Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 131
Số lượt truy cập: 62517031

Quảng cáo
HÀNH TRÌNH MANG CON CHỮ ĐẾN VỚI CÁC EM VÙNG DÂN TỘC HIỂU SỐ BRU-VÂN KIỀU 11/24/2023 10:54:03 AM
Tôi tên là Hồ Thị Vui, hiện đang là giáo viên, công tác tại trường Mầm non Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình. Trường của tôi công tác thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện với địa hình phức tạp và hiểm trở khi phải đi qua nhiều khe suối, những vách núi, hay những con dốc ngoằn ngoèo. Trường của tôi có 7 điểm, mỗi điểm cách xa nhau hàng chục cây số với những lớp học mà trong đó có đủ các độ tuổi ngồi chung một lớp.

MNKIMTHUY.jpg 

Tôi mang trong mình dòng máu người dân tộc Bru - Vân Kiều, là cô giáo mang họ Hồ, tôi đã trải qua cuộc sống khổ cực khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ba mất sớm một mình mẹ nuôi bốn chị em nên người, cuộc sống lúc ấy như một đám mây đen bao trùm và không lối thoát, mẹ tôi một nguời phụ nữ không biết đến con chữ nên khi chúng tôi được đến trường mẹ luôn cố gắng chu toàn mọi thứ để con được đến trường được biết đến con chữ. Bằng sự cố gắng của bản thân hôm nay tôi là một cô giáo bản, tôi khát khao cháy bỏng mang con chữ đến với các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều.

Năm nay, tôi đã mạnh dạn xung phong tình nguyện giảng dạy tại điểm trường An Bai và được nhà trường nhất trí, một điểm trường cách điểm trung tâm vài chục cây số, đường sá đi lại khó khăn, phải trải qua nhiều khe suối hiểm trở. Ngày đầu tiên đến với bản, tôi tưởng chừng như bị say xe máy vì đường ngoằn ngoèo, lúc thì xuống dốc dài ngun ngút, lúc thì lên dốc cao chót vót, tôi ngồi sau chị đồng nghiệp mà người run lẩy bẩy. Nhiều lần tôi bảo chị đồng nghiệp dừng xe lại vì tôi sợ. Tôi chắc chắn rằng: nếu ai đến đây lần đầu chắc hẳn sẽ có kỷ niệm khó quên. Đó là hết hồn hết vía với con đuờng đến bản và chắc là trong suy nghĩ không giám đến đây lần hai. Tôi cũng như vậy, tôi tưởng chừng như nhụt chí. Tôi cảm thấy sợ, cảm thấy lo, phía trước là khát khao mang con chữ cho các em vùng đồng bào, còn phía sau là gia đình, nhiều đêm trằn trọc đấu tranh với chính bản thân mình và tôi quyết tâm cắm bản, tôi cảm nhận được sự thiếu thốn khó khăn và sự thiệt thòi của các em nhỏ, bởi bản thân tôi cũng đã từng như thế.

Bản An Bai gồm có hai xóm nhỏ lẻ một xóm bên kia khe với một vài hộ dân sinh sống. Mùa mưa đến làng bị chia cắt người đồng bào lại thiếu lương thực vì không lên rẫy để bẻ củ khoai củ sắn được, các con lại phải nghĩ học ở nhà vì nước to chảy xiết, nhiều lần phụ huynh còn gắng đưa con đi học bằng xì (lốp xe máy) rất nguy hiểm những lần như vậy tính mạng của các em đặt hết vào thiên nhiên sông nước, tôi thấy mà thương lắm.

Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình mang con chữ đến với các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách đến từng nhà giải thích tuyên truyền vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Đó là cách duy nhất để các em có một tương lai tươi sáng hơn. Hiểu được nỗi lòng của các bậc phụ huynh nên tôi đã mạnh dạn xin các mạnh thường quân một chiếc đò để mỗi ngày các em được đến trường an toàn hơn đó là chiếc đò nuôi hy vọng khát khao mang con chữ đến cho các em vùng đồng bào tôi và chiếc đò tri thức ấy vẫn ngày ngày đưa các em đến trường. Mỗi lần ngồi trên chiếc đò mang tri thức đến với các em nhỏ tôi tự nhủ lòng phải cố gắng nhiều hơn, cố gắng vượt qua những thử thách, khó khăn để mang con chữ đến với các em vùng đồng bào quê tôi.

Cuộc sống bà con nơi đây rất khó khăn, đa số các bậc phụ huynh không biết chữ. Trong quá trình giảng dạy em gặp không ít khó khăn vì các em đều là đồng bào Bru - Vân Kiều nên khi ở nhà luôn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ vì vậy khi đi học các em không thể hiểu được tiếng Việt nên giao tiếp giữa cô và trẻ rất khó. May mắn thay em cũng là người con Bru - Vân Kiều nên mới đầu em tiếp xúc tạo sự gần gũi yêu thương trẻ để giữa cô và trò có sự gắn kết, em dùng tiếng mẹ đẻ để giải thích cho trẻ hiểu những từ sinh hoạt hằng ngày như ăn là cha đôi”; uống nước là “ngoải đỡ”; đi ngủ là “bể”…Mỗi lần nói tiếng mẹ đẻ xong em phải giải thích lại bằng tiếng Việt cho các em hiểu. Tôi nghĩ việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em Bru - Vân Kiều có tầm quan trọng rất lớn, bởi muốn học chữ trước tiên trẻ phải hiểu được Tiếng Việt. Bản thân là giáo viên mầm non là nền tảng quan trọng để giúp các con hiểu được Tiếng Việt từ những câu chuyện, bài thơ, bài hát, các bài đồng dao, hò vè đơn giản cô sẽ phải mổ xẻ và giải thích từng câu từng chữ và phải dùng cả hai thứ tiếng để giải thích, nói rất nhiều lần nhưng chỉ một vài trẻ mới hiểu được thôi vì thế khi các con lên lớp, tôi thường chú trọng tăng cường Tiếng Việt mọi lúc mọi nơi, các hoạt động trong ngày. Nghề giáo viên mầm non rất vất vả nhưng để dạy được Tiếng Việt cho trẻ em Bru - Vân Kiều càng khó khăn hơn và là cả một quá trình lâu dài.Vì thế bản thân phải luôn cố gắng tìm tòi những phương pháp để giúp các con dễ hiểu nhất về Tiếng Việt. Tôi luôn động viên và giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc được đến trường của các em nhỏ trong và ngoài bản mình đang giảng dạy. Từ đó, tôi nhận thấy rằng trẻ của lớp tôi đang giảng dạy ngày càng tiến bộ, trẻ đã biết nói những từ đơn giản, trẻ giao tiếp với cô bằng Tiếng Việt. Đó là sự cố gắng của tôi, của phụ huynh và tất cả các cháu.

Bản thân là cô giáo Bru-Vân Kiều được mang đến con chữ cho con em mình đó là niềm tự hào, vinh dự của tôi và từ đây bản thân phải luôn nổ lực cố gắng trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị là tấm gương để cho các em noi theo. Khó khăn vất vả chưa dừng lại ở đó khi mà con đường tới trường của các em quá cách xa trường phải băng đèo lội suối, phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi học của các con, cuộc sống người đồng bào còn nhiều khó khăn, nhà sàn lợp tranh đơn sơ mưa gió dột lui dột tới, nhà không có cửa, con thì đông, ruộng đồng không có, mỗi ngày họ lên rẫy hái một ít cà, nhổ vài củ sắn để đổi lấy gạo ăn qua ngày vì thế mà việc cho con đi học trở nên khó khăn hơn. Mỗi ngày đến trường, bản thân em và đồng nghiệp phải đến thật sớm tìm gặp phụ huynh giải thích cho họ hiểu rằng trẻ phải được đến trường, trẻ xứng đáng nhận được sự quan tâm của thầy cô, bạn bè, trẻ được quyền vui chơi và có một môi trường sống lành mạnh, trẻ cần được học tập… Có những ngàytôi phải đến từng nhà cõng các con qua những con suối, qua từng cái đèo tới trường. Bản thân tôi là một người giáo viên trẻ, mang trong mình những hoài bão, ước mơ cháy bỏng, ước muốn về người đồng bào dân tộc thiểu số không những được “ăn no mặc ấm”được “ăn ngon mặc đẹp”, các con được tới trường như bao bạn bè ở mọi miền khác. Với ước muốn nhỏ nhoi đó, với một giáo viên trẻ như tôi để góp phần mang con chữ đến đồng bào Bru-Vân Kiều thì bản thân luôn không ngừng phấn đấu tìm tòi học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi đạo đức, luôn gương mẫu và là một giáo viên yêu nghề mến trẻ được phụ huynh yêu mến tin tưởng. Bản thân luôn tìm tòi những đồ dùng đồ chơi nhằm phục vụ cho các con trong quá trình học tập bằng việc sưu tầm những nguyên vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như chai, lọ, long bia, hộp sữa, viên đá khe suối.. để làm nên những đồ dùng đồ chơi mới lạ kích thích sự tò mò của trẻ , giúp trẻ thích đến trường hơn, khám phá được nhiều đồ chơi mới mẻ vừa nâng cao tay nghề cho bản thân. Với phương châm dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tôi luôn cho trẻ được trải nghiệm chứ cô không làm thay trẻ, trẻ tự phục vụ và lựa chọn theo sở thích của mình.

Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, dù trải qua bao vất vã để bám trường, bám lớp, tận tình dạy chữ cho các em nhỏ nơi đây. Bởi tôi luôn nhận thức rằng đằng sau những khó khăn vất vả của bản thân là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các con và món quà quý nhất đối với bản thân tôi là hằng ngày nhìn thấy các con luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ, các con được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác ở trên mọi miền Tổ quốc, lớn lên các con trở thành những chủ nhân tương lai xây dựng bản làng có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Hồ Thị Vui – Trường MN Kim Thủy

Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình – Số 22. Tr 107

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com