Vẫn nếp nhà xưa, vẫn chừng ấy bậc thềm, chừng ấy những liếp đá vẹt
mòn rải dưới lối chân đi. Đã hơn 5 năm, cánh võng móc bên cây khế cổ thụ vẫn
còn hững hờ chờ đón Người. Những tảng đá liếp quanh hiên nhà sẽ chẳng còn cơ
hội để thực hiện cái sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình: nâng niu những bước
chân thân quen của người chủ căn nhà này. Sẽ chẳng còn giọng nói sang sảng pha
chút đùa vui hóm hỉnh quê mùa vang lên trong bốn vách nhà gỗ đơn sơ mộc mạc...
Tất cả giờ chỉ còn là hoài niệm. Những câu chuyện về Người trong bỗng chốc lại
hóa thành cổ tích viết lên được giữa đời thực. Một cuộc đời thực đến độ viên
mãn tựa trong giấc mơ!
Nếu đất nước không có chiến tranh, chắc chắn chúng ta sẽ có một
người thầy giáo đáng kính. Thế nhưng, kẻ thù lại không muốn cho cuộc đời của
Người đi theo con đường mà Người đã chọn. Không cho lớp lớp đàn em được nghe
nhiều hơn những giờ giảng về lịch sử nước nhà để dấy lên lòng yêu nước, căm thù
giặc sâu sắc thường trực trong mỗi con người, trong mỗi bờ tre gốc lúa vốn hiền
hậu Việt Nam. Kẻ thù muốn vậy, thì đây, chúng ta đã có một Đại tướng văn
võ song toàn, làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,
đập tan mọi âm mưu cướp nước của bè lũ cướp nước và bán nước. Đứng trước thời
khắc và sứ mệnh của lịch sử, buộc Người phải “Xếp bút nghiên theo việc
kiếm cung”. Tuy nhiên, tận trong sâu thẳm lòng Người, thời gian đứng trên
bục gảng vẫn là những kỉ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất.
Trong khói nhang nghi ngút của nỗi niềm tiếc thương và biết ơn sâu
nặng của lớp lớp các thế hệ hôm nay, ông Võ Đại Hàm, người cháu gọi Đại tướng
bằng ông và là người trong coi, hương hỏa trong ngôi nhà này gần 40 năm qua cho
biết. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khá nhiều tổ chức, cá nhân từ khắp
các nơi trên mọi miền Tổ quốc và quốc tế tìm về viếng thăm, thắp nén nhang thơm
tưởng nhớ vị Đại tướng và cũng là một Nhà giáo vô vàn kính mến!
Sinh thời, Đại tướng thường nhắc nhở: “Mục
tiêu cao nhất của giáo dục là chuẩn bị những người chủ hiện tại, những người
quyết định vận mệnh của đất nước và của bản thân mình”. Vì vậy chúng ta dễ hiểu
sự lựa chọn của Đại tướng: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn làm nghề dạy
học”.
Năm 1938, Người đã thi đỗ ngoại hạng về môn
Kinh tế - Chính trị, Giáo sư người Pháp là Kherian và ông Gaetor Pirou (Đổng lý
văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer) đã bàn bạc để đưa Đại tướng sang Pari học
tập. Nhưng đó không phải là sự lựa chọn của Đại tướng với lý do thật đơn giản “Không
thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”. Sau khi ra trường, Võ
Nguyên Giáp dạy học môn Lịch sử tại trường Thăng Long (Trường tiểu học Thăng Long, theo một số tài liệu,
vào những năm 1935-1938 là một trong những trung tâm vận động thành lập Mặt trận
Dân chủ Đông Dương ở Hà Nội, nơi tuyên truyền giáo dục tư tưởng cách mạng cho học
sinh. Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn Lịch sử tại Trường tư thục
Thăng Long, Hà Nội (nay là Trường Tiểu học Thăng Long), do Hoàng Minh Giám làm
giám đốc nhà trường.).
Thời gian dạy học ở trường
Thăng Long và học Luật, Võ Nguyên Giáp tiếp tục ở trọ nhà giáo sư Đặng Thai
Mai. Ông được học sinh kính trọng và được ca ngợi là dạy giỏi. Một trong những
học trò của ông, Tôn Thất Bình bắt đầu có những ý nghĩ tốt về ông. Ông hoàn
toàn thích hợp với tâm thức của nhà trường mà ai đó đánh giá là nơi vun đắp
tình cảm chống thực dân và nơi diễn ra các cuộc thảo luận về tương lai nước
Việt Nam.
Học sinh ở độ tuổi từ 14 đến 18, chương trình
học của nhà trường tương đương với chương trình của học sinh trung học phổ
thông. Võ Nguyên Giáp sử dụng Lịch sử để đạt được mục tiêu chính trị của mình.
Ông nghĩ rằng dạy môn Lịch sử sẽ giúp ông làm cho học sinh thấm nhuần chủ nghĩa
yêu nước.
Sau này, nhiều học trò cũ vẫn nhớ những buổi dạy
của thầy giáo Giáp. Ông Nguyễn Đình Tú kể lại: “Thầy
Giáp được học sinh thật sự kính trọng. Đó là một người yêu nước vững vàng rất
tận tuỵ, trung thành. Thầy luôn luôn nói cần phải hất cẳng người Pháp. Dĩ nhiên
thầy không bao giờ nói về chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ nói chủ nghĩa quốc gia. Vì
vậy trong mắt chúng tôi khi đó thầy là một nhà yêu nước, chứ chúng tôi không
nghĩ thầy là một người cộng sản”. Võ Nguyên Giáp là một người
cộng sản nhiệt thành đã biến những giờ dạy lịch sử thành một diễn đàn chính
trị.

Thầy Giáp được học sinh thật sự kính trọng. Đó là một người yêu
nước vững vàng rất tận tụy, trung thành.
Thầy giáo Giáp dạy về lịch sử nước Pháp từ năm
1789 đến giữa thế kỷ 19. Ông trình bày vấn đề theo cách riêng của mình. Bắt đầu
buổi học, ông đứng trước lớp nhìn thẳng vào học sinh và nói: “Có rất nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này. Nếu muốn
tìm hiểu các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: Cách
mạng Pháp và Napoleon.”
Người hiện lên trong tâm trí của chúng ta là
một người thầy tâm huyết, giản dị, gần gũi với học sinh. Những người được học
với Thầy là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam. Một số trong số
họ đã từng nói: “Chúng tôi rất thích ông. Ông đã dạy rất hay cho chúng tôi nghe
về cách mạng Pháp. Ông không nói với chúng tôi quan điểm của ông nhưng ông dẫn
lời của Danton bằng giọng sang sảng và say sưa”.
Mặc dù Đại tướng được thế giới biết đến bởi
thiên tài quân sự nhưng hình ảnh vị tướng “văn võ song toàn” còn ghi dấu ấn rõ
nét trong ký ức của người dân Việt Nam với tư cách là nhà giáo dục. Đại tướng
mang cốt cách của một nhà giáo ưu tú và thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo
dục của đất nước. Đại tuớng không khi nào hết lo lắng, trăn trở vì sự nghiệp
giáo dục.
Người nhấn mạnh: “Giáo dục rất quan trọng.
Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi
giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng kém
hơn so với các nước trong khu vực”. Đánh giá thẳng thắn của Người về giáo dục
là một dịp để cán bộ giáo viên nhìn nhận lại trách nhiệm của chúng ta với sự
nghiệp giáo dục của đất nước.
Kỉ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 -
20/11/2018) và cũng là kỉ niệm 5 năm ngày Đại tướng đi xa (04/10/2013 -
04/10/2018), xin thắp một nén tâm nhang thành kính tri ân thầy giáo Võ Nguyên
Giáp! Chúng tôi tự hào vì được là những đồng nghiệp nhỏ của Thầy!
Đỗ
Đức Thuần
(THCS Kiến
Giang - Lệ Thủy - Quảng Bình)