Với núi rừng Lâm Thủy, trong khi đời sống của bà con Bru - Vân Kiều đang gặp nhiều khó khăn thì giáo dục vẫn không ngừng phát triển, thậm chí vươn lên ấn tượng so với các trường “miền xuôi”. Những con chữ ở các bản Eo Bù - Chút Mút, Bạch Đàn, Tăng Ký, Tân Ly, Xà Khía, Mụ Mệ (bản Mới) như thể mọc ra từ lòng đất.
Màu
trắng tinh khôi của những bộ đồng phục, ánh mắt trong veo như suối khe của học
trò làm phai màu đất đỏ dưới chân của các em học sinh đến trường. Trong tiếng
cười của đồng bào lấp lánh khát vọng, ước mơ về thế hệ trẻ - thế hệ sẽ giữ gìn
sắc màu Bru - Vân Kiều. Có điều, họ sẽ đến với khoa học kỹ thuật, đến với những
tư tưởng tiến bộ, văn minh hơn.
Nơi
chúng tôi đang ở và công tác là xã Lâm Thủy - biên giới vùng cao, miền tây của
huyện Lệ Thủy. Nơi có những cô giáo, thầy giáo đã hiến tuổi thanh xuân của mình
trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Họ là những “chiến binh quả cảm” băng rừng, vượt
suối khai phá trường lớp trước đây. Họ là những người trẻ trung thực, trong
sáng, hết lòng vì giáo dục hiện nay.
Cách
đây hơn một thập kỷ, bên cạnh mỗi lớp học tre nứa đơn sơ bao giờ cũng có ít
nhất một căn nhà nhỏ bé khiêm tốn bằng tre nứa. Căn nhà ấy là nơi ở của các
thầy cô giáo trong suốt thời gian dài với những ngày dài vui buồn lẫn lộn,
thương nhớ mênh mang. Lớp học là những bàn ghế ghép tạm bằng gỗ rừng do phụ
huynh mang đến. Trên bàn làm việc có một cái đèn dầu khói bốc lên đen sì. Sáng
ra áo quần, mũi của giáo viên đầy khói (lộ nghẹ) thế nhưng trang giáo án vẫn cứ
thơm tho mùi hoa rừng. Những lá thư nhà nhàu vết thời gian quẹt mòn vì đọc đi
đọc lại quá nhiều lần. Thời gian như củng cố thêm tình yêu của họ nơi địa đầu
biên giới này, có hôm khi vào mắc màn ngủ, các thầy cô giáo phát hiện ra rắn
mai đang nằm trong chăn ấm. Mọi người rú lên xua đuổi, sau đó đóng chặt tất cả
các lỗ thủng ở căn phòng của mình. Có thầy trên đường vào bản bắt cả con trăn
cố tình ngáng đường.
Các
cô giáo, thầy giáo bám bản, bám lớp lâu dần họ thành đôi, thành vợ thành chồng
gắn bó cho đến ngày nay. Khi tôi hỏi muốn “về xuôi” hay không, tất cả đều trả
lời muốn ở lại, lý do đơn giản vì ở đây quá nhiều kỷ niệm. Về xuôi sẽ nhớ rừng,
nhớ suối, nhớ bản không chịu nổi. Vả lại đường sá đi lại bây giờ đã thuận tiện
hơn rất nhiều. Không còn cảnh đi bộ nửa ngày trời, không còn đi vòng từ Trường
Sơn (huyện Quảng Ninh) lên. Nay đã có điện, có trạm y tế khang trạng và ngôi
chợ tạm đã hình thành có người bán, kẻ mua. Đặc biệt, ở đây lương bổng “khá” để
trang trải và phụ giúp anh em, bố mẹ dưới xuôi.
***
Các
anh chị ở xa lên Lâm Thủy làm từ thiện rất ngạc nhiên vì phòng ở các cô giáo
không có mùi phấn son, nước hoa, mùi dưỡng da thường thấy ở phòng của những
thiếu nữ, thay vào đó là mùi nước mắm, mùi cá khô, mùi tôm tép và cả mùi ngai
ngái, ẩm thấp của căn phòng chật hẹp. Áo quần các cô các thầy không nhiều và
không quá nổi bật vì họ còn đi bản, còn vận động học sinh có nguy cơ bỏ học.
Rồi họ phải tự đi lấy nước, đi suối, vượt khe khi đến các bản lẻ dạy học. Cô Hà
dạy ở bản Eo Bù - Chút Mút, cô Sương dạy ở bản Bạch Đàn là những cô giáo trẻ
vừa mới ra trường tình nguyện băng núi, vượt khe để có thêm trải nghiệm nghề
nghiệp. Gặp chúng tôi họ bảo buồn vì ít người giao tiếp nhưng vui bởi dân bản
yêu thương, nhà trường đặc biệt quan tâm, hỗ trợ.
Mỗi
ngày, thầy Cường, thầy Phương, thầy Dũng thay nhau đi các bản để dạy môn chuyên
biệt. Khó khăn là thế song chưa bao giờ họ đi chậm một phút nào. Ở lâu, thành
ra họ thành người của bản, ăn với bản, ngủ ở bản và nói tiếng Bru - Vân Kiều
rất thành thục. Thầy Toàn - Phó hiệu trưởng của Trường PTDTBT TH&THCS Lâm
Thủy đã thành “giáo sư” tiếng Bru khi biên soạn cuốn “Tài liệu tiếng Bru - Vân
Kiều”, “Vận dụng sổ tay song ngữ Tiếng Việt - Bru Vân Kiều vào các giờ học
toán” và trở thành giáo viên tiếng Bru của cả tỉnh Quảng Bình trong thập niên
qua.
***
Ở
Lâm Thủy, khi nhắc đến dốc Ba - Ba, ai từng lên đây đều rợn ngợp trước sự cheo
leo, hiểm trở của nó. Các thầy cô giáo dưới xuôi lên, đi đường 10 tới đỉnh dốc,
dõi mắt về phía con đường mòn vắt hững hờ trên lưng chừng núi, nhìn sương mờ
giăng giăng mỗi sáng hoặc vạt nắng mạ con đèo buổi chiều thầm nghĩ đến con chữ
khấp khuỷa, ghập ghềnh rồi như thấy ánh mắt của học trò lay láy nhìn vào tận
tâm khảm để thêm khát khao, yêu thương, cống hiến.
Vào
mùa mưa như những ngày này nước các con suối ở bản Bạch Đàn lên cao, đường lên
bản Eo Bù - Chút Mút sạt lở nghiêm trọng. Những tảng đất hàng tấn nhão nhoẹt
tràn xuống đường, đá trên cao trăm mét rơi xuống rào rào. Thật may, chúng
thường diễn ra vào ban đêm. Những lúc như thế chẳng ai dám đi lại trên đường.
Trước đây, vào mùa mưa gió, lớp học vắng gần nửa lớp, bàn ghế trong phòng học như
rộng thêm, thầy cô giáo như trống vắng với nỗi niềm nghẹn ngào khó tả về công
tác xóa mù, phổ cập giáo dục.
Gió
mùa Lâm Thủy rít từng hồi mang theo hơi lạnh của đá núi, mái nhà sàn của bà con
Vân Kiều run bần bật. Mưa như thét gào, xối xả tắm táp núi rừng vừa gấp gáp,
vừa dai dẳng. Con đường vào bản mòn trơn trượt như có cả ngàn tấn dầu ăn đổ
xuống. Sóng điện thoại di động chập chờn ẩn hiện như tiếng vượn hú vừa gần vừa
xa. Thi thoảng chúng tôi gọi cho người nhà dưới xuôi, đang trò chuyện tự dưng
mất hút. Hình như là “sóng ảo” thì phải. Trong công việc, người hiểu thì không
sao, người không hiểu chúng tôi đành thất lễ.
Khi
đến đây nhận công tác, tôi bắt tay vào tìm hiểu thực tế của đồng nghiệp. Khu
vực nội trú trong trường giờ thành lập
một “Câu lạc bộ gia đình trẻ” với 08 cháu nhỏ. Họ cùng công tác cách đây hơn 10
năm rồi yêu nhau lấy nhau như sự sắp đặt của tạo hóa. Mới năm ngoái thôi, cô
N.T.H vừa mới nộp đơn xin nghỉ thì trở dạ. Cả trường điện thoại khắp gọi được
xe ta-xi, đi được 04 km cô đã sinh trên xe. Một cháu trai ra đời, khôi ngô,
tuấn tú. Mà cũng lạ không hiểu sao, các
cặp vợ chồng ở đây đều sinh con trai cả. Chắc tại cái mặn mòi của cái nắng, cái
khúc khuỷu của núi rừng làm cho họ trở nên mạnh mẽ hơn chăng.
Và chính trên mảnh đất này, hết thế hệ giáo
viên này đến thế hệ giáo viên khác cõng chữ lên đây bằng tình yêu mật ngọt. Họ
như trút trao tuổi thanh xuân của mình cho núi rừng xanh thẳm, cho những khát
vọng yêu thương, dẫu họ biết còn khá lâu nữa mới thay đổi được.
Mà
không tự hào sao được khi trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy là trường Bán trú
đầu tiên của khu vực miền núi Quảng Bình, trường đạt lá cờ đầu cấp tỉnh dành
cho các đơn vị ở vùng khó khăn. Để có được điều này, chúng tôi lại nhớ triết
lý, hạnh phúc là sự hy sinh, như nơi đây, nhiều người hy sinh hạnh phúc cho sự
nghiệp chung. Các thầy, cô giáo vùng cao đáng tự hào ở chỗ ấy.
Với Lâm Thủy nói
riêng và giáo dục miền núi hiện nay, việc duy trì, ổn định số lượng học sinh,
nhất là đối với học sinh THCS, gặp rất nhiều khó khăn do các em nghỉ học để lao
động kiếm sống với cha mẹ, hoặc do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu
số. Bên cạnh đó, để duy trì, nuôi dạy học sinh bán trú là điều không hề dễ
dàng. Khó khăn hiện nay là dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhưng nhà
ở nội trú cho học sinh vẫn rất chật chội (15-16 học sinh/phòng). Ngoài ra, hàng
năm, cứ đến mùa khô vào khoảng tháng 8-9, các giáo viên của trường phải rất khó
khăn, vất vả, băng rừng để tìm nguồn nước đặt ống dẫn về khuôn viên nhà trường
phục vụ sinh hoạt cho khu nội trú vì nguồn nước chính phục vụ cho trường cách
khoảng 2km bị khô hạn.
Vượt lên tất cả, với
sự nỗ lực của tập thể giáo viên và
tình thương và trách nhiệm của mỗi thầy, cô giáo đã góp phần xây dựng ngôi
trường ngày càng lớn mạnh, tỷ lệ học sinh đến trường cao, hiện tượng bỏ học và
nghỉ học giảm dần. Dưới mái Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, nhiều thế hệ học sinh cũ
của nhà trường, bây giờ cũng đã thành đạt nhiều, như: Hoàng Kim, Hồ Huy, Hoàng
Văn Hoàng.
Năm
học vừa qua, trường cũng có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi các môn, như:
Sinh học, Vật lý, Văn học, Khoa học-Kỹ thuật, hội thi thể thao cấp huyện. Đặc
biệt, trong dạy và học, năm học 2018-2019, ở cấp tiểu học, toàn trường có 67%
học sinh được khen thưởng toàn diện và từng mặt; cấp THCS có 8,3% học sinh đạt
loại giỏi, 24,8% học sinh đạt loại khá.
Ông
Hoàng Bảo, già làng bản Xà Khía vỗ vai tôi nói rằng: “ Cây rừng sống được nhờ
rễ bám vào lòng đất. Con chữ đến với bản làng cũng vậy. Già đã nghe tiếng con
suối, con khe nó reo. Reo vì con chữ đẹp như suối, đẹp như tóc con gái của bản
trên suối ngàn mỗi chiều”.
Lâm Thủy, ngày 11 tháng 10 năm 2019
(Bút ký của Ngô Mậu Tình)