ánh đúng thực chất học lực của các em.
Và theo quan
điểm của ngành GD-ĐT, để đánh giá khách quan hơn về kết quả học tập của học
sinh và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học trong giai đoạn hiện nay
thì phải thông qua kỳ thi, chứ không thể chỉ căn cứ vào kết quả học bạ. Qua kỳ
thi tuyển sinh này, chúng tôi tin tưởng rằng việc đánh giá chất lượng giáo dục
phổ thông sẽ đi vào thực chất hơn trong các năm tiếp theo.
P.V: Về nguyên tắc xét tuyển ưu tiên nguyện vọng 1 (NV1) trước sau đó
mới xét nguyện vọng 2 (NV2), nhiều phụ huynh cho rằng chưa thực sự phù hợp vì
trên thực tế có rất nhiều học sinh có điểm xét tuyển thấp nhưng vẫn được tuyển
vào học ở các trường THPT vì đã đăng ký NV1, ngược lại có những học sinh điểm
xét tuyển cao nhưng do đăng ký NV2 nên không trúng tuyển là thiếu công bằng.
Cũng có dư luận cho rằng, cần phải có quy định về điểm sàn đối với học sinh
trúng tuyển. Xin ông nói rõ thêm về việc thực hiện nguyên tắc xét tuyển này?
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Nguyên tắc xét tuyển ưu tiên NV1 trước sau đó mới xét đến NV2 đã
được thực hiện trong nhiều năm qua và chưa có dư luận phản ánh.
Thực chất của
việc đăng ký này là để đảm bảo cho học sinh và phụ huynh học sinh cân nhắc, lựa
chọn kỹ trên cơ sở nhu cầu, khả năng học tập, điều kiện thuận lợi,... đối với
mỗi học sinh trước khi đăng ký dự tuyển vào một trường cụ thể; bảo đảm trong
công tác tuyển sinh của tỉnh được thực hiện một cách công bằng, minh bạch.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp
10 THPT tại điểm thi Trường THPT Đào Duy
Còn việc quy định điểm sàn là không phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh
Quảng Bình. Nếu quy định chung điểm sàn toàn tỉnh, học sinh ở các
vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn, mặt bằng dân trí
thấp thì tỷ lệ tuyển sinh của các trường THPT đóng trên địa bàn sẽ không đảm
bảo chỉ tiêu được giao, ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục tại địa phương;
nếu quy định điểm sàn cho từng vùng miền khác nhau hay riêng cho vùng Đồng Hới
thì không có căn cứ để thực hiện.
P.V: Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ phân luồng học sinh
sau THCS tại Quảng Bình như hiện nay là còn cao. Vậy ngành GD-ĐT đã căn cứ vào
những cơ sở nào?
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Trước hết, phải khẳng định việc phân luồng sau THCS là chủ
trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, phân luồng học sinh
sau THCS đã có những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, trên
thực tế việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn còn không ít khó khăn,
thách thức; tâm lý của phụ huynh, nhân dân luôn luôn mong muốn con em mình được
vào học lớp 10 THPT.
Để phân luồng
học sinh vào học nghề hoặc giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT hay tiếp tục
học THPT sau khi tốt nghiệp THCS, Sở GD-ĐT căn cứ trên nhiều yếu tố như: Nhu
cầu và nguyện vọng của học sinh; điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ ở trường
THPT, các trung tâm giáo dục - dạy nghề và của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn; mức độ đáp ứng nhu cầu của xã hội về nhân lực sau khi được đào
tạo của các cơ sở đào tạo nghề; việc làm của học viên sau khi được đào tạo
nghề; tỷ lệ học sinh tham gia học nghề của các năm trước...

Thí sinh dự thi tại điểm
tri Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp
Từ thực tiễn trên, Sở GD-ĐT đã phân tích kỹ lưỡng và đề nghị không áp đặt
việc phân luồng học sinh sau THCS để thực hiện việc duy trì phổ cập giáo dục
THCS mức độ 3.
Tuy nhiên, về phía Sở LĐTBXH đề xuất tăng tỉ lệ phân luồng để học sinh đi
học nghề sau tốt nghiệp THCS, nên năm học này UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc
phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và GDTX cấp THPT từ 17-20%,
phù hợp với Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ và
Kế hoạch số 936/KH-UBND ngày 14-6-2019 về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định
hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa
bàn tỉnh Quảng Bình.
Như vậy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề và GDTX
cấp THPT năm nay là 17,4%, cao hơn so với tỉnh Quảng Trị và thấp hơn so với các
tỉnh khác như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, so
với nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, đặc biệt trên địa bàn
Đồng Hới thì tỷ lệ này có ảnh hưởng nhiều.
P.V: Trước tình hình số lượng khá lớn học sinh không trúng tuyển vào
lớp 10 THPT, đặc biệt là ở thành phố Đồng Hới, ngành GD-ĐT đã có giải pháp nào
để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh học sinh?
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Ngày 29-6-2021, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị với các Chủ
tịch Hội đồng tuyển sinh của các trường THPT trong toàn tỉnh, nhằm tháo gỡ
những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển sinh và lắng nghe dư luận để tìm
ra những giải pháp phù hợp.

Công tác phòng chống dịch
bệnh Covid-19 được các điểm thi thực hiện nghiêm túc
Trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường THPT; căn cứ
vào các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tình hình chung
về công tác tuyển sinh, hội nghị đã đi đến thống nhất đề xuất một số nội dung
liên quan đến vấn đề tuyển sinh gửi UBND tỉnh.
Chúng tôi tin tưởng rằng, UBND tỉnh sẽ sớm có những chủ trương, chỉ đạo phù
hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
P.V: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Anh Tuấn
(theo baoquangbinh.vn)