
Đồng chí Lê Vĩnh Thế, Tỉnh ủy
viên, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện dâng hương tại Nhà lưu niệm Đại
tướng.
Những yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hóa của Lệ Thủy đã
kiến tạo và rèn đúc con người nơi đây những phẩm chất mang đặc thù riêng, tính
cách kiên trì chịu đựng và bền bỉ phấn đấu để thích nghi và vượt qua thiên tai,
địch họa, lại cũng cần phải biết phòng xa, lo trước, toan tính kỹ lưỡng để sống
được và sống đủ; đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại mà bản lĩnh, ngoan cường,
kiên trung, thông minh và quyết đoán, giàu lòng nhân ái, yêu nước nồng nàn và
lao động sáng tạo. Giữa thế kỷ XIX (1858), thực dân Pháp đem quân xâm
lược nước ta, nhân dân Lệ Thủy với lòng nồng nàn yêu nước, căm thù giặc sâu sắc
đã sớm dấy lên phong trào cách mạng. Trong máu lửa chiến tranh, dù mất mát, hy
sinh, nhân dân Lệ Thủy vẫn kiên cường đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân
tộc. Tinh thần đấu tranh của nhân dân Quảng Bình nói chung, Lệ Thủy nói riêng
thời kỳ đó đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Viên Khâm sai Phan Định Bình đã tâu với
vua Đồng Khánh tám chữ: “Lệ Thủy nhất hạt, tận
vi tặc tử” (dân hạt Lệ Thủy đều làm giặc). Ngày 17/11/1931, tại Trung
Lực - Mỹ Thổ, xã Tân Thủy, tổ chức đảng đầu tiên ở phía Nam Quảng Bình được
thành lập. Mặc dù bị kẻ thù dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nham hiểm để đàn áp,
khủng bố, bắt bớ giam cầm và tra tấn dã man nhưng không thể dập tắt được ý chí
đấu tranh cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chín năm trường kỳ kháng
chiến chống Pháp, quân dân Lệ Thủy đã can trường chịu đựng gian khổ thiếu thốn
ác liệt, vượt qua muôn ngàn thử thách làm nên những chiến công vang dội như Chợ
Chè, Mỹ Lộc - Xuân Lai, Xuân Bồ, Sào Nam, Hưng Đạo... Thời chống Mỹ, lịch sử
lại đặt vùng đất này vào “tọa độ lửa” với vị trí chiến lược, tuyến đầu của miền
Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Người
dân Lệ Thủy quyết không lùi bước, vẫn bám làng chiến đấu, “bám hố bom mà sản
xuất, bám đồng ruộng mà thâm canh” và đã trở thành một trong những địa phương
“Hai giỏi” của tỉnh nhà, xây dựng nên phong trào “gió Đại Phong” - lá cờ đầu của
ngành nông nghiệp miền Bắc. Trong các cuộc đấu tranh gian khổ đó, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã luôn hướng về quê hương, kề vai sát cánh với nhân dân Lệ Thủy
trải qua nhiều thử thách cam go. Sinh ra và lớn lêntrên mảnh đất địa linh nhân
kiệt, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, Võ Nguyên Giáp đã được
tắm mình trong tinh thần yêu nước sục sôi, thấm đẫm nghĩa khí anh hùng xả thân
vì nước của những bậc tiền bối và cả Nhân dân Lệ Thủy và tinh thần cách mạng,
yêu nước cứ lớn dần lên để sau này trở thành một Đại tướng tài ba trong thế kỷ
XX.
Làng An
Xá, nơi có nghề chiếu nổi tiếng, nơi có ngôi chùa diễn ra hội nghị thành lập
Đảng bộ tỉnh Quảng Bình với hình
sông, thế núi, mạch đất đã sản sinh ra con người và cốt cách Võ Nguyên Giáp.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nước sâu sắc; chào
đời vào mùa nước lũ, cái đói, cái khát, bần hàn, đau thương tủi nhục của người
dân mất nước... nỗi thống khổ ấy đã tác động vào người thanh niên yêu nước và
cứ lớn dần theo năm tháng, Võ Nguyên Giáp đã sớm tiếp thu và hình thành tinh
thần cách mạng. Ông nội từng tham gia phò tá vua Hàm Nghi trong Phong trào Cần
Vương. Cha ông, cụ Võ Quang Nghiêm đã chiến đấu trong phong trào Cần Vương
chống Pháp bắt đầu từ tháng 7 năm 1885. Ông ngoại cũng từng tham gia phong trào
Cần Vương, làm đến chức Đề đốc coi đại đồn tiền vệ, sau bị quân Pháp bắt, tra
tấn dã man, nhưng một mực trung thành, không một lời khai báo. Mẹ ông, bà
Nguyễn Thị Kiên, tuy không biết chữ nhưng bà có thể kể vanh vách, đọc thuộc
lòng những bài thơ và những truyện rất nổi tiếng bằng văn vần của Việt Nam. Từ
nhỏ Đại tướng đã được cha dạy cho chữ Nho, cụ Võ Quang Nghiêm đã dạy dỗ con cái
rất cẩn trọng, cả trong sinh hoạt gia đình lẫn trong việc học hành, theo nền
nếp gia phong của đạo Khổng.
Nhà nghèo nên ngay từ nhỏ Võ Nguyên Giáp đã vừa học, vừa
phải lao động cùng gia đình. Sau khi học xong lớp 3, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào
trường Quốc học Huế. Năm 1927, tham gia tổ chức bãi khóa rồi bị đuổi học, phải
trở về quê nhà. Ở Lệ Thủy, Võ Nguyên Giáp trở thành hạt nhân tích cực trong
nhóm thanh niên học sinh tiến bộ. Tích cực tham gia hoạt động cách mạng với
việctiếp tục phát triển Tổ đọc sách báo yêu nước ở làng An Xá để truyền bá
những tư tưởng yêu nước của các bậc tiền bối cho các thanh niên trong vùng Lệ
Thủy. Với truyền thống gia đình và quê hương, Võ Nguyên Giáp lại được bồi tụ
tinh thần yêu nước từ trong lịch sử và gương oanh liệt của các chí sĩ yêu nước
đã hun đúc nên tinh thần cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như lời tâm sự
của Đại tướng trong một lần về thăm quê hương Lệ Thủy: “Quê hương và gia đình đã hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con
đường đi của tôi”.
Trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có những tư chất của
người Lệ Thủy yêu nước, cách mạng. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất
nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần,
kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn
là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, dù ở
cương vị nào, lúc tuổi cao sức yếu, Đại tướng vẫn luôn dành thì giờ, tâm huyết
cho quê hương. Ở người chiến sĩ cách mạng ấy luôn cháy mãi một tình yêu lớn là
tình yêu đồng bào, yêu dân tộc, hàm chứa cả tình yêu quê hương nơi chôn rau cắt
rốn. Đại tướng luôn đau đáu với quê nhà và tâm niệm rằng: “Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Mỗi
lần có dịp về thăm quê, Đại tướng đều dành thời gian để đi thăm, nói chuyện với
Nhân dân trong huyện, làm việc với lãnh đạo địa phương, đóng góp những ý kiến
quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Lệ Thuỷ là
cội nguồn có ý nghĩa rất quan trọng và được kế thừa, phát huy, nâng thêm tầm
cao mới trong tư tưởng yêu nước, cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dân
tộc ta, non sông, đất nước ta có vinh dự sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong vinh dự đó, Lệ Thủy có niềm tự hào đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn, nhân
cách, tinh thần cách mạng vị tướng tài ba, lỗi lạc. Đồng chí đã để lại trong
lòng Đảng bộ và Nhân dân Lệ Thủy niềm tự hào, kính trọng và những tình cảm sâu
đậm về một vị tướng tài đức vẹn toàn; gần gũi, giản dị và thân thương.
LÊ VĨNH THẾ