1. Dù ở đâu nhưng hễ là người Lệ Thủy thì âm vực giọng nói không hề thay đổi. Mảnh đất, con nước nơi đây định hình một nét văn hóa đặc trưng không nơi nào có được. Tôi luôn tự hào mình là người Lệ Thủy, ăn cơm ruộng sâu và uống nước dòng Kiến Giang. Với bất cứ đứa trẻ nào lớn lên ở đây đều không thể nào quên hình ảnh con đò xuôi ngược chở thóc lúa khi mùa về và tiếng hụi lên, hô lên của trai bơi mỗi khi tết độc lập lại đến. Phù sa nuôi cánh đồng màu mỡ và nuôi đời chúng tôi lớn khôn.
Tôi vốn
người nhát rét nhưng sáng nào cũng ra bến sông ngồi đón gió. Vào mùa đông, gió
áp vào mặt như roi quất. Lớn lên, thấy gió sàn sạt trên mặt sông là thương Mạ
bao tháng ngày còng lưng cấy lúa để cho tóc quật xuống bùn, còn móng chân thì
vàng khè màu phèn úa. Giờ, nhìn mấy đứa con gái mi xanh, tóc vàng lòng chớm
lạnh như chú chim non bị ướt. Còn nhớ, tôi hay mộng mơ ánh điện nơi phố xá nên
nói với Mạ, sau này con sẽ làm nhà ở Đồng Hới để ngày nào cũng thấy ô tô và
ngắm cửa biển. Mạ tôi ngồi sàng gạo, hai tay xoay đều, cười hiền, con cứ học
cho giỏi, nếu có việc sẽ lấy được vợ thị xã, rồi xin bố vợ miếng đất mà ở. Đêm
đó, tôi thao thức đến sáng, mắt chớp chớp nhìn về phía Đồng Hới tưởng tượng
mình đang nắm bàn tay một cô gái nào đó chốn xa xa.
Hồi đó, hình
như mùa đông rõ ràng hơn bây giờ. Những thân cây chuối bạc phếch hứng gió, bao con
đò theo con nước ngược xuôi về phía phá Hạc Hải. Dòng Kiến Giang nước xanh như
mắt mèo, chạm vào nước là nghe được hơi thở của sông. Đôi khi cúi mình xuống
trong mỗi chuyến đò ngang là tiếng trống tim rộn ràng từng nhịp.
2. Mấy ngày sau Tết, tôi xuống dòng Kiến Giang để tìm lại hương xưa. Không
như những con sông khác, Kiến Giang xanh đến ngút ngàn. Đẹp nhất là sông vẫn ra
biển bằng dòng nước ngọt lành, trong vắt. Khác với nhiều nơi, nỗi lo thành
tiếng thở dài, sự canh cánh giữ dáng vóc và vẻ đẹp thuần khiết của sông được
người Lệ Thủy bảo tồn tốt nhất có thể. Nở nụ cười sau khi uống ngụm nước sông
mới thấy hết niềm vui đang nảy nở. Ở nơi thượng nguồn hay về đến hạ nguồn Kiến
Giang, bà con quần tụ, sinh cơ lập nghiệp. Cứ hết thế hệ này đến thế hệ khác,
người dân ven sông như một dòng chảy, chảy mãi không ngừng. Cái khí chất khẳng
khái, sự dí dỏm, đằm sâu, trượng nghĩa của người Lệ Thủy vẫn không hề thay đổi.
Tôi đứng nhìn con sông ôm lấy làng quê, thả nước ra biển mà lòng lưng tròng,
diệu vợi.
Với tôi,
dòng Kiến Giang trữ tình như thiếu nữ xuân thì. Sông chảy trong ký ức cùng hình
ảnh Mạ ngồi giặt áo quần sau ráng vàng như chái bếp nội nấu cơm ngày xưa. Đêm
đến, tiếng lòng cồng gõ vào mạn thuyền của những người làm nghề đánh cá vang
vang. Các thanh niên lai rai quả ổi cùng chai riệu đế và hò khoan Lệ Thủy.
Mấy thằng
bạn tôi đi lập nghiệp nơi xa, mỗi lần về quê gặp mặt là khóc, tôi bảo, dòng đời
chưa cuốn là phúc lắm rồi, may mắn cho tụi bây, phù sa sông này giữ lại điều
thiêng liêng nhất, cố mà giữ lấy. Mà thật, bẵng đi hồi lâu, giờ ngoái lại,
chúng tôi đã qua 47 mùa xuân rồi. Quê vẫn mãi là quê chỉ mong rằng người quê
luôn gạn đục khơi trong và phân biệt được miền sáng tối.
3. Tôi may mắn có công việc ổn định và sống ở quê, bao bao bè ngược xuôi,
bôn ba xứ người. Thế nhưng không phải lúc nào tôi cũng bên sông, có tuần thậm
chí đến cả tháng tôi mới xuống bến sông. Chuyện cơm áo gạo tiền cùng sự bận rộn
của nhịp sống tất bật đã len vào quê. Lòng đôi khi trống rỗng, ráo hoảnh, ngồi
viết cái gì đó mà có cảm giác đãi bôi. Sự vội vã, ganh đua khiến con người mỏi
mệt nên thèm bước thụt lùi vào ký ức. Nhanh qua thành chậm. Chậm rải mới thấy
hết được mình. Sông thì khác, cứ chảy và chở bao cuộc đời xuôi theo.
Tết rồi, mấy
anh em về quê thèm nghe tiếng Hò khoan, có đứa mở youtobe, đờ người ra nghe, thời
này cái gì cũng có từ Internet. Tôi hẹn cả tụi sang nhà nghệ nhân Hồng Hới.
Chồng đàn, vợ hò, cả bọn cùng xố. Thế mới biết, công nghệ chỉ tái hiện còn lắng
vào trái tim, vui cùng văn hóa chỉ có thể là người thật, việc thật. Đêm
giao thừa, tôi kéo các bạn về nhà canh nồi bánh chưng. Bên bếp lửa bập bùng
chúng tôi lấy điện thoại ghi hình gửi mấy đứa đang đi du lịch hoặc đang ở thị
thành xem bắn pháo hoa. Phía bờ sông sáng rực cơ man nào là đèn nháy. Dòng Kiến
Giang bật lên những bông hoa từ mặt nước loang loáng. Nhìn vào mắt nhau, cánh
đồng trĩu lúa hẹn hò đang bời bời lớn nhanh.
4. Không biết tự bao giờ, vùng đất phía nam tỉnh Quảng Bình có tên Lệ
Thủy. Nhiều người cho rằng, tên quê chỉ một dòng nước buồn, riêng tôi thầm nghĩ
đó là định danh của vùng sông nước đẹp. Dòng Kiến Giang quanh co từ thượng
nguồn, băng qua các làng mạc, chảy vào lòng Lệ Thủy, ôm lấy một vùng đất địa
linh, nhân kiệt. Sông chở nặng phù sa tạo nên vùng lúa nước mênh mông “Nhất
Đồng Nai, nhì hai huyện” sau đó nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra biển lớn. Người
dân uống nước dòng Kiến Giang hàng trăm năm qua tự hào bởi sông quê hiền lành,
tuôn chảy như con rồng uốn khúc làm nên linh khí thiêng liêng sinh ra các bậc
kỳ nhân làm rạng rỡ quê hương.
Có lần, tôi
và giáo sư Nguyễn Anh Trí, người con ưu tú của quê hương trà dư hậu tửu ở làng
Đại Phong. Trong không khí đầu xuân, ngồi nhâm nha món cá lóc nướng cùng món
Zút làm từ tép đồng, chúng tôi bàn với nhau về việc xây dựng mô hình đập lòng
cồng, thả lưới, cất vó trên dòng Kiến Giang. Thi thoảng những con đò dọc ngược
xuôi chở người đi chợ Tuy Lộc, chợ Tréo, chợ Hôm Trạm sẽ thành những điểm nhấn
cho con sông huyền sử này. Rồi những đêm thanh các chuyến đò chở mọi người ngắm
trăng trong tiếng đàn nhị, đàn bầu. Gió Nồm, gió Nam ngan ngát làm đắm say lòng
người: “Lệ Thủy - Kiến Giang mênh mang
sông nước/Đồng xanh lúa lượn thẳng cánh cò bay/Quê hương tình nặng nghĩa dày/Lắng
trong câu hát đong đầy nắng - sương”. Tiếng hò khoan dập dìu chở đêm trăng,
cối gạo đầy vơi. Giáo sư Trí nói với tôi, đêm nghe sông vỗ sóng mới hay quê
hương là phù sa và mỗi người là con nước.
Ngô Mậu Tình