Đến thăm Trường mầm non Mai Thủy (Lệ Thủy), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước quang cảnh và khuôn viên sạch, đẹp được trang trí ấn tượng, bắt mắt. Điều chúng tôi bất ngờ nhất là khuôn viên sạch đẹp đều do các cô giáo đã tự tay thiết kế và chăm trồng với sự hỗ trợ của nhân dân trên địa bàn xã.
Trong mấy năm trở lại đây, Trường mầm non Mai Thủy từng bước hoàn thiện "bức tranh" xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Để làm tốt điều này, trường đã huy động tốt sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn như hỗ trợ nguyên vật liệu tre, nứa làm nhà chòi, làm cầu tre, các loại chai nhựa, ống nhựa... Các đoàn thể tham gia một số ngày công lao động trong việc trồng cỏ, trồng rau, làm vệ sinh, xây dựng mới khu vui chơi trải nghiệm, cùng với cô giáo làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có.
Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhà trường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trường mầm non hạnh phúc. Đây là bước đột phá mới trong công tác quản lý, chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường. Cho đến nay, trường đã có khuôn viên khang trang, sạch sẽ với đầy đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Môi trường trong và ngoài lớp học thân thiện và gần gũi với trẻ, thuận tiện cho trẻ khám phá thế giới xung quanh.
|
Trong mỗi lớp học, giáo viên phụ trách lớp ngoài việc giáo dục trẻ tốt còn khéo léo xây dựng các góc, các mảng hoạt động cho trẻ: Góc xây dựng, góc phân vai, góc nghệ thuật, mảng chủ đề khám phá khoa học, mảng làm quen với văn học. Các góc, các mảng được trang trí sinh động, nhiều màu sắc, tận dụng những vật dụng bỏ đi hoặc trưng bày các sản phẩm do trẻ tự làm ra, như: Vẽ, cắt, xé dán, tô màu... Cách trang trí này vừa gần gũi với trẻ, vừa khuyến khích trẻ tích cực hơn trong các hoạt động, đồng thời kích thích trí tưởng tượng và giúp cho không gian lớp học thêm phần sinh động. Trẻ được thoải mái khám phá vui chơi ở mọi lúc, mọi nơi.
Việc xây dựng môi trường bên ngoài lớp học đẹp, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đã thu hút được sự chú ý của trẻ và tạo cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực. Đặc biệt, ở góc “Bé vui chơi trải nghiệm”, trẻ được khám phá, trải nghiệm với các loài hoa đầy đủ màu sắc được các cô trồng từ đầu năm học cùng với sự nâng niu, chăm sóc hàng ngày của cô giáo cùng các em. Không gian “Thư viện của bé” với những chữ cái, bông hoa, loại trái cây do bàn tay cô giáo tạo nên. Các em được sắm vai các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích, xem các vở kịch rối, như: “ Đôi bạn tốt”, “Bác gấu đen”, “Hai chú thỏ”... làm từ vải vụn, xốp, trấu, bông gòn...
Ở góc“Bé yêu nghệ thuật”, các em được ca múa hát và hòa mình vào cảnh vật đầy màu sắc, âm thanh của gió và các nhạc cụ được làm từ các loại hộp bánh kẹo, tre nứa, nhựa... Ngoài ra, các em được làm quen các dụng cụ gõ đệm hò khoan Lệ Thủy, tham gia nhiều tiết mục biễu diễn văn nghệ có ý nghĩa.
Không gian mở rộng ra với “Bé đóng vai nào”, giúp trẻ được vui chơi với các viên sỏi ngộ nghĩnh, được đóng vai những cô chú nông dân để gieo những hạt thóc. Đó là những trải nghiệm rất thú vị và bổ ích.
Ở khu vực“Vườn cổ tích”, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật đều ẩn chứa những ý nghĩa, những bài học giàu tính nhân văn về cuộc sống. Thú vị nhất là góc “Sắc màu dân tộc” với ngôi nhà sàn do sự chung tay đóng góp hỗ trợ của các hội đoàn thể địa phương. Chúng tôi thật ngạc nhiên khi bước vào “Khu vui chơi giao thông”. Tại đây, trẻ nhận biết được các biển báo, tuân thủ đúng luật lệ giao thông khi đi trên đường, giúp trẻ áp dụng thực tế trong khi lưu thông trên đường cùng gia đình.
Nhà trường đã hướng dẫn giáo viên các nhóm lớp tận dụng các mảng tường để trưng bày sản phẩm của trẻ, các hiên chơi để bố trí góc vận động, chân cầu thang để làm các bảng biểu tuyên truyền về phòng tránh đuối nước, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là tuyên truyền về việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ngoài các trò chơi dân gian, các cô giáo còn trang bị các vật dụng giới thiệu nghề truyền thống ở địa phương như đan lát, chổi đót...
Khu vực phía sau dãy phòng học là “Vườn rau của bé” với diện tích gần 300m2. Cô và trẻ đã trồng rất nhiều các loại rau như: Rau khoai, rau muống, ngót, rau cải, rau mồng tơi, mướp... Nhà trường còn có vườn cây ăn quả như ổi, xoài, khế, mít... nhằm cung cấp cấp thực phẩm sạch. "Vườn rau của bé" giúp trẻ mầm non làm quen với thế giới thực vật sinh động qua các giờ học ngoài trời, trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc cây.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Trương Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ mầm non vào lớp 1. Do đó, mỗi cán bộ giáo viên Trường mầm non Mai Thủy luôn cố gắng nỗ lực, tâm huyết xây dựng môi trường giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” để mỗi ngày đến trường là một niềm hạnh phúc của trẻ."
Ngô Mậu Tình