
Lứa chúng tôi, sinh
ra và lớn lên trong hòa bình, không phải đón những cái Tết mà theo như thân phụ tôi thì “Mấy mùa xuân tiếng súng thay tiếng pháo/ Mấy mùa xuân máu đỏ thế
hoa đào”. Vì vậy, Tết cổ truyền trong tôi là những gam màu tươi sáng của những
bộ quần áo “trúc bâu”, “đi qua nghe sột soạt”, là những chiếc bánh “tày” đeo hông, vừa làm lương thực, vừa làm “đài” đầy hãnh diện, tự hào;
của những bánh pháo tép dính đầy cát; của những chiếc tăm, “nụ” xe đạp nhồi
diêm, được nén lại bởi chiếc đinh 3, uốn thành “súng” đập vào đá nổ đì đoằng;
của những chiếc kẹo xốp lạc, kẹo chanh, kẹo “nu-ga” đủ màu, quý hiếm, ngọt lịm!
Cũng vì nhưng thứ
“quý hiếm” đó mà chúng tôi chờ Tết, hóng Tết như hóng “mạ đi chợ về”. Cái lí do
duy nhất mà nếu có một cuộc điều tra xã hội học trong bọn trẻ thời bấy giờ,
rằng: “Trông Tết để làm gì?” sẽ nhận được câu trả lời mười đứa như chục: “Để
được ăn thịt gà, để có quần áo mới, để đốt pháo...”. Bấy nhiêu cái “được” của
mấy chục năm về trước, giờ thành ra cái “bị”. Bị ăn, bị mặc hoặc bị cấm. Âu
cũng là xu hướng đi lên của xã hội, cơ mà cứ thấy tiêng tiếc, rưng rưng một nỗi
niềm xưa cũ!
Trẻ con bây giờ có
còn thích Tết không? - Có! Nhưng cái lí do của nó hoàn toàn khác trước. Thích
Tết để nhận tiền “lì-xì”, để được thỏa thích đắm mình trong “gêm chát” mà chẳng
sợ bị nạt nộ, cấm đoán.

Nhắc mới nhớ, thời
chúng tôi (và đương nhiên là của nhiều nhiều các thế hệ trước) đi chơi Tết (gọi
là chơi chứ không là “chúc, tụng” gì cả), lỡ lạc mất nhau thì coi như “xong
phim”, phải mò mẫm tìm nhau hết chỗ này tới chỗ khác, có khi mất cả ngày mà vẫn
“bặt vô âm tín”. Bây giờ, việc đó chỉ diễn ra “trong vòng một nốt nhạc”, nhấc
điện thoại lên, thích hình có hình, thích tiếng có tiếng, thích định vị, có
luôn! Thành thử ra tản mát, không đông vui như trước nữa.
Lũ chúng tôi, vì
thế đi đến nhà nào, khi ra về thì nhà cửa người ta y như B52 rải thảm. Tanh
bành và hao tổn! Dù vậy, ai nấy vẫn tươi cười, vẫn “thanh thản như cày xong
thửa ruộng”. Tuyệt nhiên không ai nghĩ đến chuyện “lì-xì” ai, bởi ai trong túi
cũng chỉ vỏn vẹn mấy ngàn bạc, để dành chơi
cua bầu, chơi bài chòi.
Lại nói về chuyện
mua sắm Tết. Nói là “mua sắm” chứ thực ra có gì đâu mà sắm với mua! Đây là
những thứ đáng lo nhất (đó là tôi nghe ba mạ tôi nói thôi, chứ bọn trẻ con như
chúng tôi thì biết gì và lo gì cơ chứ!): Nếp, thường là tự túc gieo cấy. Thịt
thì chung (nghĩa là 5-7 nhà chung nhau mổ heo, rồi chia, đúng như câu: “Ngoài
cửa bi bô rủ chung thịt” của Nguyễn Khuyến). Cá trong ao, hoặc bắt ngoài đồng,
rồi kho, rồi để dành, có khi tới cả chục ngày. Mứt, ngào. Bánh xoài, đổ. Hạt
hướng dương, rang. Chè, đậu nhà trồng được, chỉ mua đường (nhà khá giả thì
đường hạt vàng, nhà eo hẹp thì đường bánh hay còn gọi là đường “cứt trâu”, được
cái rẻ mà ngọt đáo để!). Hoa là một thứ hàng “xa xỉ phẩm”, hầu hết tự cung tự
cấp. Nào hoa mồng gà, hoa trang, hoa lay ơn, thược dược, hoa đào phai, hoa mai
nhà trồng, thậm chí là hoa vải, hoa giấy, hoa lông gà. Đỡ tốn kém hơn, có nhà
còn chơi cả hoa “trứng”, nghĩa là trứng gà trứng vịt, sau khi đã rất cẩn thận
gõ một đầu, càng nhỏ càng tốt để lấy “lọm”, vỏ đó được đem lồng vào đầu các
cành cây, dãy hàng rào tre. Nhà nào có con gái khéo tay thì mua giấy màu về cắt
lồng đèn, xếp "con rô" làm rèm, trải tấn nilon hoa giữa bàn tiếp
khách, dán họa báo... Ôi những sắc màu, những bức vách huyền thoại...

Tết quê xưa, đại
loại chỉ có thế! Ấy vậy mà lo ơi là lo, quý ơi là quý! Khách đến thì bày ra,
khách chưa về đã đem “cất”, không “xả óa” như bây giờ!
Bấy nhiêu đó cũng
đã mang đến cái Tết đủ đầy, sum vầy và vui vẻ!
Nhắc lại để gợi
nhớ, không e sẽ quên!
Tết cổ truyền trong
tôi là thế đó!
ĐỖ ĐỨC THUẦN