Điều đặc biệt dễ nhận ra là, năm nào cũng chọn
đúng dịp sinh nhật - ngày đặc biệt nhất của cuộc đời mình, Người lại ngồi vào bàn viết những lời căn dặn
đã được suy nghĩ từ lâu, xem lại, cân nhắc, bổ sung từng câu, từng chữ, cho phù
hợp. Việc làm này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí
Minh cẩn trọng đến thế nào với bản Di chúc mà Người gọi một cách khiêm tốn là “mấy lời để lại” đầy trăn trở, tâm huyết, chứa đựng những tình cảm thiết tha bao la, là niềm tin sâu sắc
gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau.
Ôn lại từng câu, từng
dòng, ta càng thấy, trong bản Di chúc, ta thấy Người căn dặn tỉ mỉ không sót
một việc nào: chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân
dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng...
hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.

Là một người cách
mạng, một người cộng sản, cả một đời dành trọn vẹn cho Đảng, cho dân, cho đất
nước, bởi vậy, dễ hiểu khi điều trước tiên nhất mà Người căn dặn trong Di chúc
là về công tác xây dựng Đảng, về những điều mà một Đảng cầm quyền cần làm, cần
chú trọng nhất: đoàn kết, tự phê bình và phê bình, giữ gìn đạo đức cách mạng.
Trước hết và trên hết,
khi nói về Đảng, Người nói về hai chữ “đoàn
kết”, xem đó là “truyền thống cực kỳ
quý báu của Đảng và của dân ta”. Và rằng, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của
mắt mình”.
Bên cạnh đó, cũng vẫn
là nói về Đảng, Người căn dặn: “thường
xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và
phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng". Tự phê bình nghiêm túc,
phải chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí mình và cấp dưới; mặt
khác, phải động viên cấp dưới và quần chúng phê bình tổ chức đảng và đảng viên
chân thành, triệt để trên "tình đồng
chí thương yêu lẫn nhau", xem đó là nguyên tắc quan trọng phải được
thực thi thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, thực chất.
Trên hết, điều mà
Người chốt lại trong “Điều nói về Đảng”
chính là câu chuyện rèn luyện “đạo đức
cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự
thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để
Đảng thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung
thành của nhân dân".
Cũng trong Di
chúc, ngay sau công tác xây dựng Đảng, là người luôn coi trọng thế hệ tương lai
của đất nước, Bác dành những lời căn dặn cho thế hệ trẻ. Người dặn rằng: "ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung
là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ.
Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những
người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người
nhất mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách
mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết".

Suốt cuộc đời của
Người là để chăm lo cho đời sống của nhân dân. Thế nên, trong Di chúc, Người
không quên căn dặn: NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã
bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột,
lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với
Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế
và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
Ngay cả việc ra đi của
Người, Người vẫn còn lo cho nhân dân, khi Người căn dặn: "Sau khi
tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ
và tiền bạc của nhân dân".
Trong những lời cuối
cùng để lại, Người quan tâm từng chi tiết tới người dân của các tầng lớp xã
hội, nhắc những công việc cụ thể đối với những người có công trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc, cho đến những nạn nhân của xã hội cũ. Đó không chỉ là niềm
tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc anh hùng
đấu tranh vì chính nghĩa, mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu
con người vô bờ bến.
Trong những trang Di
chúc viết thêm năm 1968, Người đã căn dặn kỹ lưỡng mọi việc cần làm sau chiến
tranh, mà trước hết đó là “công việc đối với con người”. Đây là những lời dặn
dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của
tư duy người cách mạng suốt đời hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống của tất
cả mọi người, đặc biệt là đối với những yếu thế, dễ bị tổn thương.
Người dặn rằng, “Đối
với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh
sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào
phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những
lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người”. Người cũng không quên nhắc đến những
thành tích của những “chiến sĩ trẻ tuổi” và dặn dò “Đảng và Chính phủ cần chọn
một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề”. Đặc biệt,
Người cũng biểu dương một lực lượng đông đảo, đã cùng với giai cấp công nhân và
đội ngũ trí thức làm nên cốt lõi và chủ lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đó chính là tầng lớp nông dân.
Cả cuộc đời Chủ tịch
Hồ Chí Minh là phấn đấu, hy sinh cho dân tộc, cho Nhân dân; là phục vụ Tổ quốc,
phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Người mong muốn và có niềm tin mãnh liệt
vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Nhân
dân ta. Thế nên, đoạn cuối cùng của bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng, lời
Người gửi gắm, dặn dò là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn
đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Tư tưởng, những lời
căn dặn quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc là tài sản vô giá,
là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong
tương lai.
Thực hiện di nguyện
của Người, từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước,
không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân. Dù điều kiện khó khăn
sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989 nông dân đã được miễn giảm thuế và miễn
thuế nông nghiệp theo lời căn dặn trong Di chúc của Người…
Với quyết tâm xây dựng
đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp
hơn" theo Di chúc của Người, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường
xuyên thiếu lương thực thực phẩm phải xin viện trợ, nhập khẩu, đến nay Việt Nam
đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong số các nước xuất
khẩu nông sản trên thế giới.
Năm 2019 toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân ta kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc và cũng là 50 năm
ngày mất của Người. Để làm tốt những lời hứa với Bác, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán
bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể
trong suy nghĩ, và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với Nhân dân,
đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tệ nạn
tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa
XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
ĐỖ ĐỨC
THUẦN