“Nếu được lựa chọn
lại, bạn có chọn nghề sư phạm hay không”? Không phải đầu tiên tôi được nghe câu hỏi này, ngược lại nó đã rất quen
thuộc với tôi, thậm chí đôi lần tôi cũng tự hỏi chính mình rằng: Nếu được chọn
lại, tôi có chọn nghề sư phạm hay không?
Người ta đã nói không ai tính phí những ước mơ. Và tôi cũng vậy! Ước mơ của tôi được hình thành và lớn lên trong
những lần chơi trò chơi cùng lũ bạn cùng xóm "thuở
còn thơ ngày hai buổi đến trường".
Giấc mơ trở thành một cô giáo nhen nhóm trong tâm hồn tôi từ lúc đang ngồi trên
ghế nhà trường THCS, giấc mơ đó bay cao cùng cánh diều bằng giấy báo bọn tôi
thường thả trong những buổi chiều tan học, giấc mơ ấy nồng nàn trong những câu
ca thường ngân nga trong ca khúc ngày đầu tiên đi học. Ngoái đầu nhìn
lại những năm tháng đã đi qua, lòng chen lẫn niềm bùi ngùi, xốn xang
khó tả. Giữa bao ngã rẽ cuộc đời, tôi đã đi con đường ấy, để hôm nay
chợt thấu ngộ: Nếu được quay về nơi xuất phát, tôi vẫn sẽ chọn con
đường này, lối đi này - lối đi lặng lẽ nhưng đong đầy hơi ấm của
tình nghĩa thầy trò.

Tôi sinh ra trong một gia đình ba mẹ không theo nghiệp giáo. Nhưng
ngay từ khi nuôi nấng chị em tôi đi học, ba mẹ dù vất vả khó nhọc đến mấy cũng
thắt lưng buộc bụng với một ước mơ cháy bỏng là mong muốn các con được trở
thành giáo viên. Và ước mơ theo những giọt mồ hôi của ba – nước mắt của mẹ cũng
đã thấm dần trong tâm thức ba chị em chúng tôi. Đề giờ đây nhìn lại tài sản mà
ba mẹ tạo dựng được là 03 nhà giáo góp sức trong sự nghiệp trồng người.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói“Nghề
giáo viên là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”, quả thật như vậy các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy
người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả
hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Nghề dạy học là một nghề cao quý bởi
lẽ những người giáo viên họ không chỉ truyền thụ cho học sinh những kiến thức
cần thiết cho cuộc sống mà còn dạy học sinh thành người, làm thế nào để trở
thành người có phẩm chất đạo đức tốt, dạy cho học sinh làm những điều hay lẽ
phải, hướng các em tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Mỗi người giáo viên như
con ong chăm chỉ ngày đêm bên trang giáo án cuộc đời, như những người lái đò
thầm lặng chở khách qua sông, họ âm thầm cống hiến, âm thầm tỏa hương, không ồn
ào, phô trương. Và mỗi lần bước qua cổng trường TH số 2 An Thủy, trong tôi đều
cảm nhận một cảm giác bình yên, thân thiết đến kỳ lạ, những lo toan bộn bề của
cuộc sống, những bon chen thường nhật bỏ lại phía sau. Bởi đằng sau cánh cổng
trường tôi là những thầy cô giáo luôn hết mình cống hiến cho đời, làm nhiệm vụ
cao quí của người giáo viên – Dạy người. Là những thầy cô dày dặn kinh nghiệm, tụ hội đủ trí- lực tạo nên
một tập thể đoàn kết cùng chung ý chí góp nhặt những thành công nhỏ để tạo nên
bề dày thành tích cho nhà trường.
Trở
thành giáo viên, không đơn giản như trò chơi cô giáo thuở tôi còn nhỏ, mà là cả
một quá trình phấn đấu miệt mài bằng tất cả lòng say mê. Người giáo viên không
chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn dạy các em thành người trước khi
thành tài. Xã hội phát triển mang lại cho các em học sinh nhiều cơ hội tiếp cận
tri thức nhưng cũng chứa đầy cám dỗ khiến các em đi chệch hướng, nhất là khi
một số chuẩn mực sống đã bị đưa đẩy theo những mặt trái của đời sống hiện đại.
Cho nên chính giáo viên là người dìu dắt các em bước qua những cám dỗ ấy, thắp
sáng ước mơ, chắp cánh cho những hoài bão của bao thế hệ học sinh. Bằng những
việc làm cụ thể như: phụ đạo giúp đỡ các em học sinh yếu kém, hướng dẫn tận
tình cho các em trong học tập và ôn thi, nhắc nhở các em đi học chuyên cần, rèn
luyện nề nếp học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội... Những việc làm đó tuy nhỏ
bé nhưng chúng ta phải làm với tất cả lòng yêu nghề, yêu học sinh tha thiết,
xuất phát từ cái tâm của người dạy chữ. Tôi thực sự ngưỡng mộ với những đồng nghiệp
vì cái nhiệt huyết đam mê yêu nghề, yêu trường, yêu bao thế hệ học sinh luôn
bùng cháy trong suốt bao năm trên bục giảng.
Đến với ngôi trường có truyền thống hiếu
học trên quê hương An Thủy, tôi nhận ra rằng mỗi một cá nhân trong trường là một mảnh ghép nhiều sắc màu và đa tính
cách. Những mảnh ghép đó đã sắp
xếp, gọt rũa kì công để tạo ra một bức tranh hoàn hảo mang tên Trường
Tiểu học số 2 An Thủy. Có được những thành quả tốt đẹp - một bức tranh
hoàn hảo đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể giáo viên, học sinh cùng
sự lãnh chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường. Chính điều đó đã tạo nên
động lực cho những giáo viên trẻ như tôi cần phải năng động tìm tòi, học hỏi
nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để trang bị cho bản thân những kiến thức thật vững
chải để được đồng hành cùng các thầy cô giáo.

Tập thể
nữ công của nhà trường
Và
tôi, là thế hệ cô giáo trẻ, đều đặn ngày 2 buổi đến lớp nguyện hứa rằng vẫn tiếp tục thắp
sáng nhiệt huyết ấy, để hy vọng vẫn tiếp tục cháy mãi truyền thống đẹp của ngôi
trường này.
Thời gian qua, tôi đã sống, đã tha thiết, đã say mê với cái nghề
duyên phận từ trò chơi thuở bé. Có đôi khi gục ngã, tôi tự trách thầm bản thân
liệu mình có đi sai đường? Nhưng tất cả vẫn vẹn nguyên trong tôi tình yêu với
nghề giáo này. Sáu năm đầu tiên tôi bước vào nghề giáo, những khó khăn, bỡ ngỡ
qua đi chỉ còn lại yêu thương, khát vọng và mong ước. Yêu thương và khát vọng
xin giành cho các đồng nghiệp tuyệt vời, cho tất cả học sinh thân yêu mà tôi
luôn vững tin vào sự thành người và thành tài của các em. Mong ước của tôi,
luôn da diết và bền chặt về mái nhà chung mà tôi đã và đang gắn bó bằng một
lòng nhiệt huyết say mê tuyệt diệu, rằng nơi đây sẽ từng phút từng ngày luôn
tràn ngập tiếng cười, luôn chan chứa tình yêu thương. Mong cho mái ấm này luôn
luôn là nơi yêu dấu bình yên cho lớp lớp học sinh, cho những người làm thầy như
tôi luôn được say mê, tha thiết với nghề, với đời, và cho những người đi xa
luôn da diết, hớn hở mỗi khi tìm về …….
Thay cho những gì muốn nói xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các
thầy cô, anh chị em đồng nghiệp – những người thầm lặng với các công trình tri
thức thật vĩ đại. Cho phép tôi mượn câu nói của một nhà hiền
triết - thi hào Tago để kết thúc lời tâm sự: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người
đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế
hệ".
Lê Lan