
Nếu ngày xưa mẹ mong Tết để được ăn
những món ngon, mặc quần áo đẹp, được đi chơi thì thế hệ các con đa
phần không mong chờ những điều đó. Bởi mỗi ngày các con đều được
chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Các con không những không
thèm thứ gì mà thậm chí còn không chịu ăn, còn bắt bố mẹ phải dỗ
dành đủ kiểu. Các con cũng được bố mẹ, ông bà mua sắm cho nhiều
quần áo đẹp. Mỗi gia đình chỉ có một đến hai đứa con nên với bố mẹ
các con là những vật báu, việc các con được đưa đi chơi ở các khu vui
chơi, đi ăn, đi uống cà phê cuối tuần là chuyện hết sức bình thường. Kể
cả bố mẹ giờ cũng thế. Qua rồi cái thời thức đêm giao thừa canh nồi
bánh chưng rồi con ạ. Bởi bánh mua ngon hơn mẹ làm, tiện hơn mẹ làm,
ship đến tận nhà tối 30. Rồi chả giò, rồi mứt, rồi gà … và nhiều
thứ khác cũng thế. Thành ra câu hỏi của con cũng là điều dễ hiểu.
Phải chăng mẹ đã dần đánh mất
hình ảnh của Tết xưa trong tim các con?
Nhưng con biết không? Trong khi con và
các bạn con không thiếu thứ gì thì đâu đó trên đất nước mình, trên
quê hương mình hay chính trên ngôi trường mà con đang theo học vẫn có
những bạn mong Tết để chỉ được ăn ngon, để được mặc quần áo mới đó
con. Bởi lẽ các bạn ấy sinh ra trong gia đình không may mắn, có thể
là bố mẹ bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật nên cuộc sống vất vả, khó
khăn. Và có biết bao chương trình ý nghĩa đã được tổ chức để giúp
đỡ các bạn ấy như chương trình Tết yêu thương, Tết sum vầy… Còn các
con, Tết chắc chắn sẽ được ông bà, cô bác, cậu dì mừng tuổi. Vậy
hãy trích một phần trong đó để nuôi heo đất, góp phần giúp đỡ các
bạn học sinh có nguy cơ bỏ học ở trường các con. Việc làm này đơn
giản quá, đúng không con?
Còn nữa con ạ, Người Việt Nam có tục hằng
năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở
về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Và vì thế có thể cả năm
con bận rộn với học hành, thi cử, bố mẹ bận rộn với công việc của
mình nhưng mấy ngày Tết phải dành thời gian ở bên ông bà. Hỏi han,
chăm sóc, chuyện trò để ông bà cảm thấy ấm áp, vui vẻ, sống lâu,
sống thọ cùng con cháu nhé. Ở lứa tuổi các con, có thể các con chỉ
thích khám phá các trò chơi trên mạng, các chương trình thú vị trên
ti vi mà cảm thấy khó chịu khi ở cùng ông bà bởi ông bà yêu thương
các con theo cách mà các con không thích. Nhưng con ạ, ông bà đã chăm
lo cho bố mẹ như chính bố mẹ chăm cho các con bây giờ. Có thể ông bà
đã già, đã lẩm cẩm lại còn nói nhiều, dặn dò hết cái này đến
cái khác các con không thích nhưng bố mẹ sẽ không có cơ hội ở lâu bên
ông bà nữa bởi hầu hết thời gian đã dành cho các con. Vậy thay vì
những cuộc đi chơi, đi cà phê hay dán mắt vào ti vi, điện thoại hãy ở
bên ông bà khi còn có thể các con nhé: rót cho bà ly nước, trẩy hộ
ông mấy lá mai vàng…để đổi lại nụ cười hạnh phúc của ông bà. Đó
là món quà ý nghĩa nhất mà Tết này con dành cho bố mẹ đấy!. Tết
cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất nữa con ạ. Từ bữa cơm tối đêm
30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh tổ tiên và những
người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Vì thế bàn thờ gia
đình luôn được dọn dẹp gọn gàng, thắp nhang mỗi ngày.
Tết là sinh nhật của tất cả mọi người vì
ai cũng thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để
chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi còn các cụ thì sống lâu
và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc. Có một điều mẹ
muốn nhắc nhở con mỗi khi được mừng tuổi là được nhận một lời chúc
tốt đẹp nên cần biết trân trọng, nói lời cảm ơn chân thành. Không
phải ai cũng có điều kiện và có trách nhiệm mừng tuổi cho con nên
tuyệt đối không được trông ngóng tiền mừng tuổi từ tất cả những
người mà con gặp nhé - suy nghĩ ấy không phải là suy nghĩ của một
đứa trẻ ngoan con ạ.
Tết là vậy đó con, có thể mẹ không
giữ được hình ảnh Tết xưa cho con và cho cả mẹ nhưng cái giá trị
cốt lõi nhất, cái chân tình giữa người với người trong xã hội, sự
cảm thông, bao dung với những mảnh
đời khó khăn, cái giá trị của mái ấm tình thân, giá trị của lòng
hiếu thảo, lòng biết ơn các đấng sinh thành, ông bà tổ tiên thì nhất
định phải giữ. Không phải chỉ giữ cho mình con đâu, giữ cho cả mẹ
nữa…
Quốc Dung