Thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024; nhằm bồi dưỡng nâng cao nặng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường học về xây dựng văn hóa nhà trường đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông hiện nay; Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy đã tổ chức chuyên đề “Xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc” do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lí giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế trình bày vào chiều ngày 15/10/2023 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Lệ Thủy.

Tham dự buổi ngoại khóa chuyên đề có đồng chí Nguyễn Văn Vững - Huyện ủy viên, Trưởng phòng GD&ĐT và các đồng chí lãnh
đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện. Về phía các đơn vị trường học có 203 cán bộ quản lý;
112 giáo viên cốt cán và tổng phụ trách Đội của các trường mầm non, tiểu học,
THCS, TH&THCS và 12 cán bộ quản lý, giáo viên của các nhóm trẻ tư thục trên
địa bàn.
Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của
UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), được triển
khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở
một số trường học tại Thành phố Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả
nước.
Ngày 22/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ phát động “Triển
khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường
học hạnh phúc”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu
ra 3 yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn
và tôn trọng. Theo ông, đây cũng chính là nhu cầu tự thân, là động lực để các
thành viên trong nhà trường phấn đấu thực hiện.
Hạnh phúc là một khái niệm có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ (Etuxia) biểu hiện
trình độ tư duy của con người, tưởng đã rất quen thuộc, dễ hiểu, được dùng một
cách phổ thông, thể hiện ở ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau trên toàn cầu.
Các nhà triết học và tâm lý học thì cho rằng hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao,
chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của
lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.
Đến với Ngoại khóa chuyên đề “Xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc” do Tiến sĩ
Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng
khoa Tâm lí giáo dục, trường Đại học sư phạm Huế trình bày đã trao đổi, chia sẻ và nhấn mạnh văn hóa nhà trường có ảnh
hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động của nhà trường, trong đó trường học
hạnh phúc được thể hiện ở ba tiêu chí: Yêu thương - Tôn trọng - An toàn. Tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương,
nhà trường để có những tiêu chí khác
nhau nhưng một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi
là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ
và bao trùm lên là bao dung. Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể
chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về
thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà. Đối với tiêu chí tôn
trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng
về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem
giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng đã chỉ ra 5 yếu tố của trường học không hạnh phúc
là một môi trường không an toàn khi học sinh bị bắt nạt, bị áp lực về học tập
và điểm số, kỷ luật và nội quy quá nhiều. Đó là thái độ và tính cách khó gần,
nghiêm khắc, không công bằng, không khích lệ của giáo viên. Hay mối quan hệ
không tốt trong cộng đồng học tập ...
Đối lập với 5 yếu tố đó thì trường học hạnh phúc là trường học mà ở đó tình
bạn và mối quan hệ của học sinh trong cộng đồng được chia sẻ. Đó là một môi trường
học tập an toàn, sạch sẽ, không bị bắt nạt. Học sinh được sáng tạo, tự do trong
trách nhiệm và được quyền nói ra suy nghĩ của mình...
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng đã định hướng chiến lược xây dựng trường học hạnh phúc với 5 đối
tượng: Cán bộ quản lý, giáo viên, cơ
quan, học sinh, phụ huynh. Đặc biệt là nghệ thuật làm cho học sinh hạnh phúc bằng
cách giảm áp lực và tạo hứng thú cho học sinh; giúp học sinh biết cảm nhận về
người khác; kết nối thiên nhiên ...
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây
chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong chặng đường dài
trước mắt, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển
biến. Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng
môi trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của
mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến học sinh. Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh
phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc
không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan tỏa, song hành cùng gia đình hạnh
phúc, xã hội hạnh phúc.
Qua buổi ngoại khóa chuyên đề, các trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy cần
tổ chức công tác tuyên truyền xây dựng môi trường học tập nhân văn, thân thiện,
tiến bộ, khoa học là điều cần thiết để thực thi trường học hạnh phúc. Muốn làm được
điều đó cần sự kiên trì, nỗ lực, sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục và sự
chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Minh Ngọc
MỘT
SỐ HÌNH ẢNH





