Chúng tôi đã sống với nghề qua 4 thời kì
gian nan của đất nước. Một thời đạn bom, một thời hòa bình, một thời bao cấp và
một thời mở cửa hội nhập đầy nguy hiểm, gian khổ, khó khăn, cơ hội và thách thức.
Bạn bè cùng thời có đứa hi sinh ở chiến trường,
có đứa về nơi vĩnh hằng vì những cơn bệnh, có đứa đã nghỉ hưu. Hiện còn sót lại
ở Phòng Giáo dục Đào tạo Lệ Thủy chỉ là đếm trên đầu ngón tay. Tất cả họ đều sống
trọn vẹn với phẩm chất, đạo đức nhà giáo.
Trở lại vấn đề, từ ngày chúng tôi được lên
nhận công tác tại quê hương Kim Thủy, mới đó mà đã trên 10 năm. Hồi đó, cả xã
Kim Thủy chỉ chung một ngôi trường mang tên "Trường TH &THCS Kim Thủy".
Khu trung tâm của trường tọa lạc ở bản Cồn Cùng, cũng chỉ có 2 dãy nhà cấp 4
chia cho 4 trường học và một phòng hiệu bộ tổng hợp (hiệu trưởng, hiệu phó, kế
toán, văn phòng) và một phòng thư viện thiết bị tổng hợp (chủ yếu là sách vở của
các trường bạn trong huyện quyên góp mà có). Thêm 7 điểm trường nữa ở các khu vực
lẻ. Điểm gần nhất trung tâm là 5km, điểm xa nhất là Ho, Mít trên 30km. Địa bàn
dân cư thì thưa thớt trải dài từ Cổ Kiềng (Vĩnh Khê - Quảng Trị) đến Ho Khỉ (Hướng
Lập- huyện Sê Pôn - Lào). Đường sá đi lại thì toàn ổ voi, ổ gà thường bị chia cắt
về mùa mưa do lũ quét. Cơ sở vật chất của trường quá thiếu thốn, dân nghèo đói
có gia đình còn đứt bữa.... Giáo viên ở
các điểm lẻ phải làm luôn công tác dân vận, kế hoạch hóa gia đình. Giáo viên cấp
2 thì giống như ca sĩ chạy xô: dạy tiết
1, tiết 2 ở Cồn Cùng xong thì chạy sang dạy tiết 4, tiết 5 ở Chuôn Bang và ngược
lại (quãng đường từ bản Cồn Cùng đến Chuôn Bang là 15km). Cả Hội đồng sư phạm
có 62 người và chúng tôi chỉ được gặp nhau ở phiên họp hội đồng đầu tháng, khó
khăn cứ chồng lên khó khăn.
Thế mà, chỉ mới 10 năm thôi, 10 năm so với
tuổi đời, tuổi nghề của một con người thì rất ngắn so với lợi ích trăm năm trồng
người, nhưng đã có một sự thay đổi vô cùng lớn. Mười năm mà có đến 3 lần chia
tách trường. Mười năm mà sự tăng trưởng cơ sở vật chất lên đến 35 tỷ.
Mười năm, từ chỗ đội ngũ giáo viên chủ yếu
là Trung cấp, Cao đẳng mà bây giờ có trên 90% là Đại học. 10 năm mà từ trường
không có thành tích gì về danh hiệu thi đua mà bây giờ qua các hội thi thành
tích rực rỡ: về văn hóa, có 2 em đạt giải khuyến khích cá nhân và đồng đội môn
Ngữ văn; về năng khiếu, có em đạt huy chương vàng môn võ karate, có em đạt huy
chương bạc môn bơi lội, huy chương bạc về nhảy xa; về nghiên cứu khoa học, đạt
giải hai đồng đội 2 năm liền kề. Đồng
chí hiệu trưởng Nguyễn Văn Do tham mưu với Đảng ủy, ủy ban và Ban giám hiệu các
trường trên địa bàn xã Kim Thủy tổ chức 2 lần "Tiếng hát khuyến học"
đem về 197.750.000 đồng cho Hội khuyến học xã.

Hình
ảnh trong lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018
Sở dĩ có sự thay đổi nhanh
và thần tốc như vậy trước hết phải nói đến sự quan tâm nhiều mặt của cấp ủy,
chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của đông đảo các thế hệ phụ huynh, sự tận tâm của
đội ngũ cán bộ viên chức. Song không thể không nói đến công lao của đồng chí Hiệu
trưởng Nhà trường - Bí thư Chi bộ- người đã tổ chức đội ngũ thành một khối đoàn
kết, năng động, nhạy bén, biết chớp thời cơ, quan hệ tốt để lôi kéo được nhiều
nguồn lực, nhiều nhà tài trợ, nhiều nhà
hảo tâm để xây dựng cơ sở vật chất, tăng trưởng trang thiết bị, hỗ trợ học sinh
(riêng số tiền, hàng hóa quy thành tiền do các nhà thiện nguyện ỗ trợ đã lên đến
số tiền 2 tỷ đồng) trực tiếp giúp cho học sinh, phụ huynh nghèo ở vùng đặc biệt
khó khăn.
Quỹ thời gian của chúng tôi còn lại không
được bao nhiêu mà ước nguyện, mong muốn thì lớn lắm, nhiều lắm, muốn được nhìn
thấy ngôi trường PTDTBT TH&THCS số 1 Kim Thủy này thành trường chuẩn quốc
gia. Mặc dù sắp có thêm 8 phòng học kiên cố, cao tầng đưa tổng số phòng học
kiên cố lên 20 phòng mặc dù đã có một cơ ngơi bề thế tọa lạc trên một vùng đất
rộng rãi bằng phẳng xanh-sạch-đẹp, mặc
dù các điều kiện cho một trường chuẩn quốc gia đã dần hiện hữu song có lẽ, chúng
tôi đành phải lỗi hẹn và tin tưởng giao phó trọng trách này cho các đồng nghiệp
trẻ.
Lời cuối, chúng tôi xin được nói lời cầu
chúc, lời ước mong tập thể Hội đồng sư phạm
trường PTDTBT TH&THCS số 1 Kim Thủy hãy đoàn kết, đại đoàn kết,
thành công, đại thành công. Hãy yêu nghề như yêu máu thịt sự sống, luôn xứng
đáng là những "kĩ sư tâm hồn", những người kiến tạo, sáng tạo ra những
giá trị nhân văn, nhân bản của giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi đặt trọn vẹn niềm tin và luôn dõi
theo các bạn.
Kim
Thủy quê em!
Kim Thủy quê em thượng nguồn sông Kiến
Giang
Từ Ho Rum đến An Mã, Kổ Kiềng
Rừng núi bao quanh, bản làng ở giữa
Tranh họa đồ thiên tạo tạc nên.
Cư dân quê em phần đa gốc Quảng Trị
Vì mưu sinh nên mới ra đây
Nguyện gắn bó thủy chung sau trước
Cùng dựng xây cho Kim Thủy mạnh giàu.
Anh đến quê em đã mười năm rồi đó
Đất hóa tâm hồn, hồn hóa thi ca
Mai tạm biệt xin gửi hồn ở lại
Để được nhận và chia những tâm huyết cuối đời.
Kim Thủy, ngày 15 tháng 10 năm 2018
Lê Văn Quân






