MÙA CHIM ÉN BAY HAY MÙA CỦA NHỮNG YÊU THƯƠNG...
2/5/2019 9:34:14 AM
Mùa xuân, mùa của yêu thương. Mùa xuân, mùa của những kí ức non tơ. Xuân đến còn gợi cho con người ta biết bao kỉ niệm êm đềm của tuổi trẻ, cho ta thêm yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống. Mùa xuân còn là mùa của những cánh én chao nghiêng mang dấu hiệu của bình yên và ngập tràn hy vọng. Tôi lại nhớ đến em - hơi thở của tôi, là bài ca tình yêu cuộc sống - Mùa chim én bay. Chắc cũng bởi “em là cánh én mỏng chao xuống giữa đời anh, cho lòng anh xao động, thành mùa xuân ngọt ngào” hay cũng bởi “én về, én lại xa mùa xuân không ở lại bên em anh gần mãi, nên đời vẫn, đời vẫn xuân trào...”.

Ca khúc Mùa chim én bay của nhạc sĩ Hoàng Hiệp,
lời thơ của nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Tôi nghĩ, đây là một ca khúc dạt dào tình cảm nhất, tha thiết và lãng
mạn nhất khi viết về chủ đề mùa xuân từ
trước đến nay. Nó khiến cho tâm hồn của chúng ta bay
bổng, nhẹ nhàng thanh thoát theo cánh én thần tiên.
Ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn
nhất (Những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước).
Ngay lập tức, gần như các ca sĩ đều đón nhận
bài hát nhưng ấn tượng nhất vẫn là ca sĩ Ngọc Điệp. Vốn là ca sĩ dòng dân ca
cùng với Đình Văn nhưng với bản nhạc này, Ngọc Điệp lại hát rất nhuyễn làm cho
nhiều người ngạc nhiên. Bởi dù kết cấu bài hát rất đơn giản nhưng lại có những
chỗ luyến tới 4 nốt, rất khó cho ca sĩ thể hiện. Ngọc Điệp hát lướt lại rất dân
dã, trong khi đó có nhiều ca sĩ hát đúng học thuật lại không hấp dẫn!
Với Mùa chim én bay, ta
cũng phải nhắc tới tác giả thơ Diệp Minh Tuyền. Ông là người rất tài hoa, sinh
ra ở Mỹ Tho, Tiền Giang trong gia đình trí thức lớn với cha là Diệp Tư, giáo
sư sau này là Hiệu phó Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nghe bài hát mỗi khi mùa xuân về, chúng ta lại nhớ đến một
miền quê thanh bình có cánh đồng lúa ngát hương rợp trời chim én. Nơi đó đang có người ngày đêm mong nhớ, gói
gém yêu thương vào những nụ hôn ngọt ngào thoảng qua làn gió xuân dịu dàng, mơn
man...
“Bên em anh gần mãi, nên đời vẫn, đời vẫn
xuân trào...”.
Tản văn của Đỗ Đức Thuần