Tháng Sáu năm nay, cả nước
ta lại hướng về bến cảng Nhà Rồng, nơi mà cách đây 109 năm, Bác Hồ ra đi tìm
đường cứu nước. Để rồi từ đây, mở ra con đường giải phóng dân tộc, mở ra trang
sử mới mang tên thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, việc ôn lại truyền thống, ý
nghĩa lịch sử của sự kiện ngày 05/6/1911 mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, góp
phần thực hiện tốt Chỉ thị số 173-CT/TW, ngày 29/9/1969 Bộ Chính trị về
đợt sinh hoạt chính trị "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch".

Bến cảng Nhà Rồng hôm nay
1. Từ
bến cảng Nhà Rồng
Tháng 5 năm 1909,
Nguyễn Tất Thành theo thân phụ mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Huế vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định. Tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi
đến Quy Nhơn để
học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm
Ngọc Thọ dạy tại Trường Tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình
lớp cao đẳng.
Từ nửa sau tháng 9 năm
1910 đến trước tháng 02 năm 1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh thuộc tỉnh Phan Thiết (nay
là tỉnh Bình Thuận).
Cuối năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn tiếp tục
cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Ngày đó phương tiện đi lại còn rất thô sơ, xe
lửa mới chỉ chạy loanh quanh Sài Gòn từ Chợ Cũ đi Tân Định và Chợ Cũ đi Chợ Lớn...
Cả Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ có chừng 5- 7 chiếc ô tô, vì vậy, 200 cây số từ Phan
Thiết vào Sài Gòn, Bác vẫn phải đi bằng thuyền buồm.
Trưa 02/6/2011, chiếc tàu Amiral Latouche Tréville của hãng Năm Sao từ Hải
Phòng cập cảng Sài Gòn. Bác xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng. Nhìn thân hình
mảnh khảnh của Bác, thuyền trưởng hỏi:
- Anh có thể làm được việc gì?
- Tôi có thể làm bất cứ công việc gì - Bác đáp với lòng tự tin.
Nhìn thấy nét cương nghị và thông minh của Bác, viên thuyền trưởng mỉm
cười (sau này biết tên ông ta là Lui E-du-a Mai-sen, quê ở miền Bắc nước Pháp):
- Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai anh xuống đây nhận việc.
Anh tên là gì?
Lúng túng một chút, Bác đáp:
- Văn Ba!
Trên tàu khi đó đã có một thủy thủ làm việc từ trước có tên là Nguyễn
Văn Ba.
Ngày 03/6/1911, Bác chính thức xuống tàu làm phụ bếp. Đây là một trong
những tàu lớn hồi đó vừa chở hàng, vừa chở khách. Theo hồ sơ còn lưu ở Bảo tàng
hàng hải bên Pháp, tàu dài 124,1m, rộng 15,2m, chạy máy hơi nước, 2.800 mã lực,
với tốc độ 13 hải lý/giờ, trọng tải 5.572 tấn và có đủ nhiên liệu để chạy một mạch
12.000 hải lý. Trong hồ sơ lưu còn có sổ lương và sổ thủy thủ. Lương tháng 6/1911
của Bác là 50 phơ-răng Pháp, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn
nhã lãnh lương gấp 3 lần lương của Bác.
Trưa 05/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn
với 72 thủy thủ trên tàu. Sài Gòn hôm đó đã thay mặt đất nước tiễn Bác. Trong
chuyến hành trình đầu tiên đó, Bác đến Singapore, Cô-lôm-bô, Po Xa-ít, rồi
Đa-răng, Mác-xây và ngày 15-7, Bác đến Lơ Ha-vrơ, cảng chính ở miền Bắc nước
Pháp.
Bác ra đi giữa mùa bão tố tháng 6 với một trái tim vĩ đại mang trọn tình
yêu quê hương đất nước. Từ buổi trưa đó, Bác bước vào cuộc đời của một người
lao động cực khổ. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
tịch”, có kể lại lúc Bác Hồ làm thủy thủ trên tàu như sau: Mỗi ngày anh Ba phải
làm từ 4 giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các
lò. Khi thì đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá... Công việc
khá nặng nhọc, lại gặp nhiệt độ luôn thay đổi vì dưới bếp rất nóng, còn trong hầm
thì rất lạnh. Đôi khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang,
trong khi tàu chòng chành lắc lư rất nguy hiểm.
Xong công việc ấy, phải dọn cho chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, lặt rau, rửa nồi,
chảo và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày.
Nhà bếp lo ăn cho cả 700- 800 người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều
cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Với những
cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng:
- Ba, đem nước đây!
- Ba, dọn chảo đi!
- Ba, thêm than vào!
Suốt ngày anh Ba người đẫm hơi nước và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người
ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong mọi việc. Và
hơn nữa, anh còn phải gọt cho xong đống củ cải và khoai tây... Mỗi ngày, đến 9
giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi mọi người nghỉ (hoặc
đánh bài, uống rượu), anh Ba học hay viết đến khuya...
Một lần dọc đường, anh Ba suýt chết đuối. Bể nổi sóng. Sóng cao như những
quả núi chồm lên, đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như mọi ngày, anh Ba
lên bếp lại xuống hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu chòng chành dữ
quá, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi. Chuyến thứ 2, một ngọn sóng lớn
thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống bể mọi vật trên sàn tàu, cả những rổ
rau và anh Ba nữa. May là anh bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà
thoát chết...

Anh Ba làm phụ bếp trên con
tàu Amiral Latouche Tréville
2. Tiếp thu học thuyết Mác - Lê nin
Từ nǎm 1911 đến nǎm 1920, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nước ở bốn châu lục là châu Âu,
châu Phi, châu Mỹ, châu Á, nghiên cứu và học hỏi để tìm đường cứu nước. Nǎm 1919, các nước đế quốc
thắng trận họp Hội nghị Véc-xây (Versailles) để phân chia thị trường thế giới. Nhân
dịp này, Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành) thay mặt những
người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản yêu sách “tám
điểm” đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.
Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Sau này
nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Hồ Chí Minh viết: "Luận cương
của V.I. Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết
bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to
lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau
khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.”
Nguyễn Ái Quốc là đại
biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã
hội Pháp tại thành phố Tua (Tours). Tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bảo vệ
chủ nghĩa Mác, chống lại những kẻ cơ hội, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở
Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh
chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và các nước thuộc địa khác. Tại Đại hội này,
Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và trở thành một trong
những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Trong quá trình tìm
đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã đi qua bốn châu lục, khảo sát nhiều nước thuộc
địa và những nước tư bản tiên tiến điển hình thời bấy giờ, đã tiếp xúc nhiều
người, nhiều nhà tư tưởng nhưng hầu hết chưa mang lại lời giải cho cách mạng
Việt Nam, chỉ có Lê-nin và Quốc tế III là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc,
giải phóng thuộc địa. Vì vậy trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người chỉ
rõ: bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân
chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lê nin.
Người đã tham gia nhiều
hoạt động thực tiễn và lý luận rất sôi nổi như: tham gia Ban Nghiên cứu thuộc
địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài
và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria - Người cùng khổ), viết bài tuyên truyền
chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam và các nước thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc từ người
yêu nước trở thành người cộng sản và đã dứt khoát lựa chọn con đường đi theo
chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.
3. Ý nghĩa của việc tìm
ra con đường cứu nước
Năm 1920, khi Hồ Chí Minh
bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin thì cùng thời điểm đó, Việt Nam vẫn
thuộc quyền thống trị của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy đã diễn
ra nhưng thất bại. Nhiều xu hướng cải cách, đổi mới được khởi xướng nhưng cũng
chưa đạt kết quả khả quan. Trong thời gian này, có nhiều lý thuyết, nhiều chủ
nghĩa, nhiều con đường và phương pháp để đấu tranh, thời điểm này cũng có nhiều
người Việt Nam đi ra nước ngoài theo nhiều diện khác nhau.
Từ việc tìm hiểu, nghiên
cứu những bài học lịch sử và khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng
mọi cách tiến hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc hay Nhật Bản (phong trào Đông Du) đều không đạt kết quả tốt.
Vì muốn: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả
những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
Sự kiện Hồ Chí Minh ra
đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết
thể hiện sự thính nhạy về thực tiễn với sự lựa chọn hành trình xuất phát từ
thành phố Sài Gòn. Đây là bước ngoặt lớn, việc Hồ Chí Minh chọn Sài Gòn sau
này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những
công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang
Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm
kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại. Sài Gòn, nơi Bác dừng chân
trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn
con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng làm cho
chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam phát triển. Ở độ tuổi 21 - người
thanh niên xứ Nghệ vượt qua những khó khăn về phương tiện và khoảng cách địa lý
để nhìn ra và chọn thành điểm xuất phát để đi nước ngoài đó quả là một sự thấu
suốt kinh ngạc.
Thứ hai, cuộc hành trình
tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã tạo nên những bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, làm
thay đổi hướng phát triển lịch sử và
thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Thứ ba, việc lựa chọn đi
theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lênin đã mở ra từ Cách mạng tháng Mười năm
1917 đã đem lại những thành tựu vĩ đại trong thực tế cho nước ta như: hoàn
thành cách mạng dân tộc dân chủ, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm
1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước, tiến hành cách mạng XHCN với sự nghiệp đổi mới 34 năm
qua thành công, đem lại những thành tựu trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội...

Sài Gòn hôm nay
Như vậy là từ một người yêu nước nhiệt tình cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã
tìm thấy con đường cứu nước và dấn thân vào cuộc đấu tranh để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân
tộc. Sáu năm hoạt động ở
Pháp, Nguyễn Ái Quốc từ người đi tìm đường trở thành người dẫn đường, là một
trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, sau này sáng lập Đảng Cộng sản
Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Năm 1941, sau vừa đúng 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ
của chúng ta đã trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh
và giành được độc lập vào mùa thu năm 1945.
Dù đã đi xa, nhưng người
chiến sỹ cộng sản kiên trung và dũng cảm Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho chúng ta
một hình mẫu trong việc nhanh nhạy với tình hình thời cuộc, vận dụng sáng tạo
và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện nước ta, từ đó định hướng cho
sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta, hướng vào mục tiêu: dân giàu, nước mạnh,
dân chủ công bằng, văn minh mà Đảng ta đang phấn đấu xây dựng.
ĐỖ ĐỨC THUẦN