PV: Thưa đ/c Ninh Thị Hòa! Trước hết, xin đồng chí cho biết việc cần thiết phải ban hành Kế hoạch “Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”; thực trạng về số lượng học sinh biết bơi trên địa bàn huyện ta như thế nào?
* Đ/c Ninh Thị Hòa: Lệ Thủy là một địa phương có nhiều hệ thống sông ngòi, ao hồ, lượng nước thay đổi theo mùa; Nơi đây, lũ lụt thiên tai xảy ra thường xuyên đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân; Các xã Vùng Giữa thường bị ngập lụt dài ngày, vùng núi cao thường bị sạt lở, lũ ống, lũ quét, vùng biển các bãi tràn nước chảy xiết mỗi khi trời mưa to…vì thế, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trong học sinh rất cao. Thực tế thì số lượng trẻ em bị đuối nước ở huyện ta, qua hàng năm gia tăng và có nhiều học sinh bị đuối nước hết sức thương tâm.
Trong khi đó, thực trạng biết bơi và phòng tránh đuối nước của trẻ em trên địa bàn huyện ta chiếm tỉ lệ thấp. Qua khảo sát cho thấy:
Đối với học sinh TH: Tỉ lệ học sinh biết bơi chỉ đạt 12,94%. Một số đơn vị tỉ lệ học sinh biết bơi quá thấp - nhất là cụm Quốc lộ, cụm Phía trước
Đối với học sinh THCS: Tỉ lệ học sinh biết bơi đạt 35,6% tập trung vào các trường Vùng Giữa, miền núi và miền biển. Số không biết bơi chiếm tỉ lệ khá cao là 65,4%; mà cũng tập trung chủ yếu ở cụm Quốc lộ, cụm Đường 15 và cụm Phía Trước.
Học sinh biết bơi chủ yếu được gia đình dạy cho con em họ. Số lượng học sinh học bơi tại các Câu lạc bộ bơi lội chiếm tỉ lệ thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ HS biết bơi thấp, nhưng chủ yếu là các em không có điều kiện tập bơi ở sông, suối, biển như những thế hệ học sinh trước đây. Điều kiện để tập bơi cho học sinh không có, nhất là về bể bơi và thời gian các em tập bơi hạn chế vì Tiểu học 100% các em học 2 buổi/ngày; Chương trình bơi lội thì chưa được nhà trường thực hiện thường xuyên; phụ huynh học sinh thì đa số chưa quan tâm về an toàn đuối nước; các cấp chính quyền hầu như chưa đầu tư CSVC và phát động phong trào bơi lội trong nhân dân...
Chính vì thế, việc ban hành Kế hoạch Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông là vô cùng cần thiết và cấp bách; Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước. Kế hoạch này của huyện, chủ yếu là triển khai ở các trường TH và THCS, nhằm xây dựng nền tảng bơi lội cho học sinh, để khi các em học lên PTTH thì không có hiện tượng học sinh không biết bơi.
PV: Xin đồng chí cho biết thêm về tình hình đội ngũ GV dạy bơi và phòng tránh đuối nước; Cơ sở vật chất, tài liệu chương trình giảng dạy cho việc dạy bơi, học bơi của huyện ta hiện nay như thế nào?
Đ/c NTH: Về đội ngũ, đối với các trường TH và THCS thì đa số các trường không thể tổ chức dạy bơi cho học sinh một cách bài bản và thường xuyên một phần là do thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên có thể dạy bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh còn rất ít. Trên địa bàn huyện Lệ Thủy số lượng GV Thể dục được đào tạo chuyên ngành bơi lội chiếm tỉ lệ thấp. Cụ thể: Cấp TH: 10/62 GV, đạt tỷ lệ 16,13%, Cấp THCS: 5/47 GV đạt tỷ lệ 10,6%, có 7 GV Thể dục chưa biết bơi.
Như vậy, số giáo viên không được đào tạo chuyên ngành bơi lội là 89/109 GV chiếm tỉ lệ khá cao là 81,6%, vẫn còn 20 giáo viên TD không có khả năng dạy bơi. Trong khi đó các lớp tập huấn cho GV về dạy bơi và cứu nạn cứu hộ hình như chưa có.
Về CSVC, thiết bị dạy bơi và phòng tránh đuối nước trên địa bàn huyện ta còn rất hạn chế, quy hoạch mặt bằng để xây bể bơi các xã, thị trấn chưa có, kinh phí xây dựng bể bơi gặp khó khăn.
Hiện tại, số lượng bể bơi trên địa bàn huyện Lệ Thủy chỉ có 02 cái (bể bơi TTVHTT-TT và bể bơi ở Khu vui chơi giải trí Thế hệ mới).
Số lượng bể bơi mi ni, bể bơi di động, bể bơi tự tạo chưa có. Trang thiết bị dạy bơi trong các nhà trường như phao cứu sinh, áo phao, áo quần dạy bơi, học bơi,... còn thiếu hoặc chưa được trang bị.
Về chương trình và các tài liệu phục vụ dạy bơi thì lâu nay trong các nhà trường trên địa bàn huyện ta bơi lội chỉ được xem là các môn năng khiếu, ngoại khóa và được dạy cho trẻ khi tham gia các khóa học ngoài nhà trường. Do đó chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học và THCS chưa được ban hành. Tài liệu về dạy bơi, tập bơi ở các trường học còn ít, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng chống đuối nước và phổ cập bơi lội trên địa bàn huyện.
PV. Trước tình hình đó, thì mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch “Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” của huyện ta như thế nào, xin đồng chí cho biết một cách tổng quát?
Đ/c Ninh Thị Hòa:
Về mục tiêu phấn đấu:
Trong giai đoạn 2016 - 2020.
Về phòng chống đuối nước: Từ năm học 2016-2017, 100% số trường, 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được giáo dục về phòng chống đuối nước;
Về phổ cập bơi (Nghĩa là: Đối với cấp tiểu học có 90% số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 của đơn vị biết bơi; Đối với cấp Trung học cơ sở có 95% số học sinh của đơn vị biết bơi):
Đến đầu năm học 2020-2021: có 15 xã, thị trấn phổ cập bơi cho học sinh. Các xã, thị trấn còn lại có tối thiểu 50% học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 biết bơi.
Phấn đấu cuối năm 2020 có 10% trường TH và THCS có bể bơi theo TCVN hiện hành. Các xã (thị trấn) còn lại có ít nhất 01 bể bơi tự tạo an toàn.
Trong giai đoạn 2020 – 2025: Phấn đấu đến đầu năm học 2021-2022 có 22 xã, thị trấn phổ cập bơi cho học sinh; và đầu năm học 2022-2023 có 25 xã, thị trấn phổ cập bơi cho học sinh; đến đầu năm học 2024-2025 có 100% số xã, thị trấn phổ cập bơi cho học sinh; 100% học sinh sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 96% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; đến năm 2025 có trên 25% các trường TH và THCS có bể bơi theo TCVN hiện hành, các đơn vị còn lại đều có bể bơi tự tạo an toàn.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện về thực hiện các biện pháp để kiểm soát, hạn chế được tình trạng tai nạn đuối nước, nhằm tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn cho học sinh; giáo dục học sinh nắm chắc các kỹ năng, kỹ thuật bơi an toàn, khả năng sống sót trong môi trường nước.
Môn bơi lội được phổ cập rộng rãi như một môn học trong nhà trường, nhằm trang bị cho học sinh những kĩ năng sống sót khi gặp trường hợp nguy cấp trong môi trường nước. Hoàn thành phổ cập bơi cho 100% đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Về giải pháp, cần tập trung vào 5 giải pháp cơ bản, đó là:
Thứ nhất là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu trưởng các trường về Chương trình bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Thứ hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình và cộng đồng về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, kĩ năng sống sót trong môi trường nước.
Thứ ba là: Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Thể dục và các lực lượng tham gia về phương pháp dạy bơi và năng lực cứu hộ, cứu nạn. Triển khai nghiêm túc chương trình phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn trong các trường học
Thứ tư là: Tích cực đầu tư tăng trưởng CSVC, thiết bị phục vụ đảm bảo dạy bơi an toàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực phục vụ dạy bơi an toàn và phòng tránh đuối cho học sinh
Thứ năm là: Đưa tỉ lệ phổ cập bơi an toàn và phòng chống cứu đuối vào tiêu chí thi đua cuối năm, đánh giá trường học an toàn, trường học thân thiện, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Mỗi cấp học xây dựng một đơn vị điển hình để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích và sáng tạo trong huấn luyện bơi an toàn và phòng tránh đuối nước. Bên cạnh đó, đưa việc thực hiện Kế hoạch này vào việc đánh giá chất lượng công tác của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
PV: Thưa đồng chí Hoàng Gia! Để đẩy mạnh công tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình và cộng đồng về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, phổ cập bơi cho học sinh PT Lệ Thủy, xin đ/c cho biết Đài TT-TH Lệ Thủy sẽ làm gì để tuyên truyền có hiệu quả Kế hoạch này trong thời gian tới?
Đ/c Hoàng Gia: Chủ trương “Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” của huyện ta là thiết thực, cụ thể và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, muốn chủ trương này trở thành hiện thực các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và nhất là các trường học và phụ huynh học sinh phải biết và đồng tình để thực hiện Kế hoạch này có hiệu quả.
Với chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của mình, bắt đầu từ tháng 02/2017, ngoài việc tuyên truyền thường xuyên Kế hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên Đài PTTH Quảng Bình, các báo Trung ương, địa phương, trên các Trang thông tin điện tử v.v... Đài TT-TH phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện mở Chuyên mục “Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh Lệ Thủy” với các nội dung sau:
Tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng về Kế hoạch số 23/QĐ-UBND ngày 04/01/2016 của UBND huyện Lệ Thủy về việc Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Biểu dương các đơn vị, địa phương triển khai tốt Kế hoạch và đặc biệt là các trường học, các xã, thị trấn huy động tốt các nguồn lực XHH để xây dựng bể bơi cho học sinh. Bên cạnh đó, Đài sẽ uyên truyền một số nội dung khác có liên quan đến công tác phòng chống đuối nước, về tổ chức dạy - học bơi lội diễn ra trên địa bàn huyện.
Thời lượng mỗi Chuyên mục là từ 10 đến 15 phút. Thời gian phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở: mỗi tháng Đài chúng tôi có 02 chuyên mục; Mỗi chuyên mục được phát vào 03 buổi: Chiều thứ 2 và sáng, trưa ngày thứ 3 của tuần đầu tiên và tuần thứ ba trong tháng.
Như chúng ta đã biết, Lệ Thủy là vùng đất từng sản sinh ra nhiều tài năng bơi lội, tham gia thi đấu đạt thành tích cao trên các đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế. Việc tổ chức dạy bơi để phổ cập bơi lội không những giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe, phòng chống đuối nước cho các em, mà còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài, để cung cấp cho đất nước nhiều vận động viên bơi lội tài năng, tham gia thi đấu đạt thành tích cao, làm rạng danh cho mảnh đất Lệ Thủy của chúng ta.
Trên tinh thần đó, Đài TT-TH huyện rất mong nhận được sự chỉ đạo của UBND huyện, sự phối hợp kịp thời của Phòng GD-ĐT và các ban ngành, đoàn thể của huyện, sự cộng tác thường xuyên, tích cực của các bạn CTV để có những tin, bài và phóng sự phản ánh kịp thời về việc phòng chống đuối nước,về công tác phổ cập bơi cho học sinh Lệ Thủy, làm cho chuyên mục này của Đài chúng tôi ngày càng thêm phong phú, bổ ích và đạt hiệu quả cao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Ninh Thị Hòa và Đ/c Hoàng Gia đã tham gia cuộc phóng vấn này của chúng tôi.