
Cô Đào Thị Dung nhận giải GVDG cấp
Tỉnh (thứ hai từ bên phải sang)
Cô giáo Đào Thị Dung sinh ra ở một
vùng quê nghèo của Lệ Thủy. Tuổi
thơ quen với gốc rạ, bờ tre, bàn chân trần quen lội bùn tát cá và mái tóc khét
màu nắng bởi những buổi trưa rong ruổi theo cha mẹ ra đồng. Cha mẹ cô - gia
tài chỉ có vài sào ruộng, không đủ ăn. Cha còn cày ruộng cho hợp tác xã, còn mẹ
thì chạy chợ buôn hàng xáo. Vẫn còn đậm sâu trong kí ức của cô hình ảnh cha
mang áo tơi nặng trịch, vác cày đập trâu ra đồng giữa cái rét đến cắt da cắt
thịt. Mẹ hôm nào cũng tất tả gánh gạo ra chợ, trưa quay về với lỉnh kỉnh hành
tỏi, mắm ruốc… Dù khó khăn nhưng cô vẫn đến trường với một niềm đam mê
bỏng cháy trong tình yêu thương vô bờ từ những thầy cô giáo dạy mình.
Suốt những năm đi học, cô đều đứng tốp đầu của lớp, giành được
nhiều giải thưởng cấp Huyện, cấp Tỉnh. Ước mơ của cô là trở thành
cô giáo dạy văn. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông nội bệnh nặng,
hai em còn nhỏ nên cô từ bỏ ước mơ, đi ở để kiếm tiền phụ giúp gia
đình.
Ngày khăn gói vào Quảng Trị, cả nhà khóc vì thương.
Nhưng cô lại giấu nước mắt vào trong và chỉ khóc thầm mỗi đêm khi
ngồi mân mê những quyển sách mang theo để đọc khi buồn. Ai cũng nghĩ
rằng, làm thuê vài ba năm, lấy chồng sinh con là yên phận. Nhưng với cô
Dung, cô không đầu hàng số phận. Sau ba năm làm thuê, hai em đã lớn, ba
mẹ đỡ vất vả, cô xin nghỉ làm đi học. Một mình với mấy bộ quần áo
và chiếc xe đạp cũ được nhà chủ tặng tự lần mò bắt xe vào trường
đại học Quảng Nam. Cô trở thành sinh viên từ đó.
Để ba mẹ đỡ vất vả, ngày ngày ngoài đi học cô có
hai kíp làm thêm. Kíp thứ nhất làm gia sư và kíp thứ hai rửa ly cho
quán cà phê. Đều đặn như thế cộng với tiền học bổng cũng vừa đủ
trang trải. “Quả thật đau có thể
nghỉ học chứ chưa dám nghỉ làm ngày mô cả. Nghỉ thì không có tiền
đóng tiền trọ, tiền ăn…” Cô kể với chúng tôi. Trong quãng thời
gian học tại đó, cái tên “Dung Quảng Bình” được nhắc rất nhiều bởi
cô giành gần hết các suất học bổng của khoa sư phạm. Thầy cô giáo
cũng rất yêu thương cô sinh viên chịu khó đến từ mảnh đất nắng gió
này. Tốt nghiệp cao đẳng, cô muốn ở lại học Đại học nhưng thầy cô
đều khuyên về quê để xét biên chế đã kẻo mất cơ hội.
Và may mắn đã mỉm cười, cô đậu biên chế tại Trường
TH&THCS số 2 Kim Thủy vào năm 2011. Tại ngôi trường khó khăn này, cô
đã có nhiều bài viết tốt và được Phòng Giáo dục Đào tạo Lệ Thủy chọn
vào đội ngũ cộng tác viên viết bài cho website của ngành. Từ đó đến
nay đã có rất nhiều bài viết được đăng, cô là một trong số những cây
bút chủ lực được đánh giá tốt cả về số lượng lẫn chất lượng.
Sau thời gian công tác tại Kim Thủy, cô được thuyên
chuyển về Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy. Đến nay đã tròn 8 năm công
tác, trong suốt 8 năm đó cô luôn miệt mài, phấn đấu hết mình để hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm học 2014-2015, cô đạt
giải ba giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Huyện, giải ba giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp
Tỉnh, giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm ngày thành lập
QĐNDVN. Năm học 2015-2016, cô đạt giải nhì cấp Tỉnh về đổi mới phương pháp
giáo dục an toàn giao thông, cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ
GD&ĐT. Năm học 2016-2017, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp Huyện, đạt giải ba
hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh. Năm
học 2017-2018, cô vinh dự được nhận Giấy khen vì đã có thành tích trong thực
hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2013-2018 của Chủ tịch UBND Huyện Lệ Thủy và giấy khen của Liên đoàn Lao
động huyện Lệ Thủy vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi
đua dạy tốt, học tốt. Năm năm liên tục từ năm học 2014-2015 đến năm
học 2018-2019 cô được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và 01 lần
nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh.
Nhưng điều làm chúng
tôi yêu quý nhất vẫn là tinh thần ham học hỏi cũng như thái độ hòa nhã, yêu thương mọi người,
đặt lợi ích tập thể lên trên hết của cô.
Với tinh thần học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, có những
thời điểm cô vừa tham gia thi GVDG Tỉnh, vừa tham gia lớp bồi dưỡng
năng lực ngoại ngữ, vừa tham gia thi tốt nghiệp lớp đại học Tiểu học,
rồi tiếp đó tham gia lớp bồi dưỡng quản lí giáo dục khi bụng bầu
sắp đến ngày sinh nhưng mọi nhiệm vụ ấy đều được hoàn thành xuất
sắc. Đạt giải GVDG cấp Tỉnh, ngoại ngữ đạt A2 xuất sắc với hơn 133
điểm theo khung tham chiếu châu Âu, tốt nghiệp đại học gần 9 phẩy và
hoàn thành tốt khóa bồi dưỡng quản lí giáo dục. Chính sự nỗ lực
không ngừng để vượt lên khó khăn và khẳng định năng lực bản thân của cô
đã được đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận. Bên cạnh đó, sự mộc mạc,
giản dị, gần giũi và chan hòa của cô đã gắn kết các thành viên
trong tổ, làm cho họ thêm đoàn kết và gắn bó.“Điều em mong muốn nhất là mọi người sẽ thực sự hợp tác,
hỗ trợ giúp nhau cùng tiến bộ. Chỉ có yêu thương, hòa thuận mới tạo
nên được một tập thể gắn kết. Vì thế em luôn cố gắng tạo sự thoải
mái trong sinh hoạt tổ, luôn nỗ lực hết mình trong mọi hoạt động và
sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể”,cô chia sẻ.
Cô giáo Đào Thị Dung
là một người như thế đấy. Nên khi chọn một tấm gương vinh danh nhân
ngày phụ nữ Việt Nam chúng tôi không ngần ngại chọn viết về cô - một
tấm gương sáng đáng để chị em chúng tôi cùng phấn đấu. Tin tưởng rằng
với những gì đã và đang làm được, cô sẽ cùng tập thể Trường Tiểu học
số 1 Hồng Thủy gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Công
đoàn Tiểu học số 1 Hồng Thủy