
Nữ đoàn viên Nguyễn Thị Thanh (đứng đầu, bên phải) cùng
các đồng nghiệp
Tốt
nghiệp Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Bình môn Sinh học năm 2008, cô giáo Nguyễn
Thị Thanh nhận công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy. Ngay
từ buổi đầu ra trường, lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những
kiến thức tiếp thu được ở giảng đường sư phạm và thực tiễn cuộc sống, cô đã
giành hết cho những cô cậu học trò ngoan ngoãn, thân thương nhưng còn nhiều
thiếu thốn ở vùng biên giới Lâm Thủy. Cô giáo trẻ ngày đó luôn chịu khó học
hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, luôn tự trau dồi kiến thức và trình độ
chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy tri thức để nâng cao chất lượng dạy và học cho
học sinh. Từ những nỗ lực trong trong công việc và công tác vận động học sinh
đến trường cô Nguyễn Thị Thanh được Ban giám hiệu trường tin tưởng, giao nhiệm
vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 8. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của
nhà trường, nhằm tiến kịp với các đơn vị thuận lợi, xóa dần khoảng cách vùng
miền trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Được sự
giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp có nhiều kinh
nghiệm trong công tác chỉ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô đã vượt qua được
những áp lực của chính bản thân, khắc phục mọi khó khăn, tự rèn, tự nghiên cứu
tài liệu, thường xuyên cập nhật kiến thức để làm phong phú thêm cho mỗi bài
giảng. Cô tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất đối với em bước đầu đã biết được con
đường đến với học sinh giỏi và dạy học sinh giỏi có kết quả”. Cùng với truyền
đạt kiến thức, cô luôn động viên khích lệ học sinh, truyền cho các em sự say mê
học tập, tìm các giải pháp thích hợp đem lại chất lượng cao nhất, giữ vững
thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, đáp ứng được sự kỳ vọng của bà con các bản
làng Vân Kiều.
Trong
công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ngoài sự say mê, cô Nguyễn Thị Thanh phải hy
sinh rất nhiều về thời gian, gác lại nhiều công việc gia đình và những lo toan
của cuộc sống để có thể quan tâm, chăm lo cho các em. Nhiều giáo viên nói vui
rằng, cô Nguyễn Thị Thanh xứng đáng nhận 2 kỷ lục đó là: kỷ lục giáo viên bồi
dưỡng 03 năm liên tục có giải đồng đội tại vùng đặc biệt khó khăn và kỷ lục về
cán bộ đoàn tham gia gắn bó lâu năm nhất so với các giáo viên nữ. Có lẽ, cái
cốt yếu nhất để làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là học sinh phải nắm
được kiến thức cơ bản của nội dung chương trình học chính khoá, sau đó mới tiến
dần tới chương trình chuyên đề, nâng cao, vì thế cô Thanh luôn chú trọng tới
từng tiết học. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đúng đối tượng học sinh là một khâu
rất quan trọng, ngoài tố chất thông minh còn phải cần tới sự chịu khó và có
niềm đam mê lớn với môn Sinh học. Sau khi đã chọn lựa được đối tượng học sinh
qua một số bài khảo sát, cần phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hết sức tỉ mỉ,
chu đáo, hướng dẫn các em cách tìm tài liệu, tìm những bài tập hay.
Khi
được hỏi về cô, thầy Nguyễn Thanh Hiển - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS
Lâm Thủy nhận xét: “Cô Nguyễn Thị Thanh tấm gương về sự tâm
huyết với nghề, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm, hết
lòng vì học sinh". Với những thành tích xuất sắc đạt được, cô Nguyễn Thị Thanh
nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và giấy khen của UBND
xã Lâm Thủy. Phần thưởng lớn nhất đó là sự quý mến, yêu thương của đồng nghiệp
và các em học sinh nhà trường.
Ngô
Mậu Tình