I. Ngày 08-5-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du
lịch đã ký quyết định công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể
Quốc gia.
Như chúng ta biết, mảnh
đất Lệ Thủy được hình thành vào thế kỷ XI dưới triều đại nhà Lý trong công cuộc
mở cõi quốc gia Đại Việt ngày càng rộng lớn. Đến đời Trần, nơi đây đã là nơi tụ
cư đông đúc và phồn vinh của người Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông trong cuộc
du hóa phương Nam năm 1301 đã lập am Tri Kiến (nay là chùa Hoằng Phúc tọa lạc ở
thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy) bên dòng Kiến Giang để hoằng dương
Phật pháp.

Đại
diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy đón nhận bằng Di sản Hò khoan
Dương Văn An (1514-1591), quê ở thôn Tuy
Lộc (Lệ Thủy) - người đã viết “Ô Châu cận lục” (1553), một cuốn địa lý văn hóa
lịch sử thuộc loại đầu tiên của vùng Ô Lý - đã cho chúng ta thấy muôn mặt của
đời sống cư dân nơi đây. Đặc biệt ông đã cung cấp cho chúng ta sự phổ biến của
các lễ hội đua thuyền, đưa linh chèo cạn, ca bài chòi… những sinh hoạt văn nghệ
dân gian đến nay vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt hát Hò khoan. Ông còn viết thổ
âm vùng này cũng giống như thổ âm vùng Hoan Ái. Thổ âm là chất liệu hàng đầu
làm nên đặc sắc của dân ca, điều này chứng tỏ mối quan hệ của văn nghệ dân gian
của vùng Thanh - Nghệ với Hò khoan nơi đây.
Hò khoan Lệ Thủy là một hệ
thống gồm 9 mái hò chính. Mỗi mái là một làn điệu tự thân mang cấu trúc âm nhạc
riêng dù nằm trong một tổng thể có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, chúng
ta cũng có thể tính đến một số làn điệu có mối quan hệ chặt chẽ như hát ru, kể
vè… Bộ phận quan trọng nhất là các mái hò khu vực đồng bằng trung tâm: Mái dài,
mái nhì, mái chè, mái ba, mái xắp, mái nện. Sáu mái hò này được diễn xướng phổ
biến trong đời sống nông nghiệp và ở vùng sông nước đồng bằng. Bộ phận tiếp
theo là mái hò Lĩa trâu ở vùng đồi núi. Bộ phận thứ ba là hai mái hò ở vùng
biển: Hò khơi và Nậu xăm. Như vậy, quan sát tổng quan, đại đồng tiểu dị, ta có
thể coi Hò khoan Lệ Thủy gồm 9 mái hò tách biệt.

Hò khoan Lệ Thủy là sản
phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của người dân Lệ Thủy trong trường kì
lịch sử mở làng, lập ấp, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu chống
giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, vượt qua gian khổ của người dân để cùng
nhau tụ cư và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đây là một loại hình
văn hóa dân gian độc đáo, phản ánh mọi mặt của cuộc sống, diễn ra phong phú mọi
lúc, mọi nơi; thể hiện tâm hồn, trí tuệ, khát vọng của người dân Lệ Thủy, đã
góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật dân tộc Việt Nam.
II. Ngày 27-8-2019, Bộ trưởng Bộ Văn
hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ
hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.
Là hoạt động có từ lâu đời của người dân nơi
đây, với ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai gái trong làng
và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa, sản xuất bội thu. Từ sau khi Cách mạng
tháng Tám thành công, lễ hội này được người dân Lệ Thủy tổ chức thường niên vào
ngày 2.9, nhằm chào mừng Quốc khánh hay còn gọi là Tết Độc lập. Hoạt động này
đã khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại
tướng Võ Nguyên Giáp.

Đã 74 năm trôi qua kể từ khoảnh khắc chiến
thắng hào hùng của nhân dân Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính
quyền mùa thu tháng Tám năm 1945. Trong những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường
quê ở Lệ Thủy rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh
ngân vang những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ
vũ tinh thần Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt; nhà nhà treo Cờ Tổ
quốc, đường làng ngõ xóm được vệ sinh phong quang sạch sẽ. Ngồi ở đâu, làm gì
người ta cũng bàn tán về chuyện đua bơi, bóng ban, hội hè… thật đúng như câu
ca:
“Dù
ai đi tây về đông
Mồng
hai tháng chín cũng mong về nhà
Về
nhà xem hội
quê ta
Dưới
sông bơi trải nhà nhà cờ
bay”.

Lễ
hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang
Những ngày này, khắp các làng quê của huyện
Lệ Thủy, người dân náo nức chuẩn bị đua, bơi thuyền. Những chiếc thuyền bơi đủ
dài cho 13 cặp bơi 5 éc đơn gồm 1 trai đề, 1 lái, 1 phách và 2 mõ, tổng cộng không
quá 31 người) được đóng công phu dưới bàn tay của các nghệ nhân chân truyền.
Những thân gỗ dài (chủ yếu là cây huỵnh, dỗi) được khai thác từ rừng đại ngàn
có chiều dài từ 20-30m đưa về cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt và được nghệ
nhân bí truyền đóng ghép. Tiêu chuẩn của thuyền đua bơi là phải nổi vừa trên
mặt nước. Khi lao về phía trước không được chờm sóng mà phải như một kình
ngư... Công việc này được tổ chức triển khai từ khá sớm, đặc biệt là những địa
phương lần đầu tham gia đua bơi, họ đã phải “hạ thủy” đò bơi từ ngay đầu tháng
tám để “thụa” (tập luyện cho thuần thục - nhịp nhàng, điêu luyện). Và như thế
có nghĩa rằng, từ đầu tháng tám, tiếng mõ và tiếng “trai hô trai” mạnh mẽ đã
vang lên rộn ràng trên dòng Kiến Giang. Lần lượt theo đó, tùy vào điều kiện
kinh tế, sức trai của những địa phương khác, họ sẽ chọn thời điểm “xuống đò”
một cách hợp lí nhất. Nhưng dù thế nào đi nữa thì đến khoảng trung tuần tháng
tám, tất cả địa phương phải hoàn tất các khâu cuối cùng để chuẩn bị luyện tập.
Và cũng từ đây, ngày ngày, trên dòng Kiến Giang vốn hiền hòa thơ mộng đã bắt đầu
dậy sóng. Dưới sông, không khí luyện tập ngày một hăng say, trên bờ, những
“fan” hâm mộ cũng đã “bỏ hết” công việc đồng áng, việc nhà việc cửa để ngày
ngày chạy theo đò bơi của mình… Những người làm nghề thợ nề thợ mộc, thợ sửa
xe, thợ cắt tóc… cũng đều “tự cho mình nghỉ” để theo sát mỗi bước đi của đò
mình. Họ tâm sự: “Thời điểm từ khoảng 15/8 trở lên thì không thể làm chi nữa
rồi. Cầm bay cầm bào mà nghe dưới sông ‘trốc trốc” thì chân tay rạ rời, bụng
nóng như lửa đốt, chú nói như rứa thì còn làm ăn chỉ nữa…”.

Các
CĐV nhiệt tình vì màu cờ sắc áo
Để tổ chức hội đua thuyền, các đội đua phải
chia thành từng cụm đua trước đó (thường tổ chức vào sáng 30/8) để phân bảng
A,B (mỗi bảng khoảng 12- 14 đội thuyền, vào chung kết đúng sáng 2/9). Mỗi làng
có một thuyền đua nam gọi là đội “Thuyền bơi” và một đội nữ bằng chèo tay, gọi
là “Đò đua”. “Thuyền bơi” và “Đò đua” nói lên sự tranh tài bình đẳng giữa nam
và nữ.
Có một điều khá lý thú là dù năm nào ở
Quảng Bình có hạn hán đến mấy, sông hồ cạn kiệt nước, thì đúng dịp tổ chức đều có mưa. Năm 1993 và năm 1998 xảy ra hạn
hán lịch sử ở Quảng Bình, dòng Kiến Giang khô cạn, nhiều người nghĩ rằng trong
hai năm đó Lệ Thủy không thể tổ chức được Lễ hội. Thế nhưng, thật bất ngờ, trước
ngày Quốc khánh 2/9, trời lại đổ mưa lớn và sông lại đầy nước để tiếng trống,
tiếng mõ, tiếng reo hò vọng mãi suốt dọc đôi bờ sông...
Ngày Quốc khánh 2/9 lại về, người dân Lệ
Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày Hội, ngày Tết Độc lập - một nét
văn hóa độc đáo đầy ý nghĩa, thu hút số lượng người đổ về dự hội lên đến hàng
trăm ngàn người. Cùng với đó, lễ đón nhận bằng Di sản và tôn vinh Lễ hội đua, bơi
thuyền trên sông Kiến Giang sẽ được tổ chức hoành tráng, trang trọng tại Trung
tâm Văn hóa Thể thao huyện Lệ Thủy vào tối 01/9 tới đây.
Trong không gian ngập tràn tiếng Hò khoan
mát ngọt, lắng sâu nghĩa tình, Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang,
huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được đưa vào Danh mục di sản phi vật
thể cấp Quốc gia, đưa miền quê xứ Lệ trở thành quê hương của 2 Di sản phi vật
thể cấp Quốc gia.
Thật vui sướng và tự hào!
ĐỖ ĐỨC THUẦN