Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 534
Số lượt truy cập: 72761463

Quảng cáo
GIÁO DỤC HỒNG THỦY VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ THÚC ĐẨY HỌC TẬP SUỐT ĐỜI 10/8/2020 2:56:36 PM
Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”, nhiều địa phương trong địa bàn huyện Lệ Thủy đã tổ chức các cuộc phát động hưởng ứng rất có ý nghĩa. Trong đó có xã Hồng Thủy. Chủ đề học tập suốt đời năm nay, một lần nữa là cơ hội khiến những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhìn lại vai trò, thực trạng và giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số khi dạy học và giáo dục. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang đứng trước thách thức phải đổi mới, học tập và thích ứng không ngừng với những biến đổi của khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Vì vậy, nếu không ngừng trao đổi, học tập, giao lưu để theo kịp thời đại thì chắc chắn sẽ bị lạc hậu, bị tụt lại phía sau.

1. Vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục

Thuật ngữ chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội đang làm thay đổi căn bản và toàn diện cách con người sinh sống, làm việc, giao tiếp với nhau. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.  

Trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo (GDĐT), chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; tăng khả năng tự học, cá nhân hóa việc học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy học sẽ giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. Kiến thức đa dạng, phong phú và được cập nhật thường xuyên thông qua các ứng dụng, hệ thống, phần mềm sẽ tạo không gian và thời gian học tập rộng rãi và linh hoạt cho mọi người. Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số. Khi nền giáo dục hiện đại nhận được sự hỗ trợ của công nghệ sẽ mở rộng các giới hạn và có xu hướng hướng ra toàn cầu. Từ đó, kích thích người học liên tục kết nối với những ý tưởng mới lạ ở những địa điểm mới; trải nghiệm học tập mới, làm người học tự nhiên hình thành năng lực thay đổi bản thân, thay đổi và kết nối cộng đồng từ gần đến xa và ngày càng sâu rộng.

2. Thực trạng của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo hiện nay ở địa bàn xã Hồng Thủy như thế nào ?

Chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn xã xác định ứng dụng CNTT là một trong chín nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Do đó, đã triển khai nhiều hoạt động cần thiết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này như: củng cố trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị công nghệ phục vụ giảng dạy của giáo viên; bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong đội ngũ;  quản lí nhân sự, học sinh thông qua các nền tảng số, tiến dần đến số hóa thông tin dữ liệu; bảo trì và phát triển cổng thông tin điện tử tốt; cập nhật thường xuyên, phát triển các thư viện số hay hệ thống quản lý tài liệu tập trung để lưu trữ chương trình, giáo trình, giáo án, học liệu và tài liệu nghiên cứu.

Trong dạy học, giáo viên tích cực khai thác CNTT cho việc giảng dạy; trực tiếp tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số của ngành; đóng góp lên Trường học kết nối, số hóa hàng loạt bài giảng điện tử E-learning có chất lượng, tạo ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, đề thi qua các website từ trung ương đến đơn vị cơ sở. Hoạt động dạy học trực tuyến đã triển khai khá cơ bản, bước đầu đạt được yêu cầu trong những tình huống khẩn cấp (cụ thể là hoạt động dạy trực tuyến của trường THCS trong điều kiện tạm ngừng đến trường của học sinh do dịch bệnh Covid 19 hồi đầu năm 2020 vừa qua).

Tuy vậy, chuyển đổi số trong ngành giáo dục đào tạo ở địa bàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện, cụ thể như sau:

- Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in…), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh,  còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số.

- Việc xây dựng, cập nhật học liệu, dữ liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng quản lí thiết bị, đồ dùng..vv) còn mang tính hình thức, chưa thực sự tận dụng được tính hiệu quả và hợp lí của CNTT.

- Hệ thống cơ sở để thực hiện các chương trình học trực tuyến còn manh mún, mang tính thời vụ, chủ yếu nhằm ứng phó nhanh với các tình huống khẩn cấp. Do vậy thời lượng học, chương trình học, các hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến, quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng chưa được quy định rõ ràng và chưa có sự chuẩn bị chủ động, kĩ lưỡng, dài hạn.

3. Một số giải pháp chung thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo

Từ việc phân tích các yếu tố tác động, các khó khăn hạn chế ở trên, trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trên địa bàn, không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, cần tập trung triển khai một số nội dung cụ thể sau:

3.1. Về phía địa phương, nhà trường:

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực, phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho con em địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.

- Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu) gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa đơn vị trên địa bàn xã và huyện, tỉnh.

- Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, học sinh.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo những kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số.

3.2. Về phía người dạy:

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục. Mỗi cán bộ giáo viên cần thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT, hiểu biết về các nền tảng số, kĩ thuật sử dụng khai thác thông tin dữ liệu trên internet để phục vụ tốt nhất cho việc dạy học và giáo dục, đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số.

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng các hình thức phương pháp mới, hiện đại, khoa học trong dạy học và giáo dục học sinh. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương tiên phong trong khai thác, sử dụng, đồng thời hướng dẫn kĩ năng và nhận thức cho người học tự tiếp cận với tài nguyên kiến thức sẵn có trên không gian mạng.

3.2.  Về phía người học:

- Học tập và trau dồi kĩ năng khai thác CNTT, dấn thân vào các hoạt động trải nghiệm học tập khác nhau trên cơ sở hợp tác lẫn nhau giữa các cá nhân và các nhóm nhằm nâng cao hiệu quả học tập của bản thân.

- Nhận thực được vai trò và lợi ích của CNTT, nền tảng số cho việc học tập của bản thân. Hiểu được rằng việc học tập tự nguyện sẽ là yếu tố cốt lõi trong quá trình học tập. Việc học sẽ không còn là điều gì đó mang tính cưỡng ép, một niềm đau hay một sự thống khổ, nó là sự mong muốn nội tại tự nhiên, là niềm vui và là một phần trong cuộc sống của mọi người. Do vậy, cần chủ động học hỏi và tiếp cận với các nguồn tri thức khác nhau, bao gồm cả trên nền tảng số.

4. Tóm lại, chuyển đổi số tạo ra vô số các cơ hội mở cho giáo dục, học tập. Khi có được sự vận hành, phối hợp giữa xã hội – nhà trường – người dạy – người học trong công cuộc này, sẽ thực sự tạo ra được sự thay đổi toàn diện và hướng đến một nền giáo dục kết hợp truyền thống và công nghệ; hỗ trợ đắc lực cho con người được sống và học tập suốt đời với vịệc coi sự học là một nhu cầu tự thân, tự nhiên, hài hòa với sự phát triển mau chóng của công nghệ. Hi vọng rằng, sau đợt phát động này, mỗi chúng ta sẽ nâng cao ý thức của mình, cùng nhau đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục, tiến tới thâm nhập vào kỉ nguyên số hóa đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu với đích đến là ngày một hoàn thiện con người, đem lại sự thay đổi và bộ mặt mới cho nền giáo dục ở địa phương.

Lê Cẩm Phương

2210cp01.jpg

2210cp02.jpg

2210cp03.jpg

2210cp04.jpg

2210cp05.jpg

2210cp06.jpg

2210cp07.jpg

2210cp08.jpg

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com