TRƯỜNG TIỂU HỌC XUÂN THỦY - 60 MÙA XUÂN HÀNH TRÌNH ĐI
TỚI TƯƠNG LAI
Xuân Thủy là một xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy, chạy
dọc theo tả ngạn dòng Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng. Trước đây xã gồm có bảy
thôn: Xuân Bồ, Tiền Thiệp, Hoàng Giang, Phan Xá, Quảng Cư, Xuân Lai và Mai Hạ.
Năm 1989, thôn Quảng Cư cắt nhập vào thị trấn Kiến Giang, xã còn lại sáu thôn.
Từ xưa đến nay, nhân dân Xuân Thủy vốn giàu truyền thống anh hùng trong chiến
đấu, cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, đóng góp nhiều công
sức cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhắc đến Xuân Thủy, người ta sẽ
nhớ ngay đến những chiến công lừng danh sáng chói sử vàng trên mảnh đất này:
chiến thắng Xuân Bồ với tấm gương hy sinh lẫm liệt của anh hùng Lâm úy, chiến
thắng Mỹ Lộc-Xuân Lai trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Sau khi
hòa bình lập lại năm 1954, cùng với nhân dân Miền Bắc, nhân dân Xuân Thủy cũng
bắt tay ngay vào xây dựng quê hương trên mọi mặt: Kinh tế, xã hội, quốc phòng,
an ninh và đặc biệt là Giáo dục.
Năm 1955, trường cấp I Xuân Thủy được khai sinh.
Trường đóng tại địa bàn thôn Phan Xá do thầy giáo Lê Hòe làm hiệu trưởng. Sau
kháng chiến chống Pháp, cuộc sống của nhân dân còn thiếu thốn trăm bề nên việc
dạy và học của thầy và trò cũng thật gian nan, vất vả. Những năm sau đó, số
lượng học sinh, số lớp ngày càng tăng nên trường tách thành hai điểm trường:
một điểm trường ở Xuân Lai (TH số 2 Kiến Giang bây giờ) và một điểm trường ở
Xuân Bồ. Năm 1964, đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại Miền Bắc, các lớp
học được đưa về từng thôn, đội, học dưới các nhà hầm nửa chìm, nửa nổi, có hầm
trú ẩn thông với các lớp học để tránh bom đạn của giặc Mỹ. Chiến tranh ngày
càng khốc liệt, nhà trường vẫn duy trì việc dạy và học dưới sự dẫn dắt của thầy
giáo hiệu trưởng Bùi Đình Sơn rồi thầy giáo hiệu trưởng Võ Phi Suyền, thầy giáo
hiệu trưởng Lê Vĩnh Cáp. Các thầy cô giáo vẫn bám lớp, học sinh vẫn đi học bằng
đường giao thông hào, đầu đội mũ rơm chống mảnh bom Mỹ. Chính trong những năm
tháng chiến tranh ác liệt ấy, một số thầy giáo của trường đã xếp bút nghiên,
xếp lại những trang giáo án để lên đường ra trận bảo vệ Tổ quốc và mãi mãi
không trở về như thầy Đặng Ngọc Liệu, thầy Huỳnh. Cũng trong những năm tháng
chiến tranh này, biết bao học sinh của trường đã vượt qua gian khổ, khó khăn,
thiếu thốn để học giỏi, làm nền móng vững chắc cho các lớp trên và sau đó trở
thành những giáo sư, tiến sĩ, kĩ sư, cán bộ trong và ngoài quân đội, những công
dân điển hình như: Nguyễn Khắc Thái, Đỗ Quý Doãn, Trương Tấn Viên, Lê Văn
Thiên, Trương Tấn Minh, Trương Tấn Khanh, Lê Văn Ngọc, Lê Văn Lợi, Trần Đình
Bình, Trần Thị Bích Liễu, Võ Huy Diễm, Trương Minh Đức… Trong số họ, cũng có nhiều người lên đường ra tiền
tuyến, hiến cả xương máu và tuổi thanh xuân cho đất nước, mãi mãi nằm lại chiến
trường như hai thầy giáo yêu kính của mình. Đó là các anh Lê Văn Trân, Lê văn
Bề, Trần Đình Đường, Mai Văn Lẹ, Trương Bá Lư…
và rất nhiều liệt sĩ khác.
Năm 1976, thực hiện nhiệm vụ mới của Giáo dục, trường
cấp I nhập với trường cấp II thành trường PTCS Xuân Thủy. Phụ trách khối cấp I
thời kỳ này là lần lượt các thầy giáo Lê Vĩnh Cáp, Trần Chính Dạ, Trần Viết
Diêm. Mỗi giai đoạn lịch sử thường có những thuận lợi và những gian nan, thử
thách khác nhau. Những năm tháng này cũng vậy. Sau khi đất nước thống nhất,
Giáo dục đào tạo đã được Nhà nước quan tâm, cơ sở vật chất của nhà trường đã
được cải thiện nhưng vẫn ngổn ngang những khó khăn, thiếu thốn: phòng học nhà
tranh vách đất, bàn ghế ghép bằng những thanh thân cây, phương tiện, đồ dùng
dạy học hầu như rất hiếm… Vượt lên hoàn cảnh, các thầy cô giáo vẫn tận tâm với
nghề nghiệp, các thế hệ học sinh nối tiếp nhau chăm chỉ, cần mẫn nỗ lực học
tập, rèn luyện góp phần làm rạng danh nhà trường.
Năm 1989, trường PTCS Xuân Thủy được tách thành ba
trường: trường cấp II Xuân Thủy, trường cấp I Xuân Bồ (địa điểm hiện nay) do cô
giáo Lê Thị Luân làm hiệu trưởng và trường cấp I Xuân Hạ (đóng tại thôn Xuân
Lai) do thầy giáo Nguyễn Đăng May làm hiệu trưởng. Năm 2002, thực hiện quyết
định của UBND huyện Lệ Thủy, hai trường cấp I trong xã nhập lại và mang tên
trường Tiểu học Xuân Thủy. Năm 2004, học sinh tiểu học 2 thôn Xuân Lai, Mai Hạ
được chuyển vào học ở trường Tiểu học số 2 Kiến Giang. Từ đó đến nay, trường
Tiểu học Xuân Thủy chịu trách nhiệm dạy học chủ yếu cho con em các thôn Xuân
Bồ, Tiền Thiệp, Hoàng Giang, Phan Xá và cô Đỗ Thị Lý làm Hiệu trưởng nhà
trường. Sau nhiều lần tách nhập, sau hàng chục năm dựng xây, từ những phòng học
tạm với tranh tre nứa lá, thiếu thốn đủ bề ngày xưa, hiện nay, cơ ngơi của nhà
trường đã khá khang trang, bề thế. Trường tọa lạc ở thôn Hoàng Giang (từ ngày
tách trường năm 1989), tựa lưng vào xóm làng trù phú, hướng mặt ra cánh đồng
lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay. Khuôn viên trường rộng rãi, sạch sẽ, thoáng
mát, bốn phía xung quanh được bao bọc bằng hàng rào bê tông vững chắc. Sân
trường được lát gạch phẳng lì, rợp màu xanh mát, tốt tươi của cây cối, hoa lá.
Trường có hai dãy nhà cao tầng, một dãy nhà xây cấp 4 với 20 phòng học, phòng
chức năng, phòng Hiệu bộ có thể đảm bảo cho công tác dạy và học đạt chất lượng,
đạt hiệu quả cao nhất. Các phòng học đều dược trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng
lớp, hệ thống điện sáng, quạt mát… đúng quy cách,
trang trí đẹp mắt. Trường có đầy đủ hệ thống sân chơi, bãi tập, các công trình
vệ sinh, hệ thống nhà xe cho giáo viên và học sinh, hệ thống nước sạch được đưa
về tận từng dãy phòng học. Phòng thư viện nhà trường có sáu ngàn đầu sách với
khá nhiều chủ đề, có 6 máy tính nối mạng góp phần tích cực cho việc nghiên cứu,
tham khảo, giải trí… của thầy và trò trong quá trình dạy và học. Phòng
Tin-Anh, phòng Nghệ thuật được trang bị đủ các phương tiện, các thiết bị dạy và
học phục vụ cho việc giáo dục toàn diện học sinh.
Thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong
giai đoạn cách mạng mới, đội ngũ thầy cô giáo của nhà trường đã không ngừng tự
học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, năng
lực sư phạm, luôn phát huy tinh thần “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức
tự học và sáng tạo”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
được giao. Đến nay, 100% giáo viên của trường đều đạt trên chuẩn trong đó 65%
giáo viên có trình độ đại học, 65% giáo viên được công nhận là giáo viên dạy
giỏi các cấp. Đặc biệt là nhiều thầy cô giáo đã đã trở thành “điểm nhớ” mãi mãi
trong lòng các thế hệ học sinh và phụ huynh Xuân Thủy bởi những bài giảng hay,
những giờ dạy tốt, bởi sự dạy dỗ, yêu thương, chăm chút ân cần, chứa chan tình
mẹ với các em. Cũng vì vậy mà chất lượng dạy học luôn vượt chỉ số quy định của vùng,
ổn định vững chắc ở mức cao. Hằng năm, trường có nhiều học sinh đạt giải cao
trong các hội thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu các cấp và luôn nằm ở tốp
đầu của huyện. Bảng vàng truyền thống nhà trường lấp lánh mãi những cái tên: Lê
Văn Thiếu, Lưu Hương Trà, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Phương Thùy, Trần Thị Thu
Thủy, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Khánh Hoàng, Lê Đức Hoãn, Trần Đình Văn, Trần Đình
Toản, Trần Đình Trình, Hoàng Minh Dũng, Trần Phương Thảo, Châu Ngọc Anh, Lê Chí
Đức, Đặng Ngọc Nguyên Hoa, Nguyễn Lê Gia Khánh,…. với
những giải nhất, nhì các môn văn hóa, các môn năng khiếu cấp tỉnh, cấp quốc gia… 60 mùa xuân với 60 thế hệ
học sinh được nhà trường dẫn dắt vào kho tàng kiến thức của bậc học nền tảng để
tiếp tục học lên các bậc học trên, đã, đang và sẽ như những cánh chim tung bay
khắp mọi miền Tổ quốc, đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc bảo vệ và xây
dựng đất nước, quê hương ngày một mạnh giàu.
Suốt chặng đường 60 năm đi tới, trường tiểu học Xuân
Thủy đã rất nhiều lần được tặng thưởng bằng khen, giấy khen của các cấp và của
Ngành Giáo dục-Đào tạo. Nhiều năm liền, trường được công nhận là tập thể lao
động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến. Năm 2001, trường được công nhận là
trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và vẫn giữ vững danh hiệu ấy ở 2
lần kiểm tra công nhận lại sau 5 năm, vào năm 2006 và năm 2011. Năm 2006,
trường được cấp bằng công nhận là đơn vị văn hóa và vẫn giữ vững danh hiệu ấy
cho đến nay. Năm 2012, trường đã đóng vai trò chính để xã được công nhận là xã
đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Hàng năm, Chi bộ
Đảng nhà trường luôn đạt chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Chi bộ trong
sạch vững mạnh; tổ chức Công đoàn luôn đạt Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc;
Liên đội TNTP Hồ Chí Minh luôn được vinh danh là liên đội vững mạnh xuất sắc.
Công tác xã hội hóa giáo dục được nhà trường phát huy cao độ, hiệu quả. Các lực
lượng xã hội, các tầng lớp phụ huynh đã luôn kề vai sát cánh, đồng hành cùng
nhà trường trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc đầu tư xây dựng cơ sở
vật chất và phối hợp giáo dục con em. Có thể nói nhà trường đã trở thành ngọn
lửa niềm tin, đã trở thành địa chỉ tin cậy trong lòng Đảng bộ và nhân dân xã
nhà Xuân Thủy.
Để có được “gia tài” ấy, các thế hệ thầy cô giáo, các
thế hệ học sinh đã luôn phát huy truyền thống của quê hương, truyền thống của
nhà trường trên mỗi chặng đường đi tới. Mọi người đã cùng nhau đồng lòng, đồng
sức, luôn chắt chiu, nâng niu, trân trọng những gì đã có, lấy đó làm “vốn
liếng” để vượt qua tất cả mọi gian khổ, khó khăn, mọi trở lực mà vững bước tiến
lên.
Vẫn còn đó nhiều việc phải làm, vẫn còn đó nhiều điều
phải trăn trở, nghĩ suy nhưng những gì mà nhà trường gặt hái được và viết nên
truyền thống trong 60 năm qua đã trở thành niềm tự hào to lớn của nhân dân Xuân
Thủy, góp phần tô điểm cho trang sử vàng của xã nhà thêm phần rực rỡ, thắm
tươi. 60 năm bề dày truyền thống của nhà trường sẽ là hành trang, là ngọn lửa
niềm tin để các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ học sinh hôm nay tiếp tục quyết
tâm dạy tốt, học tốt, đưa nhà trường tiến xa hơn nữa trên con đường đi tới
tương lai.
Xuân Thủy, tháng 5 năm 2015
Hương Đỗ