Mai
vàng xứ Lệ
Hàng năm cứ cuối tháng 11 âm lịch trở đi thì không khí Tết
dường như đã thấp thoáng trong cái tiết trời, cây cỏ và trong sinh hoạt thường
nhật của người dân nơi đây. Những bồn hoa chậu cảnh được tỉa vẽ, thổi hồn của
chủ nhà vào cây là nét văn hóa mới của người dân xứ Lệ. Họ chăm chút cây cẩn
thận, tỉ mỉ, nâng niu như con người. Vui Xuân trở thành những ngày dài thưởng
thức vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên cùng với cỏ cây, đất trời và tình người.
Vào mấy ngày này, những ánh nắng ấm bất chợt xuất hiện làm cho nàng Xuân thẹn
thùng, ửng hồng, ấm áp.
Dường như có một cái gì đó thật khác lạ, đó là mùi Tết. Nó
phảng phất đâu đó trong hương sắc của trời đất và lòng người, cái se se lạnh
vào lúc chiều tối hay quyện giữa đám sương mù bảng lãng giăng mắc bên lũy tre
làng. Trời chuyển tiết dường như cũng bất ngờ hơn, lúc thì chậm
chậm, lúc thì xôn xao tình tự. Tối đến se lạnh nỗi hoài niệm về năm cũ sắp qua
thấy hai vành tai hoặc hai bàn chân, bàn tay mình tự nhiên nóng ran lên thì
sáng mai thời tiết sẽ ấm nồng tình đất và cây. Con người trước Xuân lưng lưng
hạnh phúc như thiếu nữ bên ché rượu cần. Đó chính là Xuân hạnh phúc đang về.
Năm nào cũng vậy cứ đến ngày cuối năm, để hiểu phần nào việc
người dân đón tết chỉ cần ghé thăm các chợ Tréo, chợ Trạm, chợ Tuy Lộc, chợ Mỹ
Đức... câu chuyện bão lụt, chuyện khủng hoảng kinh tế thế giới, chuyện ồn ào
thị phi nơi phố chợ được nhường lại cho niềm vui vì cơn bão giá không hoành hành
như một số tết. Người dân an tâm vui mừng trong phiên chợ ngày tết. Những ngày
này các chợ nhộn nhịp, sôi động tuyệt nhiên không ầm ỉ. Các mặt hàng chợ tết đa
dạng, nổi bật nhất vẫn là hoa với những cành mai vàng, hoa hồng, hoa cúc. Các
hàng gạo, hàng chuối, hàng mắm, hàng giút - đặc trưng của quê hương - thật tưng
bừng rộn rã.
Chợ
quê xứ Lệ
Đến với người dân quê Phú Thủy, Thái Thủy, Tân Thủy, Văn
Thủy, Trường Thủy, Sen Thủy.... vẫn còn tập quán, người nhà mổ lợn chia thịt
tết cho anh em, bạn bè, biếu ông bà, cha mẹ. Mấy ngày này mọi người bắt đầu gói
bánh tét, bánh chưng, làm mứt... Người Lệ Thủy thích nhất mứt gừng,
trong Nam lát mứt to, trắng tinh nhưng không cay và lại có mùi hăng
hăng. Mứt gừng Lệ Thủy lát nhỏ hơn, màu đậm và rất cay. Ăn mứt gừng uống nước
trà vào sáng sớm những hôm trời lạnh thú vị khó tả. Rất sớm, tầm 4 - 5 giờ
sáng, ngồi co ro trên ghế, vai choàng cái chăn, nhấm nháp lát mứt gừng cay nồng
và nhấp miếng nước trà nóng, đậm chát, vừa nghe gió lạnh thổi sàn sạt ngoài
sân…Thế cũng thấy mọi lẽ của cuộc đời trong niềm hạnh phúc của nhân sinh!
Mứt
gừng ngày Tết
Sau thời khắc giao thừa, gia đình lại quây quần bên nhau trò
chuyện. Sáng mùng Một Tết, thật khác với ngày thường. Trước 8 giờ sáng, ngoài
đường chỉ lác đác bóng người, không ồn ào xe cộ. Người Lệ Thủy kiêng thăm nhau
vào sáng sớm ngày mùng Một, sợ mình là người đầu tiên "đạp đất" nhà người
ta. Người Lệ Thủy dành trọn ngày mùng một Tết để đi thăm bà con, viếng tổ tiên
ông bà. Trong gia đình phải luôn có người lớn ở nhà để tiếp khách. Ba ngày Tết
bận rộn nhất là ngày Mùng Hai, ngày dành để thăm viếng bạn bè, hàn huyên chuyện
Tết với nhau. Mùng Ba Tết được coi là ngày để thăm hết những người đáng thăm mà
chưa đi được. Trước khi hết Tết, ngày mùng Ba, không khí Tết loãng dần, đã bắt
đầu lo chuyện đi làm, đi mua bán trở lại. Tùy vào gia cảnh từng nhà người Lệ
Thủy chọn mùng Ba, hoặc ngày mùng Bốn, thậm chí có gia đình chọn ngày mùng Sáu,
mùng Tám cúng đưa ông bà, thường vào buổi chiều, đốt đồ giấy xong là coi như
hết Tết, nhịp sống trở lại bình thường. Tết Lệ Thủy không giàu sang như
miền Nam, không đài các như miền Bắc, nhưng còn mênh mang không khí Tết cổ
truyền dân tộc nhiều lắm. Đó là điệu hồn, văn hóa truyền thống của người dân xứ
Lệ!
Mùa xuân là bản tình ca hòa điệu giữa con người, trời đất và
vạn vật. Mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để người Việt trở về với cội
nguồn dân tộc để thiết tha lòng mình khi thấy Mùa xuân mơ ước đang đến, thấy
giọt sương mát lành đang long lanh trong trời biếc. Mốc thời gian quan trọng
của mùa xuân là giây phút giao thừa. Làm sao chúng ta có thể diễn tả hết nỗi
xúc động trong khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm cũ và năm mới, cả gia
đình ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau. Mùa xuân đã thực sự về trên
mọi nẻo đường quê hương Lệ Thủy. Xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn
ngày xuân đến, xuân xuân ơi, xuân đã về. Kính chút giao thừa mừng đón mùa xuân!
Ngô Mậu Tình