Là người con của quê hương Lệ Thủy, ai ai cũng rất tự hào về truyền thống văn hóa trên mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” của mình. Đặc biệt, những nét đẹp mang giá trị tinh thần như bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, hò khoan Lệ Thủy,… là những nét đẹp mang tính vĩnh hằng.
Đi giữa không khí lễ hội náo nức, tưng bừng, lòng tôi bỗng trào
dâng niềm tự hào khôn xiết! Lại càng tự hào hơn khi giai điệu bài hát “Bơi đua
quê mình” của Giáo sư - Tiến sĩ Y khoa - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí vọng
về từ hệ thống loa phát thanh khắp các thôn xóm: “Trai này! Bơi bơi bơi! Gái này! Đua đua đua! Mời về Lệ Thủy xem này bơi
đua…”.
Trai bơi, đò bơi thì đã nghe nhiều, biết nhiều nhưng gái đua, đò
đua thì có vẻ rất được ít biết đến, nói đến. Dù vậy, ngày ngày “những cô gái đảm” của chúng ta vẫn lặng
lẽ, miệt mài luyện tập. Nhìn những mái chèo dẻo dai, lướt sóng đầy uy lực, thể
hiện sự quyết đoán, mạnh mẽ và tự tin của các chị, ta không khỏi tự hào về
truyền thống của phụ nữ Lệ Thủy trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bài viết này sẽ là một sự ghi nhận, một chút lòng biết ơn đối
với những cô gái rắn rỏi, đảm đang trên “Kiến
Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm”.
Thuyền đua nữ ngày trước chỉ khoảng 8 người chèo. Đến nay, mỗi
đò có khoảng 12-14 người. Để phân biệt thuyền đua nữ và thuyền đua nam, ở Lệ
Thủy người ta gọi thuyền đua nam là “đò
bơi”, thuyền đua nữ là “đò đua”.
Ngoài ra, về hình thức, thuyền đua nữ ở Lệ Thủy cũng có nét đặc trưng riêng.
Hình dáng thuyền giống đò bơi nam nhưng thon hơn, nhỏ hơn. Cách trang trí nói
chung là mô phỏng hình dáng theo kiểu “cá
chép hóa rồng”. Đầu mũi thuyền gắn “mũi
đoóc”, có nơi gọi là “mũi sỏ”, mô
phỏng mõm cá chép (người Lệ Thủy gọi là cá gáy, cáy), chứ không phải gắn “mũi rồng” như những nơi khác. Thuyền
được vẽ bằng những họa tiết dân gian, màu sắc sặc sỡ. Hai đầu mũi và lái người
ta vẽ hình vảy cá chép, đuôi thuyền là đuôi cá chép hóa đuôi rồng.
Vận động viên chèo thuyền là những người phụ nữ khỏe mạnh, dẻo
dai có vóc dáng eo co. Ăn mặc theo sắc phục truyền thống, buộc dải thắt lưng
màu. Đầu đội nón trắng Quy Hậu. Người cầm lái phải là những tay lái cừ khôi,
nhanh nhẹn, tháo vát, tầm thước và có dáng chèo đẹp để vững tay lái để điều
khiển cho thuyền đi theo ý muốn. Trên đường đua (dài khoảng 20 km cả đi và về) thuyền phải qua nhiều khúc sông uốn
lượn quanh co (người Lệ Thủy gọi là “khút”) nên vai trò của người cầm lái trở nên
vô cùng quan trọng, bởi vậy mới có câu: “Mạnh
chèo không bằng léo khút”. Ngoài ra, để đò đua mạnh mẽ lướt sóng, người ta
còn chọn người chèo nhị lái và chèo mũi mạnh khỏe, dẻo dai và tháo vát để hỗ
trợ cho người cầm lái được vững vàng.
Đầu mũi thuyền có người ngồi gõ sanh điều khiển nhịp chèo, tạo
sự đồng lực, dồn sức để đưa thuyền lao nhanh về phía trước trông rất điệu đà,
duyên dáng. Vừa gõ nhịp vừa hô động viên cổ vũ chị em trên thuyền. Rồi tiếng hô
đáp lại của chị em vận động viên trên đò vang vọng đôi bờ rợp trời nón trắng.
Những mái chèo khua lấp loáng dưới ánh nắng thu vàng. Con thuyền lao nhanh,
lướt nhẹ giữa dòng như tính cách của chị em thuộc bề phái đẹp. Những cô gái với
điệu chèo duyên dáng chân co, chân duỗi, thay đổi nhau theo nhịp chèo. Tất cả
tạo sự nhịp nhàng, thanh thoát, trông rất đẹp mắt.
Cứ mỗi độ “tháng tám mùa
thu” về trên quê hương Lệ Thủy thì “người
người háo hức”, “Làng làng rạo rực,
đóng thuyền luyện quân”. Đò đua nữ cũng không nằm ngoài quy luật của sự lan
tỏa đó. Có âm, có dương; có nam, có nữ; có thanh có trầm nên có bơi, có đua.
Hơn thế, việc duy trì và phát triển các đò đua còn thể hiện sự bình đẳng giới.
Đây cũng là dịp để cách chị em phụ nữ thể hiện và khẳng định tài trí, sức vóc
của mình trước cánh mày râu.
Đua thuyền nữ ở Lệ Thủy là một nét đẹp đặc trưng trên quê hương
Đại tướng.
-------------
1, Bài viết có sử dụng lời bài hát “Bơi đua quê mình” và được sự cho phép của GS. Nguyễn Anh Trí.
2, Một số tư liệu trong bài viết được anh Nguyễn Văn Ngọ (Phú
Thọ, Lệ Thủy) cung cấp.