Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 134
Số lượt truy cập: 62502681

Quảng cáo
Lê Bá Ước 12/16/2009 3:05:13 PM
Là em ruột của Lê Văn Tuyến, con trai út cụ Lê Văn Sô, theo anh Tuyến ghi tiếp trong gia phả (chi phía Nam) thì ... năm 1945 chú (Ước) đang học tập lớp tiếp liên thì có lệnh tản cư, chú về với gia đình bắt cá, bẫy cò và xếp bút nghiên... làm tình báo tại địa phương nhà. Khi hiệp ước 6/3 ký kết, là chú bé 15 tuổi với vài ba tiếng Pháp đã dẫn đầu, đại diện cho đoàn người biểu tình kéo cờ Việt Minh đến nói chuyện với xếp bót Cầu Đúc, đấu tranh được đi qua đồn thắng lợi.

Và rồi giặc tràn đến quê hương ruồng bố, bắn giết dữ dội. Trong một vụ càn, suýt nữa ông cụ bị bắn chết và người chị gái, cán bộ ấy bị lính Tây bắt định đưa xuống tàu, phải cắn lưỡi tự vẫn, nhờ vậy mà thoát. Sau một đêm đi giăng cá kiếm được tiền đủ mua chiếc "nóp" và một khăn rằn quấn cổ, chú viết thư để lại và theo giao liên vào luôn chiến khu rừng U Minh. Từ đó suốt nửa thế kỷ, cả cuộc đời binh nghiệp có mặt trên khắp chiến trường miền Tây thời đánh Pháp. Đến năm 1954 tập kết ra Bắc, Ước có qua trường sĩ quan Lục quân (khi còn ở nhờ bên Nam Ninh - Trung Quốc), lần lượt Ước được qua tất cả các trường quân sự, chính trị như Học viện chính trị, Học viện quân sự cao cấp đều tốt nghiệp hạng ưu. Năm 1965, vượt qua Trường Sơn về Nam, Ước tham gia đánh Mỹ, nỗi danh tại chiến khu Rừng Sác với cương vị Trung đoàn trưởng kiêm chính uỷ Đoàn 10 đặc công và cuối chiến tranh phụ trách chính uỷ Sư đoàn 2 đặc công của R, tham gia chỉ huy đánh thắng nhiều trận vang dội như kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh tàu trên sông Lòng Tàu lịch sử và kho tàu bến cảng khiến cho quân thù đã phải treo giá đầu Bảy Rừng Sác 2 triệu đồng.

Năm 1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm, giải phóng Sài Gòn, Gia Định chú được điều động về Đồng Nai là Chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh với quân hàm cuối cùng là Đại tá, sau chuyển qua mặt trận kinh tế phụ trách Phó giám đốc công ty DONAVIK, được mấy năm đến tuổi nghỉ hưu.

Cái tầm vóc của Bảy Ước không chỉ ở chiến công, từ một chiến sĩ bình thường từng bước trưởng thành không vượt cấp lên đến làm người chỉ huy cấp sư đoàn quân hàm Đại tá, với huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, đã chiến đấu từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, qua Campuchia giúp bạn, mà ở chỗ chú biết dằn nén đau thương, chịu đựng gian khổ, hy sinh những năm tháng của tuổi xuân, cống hiến, giữ trọn vẹn tình yêu đất nước, mà bí danh Lê Lai cũng nói lên ý nguyện theo đường tử tiết trung thành của một tướng lĩnh của vua Lê Lợi thời xưa. Tình cha con, vợ chồng, anh em, đồng chí, xóm làng đều thương yêu quý mến. Với bàn thờ tự lập tại nhà riêng. Ước tưởng niệm 860 đồng chí dưới quyền đã hy sinh trong chiến tranh. Sau khi người vợ trước, Nguyễn Kim Mến hy sinh tại trận địa để lại 3 con, chú đã xây dựng tiếp với đồng đội Thân Thị Vân mà chồng là một cán bộ chỉ huy trinh sát thuộc quyền hy sinh sau hai năm, để lại 3 con. Hai vợ chồng mới này chấp nhận khó khăn, đùm bọc nuôi dưỡng 9 đứa con trong đó 6 đứa là con liệt sĩ, làm tròn nghĩa vụ tình cảm với người đã mất.

Sau chiến thắng 1975, chú về thăm quê nhà ở tận Gò Quao - Rạch Gía sau mấy chục năm xa cách, trên mảnh đất hoang tàn bom đạn cày xới, nhìn cảnh nhớ đến tiếng Mẹ hiền với mấy câu thơ tự lòng:

Tôi đứng lặng thinh nhìn xóm cũ

Bên tai vẳng tiếng Mẹ hiền ru

Chỉ còn góc khế, chòm mai nở

Vẫn chịu hằn sâu vết đạn thù...

... Hôm nay trong ngôi nhà nhỏ của vị Đại tá về hưu ở Biên Hoà đâu đâu cũng thấy bóng dáng Rừng Sác. Gian chính của ngôi nhà đặt bàn thờ 860 anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn Rừng Sác anh hùng, trong đó 525 liệt sĩ không tìm thấy hài cốt và sẽ không bao giờ tìm thấy.

Năm 1954, chàng trai tập kết ra Bắc ở tuổi 23. Năm1965, đại uý Lê Bá Ước  vượt Trường Sơn trở về Nam chiến đấu với nhiệm vụ Trưởng ban tuyên huấn đặc khu Rừng Sác. Rừng Sác là đặc khu quân sự của "R" Bộ chỉ huy quân cách mạng miền Nam. Đây là vùng ngập mặn mênh mông, chằng chịt sông rạch gồm một số phần đất thuộc các tỉnh Biên Hoà, Gò Công, Gia Định, Phước Tuy. Mỗi lần triều lên chỉ thấy mênh mông sông nước dưới thảm đước xanh rì của con sông Lòng Tàu uốn khúc nối liền từ Vũng Tàu vào Sài Gòn.

Ngày 15-4-1965, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác ra đời. Sau trận Tổng tiến công và nỗi dậy của quân dân ta vào mùa xuân năm 1968, địch qua ra đánh Rừng Sác ác liệt vào những năm 1969-1970-1971. Chính thời gian này, thiếu tá Lê Bá Ước, Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác được tôn là "anh cả Rừng Sác".

Đại tá Ước bùi ngùi đưa tôi xem một đế giày Mỹ trần trụi bị những vỏ hàu gồ ghề sắc bén bám chặt. Mắt đỏ hoe, Đại tá Ước nói: "Lính Trung đoàn 10 hy sinh vì chiến đấu trực diện với quân thù thì ít, mà vì điều kiện sống ở Rừng Sác quá khắc nghiệt thì nhiều. Đây là đế giày của một giặc lái rớt xuống sông rạch Rừng Sác, đế giày là phần cuối cùng cá sấu Rừng Sác không xử lý nổi ...". Ngày 25-9-1992, trong một dịp tiếp xúc với các sĩ quan không lực Hoa Kỳ, những người đại diện phái đoàn MIA đặt vấn đề tìm lại hài cốt các binh sĩ Mỹ mất tích tại chiến trường Rừng Sác - Đại tá phó chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Nai Lê Bá Ước cho biết: "Chúng tôi rất đau lòng về những hài cốt chưa tìm thấy. Với lương tâm và trách nhiệm của người lính, chúng tôi cũng rất ray rứt với hơn 800 đồng đội đã ngã xuống chiến trường Rừng Sác. Đến nay, chính chúng tôi cũng chỉ mới tìm được 1/3 hài cốt trong số đó đưa về nghĩa trang. Còn về phía các bạn, là người chỉ huy chiến trường, tôi biết rất rõ, theo mấy trăm chiếc tàu chiến bị đánh chìm là vài trăm binh sĩ thiệt mạng. Sự mất mát này chỉ có trên sổ sách, còn thực trang chúng ta phải hiểu rằng phần lớn những người tử trận ở Rừng Sác đã phải làm mồi cho cá sấu, cá kình"... Chiến tranh làm cá sấu Rừng Sác quen hơi thịt người. Bên cạnh nhiệm vụ đánh giặc, "anh cả Rừng Sác" còn phát động phong trào đánh cá sấu. Những chiến sĩ giao liên mất tích lặng lẽ, người sau trận chiến thắng trở về chưa kịp bơi hết một khúc sông ...Nhật ký của anh còn ghi lại nhiều gương chiến sĩ đánh trả cá sấu dũng mảnh để giành sự sống. Chiến sĩ Phạm Đức Chương dùng dao đâm vào mắt cá sấu khi bị nó dùng răng nhọn quặp vào vai. Chiến sĩ vệ binh Mười Mót bị cá sấu ngoạm vào đùi đã bình tĩnh dùng đèn pin tống mạnh vào miệng cá sấu vướng cổ phải nhả mồi ra. Trung đội phó Hùng một mình chiến đấu với cá sấu dài 6 mét ... sau đó lôi xác cá sấu về làm "bữa tươi" cho cả đại đội.

 Sự khắc nghiệt thứ hai làm cho bộ đội hy sinh nhiều là địa hình sình lầy, không đào được công sự trú ẩn khi máy bay giặc rải pháo thảm, bom bầy ... Đại tá Ước thắp một nén nhang cắm lên bàn thờ đồng đội: "Không ai gan bằng bộ đội Rừng Sác, lúc xuất kích đã nói lời tuyên thệ, không thắng giặc không về...". Ông lưu giữ tên liệt sĩ cụ thể vào hai danh sách: 325 liệt sĩ sinh ở Miền Bắc, 303 liệt sĩ là dân miền Nam. Còn lại thì không nhớ nổi. Nhưng chắc anh em không ai giận anh Cả. Ngay 22-12 năm nào anh Cả cũng cúng giỗ tưởng niệm anh em. Ngày này, nhà Đại tá Ước họp mặt Rừng Sác, không bắt buộc, ai còn nhớ "thủ trưởng", anh em thì tìm đến, của ít lòng nhiều, con gà, chén rượu ... Về với anh Cả, kể chuyện sông nước, bom đạn một thời, con người sống có nghĩa nào lại bỏ qua...

Ngoài sự trở về của những đồng đội cũ, đại tá còn phải tiếp thường xuyên những gia đình là cơ sở của bộ đội Rừng Sác, khi đám giỗ, khi đám cưới, thăm nom nhau lúc hoạn nạn, ốm đau. Dù đã nghỉ hưu nhưng lúc nào cũng bận rộn. Hôm qua lên Mã Đà dự đám tang đồng đội, hôm nay ông lại khăn gói đi ăn thôi nôi thằng cháu nội đích tôn của một đại đội trưởng cũ. Ngày mai lại được mời làm chủ hôn đám cưới con gái của "một thằng B trưởng".

Lê Văn Khuyên

Lê Bá Ước, vị chỉ huy Rừng Sác anh hùng.

   (Quê gốc ở Lộc An, An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình)

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com