Hồi
ấy tôi mới ra trường, tôi được nhận công tác tại Trường Tiểu học số 2 Sen Thủy
và được phân công dạy lớp 1 ở khu vực
Trầm Kì (điểm lẻ của trường). Từ điểm lẻ đến điểm chính khoảng 8- 9 km. Đường
đi đến điểm lẻ gập ghềnh sỏi đá và dốc. Khoảng thời gian đến điểm lẻ đi gần cả
tiếng đồng hồ, phần nhiều dắt bộ xe đạp vì đường khó đi mà dốc dựng đứng. Lớp
học của cô trò tôi chỉ có 12 học sinh. Các em ở đây rất thật thà và biết vâng
lời. Tôi rất vui mỗi khi đến lớp. Một hôm trong tiết dạy tập viết có em Lê Văn
Sơn viết bài sai nhiều lỗi lại tẩy xóa làm rách cả vở. Tôi đi lần lượt đến từng
em để kiểm tra bài của học sinh. Tôi đến gần em Sơn, em không viết bài mà dùng
đôi bàn tay che bài lại. Tôi bảo Sơn cho cô kiểm tra bài nào. Em vẫn khư khư
không cho tôi kiểm tra. Tôi cố gắng đẩy tay em ra. Ôi xong, em tẩy kiểu gì mà
rách đến hai trang vở. Tôi bực mình gọi tên em và quát lớn: “Em viết bài kiểu
gì vậy. Viết sai lỗi chính tả lại tẩy xóa tùm lum làm rách hết vở rồi. Viết bài
lại cho cô!”. Vừa nói xong tôi gấp quyển vở của em lại cầm lên và thả xuống bàn
một cái khá mạnh tay. Lúc đấy, trong lòng tôi thấy như vừa trút xong cơn giận. Tôi
quay lưng bước lên bục giảng. Bỗng vụt một cái em chạy ra khỏi lớp, lao thật
nhanh về phía lùm cây ven đường. Tôi ngước mắt nhìn theo và gọi tên em. Sơn! em
đi đâu? Vẫn không màng trả lời, em phi nhanh và nép vào trong lùm cây. Tôi đuổi
theo, nhìn quanh không thấy em đâu. Tôi gọi mãi, gọi mãi sau một hồi lâu em từ
trong lùm cây ấy chui ra. Em đứng sững cúi đầu trước mặt tôi rồi nói: “Em không
đi học nữa đâu. Em ở nhà chăm bò thôi, đi học khó lắm. Em viết mãi mà cứ thua
bạn Duyên, cô không khen em nơi. Em sợ cô nạt lắm!” Rồi em khóc nức nở. Tôi khựng lại, chẳng nói được gì
hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má. Một lúc sau tôi lấy lại bình tĩnh, động
viên an ủi nói nhỏ nhẹ với em, lúc đó em Sơn mới chịu vào lớp học. Ngay từ hôm
đó về sau hằng ngày đến lớp tôi luôn nhẹ nhàng với học sinh, đặc biệt tôi chú ý
đến cách ứng xử của mình với em Sơn. Tôi luôn động viên khích lệ nên em Sơn học
ngày một tiến bộ rõ rệt.
Thời
gian thấm thoắt thoi đưa, ngoảnh lại hơn 3 năm công tác tại Sen Thủy. Hôm chia
tay tôi về đơn vị mới, Sơn đã là học sinh lớp 4. Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy, các
em khóc ròng với tôi và đặc biệt em Sơn khóc nhiều nhất. Gắn bó với Dương Thủy
đã 20 năm, tôi được cống hiến, được ghi nhận những thành công, được đón nhận sự
quan tâm của chính quyền địa phương, tình cảm nồng ấm của đồng nghiệp, phụ
huynh và học sinh. Và tôi luôn nghỉ, bất kì ở đâu, nơi nào người giáo viên,
luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Không thiên vị, lời nói mẫu mực,
nhẹ nhàng bởi các em là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ. Mặc dầu, trong công
tác giảng dạy đôi lúc cũng có áp lực, bức xúc, nóng nảy nhưng mình cố kìm nén
cái bức xúc, nóng nảy ấy để tạo ra không khí hài hòa, nhẹ nhàng.
Thế
đấy! Câu chuyện của tôi kể đã xảy ra rất lâu, nhưng chính em Sơn đã cho tôi một
bài học đầu tiên trong nghề dạy học của mình “ Khi ta trao yêu thương sẽ nhận
lại yêu thương”. Sự bao dung, lòng nhân ái của người thầy luôn có sức mạnh to
lớn để giáo dục và cảm hóa học sinh.
Câu
chuyện của tôi chỉ bé nhỏ vậy thôi nhưng đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Nó
giúp tôi yêu nghề hơn, yêu những đứa trẻ hồn nhiên vô tư. Tình thương, trách
nhiệm là kim chỉ nam, tiếp thêm cho tôi sức mạnh để thực hiện trọng trách cao
cả của mình trong sự nghiệp trồng người “ Một nghề cao quý nhất trong tất cả
những nghề cao quý.”
Nguyễn Thị Vóc