
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: Tập trung vào mục tiêu chính là nâng
cao chất lượng giáo dục và bảo đảm an toàn trước dịch bệnh Covid-19
Toàn tỉnh hiện
có 842 trường và cơ sở giáo dục với 238.548 học sinh mầm non, phổ thông và
thường xuyên. Hệ thống mạng lưới trường học được bố trí hợp lý, cơ bản đáp ứng
nhu cầu học tập của học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên cơ
bản đảm bảo. Năm học 2020 - 2021, có 18.596 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân
viên. Tỷ lệ cán bộ quản lí và giáo viên đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo:
cấp mầm non đạt 96,1%, tiểu học đạt 90,1%, THCS đạt 94,7%, THPT đạt 100%.
Sở GDĐT đã tăng
cường đổi mới công tác quản lý giáo dục; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn
trong hoạt động giáo dục, tăng trưởng cơ sở vật chất, thực hiện chế độ chính
sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý theo hướng phân cấp, tăng
quyền chủ động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông
tin trong quản lý và dạy học bước đầu có hiệu quả. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học
văn hóa đạt 84,95%; phòng học bộ môn đạt 92,77%; phòng phục vụ học tập đạt
86,7%. Đến tháng 6-2021, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học là: mầm
non 30,1%; tiểu học 57,8%; TH-THCS 16,7%; THCS 46,7% và THPT 41,1%.

Toàn cảnh buổi làm việc
Mặc dù năm học
2020-2021 ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhưng Sở đã tích cực chỉ đạo
các đơn vị linh hoạt điều chỉnh kế hoạch năm học và hoàn thành nhiệm vụ với kết
quả tốt. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Kỳ thi
chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021 có số lượng giải nhiều nhất
trong 10 năm trở lại đây với 41/62 học sinh dự thi đạt giải. Tỷ lệ tốt nghiệp
THPT năm 2021 đạt 97,94%. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh trường học được đẩy
mạnh. Việc phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Dạy học tiếng
Anh ở các cấp học được phát triển về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ học sinh
được học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ tăng lên hàng năm. Việc ứng dụng công
nghệ thông tin trong dạy học và quản lí được đẩy mạnh, đặc biệt trong tình hình
dịch bệnh, các trường đã triển khai dạy học trực tuyến. Về công tác phổ cập
giáo dục, xóa mù chữ, tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ
cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có
151/151 đơn vị cấp xã, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức
độ 3. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu đạt được kết
quả tốt. Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các đơn vị cơ bản đủ phòng học để
dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và lớp 2.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh những
thuận lợi cơ bản, ngành cũng gặp một số khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất
trường lớp, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, hoạt động phân luồng sau
tốt nghiệp THCS và THPT, tinh giản biên chế, ngân sách hoạt động… Dịch bệnh
Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống trường lớp ngoài công
lập, các trung tâm ngoại ngữ, tin học và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên
ngoài công lập; việc dạy học trực tuyến khó triển khai đồng bộ.
Tại buổi
làm việc, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn, hạn chế, đề xuất
nhiều giải pháp, nhiệm vụ, kiến nghị nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, kế
hoạch năm học mới 2021-2022, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục
diễn biến phức tạp.

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đặng Ngọc Tuấn báo cáo phương
hướng, nhiệm vụ năm học mới 2021-2022
Phát biểu kết
luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những thành
tích của ngành GD-ĐT, đặc biệt năm học 2020-2021 có nhiều biến động do ảnh
hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành đã đạt những kết quả tích
cực. Tuy nhiên bên cạnh những thành tích, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng
thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như sự sụt giảm về thứ hạng, chất lượng giáo
dục so với mặt bằng chung cả nước chưa cao; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo
viên, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện
GD-ĐT; cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế. Chủ trương lớn của ngành GD-ĐT như huy
động nguồn lực xã hội hóa chưa được triển khai hiệu quả. Đặc biệt yêu cầu đặt
ra đối với ngành khá cao, nhưng kết quả thực hiện chưa có sự đột phá để đáp ứng
yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đặt ra, nhất là
trong việc gắn kết GD-ĐT với dạy nghề, khoa học - công nghệ...
Đồng chí Bí thư
Tỉnh ủy yêu cầu Sở GD-ĐT phải bám sát tinh thần, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND
tỉnh, đặc biệt là nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về
GD-ĐT; GD-ĐT phải gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng con người, văn hoá, khoa
học, công nghệ…
Về nhiệm vụ
thời gian tới, đồng chí Vũ Đại Thắng yêu cầu Sở GD-ĐT phân định cụ thể các nội
dung, giải pháp không chỉ với giáo dục văn hóa, mà cần chú trọng giáo dục đạo
đức, tác phong, các giải pháp liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo
viên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho ý kiến cụ thể đối với những kiến nghị,
đề xuất của ngành như đầu tư cơ sở vật chất, đây là nội dung quan trọng, ngành
cần bám sát, có định hướng chiến lược tổng thể, dài hơi để đầu tư bảo đảm duy
trì cơ sở vật chất, không dàn trải. Đồng chí cũng chỉ đạo UBND tỉnh đặc biệt
quan tâm, căn cứ các quy chuẩn định mức của Trung ương, Chính phủ để bố trí hợp
lý kinh phí đầu tư, bảo đảm người dạy học phải được đầu tư đủ nguồn lực để thực
thi nhiệm vụ. Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh khẩn trương
nghiên cứu, điều chỉnh chế độ với nhà trường, cán bộ, giáo viên, tạo động lực
cống hiến. Về định mức giáo viên, biên chế, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ rà
soát, thực hiện bảo đảm quy định và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đồng chí
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành GD-ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân luồng
học sinh sau tốt nghiệp THCS, đặc biệt rút kinh nghiệm qua sự cố tuyển sinh vào
lớp 10 vừa qua, tránh ảnh hưởng đến học sinh và chất lượng đào tạo. Ngành GD-ĐT
cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; chăm lo phát triển giáo dục nông
thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Sở cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân
tộc để xây dựng các đề án liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, cơ
sở vật chất trường học vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Về công tác xây
dựng trường chuẩn quốc gia, cần có phương án, lộ trình cụ thể thực hiện theo
từng năm. Quá trình triển khai cần lồng ghép với Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XVII, bổ sung vào chương trình nhiệm vụ của năm học mới.
Trước diễn biến
hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành
GD-ĐT phải hết sức linh hoạt trong công tác triển khai nhiệm vụ. Đối với một số
học sinh bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố do dịch bệnh Covid-19 chưa về địa
phương để đi học, ngành bám sát chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, bảo đảm quyền lợi học tập
cho các em và các quy định phòng chống dịch. Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh,
lễ khai giảng năm học mới cần triển khai đơn giản, tránh hình thức, tập trung
vào mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm an toàn trước
dịch bệnh Covid-19. Dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gửi lời thăm hỏi chân
thành đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, chúc ngành GD-ĐT vượt khó, đạt
nhiều thành tích trong năm học mới.
Ngọc Mai