1. Hôm rồi, lên facebook với những người bạn kết nối “Lệ Thủy
quê tôi” từ mọi nẻo đường xa ngái của Tổ quốc. Nhiều người hỏi tôi về không khí
chuẩn bị Tết ở quê nhà. Quê mình vẫn vậy, Tết đến với không khí rộn rã Mừng
Đảng, Mừng Xuân. Khi tôi hỏi Tết của người Lệ Thủy nơi “đất khách quê người” ra
sao. Mọi người đều nói rất nhớ quê, nhớ nhà vì vậy họ nhờ người thân gửi cho
bằng được món mắm cá đô (cá tràu), món zút (làm từ tép đồng), món cải cay
muối…Tết không về quê được song những món ăn ấy giúp người Lệ Thủy như sống tại
chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.
Tết năm nay, cũng theo các bạn trên facebook, hội đồng hương
Lệ Thủy sẽ tập trung lại ở mỗi nơi sinh sống nhất định chúc Tết nhau và cùng hò
khoan Lệ Thủy. Những hàng quán, nơi phòng trọ, các khu định cư người Lệ Thủy
lại dập dìu điệu hò khoan. Ai chưa hò được lại ghé vào Hokhoanlethuy.edu.vn để
nghe và tập hò, tập xố.
Ôi! Một nét mới đón Tết của người Lệ Thủy xa quê!
2. Dường như có một cái gì đó thật khác lạ, đó là mùi
Tết. Nó phảng phất đâu đó trong hương sắc của trời đất và lòng người, cái se se
lạnh vào lúc chiều tối hay quyện giữa đám sương mù bảng lãng giăng mắc bên lũy
tre làng. Trời chuyển tiết dường như cũng bất ngờ hơn, lúc thì chậm
chậm, lúc thì xôn xao tình tự. Con người trước Xuân lâng lâng hạnh phúc như
thiếu nữ bên ché rượu cần. Đó chính là Xuân hạnh phúc đang về.
Tôi còn nhớ rõ, cứ gần Tết, mỗi đêm bọn trẻ con chúng tôi
kiên nhẫn chầu rìa bên cạnh những nồi mứt gừng, để mong bố mẹ cho hưởng lộc
Xuân : đó dẫu là một chút mứt vụn hoặc chút đường đóng dưới đáy thau, miệng
xuýt xoa: “Chao ôi, ngon quá sao mà ngon!”… Đến đêm 29, 30 tháng Chạp cả nhà
quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng đùng đùng lửa cháy. Không khí mới thật
ấm áp làm sao!
Sau thời khắc giao thừa, gia đình lại quây quần bên nhau trò
chuyện. Sáng mùng Một Tết, thật khác với ngày thường. Trước 8 giờ sáng, ngoài
đường chỉ lác đác bóng người, không ồn ào xe cộ. Người Lệ Thủy kiêng thăm nhau
vào sáng sớm ngày mùng Một, sợ mình là người đầu tiên "đạp đất" nhà
người ta. Người Lệ Thủy dành trọn ngày mùng một Tết để đi thăm cha mẹ, thắp
hương nhà tổ, thăm bà con nội ngoại. Trong gia đình phải luôn có người lớn
ở nhà để tiếp khách. Ba ngày Tết bận rộn nhất là ngày Mùng Hai, ngày dành để
thăm viếng bạn bè, hàn huyên chuyện Tết với nhau. Mùng Ba Tết được coi là ngày
để thăm hết những người đáng thăm mà chưa đi được. Trước khi hết Tết, ngày mùng
Ba, không khí Tết loãng dần, đã bắt đầu lo chuyện đi làm, đi mua bán trở lại.
Tùy vào gia cảnh từng nhà người Lệ Thủy chọn mùng Ba, hoặc ngày mùng Bốn, thậm
chí có gia đình chọn ngày mùng Sáu, mùng Tám cúng đưa ông bà, thường vào buổi
chiều, đốt đồ giấy xong, bỏ màn nơi bàn thờ xuống là coi như hết Tết, nhịp
sống trở lại bình thường. Tết Lệ Thủy không giàu sang như miền Nam, không
đài các như miền Bắc, nhưng còn mênh mang không khí Tết cổ truyền dân tộc nhiều
lắm. Đó là điệu hồn, văn hóa truyền thống của người dân xứ Lệ!
3. Mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để người Việt
trở về với cội nguồn dân tộc, để thiết tha lòng mình khi thấy Mùa xuân mơ ước
đang đến, thấy giọt sương mát lành đang long lanh trong trời biếc. Mốc thời
gian quan trọng của mùa xuân là giây phút giao thừa. Làm sao chúng ta có thể
diễn tả hết nỗi xúc động trong khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm cũ và năm
mới, cả gia đình ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau!
Ngô Mậu Tình