Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 488
Số lượt truy cập: 72734883

Quảng cáo
CHÚNG TÔI NÓI VỀ NGƯỜI THẦY 11/20/2020 3:19:07 PM
Từ xưa đến nay, người thầy được ví như những người lái đò thầm lặng, đưa những chuyến đò đến bến bờ tri thức. Thầy cô như những người làm vườn cần mẫn, chăm chút tháng ngày để ươm tốt những mầm xanh. Thầy cô là những con ong chăm chỉ, vượt đèo cao để góp mật ngọt cho đời... Không thể kể hết công lao của các thầy cô giáo trong hành trình của mỗi cuộc đời để đi đến thành công. Triệu đóa hồng xin tặng những người đang đứng trên bục giảng, đang cống hiến hết mình cho thế hệ hôm nay và cả mai sau. Chuyến tàu tri thức vẫn hành trình không mệt mỏi, nối dài thêm vinh quang của nghề giáo, của những ước mơ cống hiến vô bờ.

* Từ thế hệ người cầm bút và cầm súng

Những năm đánh Mỹ hào hùng, Lệ Thủy cùng với Vĩnh Linh nằm trong tuyến lửa. Những ước mơ đại học của học sinh trường cấp III Lệ Thủy trở về vùng Ngư Hóa xa xôi vừa cầm bút vừa cầm súng. Đó là những ngày khoai sắn, ăn măng, ăn rau má, mặc áo vá, ở hầm, băng qua bom đạn đến trường đến lớp, phòng học là lán nứa, tranh tre tạm bợ, tự xây dựng trong rừng. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, các thầy không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy học mà còn tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trong trường có đại đội tự vệ, mỗi khối là một trung đội chiến đấu cùng địa phương bắn máy bay Mỹ. Ngoài ra, còn thành lập đội xung kích, có lời kêu gọi là lên đường vào Nam chiến đấu. Được đào tạo trong hoàn cảnh với vô vàn khó khăn, gian khổ của những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng các thầy vẫn giữ ngọn lửa đam mê. Đó là lí tưởng của tuổi trẻ, lí tưởng Đảng trong thời đạn lửa. Thế hệ học sinh Lệ Thủy không thể quên những người thầy tận tụy như thầy giáo Lê Công Mục, thầy giáo Trương Quang Thuần (giáo viên giỏi toàn miền Bắc), nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Chi… Trong thời kì sinh tử đó, thầy trò Lệ Thủy đã tạm “Xếp bút nghiên theo việc đao cung”, tạm gác ước mơ giảng đường để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc và đã để lại một phần thân thể của mình dọc đường Trường Sơn huyền thoại. Có người không kịp trở về để nhìn mái trường lần cuối, có người hi sinh trên chính mảnh đất quê hương. Thầy Trương Duy Hoàng đã dũng cảm hi sinh ở Xuân Thủy khi hướng dẫn học sinh học bài ban đêm, thầy Nguyễn Đình Tuyến, thầy Trần Văn Hoa cũng đã ra đi khi làm nhiệm vụ. Biết bao tấm gương nhà giáo của Lệ Thủy đã để lại những niềm tự hào và ngưỡng vọng về người thầy trong thời kì khó khăn của quê hương đất nước.


10.11.trian01.jpg


* Đến thế hệ người thầy thời bao cấp

Sau ngày thống nhất hai miền Nam Bắc, non sông thu về một mối, lớp lớp thế hệ tuổi trẻ Lệ Thủy vẫn hăng say học tập phấn đấu để trở thành những người thầy mẫu mực trong thời kì mở màn “chiến dịch” giáo dục. Từ những năm bao cấp, khoai sắn qua ngày, quần  bao bố, cặp sách bao đạm vẫn say sưa đến lớp. Không còn nỗi lo chiến tranh nhưng vẫn còn đó nỗi lo cơm áo gạo tiền. Với đồng lương ít ỏi, các thầy vẫn ngày hai buổi đến trường đều đặn. Những ngày nghỉ, thầy cô lại kiếm thêm việc để nuối sống gia đình. Từ buôn hàng trên tàu hỏa đến sang nước bạn Lào, từ lên rừng đốn củi đến về biển lấy cá tôm, các thầy đều bền bỉ xông pha để cuộc sống bớt chật vật. Có nhiều thầy giáo xông pha vào tận vùng A Lưới, cõng chữ lên vùng cao cho các em học sinh đồng bào dân tộc ít người, có thầy xuống đồng bằng để tăng gia sản xuất trên mảnh vườn, thửa ruộng. Không một lời than vãn, sau những công việc mệt nhoài, các thầy lại thao thức với trang giáo án chép tay bên ngọn đèn dầu leo lét và sáng mai vẫn say sưa giảng bài. Đó là thế hệ của thầy giáo Dương Bạch Mai, thầy Lê Đình Hồng, thầy Ngô Danh Đức, thầy Võ Đức Kế, thầy Lê Huy Dung…và nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó trong thời kì khó khăn chung của đất nước. Thầy đạp xe cà tàng trên đường làng, dây chun quấn đầy bánh xe mà học trò thì quá lễ phép, chào dạ râm ran. Hình ảnh thầy cô xưa của thời bao cấp thật  khó khăn mà chan chứa nghĩa tình, thật vất vả nhưng rất đỗi thanh bạch. Mỗi ngày lên lớp các thầy cô luôn giữ được đúng nghĩa người thầy. Thầy khó khăn mà trò cũng quá thiếu thốn, ngày 20-11, học trò đến thăm thầy với vài bông hoa và hàng chục cái miệng chờ ăn. Học trò ra về, vườn nhà thầy như cơn bão quét, cam bưởi ổi đào… dành cho dịp Tết không còn một quả. Thầy tiễn học trò về mà nước mắt chảy vào trong …Cái cảnh ấy bây giờ không còn nữa những vẫn còn mãi trong bao thế hệ học trò về những người thầy chân chất, chan chứa yêu thương. Đúng là một thời bao cấp đầy thương nhớ, hình ảnh người thầy hòa trong cái nghèo của đất nước: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”.

* Và thế hệ thầy giáo 4.0.

Đất nước ngày càng đổi mới, ước mơ của thế hệ trẻ bay đến tận trăng sao. Thế hệ thầy cô giáo được học tập và rèn luyện trong môi trường đầy đủ và hiện đại với lòng nhiệt huyết cống hiến tràn đầy. Thế hệ thầy giáo trẻ luôn đam mê sáng tạo, tình yêu nghề cháy bỏng, có thể dạy học và truyền cảm hứng cho học sinh bất cứ lúc nào. Giáo dục Lệ Thủy ngày càng phát triển, là đơn vị tốp đầu của giáo dục tỉnh nhà, đó là sự kế thừa của thế hệ đi trước và sức lao động sáng tạo miệt mài của lớp trẻ hôm nay. Thế hệ 4.0 luôn tự hào mình là người đứng trên bục giảng, được cả xã hội vinh danh và kính trọng, luôn khát khao cống hiến, khơi dậy đam mê cho học trò, giữ vững niềm tin cho xã hội và ý thức về danh dự của bản thân mình. Thế hệ đi trước cảm thương cho học sinh nghèo khó, thế hệ trẻ trăn trở để đổi mới từng ngày. Những ông đồ ngày xưa đã đi vào miền kí ức, lớp trẻ tiếp tục xông pha để tô điểm cho hình ảnh người thầy đẹp đẽ hơn trong mắt đồng nghiệp và nhân dân. Giáo dục Lệ Thủy luôn có những thầy giáo trẻ nhiệt huyết, đam mê góp phần vinh danh giáo dục huyện nhà, đó là thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, thầy Ngô Mậu Tình, thầy Bùi Công Luân, thầy Lê Thuận Long…và nhiều thầy cô giáo trẻ khác đang ngày đêm miệt mài cống hiến trên mọi miền quê hương Hai Giỏi.  Nghề giáo thời 4.0 cũng đầy trăn trở, đâu đó vẫn còn những hiểm nguy bởi những con sâu làm rầu nồi canh nhưng lớp trẻ vẫn vững lòng tiến bước. Lớp trẻ đứng trên bục giảng luôn cố gắng giữ đúng hình ảnh người thầy trong mắt trẻ. Đứng trước những điều kiện hiện đại mà xã hội ưu ái, mỗi thầy cô giáo trẻ sẽ nhanh nhạy hơn, linh hoạt hơn để xứng đáng là người “cầm quân” trong dạy học. Khổng Tử nói: “Nếu làm tướng bất tài thì mất một thành trì, nếu làm hôn quân thì sẽ mất nhiều đất đai còn nếu làm thầy dốt thì mất biết bao thế hệ”. Lớp trẻ hiểu điều đó và tiếp tục xông pha trong đội quân giáo dục để thực hiện lí tưởng mà mình đã chọn. Thế hệ thầy giáo 4.0 luôn hát mãi bài ca nghề giáo vì họ chính là: “Người giáo viên nhân dân với tâm hồn xanh mát như lá bàng, trái tim đỏ nhiệt tình như màu hoa phương vĩ, đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn, đi ươm mầm xanh cho tổ quốc.”.

Mùa hiến chương 2020

Thuần Lê

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com