Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 251
Số lượt truy cập: 73026288

Quảng cáo
NGƯỜI THẦY NGHĨ GÌ TRONG MÙA HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO? 11/20/2020 3:10:29 PM
Tháng 11 năm nay cũng sẽ đi vào lịch sử bởi chúng tôi không tổ chức cho mình như mọi năm: nhẹ nhàng, giản đơn hết sức có thể để san sẻ nỗi khó khăn mà quê hương đang gồng mình gánh chịu. Chúng tôi đã thấy rõ trách nhiệm của người thầy những lúc như thế này phải là người tiên phong: tiên phong trong cách nghĩ, cách làm để xứng đáng là “Một ngọn nến đang cháy, nến cháy để soi đường cho những người khác.”

10.11.jpg


20-11 NĂM HỌC 2019 - 2020

Tháng 11 đến với những cơn mưa, một vài lần hờn giận của Thủy Tinh khiến Lệ Thủy quê tôi như một đôi mắt ầng ậng nước, trĩu buồn. Những cơn gió lạnh buốt đến dồn dập hơn và thầy trò chúng tôi luôn luôn thấp thỏm đề phòng với những cơn bão, lũ có thể đến bất cứ lúc nào. Tháng 11 chỉ trở nên ấm áp hơn khi chúng tôi nghĩ về một mùa hiến chương nhà giáo mới, một ngày lễ trọng đại của thầy, cô giáo trên khắp cả nước. Tháng 11 chạm ngõ, bất giác tôi nghĩ về những trách nhiệm, những trăn trở, những cái được, cái chưa của một người đứng trên bục giảng như bản thân mình.

Chúng ta đã quen với những câu nói, câu hát ngợi ca mùa hiến chương nhà giáo như “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, thầy cô là mẹ, là cha, là người dạy dỗ chúng ta suốt đời, cô giáo như mẹ hiền, là người mẹ thứ hai, yêu thương và dạy dỗ con nên người…” bởi công lao to lớn của người thầy, người cô là không gì so sánh được. Nhưng với tư cách là người đứng trên bục giảng, khi mùa hiến chương về, tôi lại có những băn khoăn: “Mình đã thực sự là người thầy tốt? Là người thầy “mới”, là “người mẹ thứ hai” trong mắt những học sinh của mình chưa? Và phải làm gì đây để có thể xứng đáng là một người như thế?

Có ai đó đã từng nói rằng “Một người thầy bình thường sẽ chỉ nói. Một người thầy giỏi sẽ giải thích. Một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói còn người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng”. Với công nghệ 4.0 như bây giờ, khi mạng internet trở nên phổ biến và hàng loạt phương pháp dạy học mới, những bài giảng elearning được đăng tải, khối kiến thức đồ sộ về văn hóa, khoa học, công nghệ … cũng được ông “google” cung cấp một cách đầy đủ và bài bản nhất thì người thầy dẫu không dám nghĩ mình là người thầy vĩ đại cũng phải thay dổi phương pháp, thay đổi cách nghĩ  để có thể truyền cảm hứng đến mỗi học sinh. Khi mà những kiến thức trong sách giáo khoa chỉ dừng ở mức cơ bản thì người thầy lúc này phải từ bỏ lối tư tưởng cũ là truyền thụ kiến thức: làm sao để khi gặp một bài tập đọc mới các em hoàn toàn chiếm lĩnh được nội dung, kể ra được từng ấy nhân vật và bài học mang lại nếu có? Làm sao để khi học viết thư cho ông bà rồi các em hoàn toàn có khả năng viết thư cho cô, cho bạn, cho anh chị về những nội dung khác nhau mà không chỉ chăm chăm vào những đề văn có trong sách giáo khoa để kiểm tra? Làm sao để khi gặp một dạng toán mới, các em có phương pháp tư duy đi từ cái đã cho, tìm cái chưa biết và sáng tạo ra những cách giải mới chứ không phải thấy khó là mất bình tĩnh, rối như tơ vò và bỏ cuộc? Đó là cách truyền cảm hứng mà gọi chính xác hơn là cách dạy học theo định hướng phát triển kĩ năng. Chỉ cần có kĩ năng, có định hướng đúng đắn từ người thầy thì dẫu một cú clik chuột có ra hàng trăm nội dung khác nhau các em vẫn sẽ chọn được những nội dung đúng đắn để tự học, tự bồi dưỡng bản thân mình.

Tôi tự hỏi mình đã thực sự bỏ ngoài cửa lớp những vui buồn, hờn giận của bản thân, những lo lắng cơm áo, gạo tiền thường nhật để toàn tâm toàn ý đến với bài giảng chưa? Khó biết bao nhưng đấy lại là điều mà người thầy nào cũng phải hiểu. Mỗi một giờ giảng, một nụ cười, một ánh mắt âu yếm, kể cả một cử chỉ quan tâm rất nhỏ “Lạnh rồi, răng mặc áo mỏng vậy em?”  quan trọng với học sinh chúng ta biết nhường nào. Một giờ học không tránh khỏi những nhắc nhở, than phiền nhưng xen lẫn vào đó nhưng câu nói hài hước, những cử chỉ vui vẻ của người thầy tiết học sẽ trôi qua nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng học trò hơn cả. Qua rồi cái thời thầy cô đi vào lớp “Im lặng, học bài chưa? Hôm ni có ai không làm bài tập không?” mà thay vào đó là những câu hỏi nhẹ nhàng hơn “Hôm nay có ai quên làm bài tập không hè? Vì răng rứa em?” Đấy, đừng chăm chăm nghĩ về nhiệm vụ chúng ta giao là các em phải hoàn thành. Bởi có rất nhiều lí do có thể xảy ra. Hãy bình tĩnh tìm hiểu, hãy đặt mình vào vị trí của các em để có sự cảm thông và để sợi dây kết nối tình thầy trò trở nên thực sự gần gũi. Tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng kết thúc một năm học phải có bao nhiêu % được khen, bao nhiêu % khá giỏi trong khi chúng ta đang thực hiện đánh giá vì sự tiến bộ của mỗi học sinh? Chỉ cần các em tiến bộ hơn các em ngày hôm qua đã là một điều quý giá. Đừng so sánh với bạn nọ, bạn kia “ôi dào, em đó yếu lắm. Khi mô cũng chót lớp” bởi một cá thể là một vật báu của cha mẹ. Và cũng bởi mỗi một cá thể khác nhau nên sẽ có những mức độ tiếp thu khác nhau, bởi thế người thầy mới có trách nhiệm phân loại đối tượng học sinh. Các em không giỏi về mặt này ắt sẽ có thế mạnh về mặt khác. Chỉ một tiết sinh hoạt lớp mỗi tuần, đặc biệt khi lồng ghép giáo dục trải nghiệm vào tôi tin rằng  chúng ta sẽ phát hiện ra bao nhiêu nhân tài về hát, múa, vẽ mà bấy lâu không hề hay biết vì các em tự ti mình thua bạn, hay bị cô nhắc nhở nên lúc nào cũng rụt rè, không dám thể hiện trước đám đông. Cũng trong tiết sinh hoạt lớp thay vì bạn nọ, bạn kia tuần này quên mũ bảo hiểm, quên đeo khăn quàng người thầy nên  hướng các em đến những vấn đề thực tế: từ nhà em đến trường bao xa nhỉ? Đi qua những đọan nào? Có mấy khúc cua, mấy chỗ rẽ hay có xe tốc hành qua lại? Đi làm sao cho an toàn nhất? Đi học về bạn nào quên chào ông, chào bà, chào bố mẹ?, rồi các em cũng sẽ được xem những video “quà tặng cuộc sống” với những bài học nhẹ nhàng, và cũng để hướng các em đến những vấn đề nhạy cảm như vệ sinh tuổi dậy thì, con trai khác gì so với con gái và cả những vấn đề xâm hại tình dục, bắt cóc trẻ em đang nóng như hiện nay. Các em đã từng được căn dặn ắt sẽ ít nhiều biết cách phòng tránh, cách kêu cứu khi gặp vấn đề. Đấy là cách người thầy hướng cho các em những kĩ năng mềm cần thiết phải có trong cuộc sống để khi ra ngoài xã hội, các em có thể tự tin, không lạc lõng, bối rối.

Và rồi chúng ta cũng phải nỗ lực để hòa nhập với xu thế hiện nay. Cũng phải có facebook, có zalo để không chỉ trò chuyện với học sinh mà còn có thể trao đổi cùng phụ huynh về tình trạng của con mình. Rằng là khi có một vấn đề không may xảy ra, có thể học sinh ngã chúng ta đừng chăm chăm lo phụ huynh sẽ nói gì, mà hãy hiểu điều làm họ quan tâm nhất là con họ an toàn không? Vì thế đừng ngại ngần gọi họ đến ngay để có cách xử lí tối ưu nhất, đừng cố gắng tự lo, tự lau rửa vết thương rồi âm thầm theo dõi khi mình không có lấy một chút kĩ năng gì về y tế. Không một phụ huynh nào trách cô làm con họ ngã nhưng khi không xử lí kịp thời, để xảy ra hậu quả thì đó tất cả là lỗi của chúng ta. Rằng là khi học trò chúng ta đăng status trên facebook chúng ta có thể vào xem và bình luận. Và cũng thông qua kênh đó chúng ta sẽ biết thêm được nhiều về những thay đổi, những diễn biến tâm lí đang xảy ra với học sinh mình, nhất là học sinh cấp 2 có em đã biết yêu để có những lời khuyên, những lời tư vấn, định hướng kịp thời cho các em.

Và có lẽ, quan trọng hơn tất cả vẫn là cái tâm của người thầy. Khi người thầy có cái tâm, ắt họ sẽ biết tìm tòi, học hỏi để mình có thể trở thành một người thầy “mới”, đủ bản lĩnh, đủ tự tin để dìu dắt các em. Và để trở thành một người thầy “mới” khó nhưng không phải chúng ta không làm được. Tôi cũng đang từng ngày cố gắng để có thể trở thành một người thầy như thế, dẫu biết rằng khó và cần nhiều thời gian bởi cuộc sống này luôn vận động, cái mới mỗi ngày đang dần phủ nhận cái cũ và việc học ấy sẽ không bao giờ ngừng, nhưng nếu không học tôi sợ mình sẽ bị bỏ lại phía sau.

Tôi đã từng công tác tại một ngôi trường miền núi khó khăn. Cho đến tận bây giờ, đã bảy năm trôi qua nhưng những ánh mắt ngây thơ, những mái tóc bù xù khét mùi nắng lâu ngày không tắm gội, những bộ quần áo đen nhẻm, con đường đi học mười mấy cây số không có dép và cả con đường dài dằng dặc khi đồng nghiệp đến trường cứ ám ảnh mãi trong tôi. Vì điều kiện sức khỏe, tôi chuyển trường nên trong thâm tâm  tôi cảm thấy như mình mắc nợ các em. Tôi chẳng làm được gì cho những ánh mắt ấy. Tôi rất muốn làm một cái gì đó cho học sinh của mình. Có thể là quần áo cũ, có thể là xe đạp cũ, có thể là những chiếc mũ, những chiếc dây buộc tóc tồn kho xin ở các quầy hàng…Nhưng đến tận bây giờ tất cả vẫn chỉ nằm trong suy nghĩ. Và khi thấy đồng nghiệp của mình làm được rất, rất nhiều cho học sinh của họ tôi lại ước ao, lại nghĩ về những học sinh thân thương của mình và lại  thấy mình chưa tròn trách nhiệm của một người thầy.

Mùa hiến chương này, tôi nghĩ rằng những tình cảm, những yêu thương mà học sinh, phụ huynh dành cho mình đã quá ấm áp, vì thế tôi không viết về mình, tôi chỉ suy nghĩ về những việc mà một người thầy như mình cần làm được để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui. Và tôi tin rằng, tất cả những người thầy đều, đã và đang nỗ lực mỗi ngày để theo kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện nay. Nhân ngày 20 tháng 11, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những ai đang đứng trên bục giảng, chúc cho chúng ta sẽ thực hiện vẻ vang sự nghiệp trồng người mà mình đã chọn.

20 - 11 NĂM HỌC 2020 – 2021

Vẫn cái cảm xúc ấy trào dâng trong tim tôi khi đón chào ngày nhà giáo Việt Nam 20 -11. Tự hào không? Có! Hạnh phúc không ? Có! Tự hào vì con đường mình đang đi và hạnh phúc bởi nhận được sự quan tâm và biết bao nhiêu lời chúc mừng tốt đẹp. Nhưng kèm theo đó là những trăn trở, băn khoăn về trách nhiệm của một người thầy trong giai điểm quê hương có quá nhiều thách thức càng hiện rõ trong tâm trí tôi hơn bao giờ hết.

Ắt hẳn mọi người còn nhớ học kì 2 năm học 2019 - 2020: một kì học đặc biệt và một mùa hè lịch sử chưa từng có từ trước đến nay. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, học sinh được học trực tuyến qua các phần mềm khác nhau. Và chúng ta cũng thế. Liên lạc để giúp phụ huynh biết cách cài đặt, liên lạc để thống nhất giờ phụ huynh rảnh mở máy cho con. Phải nói rằng đó là một sự cố gắng không mệt mỏi. Nhưng đã bao giờ chúng ta thẳng thắn nhìn nhận và đặt câu hỏi: học sinh của mình học được bao nhiêu trong những bài học trực tuyến ấy không? Mỗi lớp có khi chỉ có một phần hai hoặc hai phần ba học sinh tham gia học, vậy rồi số còn lại thì sao đây? Rõ ràng những bạn không tham gia được là những bạn gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa...Vậy thì bài gửi qua Zalo, Facebook dẫu đến tay các cháu có thực sự hiệu quả? Đã bao giờ chúng ta cảm thấy lo lắng khi tự trường đúng ngày 5 tháng 9 và bắt đầu tuần học đầu tiên học sinh sẽ có nhiều em tái mù không? Đã bao giờ chúng ta thầm ước giá mà có hai tuần 0 như lớp 1 ngày xưa hay càng vui vì được nghỉ hè thêm mấy ngày? Năm học lịch sử và mùa hè lịch sử ấy chắc chắn là khó khăn chung của cả nước. Nhưng vấn đề là chúng ta đã và sẽ làm gì để vừa dạy cái mới vừa ôn cái cũ cho lớp mình đang đảm nhận. Hay chỉ cần đi hết tuần hết tháng là ok? Căn bệnh Covid 19 chưa dừng lại, thế giới vẫn đang gồng mình chống chọi. Điều ấy có nghĩa rằng những người thầy như chúng ta luôn phải sẵn sàng cho phương án “tạm ngừng đến trường không ngừng học”. Rút kinh nghiệm từ nhiều phía. Chúng ta phải nhìn nhận lại cách chuẩn bị bài cho 1 tiết học, cách truyền đạt, cách xử lí tiếng ồn của học sinh và cách quản lí học sinh trong một buổi học trực tuyến. Bài ôn tập ắt hẳn khác bài mới vì thế cách thiết kế cũng sẽ khác nhau. Rồi chúng ta cũng phải dày công học hỏi những tính năng trên phần mềm mình chọn dạy trực tuyến để không lúng túng khi sự cố xảy ra, buổi học nghỉ giữa chừng vì cô chưa xử lí được. Rồi chính chúng ta cũng phải trao đổi vận động phụ huynh có máy tính, có điện thoại thông minh kết nối internet để khi cần thiết dùng vào việc học cho con. Và nếu thời điểm nào đó phải tổ chức học như vậy vấn đề đầu tiên là căn dặn, nhắc nhở cho học sinh. Giúp các cháu thấy được sự cần thiết, tầm quan trọng và cả những nguyên tắc mà các em phải tuân thủ như: tuyệt đối giữ trật tự, ghi chép cẩn thận, vào học đúng giờ và nghiêm túc...

Gác lại đại dịch covid 19, chúng ta đón chào tháng 11 năm 2020. Nếu năm ngoái “một vài lần hờn giận của Thủy Tinh khiến Lệ Thủy quê tôi như một đôi mắt ầng ậng nước, trĩu buồn” thì năm nay là một cơn thịnh nộ chưa từng có. Một trận đại hồng thủy khủng khiếp đã càn quét qua miền Trung - nơi mảnh đất gánh hai đầu đất nước. Chẳng ai còn đủ tâm trí để đón chào ngày 20/10/2020, cũng chẳng còn cái rộn ràng náo nức như mọi năm để đón chào ngày 20/11/2020. Bởi nỗi đau thương, mất mát đã để lại cho quê hương, cho phụ huynh, cho học sinh và cho những mái trường là quá ư nặng nề. Lũ đã cuốn đi tài sản, nhà cửa, lũ đã cuốn đi cả sinh mạng của những em thơ nhưng chẳng thể cuốn đi tình yêu thương giữa con người với con người mà nhân dân cả nước dành cho miền Trung, mà những người thầy, người cô như chúng tôi dành cho học sinh của mình. Những đoàn xe nối dài dọc hai miền đất nước với dòng chữ hướng về miền Trung ruột thịt làm chúng ta thấy ấm lòng hơn bao giờ hết. Nghĩ về ngôi trường trong mênh mông biển nước, nghĩ về những học trò sau lũ sống ở đâu khi nhà sập, của cải trôi hết trong chớp mắt mà lòng chúng tôi quặn thắt. Mỗi một giáo viên nắm rõ hoàn cảnh, thiệt hại của gia đình từng em để kêu gọi, kết nối  sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân và để những phần quà được phân bổ đến đúng địa chỉ và thật sự có ý nghĩa. Trân quý biết bao sự cố gắng của các thầy cô giáo ngâm mình trong mưa lũ nấu cơm cho bà con, đi theo giúp đỡ các đoàn cứu trợ. Trân quý biết bao những dòng tin nhắn:“ Nhà anh chị nào cảm thấy không an toàn thì sang nhà em nhé. Em ở....” Đơn giản vậy thôi, nhỏ bé vậy thôi nhưng đủ để tự hào về những người làm cái  nghề “bụi phấn bám đầy tay” Và rồi lũ rút, bão tan, các thầy cô lại giúp nhau dọn trường để đón các cháu trở lại lớp. Ngày đầu tiên đến lớp, cô đã chuẩn bị sẵn áo quần, dép mũ, sách vở bởi sẽ có em đầu trần, sẽ có em chân đất, lại sẽ có em tay không đến lớp và thậm chí là ăn mặc phong phanh. Và bài học đầu tiên sau chừng ấy ngày nghỉ lụt là gì mọi người biết không? Không phải ôn bảng cộng, bảng trừ, bảng nhân, bảng chia, cũng không phải ôn các vần, các từ, các tiếng...mà là bài học về sự sẻ chia, bài học về sự biết ơn. Câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” đang hiện hữu trực tiếp trong chính gia đình các em. Và chúng tôi đã dạy các em những cái thật đơn giản như lời cám ơn sau mỗi lần được nhận quà, viết thư cảm ơn những người bạn đã gửi thư sẻ chia và động viên từ khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi cũng giúp các em hiểu cho đi là còn mãi và phải biết trân quý tâm chân tình của bà con cả nước. Chúng tôi đã kể cho các em những nỗi vất vả nhọc nhằn của bà con để có những chiếc bánh thơm ngon đến tay các em, chúng tôi đã kể cho các em nghe về những buổi đi hát thiện nguyện mỗi đêm của các anh chị để quyên góp tiền mua sách vở cho các em. Và quan trọng là bài học dạy các em biết tự vượt lên chính mình, tự khắc phục khó khăn, tự trang bị cho mình những kĩ năng cơ bản để tránh xa những hiểm nguy không đáng có khi lũ đến.

Tháng 11 năm nay cũng sẽ đi vào lịch sử bởi chúng tôi không tổ chức cho mình như mọi năm: nhẹ nhàng, giản đơn hết sức có thể để san sẻ nỗi khó khăn mà quê hương đang gồng mình gánh chịu. Chúng tôi đã thấy rõ trách nhiệm của người thầy những lúc như thế này phải là người tiên phong: tiên phong trong cách nghĩ, cách làm để xứng đáng là “Một ngọn nến đang cháy, nến cháy để soi đường cho những người khác.”

Quốc Dung

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com