
Năm nào trước
thềm năm mới, tôi cũng có một bài viết về mảnh đất nơi tôi đang công
tác. Năm nay chợt nghĩ: hay là thôi, năm nào cũng giới thiệu mãi, đọc
giả chán. Nhưng rồi mỗi sáng, mỗi chiều cứ đi về bên những luống rau
hoa xanh mướt, bên những nụ cười, những lời chào, những thắc mắc “răng năm ni cô Dung chưa ghé chụp ảnh”,
tôi áy náy như chính mình đang mắc nợ mảnh đất thuần hậu đã bao
bọc, yêu thương tôi trong suốt 8 năm công tác của mình. Vậy
là ghé thăm bà con, chụp vài kiểu ảnh, hàn huyên vài câu chuyện …Thế
mà một không khí ngập tràn sắc xuân hiện ra trước mắt tôi…




Tôi còn nhớ thời
điểm bà con vừa trồng hoa được khoảng một tháng thì Lệ Thủy đón
trận lũ đầu tiên. Bà con nhổ lên, chờ nước rút trồng
lại thế là bị hao hụt mất 40%. Nhưng bù lại trời thương nên sau đó
thời tiết rất thuận. Nhờ thời tiết ấm áp nên chỉ phải thắp điện
một tháng đầu nhờ đó chi phí đỡ hơn mấy năm trước. Năm nay bà con
đầu tư nhiều cho hoa cúc vàng. Cúc vàng có ưu điểm là chịu được thời tiết
và sâu bệnh hơn cúc nhiều màu, nhưng cúc nhiều màu khó chăm thì lại được giá.
Tiền giống trung bình mỗi cây từ 250 đến 300 đồng, trừ tiền phân bón, tiền điện
chiếu sáng, tiền thuốc trừ sâu nữa thì 1.000 cây người trồng hoa lãi được khoảng
1.000.000 đồng đến 1.500 000 đồng. Hoa cúc tươi rất lâu, chưng từ Tết đến rằm
tháng giêng hoa vẫn còn tươi tắn. Chỉ cần khoảng 30.000 đồng là đã có một bình
cúc đẹp. Thương lái cũng đổ về rất đông để mua hoa mang về Quảng Ninh, vào Hồ
Xá, Quảng Trị … Hoa Hồng Thủy đã vượt qua khỏi lũy tre làng để đến với những miền
quê mới. Hi vọng thương hiệu “Đẹp mà rẻ” của hoa Hồng Thủy sẽ được giữ mãi với
thời gian. Bên cạnh hoa thì rau màu, củ quả của Hồng Thủy bấy lâu nay
cũng được mang đi khắp nơi trên huyện Lệ Thủy như chợ Tréo, chợ Mai,
chợ Động, chợ Thùi…Quả thật rau dưa, hành, ớt của Hồng Thủy được bán
với giá rất rẻ. Chỉ 3000 đồng đã được một bó lá hành to để nấu
canh, một kg đậu cove giá chỉ 10.000 đồng, một kg dưa chuột cũng chỉ
3000 đồng…quả thực rất rẻ. Giá cả rẻ, lại ngon nên rất được ưa
chuộng nhưng số tiền thu được chưa tương xứng với công sức của bà con.
Tôi vẫn thầm hi vọng có một hướng đi mới để rau dưa Hồng Thủy có
thể đến được với các siêu thị sạch, để bà con nhân dân có thu nhập
tương xứng với công sức bỏ ra. Một tín hiệu đáng mừng là ở Hồng
Thủy đã có một cơ sở chuyên thu mua, chế biến và bán sỉ, lẻ ớt, đậu
đỗ, khoai gieo Hồng Thủy. Dẫu cơ sở chỉ dùng lại ở một số nông sản
nhưng đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân Hồng
Thủy.
Thời điểm giáp Tết này, bà con dậy
từ 3-4 giờ sáng để thu hoạch hoa, rau, dưa, hành cho kịp buổi chợ.
Không có gì lạ khi trời tờ mờ sáng đã thấy những chiếc xe kéo đầy
hoa như thế này xuất phát từ các ngõ.

Xuân quê tôi giản dị, mộc mạc như vậy
đấy nhưng tôi luôn tự hào bởi hiếm có miền quê nào đón xuân theo cách
độc đáo như ở quê tôi.
Xuân Canh Tý - Thục Quyên