Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 232
Số lượt truy cập: 64531847

Quảng cáo
CÔ GIÁO 14 NĂM BÁM BẢN "TRỒNG NGƯỜI" TRÊN VÙNG BIÊN GIỚI QUẢNG BÌNH 3/1/2024 3:54:16 PM
14 năm gắn bó với vùng biên giới xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tình nguyện gắn bó với bản làng để thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ học sinh người Bru Vân Kiều. Điều tôi tâm đắc nhất ở đồng nghiệp mình là sự lặng thầm, khiêm tốn và sự cống hiến không biết mệt mỏi với học sinh vùng cao trong hành trình đến với con chữ.

 CT1.jpg

Con chữ mọc từ lòng đất

Nhà ở thành phố Đồng Hới, chồng đi làm xa, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã nộp đơn ứng tuyển vào trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Lâm Thủy năm 2009. Kể từ đó đến nay, mỗi tuần cô chạy xe máy hơn 140 km từ nhà đến trường. Đường đá gập ghềnh, cheo leo, hiểm trở nhưng không ngăn được bước chân của cô giáo trẻ này.  Cứ nghĩ đến một ngày kia, cùng đồng nghiệp góp phần mang lại sự văn minh cho đồng bào, dân bản cô lại mỉm cười. Thoáng nghĩ, bên kia bờ suối, các em học sinh đang bi bô học bài, tiếng Cồng Chiêng vang lên cùng ngọn lửa cô lại thấy mình tràn đầy nhiệt huyết. Còn tôi lại nghĩ, mây sẽ trôi về xuôi cùng ánh mắt lấp lánh của bao thế hệ học sinh Bru Vân Kiều và mang theo bờ vai ngiêng con suối cùng màu trắng mây trời.

Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy đóng ở biên giới, sát với nước bạn Lào. Trường có 4 khu vực lẻ: bản Tân Ly, bản Tăng Ký, bản Mụ Mệ, bản Eo Bù - Chút Mút. Mỗi khi nghe tiếng gà gáy vang lên thì đó cũng là lúc âm thanh này nối liền 2 bờ đất nước. Vì vậy, khi đến đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi lòng và sự gian truân của các thầy cô giáo. 14 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã cống hiến gần hết tuổi trẻ của mình cho bản làng. Cùng với đồng nghiệp cô vừa dạy cái chữ vừa làm công tác phổ cập, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi cho con em đồng bào. Vượt qua những khó khăn và những trở ngại vùng miền, cô đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng tất cả tấm lòng của mình với nghề nghiệp, với đàn em thân yêu.

Cách đây không lâu, bên cạnh lớp học tre nứa đơn sơ bao giờ cũng có một căn nhà nhỏ bé khiêm tốn bằng tre nứa. Căn nhà ấy là nơi ở của cô giáo Thanh và đồng nghiệp trong suốt thời gian dài với những ngày tháng vui buồn lẫn lộn, thương nhớ mênh mang. Lớp học là những bàn ghế ghép tạm bằng gỗ rừng do phụ huynh mang đến. Trên bàn làm việc có chiếc đèn dầu khói bốc lên đen sì. Sáng ra áo quần, mũi của giáo viên đầy khói thế nhưng trang giáo án vẫn cứ thơm mùi hoa rừng.

Những lá thư nhà nhàu vết thời gian quẹt mòn vì đọc đi đọc lại quá nhiều lần. Thời gian như củng cố thêm tình yêu của cô giáo trẻ nơi địa đầu biên giới này. Có hôm khi vào mắc màn ngủ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh phát hiện có rắn mai hổ đang nằm trong chăn ấm. Mọi người rú lên xua đuổi, sau đó đóng chặt tất cả các lỗ thủng ở căn phòng của mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học môn Sinh, tôi nộp đơn tuyển dụng vào vị trí nhân viên thiết bị. Phải 5 năm sau, tôi mới được chuyển vị trí công tác sang làm giáo viên.Vì niềm đam mê dạy học nên tôi không ngừng bồi đắp kiến thức và phương pháp qua các tài liệu sách vở và nhất là tự học qua Internet. Ở đây, học sinh người Bru Vân Kiều chiếm đến 98% nên việc giao tiếp gặp khó khăn, tôi phải tự học tiếng đồng bào để gần gũi các em”.

Vào mùa mưa, nước các con suối ở bản Bạch Đàn lên cao, đường lên bản Eo Bù - Chút Mút sạt lở nghiêm trọng. Những đống đất hàng tấn nhão nhoẹt tràn xuống đường, đá trên cao trăm mét rơi xuống rào rào. Thật may, chúng thường diễn ra vào ban đêm. Trước đây, vào mùa mưa gió, lớp học vắng gần nửa, bàn ghế trong phòng học như rộng thêm, cô giáo Thanh nghẹn ngào nỗi niềm về công tác xóa mù, phổ cập giáo dục. Con đường vào bản mòn vẹt, trơn trượt như có cả ngàn tấn dầu ăn đổ xuống.

 CT2.jpg

Có lẽ, sống mãi giữa bốn bề núi rừng nên thành quen. Cô giáo Thanh luôn nở một nụ cười trên môi bằng sự lạc quan, niềm tin vững chải. Mỗi năm qua đi cũng là bấy năm những gian khổ được trút xuống vai vơi dần. Công việc tự học, dạy học, soạn giáo án, thăm nhà học sinh mỗi đêm xua tan nỗi nhớ thành phố, nhớ gia đình bé nhỏ của mình. Chính những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh tự tin với công việc và góp phần làm đẹp thêm cho núi rừng biên giới Lâm. Già làng Hoàng Bảo nói với chúng tôi: “Đất đai đồng bào giữ nhưng con chữ các thầy cô trồng. Chữ ở vùng này mọc lên từ lòng đất.”

Hoa nở trên núi

Ngoài việc vận động học sinh đến trường, chăm lo đời sống cho các em ở nội trú, trong 5 năm gần đây, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đăng ký bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 8. Cũng bằng ấy lần tham gia các kỳ thi học sinh giỏi huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đạt 05 giải đồng đội và 12 giải cá nhân môn Sinh học. Đây là thành quả đáng tự hào đối với một ngôi trường vùng cao, với 98% là học sinh người Bru Vân Kiều.

 CT3.jpg

Ngay từ khi được chuyển sang ngạch giáo viên, từ buổi đầu đứng lớp, với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức được tiếp thu ở giảng đường, cô Thanh đã chuyên tâm dạy dỗ cho những cô cậu học trò ngoan ngoãn, thân thương nhưng còn nhiều thiệt thòi ở vùng biên giới Lâm Thủy. Cô giáo Thanh luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, đồng thời tự trau dồi kiến thức và trình độ chuyên môn, tích lũy kiến thức để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh. Được sự giúp đỡ, động viên của nhà trường, đặc biệt là các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô đã vượt qua những áp lực của bản thân, khắc phục mọi khó khăn, tự rèn, tự nghiên cứu tài liệu, thường xuyên cập nhật kiến thức để làm phong phú thêm cho mỗi bài giảng.
        Chính vì thế, việc cô giáo Nguyễn Thị Thanh công tác ở miền biên giới Lệ Thủy nhận được Bằng Khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh có sức lan tỏa đến giáo dục huyện Lệ Thủy. Với chúng tôi, những đồng nghiệp cùng trường, nếu được phong anh hùng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn tôi sẽ chọn cô Thanh là người đầu tiên. Bởi cô đã làm những điều phi thường thậm chí là không tưởng.

Trong quá trình giảng dạy các lớp đại trà và nhất là các khóa học sinh giỏi cô chăm chút từng trang giáo án, tự làm đồ dùng dạy học từ những tranh vẻ đơn giản nhất đến việc tạo ra các phần mềm tương tác để rút ngắn quảng đường con chữ đến với học trò. Cô truyền hồn và cảm hứng vào mỗi tiết dạy để học sinh của mình thích thú, đam mê và chăm chỉ tới trường đều đặn. Phương pháp dạy học mới được áp dụng linh hoạt trong mỗi giờ lên lớp và cô sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp để góp phần đưa cái mới đến với giáo dục vùng cao những điều điều mới mẻ, tích cực.

Khi trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là được chuyển ngạch sang làm giáo viên và bước đầu "bén duyên" với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Cái khó nhất đối với học sinh Bru Vân Kiều là làm sao cho các em tự giác đến trường đầy đủ. Tiếp nối là sự gắn chặt của giáo viên với từng mảnh đời thiếu thốn. Mình cho các em tình yêu các em sẽ đáp lại bằng  sự trân trọng và chăm ngoan, nghe lời”.

Nhiều giáo viên trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy nói vui rằng, cô Nguyễn Thị Thanh xứng đáng nhận 3 "kỷ lục": "Kỷ lục" giáo viên bồi dưỡng 5 năm liên tục có giải đồng đội (02 giải nhì, 02 giải 3 và 01 giải khuyến khích) tại vùng đặc biệt khó khăn, “kỷ lục” về giáo viên có thời gian bám bản lâu nhất (14 năm) và "kỷ lục" về giáo viên có số học sinh giỏi cao nhất vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Có thể sẽ còn nhiều giáo viên trưởng thành, nhiệt huyết và thành công ở địa bàn vùng biên giới như cô giáo Nguyễn Thị Thanh. Nhưng với những đồng nghiệp đang cùng cô Thanh công tác trên mảnh đất này, cô Thanh là tấm gương về sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh. Điều đáng quý hơn mọi danh hiệu là cô được sự quý mến, yêu thương của đồng nghiệp và các em học sinh và trên hết là sự tin tưởng yêu quý của bà con bản làng Bru-Vân Kiều nơi biên giới Lâm Thủy.

Ngô Mậu Tình

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

CT5.jpg


CT4.jpg
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com