Giai điệu hùng tráng, ca từ chắc nịch, cảm xúc âm nhạc trào dâng trong bài hát “Chiến thắng Xuân Bồ” cứ thúc giục tôi tìm về với quần thể di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ: nơi đã từng diễn ra trận đánh giáp la cà giữa quân đội Pháp và bộ đội Trung đoàn 18, nơi đơn vị Lâm Úy chiến đấu quyết tử và Lâm Úy đã anh dũng hy sinh, nơi có Bến Nậy (Bến Vượt) đưa bộ đội từ Uẩn Áo sang Xuân Bồ để tiếp sức cho trận đánh.
Ngay sau
chiến thắng Xuân Bồ, anh bộ đội cụ Hồ Trần Đình Hiếu thuộc Trung đoàn 18, Sư
đoàn 325 đã thức trọn đêm để sáng tác xong bài hát “Chiến thắng Xuân Bồ”, vào
đêm 20, rạng ngày 21/5/1950, khi ông vừa tròn 25 tuổi.
“Đồng quê một ngày qua mùa lúa
chín giặc tàn hung hòng vơ vét cướp phá ngang tàng giày xéo. Chiến sĩ về cùng đồng lúa thơm thề không cho một bông
lúa qua tay thù, một bông lúa giặc cướp đi”. Đoạn mở đầu tác phẩm âm nhạc bằng những câu hát thật súc
tích, đầy ý nghĩa về tình quân dân cũng như lời “thệ huyết” không để một hạt
thóc nào vào tay loài lang sói. Rồi từ đó phát triển thành tiếng reo ca trong
niềm vui chiến thắng của quân và dân Xuân Bồ: “Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ, năm
trăm giặc Pháp không mồ vùi thây. Sông sâu máu thắm loang đầy. Thôn quê bừng tiếng
dân cày cười vui”.
1. Truyền thống một làng nghề
Theo những bậc cao niên trong làng thì nghề đan lát đã ra đời
chừng trên 400 năm. Trước đây khi sắt thép xi măng còn hạn chế, ngành công nghiệp
nhựa cũng chưa thịnh hành thì hàng đan lát ở vào thế thượng phong. Từ nhà tre,
giường tre, nôi tre đến kiềng tre, rế tre, thúng mủng dần sàng tre... cái gì
cũng tre nên làng Xuân Bồ rất nổi tiếng là làng nghề phụ có thu nhập chính. Người
Xuân Bồ với đôi quang gánh hai đầu lỉnh kỉnh những vật dụng tre đi toòng teng
khắp nơi mọi chốn. “Ai thúng mủng dần sàng nôống nia kiềng đọi khôông?” cứ vang
lên trên những con đường làng rợp bóng tre xanh...
Chính vì
thế, người Xuân Bồ rất lấy làm tự hào vì ai ai lớn lên cũng học chẻ tre, vót
tre, học đan rổ rá, dần sàng... trước khi học chữ. Mỗi người con trong gia đình
khi khôn lớn, trưởng thành đều trồng bụi tre hoặc lồ ô, hóp sau vườn trước khi nghĩ tới chuyện "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà".
Hiện nay làng Xuân Bồ có khoảng 400
hộ dân, gần hai ngàn nhân khẩu. Được huyện hỗ trợ một phần kinh phí, nhiều hộ
gia đình trong làng nghề Xuân Bồ đã đầu tư mua máy chẻ tre, máy ép tre, tiết
kiệm thời gian và sức lao động, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Bình
quân thu nhập bằng sản phẩm đan lát của mỗi hộ gia đình ở làng nghề Xuân Bồ thu
từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/tháng...
2. Năm trăm
giặc Pháp không mồ vùi thây
Năm 1947,
sau khi nổ súng quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình, thực dân Pháp đã nhanh
chóng đánh chiếm các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tìm mọi cách cướp phá, tàn
sát, khủng bố nhân dân nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực cho các chiến trường.
Chúng đã đưa ra những khẩu hiệu hết sức thâm độc: “Ai giành được mùa là kẻ ấy
chiến thắng’’, và tiến hành cuộc “Chiến tranh lúa gạo". Xuân Bồ - vùng đất
màu mỡ phì nhiêu như bao vùng đất khác của huyện Lệ Thủy chính là mảnh đất mà bọn
Tây mắt xanh mũi lõ thèm khát nhất.
Chính vì vậy, tháng 5/1947, làng Xuân Bồ bị giặc chiếm
đóng. Ngày 20/2/1950, đồn giặc ở Xuân Bồ bị bộ đội địa phương huyện tiêu diệt.
Sau giải phóng, nhân dân rào làng chiến đấu bảo vệ xóm làng. Tuy đã giải phóng
nhưng Xuân Bồ vẫn nằm trong thế bị bao vây từ ba phía, không xa là các đồn
Thượng Phong, Phú Thọ, Mỹ Trạch và căn cứ pháo binh Hòa Luật Nam.
Tối 19/5/1950, các đơn vị của Trung
đoàn 18 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với nhân dân nơi đóng quân họp mít tinh kỷ
niệm mừng ngày sinh lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động “Bảo vệ
mùa thắng lợi”.
Phát hiện được tình hình đóng quân
của Trung đoàn, trong đêm tối, quân địch bí mật vượt sông từ hai hướng chiếm
lĩnh trận địa, bao vây tiểu đoàn 436 do đồng chí Nguyễn Minh Đức và Đặng Trung
chỉ huy. Ở làng Xuân Bồ, lực lượng địch với hai tiểu đoàn gồm 1.200 tên, có máy
bay, pháo binh yểm trợ.
Cánh thứ nhất do tên thiếu tá Sơ-ríp
chỉ huy Tiểu đoàn 8 quân ứng chiến liên tỉnh từ Quảng Trị ra, ém quân tại đồn
Mỹ Trạch vượt sông sang bờ bắc bao vây cuối làng Xuân Bồ. Cánh quân thứ hai do
tên thiếu tá Lăng-le chỉ huy Tiểu đoàn 1 quân ứng chiến tỉnh từ hướng Thượng
Phong vượt sông theo đường tỉnh lộ vượt qua các làng Phan Xá, Hoàng Giang bao
vây phía đầu làng Xuân Bồ tạo thành thế hai gọng kìm kẹp chặt tiểu đoàn 436,
dưới sự chỉ huy trận càn của tên tướng Lơ-brít, tư lệnh quân Pháp ở Trung phần.
8 giờ sáng ngày 20/5/1950, dưới sự
yểm trợ của máy bay, pháo binh địch ở Hòa Luật bắn sang, quân giặc từ hai hướng
bắt đầu mở cuộc tấn công vào quân ta ở Xuân Bồ. Đại đội 56 do đồng chí Thái Cán
chỉ huy đã kiên cường chiến đấu chặn địch ở phía cuối làng, bẻ gãy nhiều đợt
tấn công của tiểu đoàn ứng chiến liên tỉnh. Đại đội 7, do đồng chí Bình Sơn chỉ
huy ở phía đầu làng dựa vào các lùm tre, hầm hào công sự đẩy lùi nhiều đợt tấn
công do cánh quân ứng chiến tỉnh theo đường tỉnh lộ từ Phan Xá, Hoàng Giang
đánh sang.
Được tin quân địch mở cuộc tấn công,
tiểu đoàn 436 đang bị bao vây, ban chỉ huy Trung đoàn 18 do đồng chí Phùng Duy
Phiên, Trung đoàn trưởng, đồng chí Tống Thái, Trung đoàn phó và Chính ủy Lê Văn
Hiến (Quốc Dũng) quyết định đưa Tiểu đoàn 274 vượt sông chi viện cho tiểu đoàn
436 và điện vào Bộ chỉ huy Mặt trận Bình-Trị-Thiên xin bám trụ đánh địch bảo vệ
mùa.
Từ 8 giờ đến 10 giờ, các cánh quân
địch liên tục tấn công đẩy quân ta vào thế bị động chống đỡ. Cuộc chiến đấu
diễn ra với sự tham gia của tất cả các đại đội trong tiểu đoàn và ngày càng trở
nên ác liệt. Một số bị thương vong, các chiến sĩ Đại đội 88, Đại đội 7 có lúc
phải rời công sự tổ chức các đợt phản kích nhưng quân địch đông và hỏa lực mạnh
đã áp đảo quân ta.
Trong lúc cuộc chiến cam go, Chính
ủy Lê Văn Hiến đã cùng một trung đội vượt sông sang trước để chỉ đạo, động viên
bộ đội cầm cự chờ quân tiếp viện, dẫn đầu đoàn quân vọt khỏi chiến hào xông lên
hô vang: “Các đảng viên cộng sản cùng đồng đội tiến lên! Xung phong! Xung phong!”.
Tiếp sau lời hô của Chính ủy, từng lớp chiến sĩ bật dậy xông lên đẩy lui các
đợt phản kích của địch. Một số nơi, chiến sĩ ta đã gây cho địch nhiều thương
vong, buộc chúng phải co cụm chống đỡ.
3. Tấm gương
hy sinh anh dũng của đồng chí Lâm Úy
Hơn 2 giờ đồng hồ chờ Tiểu đoàn 274
vượt sông sang chi viện, các đại đội của Tiểu đoàn 436 đã quần nhau với giặc ở
từng khúc sông, có nơi đánh giáp lá cà cùng nhau vật lộn dùng lê quật ngã hàng
chục tên giặc. Chính thời điểm đó đã xuất hiện tấm gương chiến đấu hết sức dũng
cảm của Lâm Úy, một Tiểu đội trưởng của Đại đội 2. Vừa qua sông, Lâm Úy nhận
thấy ổ đại liên địch bắn mạnh cản trở đường quân ta vượt sông. Anh khôn khéo
lừa địch, áp sát, ném hai quả lựu đạn diệt gọn ổ đại liên cùng 4 tên giặc, tạo
thế thuận lợi cho quân ta vượt sông. Anh tiếp tục dẫn đầu tiểu đội truy kích
giặc, diệt tiếp 4 tên.
Mải mê đánh địch, bị địch vây định
bắt sống nhưng anh dũng mãnh xông thẳng vào đội hình chúng, dùng lê xuyên tim
một tên giặc. Tên sĩ quan cao to nhảy vào ôm ghì lấy anh. Anh vật lộn, kéo tên
giặc xuống sông. Sau trận đánh, đơn vị tìm thấy anh hy sinh ở mép sông trong tư
thế anh và tên giặc ôm lấy nhau, miệng vẫn cắn vào cổ tên giặc. Trận đánh đó,
riêng anh diệt 10 tên. (Trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1951, anh
được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Quân đội và truy tặng liệt
sĩ).
Cuộc chiến đấu đã ngả về chiều, ta
đánh bật địch ra khỏi làng. Sau một ngày chiến đấu liên tục, quân ta đánh thiệt
hại hai tiểu đoàn quân tinh nhuệ, tiêu diệt 500 tên, trong đó có hai tên thiếu
tá chỉ huy tiểu đoàn, thu được nhiều vũ khí, đạn dược (10 trung liên FM và đại
liên 7,7mm). Số vũ khí này đã góp phần trang bị cho Trung đoàn lớn mạnh sau
này. Bên ta có 65 chiến sĩ hy sinh, 70 chiến sĩ bị thương.
4. Xuân Bồ
hôm nay
Chiến thắng Xuân Bồ là một chiến
thắng lẫy lừng, một trận chống càn thành công, lấy ít đánh nhiều, chuyển bại
thành thắng, một trận đánh tiêu diệt sinh lực địch nhiều nhất trên chiến trường
Bình-Trị-Thiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Phát huy truyền thống anh hùng, các
thế hệ con em Xuân Bồ hôm nay không ngừng ra sức học tập luyện rèn, góp phần
xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp.
Về Xuân Bồ trong những ngày tháng 5
lịch sử, đi khắp các đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng rợp trời cờ đỏ sao vàng
chào mừng 130 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu và cũng là dịp kỉ niệm 70 năm
chiến thắng Xuân Bồ.
Đâu đó, tiếng nhạc vọng về. Giai
điệu và ca từ bài “Chiến thắng Xuân Bồ” lại rộn rã: “Ngàn muôn lời hoan hô khắp nơi trìu mến, chiến sĩ Xuân Bồ oai hùng lập
công. Ngàn muôn lời hoan hô khắp nơi lừng tiếng, chiến sĩ Xuân Bồ ngoan cường
muôn năm!”.
Đỗ Đức Thuần