Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 360
Số lượt truy cập: 62467923

Quảng cáo
Thầy giáo đáng kính Võ Đức Tôn 11/18/2011 11:04:40 AM
Hè vừa rồi trong chuyến tham quan các tỉnh phía Bắc tôi vinh hạnh đến thắp nén nhang trước bàn thờ Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Đức Tôn một học giả, nhà khoa học thuộc thế hệ đầu tiên của toán học Việt Nam. Tôi đã biết thầy từ lâu qua các câu chuyện ba tôi thường hay kể về các danh nhân Lệ Thủy.

Tôi may mắn được “trộm” nhìn thầy giảng bài cho lớp Đại học Liên thông ở CĐSP Quảng Bình (nay là ĐHQB) trong những năm 1998-1999. Mặc dù, khi tôi viết bài viết này thầy không còn nữa nhưng bao thế hệ học sinh, bao đồng nghiệp luôn nhớ về Thầy với tấm lòng thành kính. Trên giá sách nhà Thầy ở số nhà 17-Trần Quốc Hoàn-Hà Nội có ghi dòng chữ: "Lương sư - hưng Quốc" như thể hiện phần nào cốt cách của một học giả với nghề giáo và truyền thống y học của gia đình cùng trách nhiệm công dân với Tổ quốc sáng chiếu lấp lánh trên dòng Kiến Giang êm đềm.


Vo Duc Ton.jpg
Thầy Võ Đức Tôn


Thầy Võ Đức Tôn sinh năm 1937 tại thôn Hoàng Giang, xã  Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình trong một gia đình lương y nghèo có truyền thống hiếu học và có công với cách mạng.  Lệ Thủy vốn là  vùng quê có tiếng địa linh nhân kiệt. Ở đây, có núi Đâu Mâu, phá Hạc Hải, có sông Kiến Giang, có đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Những cộng đồng họ tộc cùng nhau khai phá, đầy khí phách anh hùng, ngoan cường đứng vững trước phong ba bão táp, trước mọi kẻ thù đã biến vùng đất sình lầy đầy lam sơn chướng khí thành những cánh đồng phì nhiêu, lập nên những thôn ấp trù phú, xinh đẹp, xanh tươi, soi mình bên dòng sông Kiến Giang trong vắt. Lệ Thủy nổi tiếng  với câu ngạn ngữ  “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện” và phong cảnh nên thơ, mang mầu sắc phong thuỷ với các câu: “Núi Đâu Mâu soi bóng trên dòng Lệ Giang”. “Non Mâu là bút”, “Bể Hạc là nghiên”. Phải chăng vậy nên đây là đất học của các danh nhân như Dương Văn An tác giả "Ô Châu cận lục", Nguyễn Hữu Hào tác giả "Song tinh bất dạ" nổi tiếng, tiến sĩ nho học cuối cùng triều Nguyễn- cụ Võ Khắc Triển. Đây là nơi sinh thành của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ngươì anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Thầy Võ Đức Tôn đã cất tiếng khóc chào đời bên dòng Kiến Giang cách đây 74 năm. Thầy đã thừa hưởng Y ĐỨC từ người cha đáng kính của mình cùng sinh khí của quê hương địa linh nhân kiệt. Giá trị của quê hương hết thế hệ này đến thế hệ khác đã làm nên giá trị vĩnh hằng - giá trị của cốt cách lương sư toán học.

Sau những năm tháng học tập cấp 1-2 tại Lệ Thủy, thầy tiếp tục con đường học tập của mình tại trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Tại đây, thầy được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Với kết quả học tập xuất sắc, thầy được Nhà nước cử đi đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessca thuộc Liên Xô cũ, chuyên ngành Toán học. Đây cũng là thời thanh niên sôi nổi của thầy. Với kết quả học tập xuất sắc và thành tích hoạt động, thầy được bầu là Chi hội trưởng lưu học sinh Việt Nam Thành hội Odessca, được Ban cán sự Đoàn tại Liên Xô tặng danh hiệu Đoàn viên thanh niên Điện Biên - Ấp Bắc và được chi bộ công nhận là đối tượng kết nạp Đảng. Tốt nghiệp đại học bằng  đỏ (loại xuất sắc) năm 1966, thầy trở về nước và công tác tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Odessca - nơi thầy đã học đại học và hoàn thành luận văn Phó Tiến sĩ Toán học. Hơn 10 năm công tác tại Khoa, thầy đã giữ nhiều trọng trách như: Thư ký Công đoàn khoa (nay gọi là Chủ tịch công đoàn khoa), Chủ nhiệm bộ môn Toán cao cấp. Thầy được kết nạp Đảng ngày 27/11/1977. Năm 1980, thầy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và tiếp tục công tác tại Khoa Toán.

          Trong những năm tháng khó khăn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy đã được giao đảm trách những nhiệm vụ quan trọng: Phó chủ nhiệm Khoa Toán (1981 - 1987), Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ (1988-1990), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường nhiệm kỳ 1990-1992. Năm 1992, thầy vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Dù ở cương vị nào thầy cũng luôn cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

          Sau năm 1992, khi thôi không giữ chức vụ quản lý nữa, thầy đi thực tập khoa học và làm việc tại Hungari và Liên bang Nga. Năm 1996, thầy lại trở về Khoa công tác cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu. Những năm sau này, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và công tác quản lý tại Trường Đại học Dân lập Đông Đô cho đến ngày thầy mất.

          Trong cuộc sống và trong công việc, thầy là người rất nghiêm khắc  và ân đức. Dù bất cứ lúc nào ai gặp Thầy cũng thấy ở thầy nụ cười hiền hậu, cái bắt tay ấm áp, thân tình. Gặp ai có hoàn cảnh khó khăn, thầy cũng hỏi thăm, động viên ân cần. Lúc sinh thời, mỗi năm thầy thường ra quê một đến hai lần. Lúc nào cũng vậy, thầy ân cần hỏi han động viên bà con chòm xóm. Tết đến thấy bà con còn nhiều lo toan, thầy thường trích phần lương ít ỏi của mình tặng quà cho những gia đình khó khăn. Vì thế, lúc hay tin thầy không còn nữa nhiều người đã khóc để tiễn biệt một người con nặng tình với quê hương, ân nghĩa với cuộc đời. Với cháu con trong gia đình thầy lấy việc tự học và phấn đấu làm trọng. Không phải thầy có vị trí cao ở trường đại học mà con cháu dựa vào để tiến thân trên con đường học tập. Chị Lê Thị Hồng Nhung gọi thầy bằng cậu ruột hè 1998 ra Hà Nội thi đại học thầy cung cấp nhiều tài liệu, sách vở nhưng khi nhiều người có ý định giúp đỡ thì Thầy đã gạt đi ngay: " Học tập nghĩa là tự lập". Thầy có 2 người con trai học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học là Huy và Tuấn. Thầy không bao giờ để cho các con ỷ lại vào bố. Thầy nói với đồng nghiệp cứ để các em tự phấn đấu để vươn lên, có như thế mới trưởng thành được, thầy không muốn vì thầy mà ảnh hưởng đến Khoa và không muốn ai nói rằng sự vươn lên của các con là nhờ vào bố là cán bộ trong trường. Cốt cách ấy của một nhà khoa học làm cho cháu con suốt đời ngưỡng mộ và chúng tôi cúi đầu thán phục!

          Trước khi mất hai tháng, Thầy vào Quảng Bình thăm gia đình và đi nhiều nơi ở quê hương để chiêm ngắm hình sông thế núi. Hôm giỗ bố, không về được nhà do sức khỏe yếu, thầy đã điện thoại gặp gỡ anh em con cháu, bà con nội ngoại. Không ai ngờ rằng đó là lần cuối cùng mọi người nghe được tiếng nói ân cần, trầm ấm của thầy. Nước mắt rồi sẽ khô theo thời gian nhưng ai cũng như thấy thầy đang ở bên với một nụ cười lặng lẽ nhân đức với đời.

          Một con người dùng trí tuệ của mình sống trọn vẹn cho khoa học, một con người dùng trái tim của mình vươn ra cuộc sống, con người ấy, nhân cách ấy cũng như dòng nước Kiến Giang vậy - chảy mãi đến vô cùng. Những ngọt ngào và cay đắng, hào hùng và sôi nổi của một người của một thời là những giá trị để chúng tôi soi mình lớn lên theo năm tháng, để chúng tôi nhận ra từng chân giá trị về nghề nghiệp về trách nhiệm cá nhân với quê hương, Tổ quốc.

          Để kết thúc bài viết này, tôi xin dành tình cảm kính trọng nhất với thầy giáo Võ Đức Tôn qua việc trích dẫn lời tâm sự của một cựu sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội 1: " Thầy Võ Đức Tôn, niềm tự hào của trí thức quê mình".

Ngày 07 tháng 11 năm 2011
Ngô Mậu Tình

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com