THCS
PHONG THỦY NĂM MƯƠI NĂM MỘT MÁI TRƯỜNG
Phong Thủy, mảnh đất
phong cảnh hữu tình, đang lưu giữ trong mình những giá trị truyền thống quý
báu. Hàng năm nơi đây thường được chứng kiến những sinh hoạt văn hoá, lễ hội có
tầm cỡ quy mô lớn của huyện.
Nơi đây có đền thờ Quận công Hoàng Hối Khanh-vị thần khai
khẩn làng Thượng Phong và vùng quê Lệ Thủy, có phong trào “Gió Đại Phong” lá cờ
đầu trong sản xuất nông nghiệp của miền Bắc những năm 1960.
Nơi đây còn có một mái trường, là chiếc nôi nuôi nấng
lớp lớp học sinh qua các thế hệ góp phần đào tạo nên những người con trung
hiếu làm rạng danh cho quê hương, Tổ quốc. Đó là trường THCS Phong Thủy.
Trong ký ức của nhiều người, THCS Phong Thuỷ là trường
trọng điểm chất lượng cao của huyện, của tỉnh. Trải qua bao thăng trầm đổi
thay…Nhưng trường vẫn giữ được “cốt cách” truyền thống của nó. Đặc biệt những
năm gần đây trường đã từng bước chuyển mình gặt hái những thành quả ngày càng
cao, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phong trào giáo dục của huyện nhà.
Tự hào với truyền thống, nhớ đến mái trường quê hương
tròn vẹn nửa thế kỷ sinh thành, xin mọi người hãy giành một ít thời gian để
cùng nhau ôn lại chặng đường đã qua.
Trường THCS Phong Thủy hình thành và phát triển cách đây nửa thế kỷ .
Trước năm 1955 ở Lệ Thủy và Quảng Ninh đã có 2 trường cấp
II là trường cấp II Hoàng Hoa Thám và trường cấp II Quảng Ninh. Đến năm học
1955 -1956 sát nhập thành trường cấp II Lệ Thủy tọa lạc trên 2 đình Đại
Phong và Tuy Lộc.
Tháng 7 năm1958, trường cấp II Lệ Thủy chuyển đến đây (khi ấy là cả khu vực từ Văn phòng HTX Thượng
Phong (cũ)kéo dài đến cơ sở cũ của trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy hiện nay).
Khi đến nơi mới này trường chỉ có 2 phòng học được tháo dở từ đình Đại Phong và
Tuy Lộc và làm thêm một dãy phòng tạm nhà tranh vách đất. Buổi đầu trường có 6
lớp học.
Từ năm 1961, hệ thống trường cấp II bắt đầu phát triển ở
các xã trong huyện. Địa bàn chiêu sinh của trường cấp II Lệ
Thủy thu hẹp dần. Đến năm học 1963-1964 trường cấp II Lệ Thủy chỉ còn học sinh
của 2 xã Phong Thủy, Lộc Thủy.
Năm
học 1964 - 1965 chiến tranh ngày càng ác liệt, theo chủ trương của Đảng phải
phân tán học sinh xã nào về xã đó thành lập trường riêng hoặc lớp nhô trong các
trường cấp 1. Trường cấp II Lệ Thủy chỉ còn lại học sinh của xã Phong Thủy. Sứ
mạng lịch sử của trường cấp 2 Lệ Thủy- Trường huyện - đến đây đã hoàn
thành. Trường cấp II Phong Thủy được khai sinh từ đây. Từ đó đến nay
trường đã qua một chặng đường phát triển 50 năm. Và chính mảnh đất này còn là nơi khởi phát
của các trường cấp 2 trong huyện. (Tại
phòng TT của trường còn lưu giữ được một chiếc tủ văn phòng có từ thời đó).
Theo thời gian, trường đã trải
qua những chặng đường phát triển đầy gian nan thử thách gắn liền với những sự
kiện lịch sử quê hương đất nước.
A. Buổi đầu thành lập đến
những năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Từ 1964 đến 1975)
Những
năm tháng trong hòa bình trên miền Bắc:
Thực
hiện nguyên lý giáo dục:“Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động
sản xuất, nhà trường gắn liền với gia đình - xã hội”, thầy trò toàn trường
cùng nhau xây dựng vườn thực nghiệm, trồng các loại cây thuốc Nam, làm thuốc
trừ sâu từ lá xoan, nuôi bèo hoa dâu làm phân bón giúp hợp tác xã. Mỗi học sinh
hàng ngày đến trường mang theo một bó cỏ từ 1- 3 kg để chăm sóc đàn trâu hợp
tác xã với khẩu hiệu: “Nắm cỏ khao trâu đỡ đầu sức kéo”- “ Nắm phân
cân thóc”. Khi mùa đông đến nhà trường còn động viên học sinh góp lá chuối,
rơm khô bện thành áo chống rét cho trâu của HTX Việt Xô. GV trường còn làm
ruộng lúa cao sản thí điểm cho HTX, phổ biến các chuyên đề KHKT như: trồng
điền thanh, trồng lạc, ngô, chăn nuôi gia súc cho các đội sản xuất. Những công
việc đó thực sự làm cho nhà trường trở thành một trung tâm văn hóa - KHKT
gắn liền với địa phương, được cả nước biết tới.
Những
tháng ngày cùng cả nước chống giặc Mỹ xâm lược:
Thời
kỳ những năm 1965-1966 giữa lúc chiến tranh ác liệt, trường phải sơ tán, chuyển
địa điểm học tập thành nhiều lớp nhỏ lẻ về tận Hà Cạn (đội 1), Mỹ Phước (đội
24) để tránh xa các trọng điểm ném bom của Mỹ.
Với
tinh thần khắc phục khó khăn, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “ dù khó
khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt học thật tốt” nhà trường đã đề
ra khẩu hiệu:
“Giặc
đánh ngày thì ta học đêm
Giặc
đánh đêm thì ta học ngày
Giặc
đánh cả ngày cả đêm thì ta tranh thủ học cả đêm lẫn ngày ”
Để
duy trì việc học tập của trường, cùng cả nước chống chiến tranh phá hoại của đế
quốc Mỹ, nhiều việc làm khắc phục khó khăn để tiếp tục học tập, hạn chế thương
vong do địch ném bom đã được nhà trường tuyên truyền phát động như: làm đèn
phòng không để đi học ban đêm, đào hào giao thông, cử tổ trực phòng không để
báo động cho thầy trò kịp thời chạy ra hầm trú ẩn khi có máy bay giặc tới. Mỗi
lớp được chia thành 2 kíp, học trong các nhà hầm bán âm bán dương xung quanh
đắp lũy đất cao đến tận mái tranh. Chương trình học tập chỉ giữ lại những môn
cơ bản.
Điều
kiện dạy-học rất khó khăn. Các thầy cô giáo, học sinh thiếu giấy vở đã khắc
phục bằng cách ngâm giấy cũ vào nước vo gạo rồi đem phơi nắng cho mực cũ nhạt
đi để dùng lại, thiếu phấn viết bảng thầy cô phải ra đồng tìm đất sét trắng
nhào nhuyễn, vo viên phơi khô hoặc lấy lõi sắn khô để dùng thay phấn. Nhà
trường không có văn phòng, nhiều gia đình đã tự nguyện nhường nhà của mình cho
trường làm nơi hội họp, điều hành các hoạt động nhà trường.(Cụ Trần Nính ở
Thượng Phong, Mẹ Thùy ở Đại Phong v.v.)
Ngoài
việc dạy học phổ thông, trường còn tổ chức dạy 1 lớp BTVH cho 24 thanh niên địa
phương theo yêu cầu của HTX Việt - Xô
(Số
học viên này đã học xong lớp 7, sau đó đã trở thành những cán bộ chủ chốt của
HTX)
CSVC
trường học thời gian này chỉ là nhà tranh vách đất, bàn ghế tạm bợ và ở nhiều
điểm trường xa nhau, phân tán trên khắp địa bàn xã.
Quy
mô trường lớp trong những năm từ 1968 -1970: mỗi năm có khoảng 12 lớp, 500 học
sinh, 18 giáo viên. Những năm này trường được Phòng GD Lệ Thủy chọn làm trường
trọng điểm của huyện, được ưu tiên biên chế 1,5 GV/ lớp ( cao hơn các
trường khác lúc bấy giờ).
Trong
hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng hoạt động chuyên môn của trường vẫn thực
hiện tốt. Cô giáo Võ Thị Thiết là GVDG được phân công dạy chuyên đề để cán bộ
cốt cán các trường dự và rút kinh nghiệm triển khai ra toàn huyện. Theo kể lại
thì cô đã từng dạy bài “Đàn bò” của Hồ Phương, “Mẹ con chị Út”
của Nguyễn Thi để minh họa về chuyên đề:“đưa chủ nghĩa anh hùng cách mạng
vào giảng dạy trong nhà trường” gây được ảnh hưởng lớn trong dạy học của
ngành vào thời gian này. Thầy trò phải dạy học dưới nhà hầm nhưng hoạt động
dạy học của trường vẫn duy trì, ổn định, phong trào học tập vẫn đạt kết quả
tốt. Trường cấp 2 Phong Thủy vẫn dẫn đầu trong phong trào dạy và học của huyện.
Nhiều học sinh đã khắc phục khó khăn, học tập tốt đem lại niềm tự hào cho trường:
Anh Nguyễn Văn Tài, Võ Văn Hà đã giành được giải nhì HSG Văn, Toán cấp tỉnh
được dự thi HSG toàn miền Bắc, Phạm Hữu Si, Trần Văn Thục, Phạm Xuân Hòa, Đoàn
Công Thanh HSG toán cấp tỉnh, Lê Thị Giang đạt danh hiệu HSG liên tục cấp 1,2
toàn quốc. Đặng Ngọc Hoài năm học 1973 -1974 đang học lớp 6 được chọn dự thi
học sinh giỏi lớp 7 vẫn đạt giải nhất tỉnh.
B.
Sau ngày thống nhất đất nước:
Từ
30 - 4 - 1975 đến những năm 1980:
Từ
năm 1973, hòa bình trở lại với miền Bắc, hòa chung với khí thế chiến thắng của
cả nước, thầy trò nhà trường đã cùng với địa phương hồ hởi bắt tay vào xây
dựng trường mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định và nâng cao
chất lượng GD nhà trường.
Từ
các khu vực nhỏ lẻ trên khắp địa bàn trường được quy tụ trở về địa điểm hiện
nay. Và được xây dựng mới thật khang trang với một dãy nhà xây cấp 4 có 6 phòng
học rộng rãi ngói mới đỏ tươi, tường vôi trắng tinh thể hiện sự đổi sắc thay
da của quê hương Phong Thủy sau chiến tranh.
Quy
mô trường lớp không ngừng được mở rộng, trong giai đoạn này số lượng học sinh
hàng năm thường dao động trong khoảng 12 lớp với 500 học sinh.
Trong
lao động sản xuất: Nhà trường đã mạnh dạn nghiên cứu kỹ thuật đốt gạch dã chiến
và đã cùng các em học sinh khối 6,7 làm gạch mộc bán cho HTX và tự đốt thành
công, chất lượng sản phẩm tốt được HTX khen ngợi và đăng ký mua hết, hàng năm
sản xuất được khoảng 4 vạn viên góp phần giải quyết khó khăn cho trường, nâng
cao đời sống giáo viên.
Phong
trào dạy học tiếp tục có những bước phát triển mới. Trường vẫn là điểm sáng của
giáo dục huyện nhà.
Với
những việc làm có ý nghĩa trên trường nhiều năm được công nhận trường tiên tiến
cấp tỉnh, nhiều CB, GV được vinh danh. Cô
Lê Quang Thị Cẩm Lệ được công nhận là CSTĐ của ngành GD, Cô Võ Thị Thiết
đạt GVDG. (Trong tập sách “Gió Đại Phong” có bài viết về “Người
chiến sỹ thi đua ngành giáo dục Lê Quang Thị Cẩm Lệ” của nhà văn Trần Công
Tấn).
Từ
năm 1981- nay:
Quy
mô trường lớp liên tục phát triển. Đến năm học 1983-1984 trường có 41 lớp trong
đó có 12 lớp cấp 2, 19 lớp cấp 1 (từ năm 1976 - 1977 nhập trường cấp 2
và cấp 1 thành trường PTCS, đến năm 1990 lại tách thành 2 trường Tiểu học
và THCS)
Sau
nhiều lần tách nhập, khi trở về với tên trường THCS Phong Thủy hiện nay, năm có
quy mô số lượng cao nhất là năm 2005 - 2006 với 16 lớp, 679 HS, 38 CB,GV, NV.
Từ
năm học 1983 - 1984 trường PTCS Phong Thủy đã được Ty Giáo dục Bình Trị Thiên
chọn làm trường trọng điểm của tỉnh. Hai năm sau đó liên tục đạt đơn vị trọng
điểm tốt và trường được đón nhận sự đầu tư của ngành như tập trung cán bộ,
giáo viên giỏi trên địa bàn về trường dạy.
Đến
những năm sau đó trường vẫn giữ vững truyền thống tốt đẹp từ trước, tiếp tục
được chọn làm điểm để thực hiện dự án: “Trường trọng điểm chất lượng cao”
của tỉnh giai đoạn 1996 - 2000 do đồng chí HT-Phạm Văn Phước chủ trì xây dựng
và thực hiện.
Trong
thời gian này trường đã đạt được những chuyển biến quan trọng có tính bước
ngoặt khẳng định vị thế của trường trên địa bàn huyện, tỉnh. Trên tất cả các
mặt hoạt động nhà trường đều đã phấn đấu và giành được những thành tích đáng tự
hào, trường dẫn đầu của huyện về nhiều mặt, được Thủ tướng Phan Văn Khải tặng
Bằng khen về đạt nhiều thành tích dạy tốt học tốt, xây dựng trường khang trang
(1996-1998). UBND Tỉnh tặng bằng khen về thành tích đạt danh hiệu tiên tiến XS
10 năm đổi mới (1990-2000). UBND Tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành suất sắc
nhiệm vụ năm học nhiều năm. Sở TDTT tặng cờ về thành tích:Đơn vị tiên tiến suất sắc về TDTT. UBND Tỉnh tặng bằng
khen về thành tích xuất sắc trong công tác GD thể chất sức khỏe 5 năm liền.
Tham gia HKPĐ tỉnh đạt nhiều huy chương các loại. Liên đội TNTP của trường được
TW đoàn TNCS HCM tặng danh hiệu Liên đội XS, tặng cờ mang chân dung Bác. TW
đoàn TNCS HCM tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thiếu nhi
và công tác đội nhiều năm. Liên đoàn Lao động Quảng Bình tặng Bằng khen
về PT thi đua hai tốt. Công đoàn GD Quảng Bình tặng cờ về thành tích xây
dựng Công đoàn CS vững mạnh XS và rất nhiều cờ thi đua tổ lao động XHCN trong
những năm từ 1984 đến 1999.
C. Những năm gần đây:
Việc
xây dựng CSVC ngày càng được chú trọng. Khuôn viên trường dần dần được quy hoạch hợp lý. Đến năm 2000 một dãy
nhà học 2 tầng đầu tiên với 6 phòng học được xây dựng. Năm 2008 đến 2010 tiếp
tục xây dựng thêm 8 phòng học 2 tầng kiên cố, 4 phòng chức năng, 1 thư viện. Khuôn
viên được tu bổ, nâng cấp, vĩnh biệt thời tranh tre nứa lá, vách đất. Trường
dần dần được kiên cố hóa. Hệ thống tường rào khép kín, sân bãi luyện tập TDTT
được đầu tư xây dựng. Hơn 3 ngàn khối đất cát được chở về nhằm san lấp mặt
bằng sân thể dục phía trước bờ sông và phía sau trường. Tổng chi phí xây dựng,
mua sắm CSVC từ 2008 đến 2013 xấp xỉ 7 tỷ đồng. Nhà trường cũng đã năng động sáng
tạo, kêu gọi tài trợ từ nhiều nguồn như 2 HTX, Báo đầu tư, quỹ thiện tâm, VNPT
Quảng Bình, sở KH đầu tư để tăng trưởng thêm CSVC, mua thêm máy tính phục vụ
dạy học.
Trang bị bên trong được tăng trưởng khá nhanh. Đến nay,
trường đã có đủ 4 bộ thí nghiệm thực hành cho 4 khối lớp; 4 phòng bộ môn, 1
phòng tin học. Về CNTT trường đã có một phòng Tin học với 20 máy tính, mạng
INTERNET đường truyền tốc độ cao phủ sóng toàn bộ khuôn viên trường các phòng
học đã có màn hình cỡ lớn và trường còn có 1 trang Website riêng để phục vụ các
hoạt động.
Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của nhà trường đã
tạo ra sự khởi sắc mới đánh dấu một bước trưởng thành, đưa nhà trường vững
vàng chuyển sang một giai đoạn mới chiếm lĩnh tri thức, giảng dạy và học tập
trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại.
Năm học 2014-2015 Trường có 12 lớp, 418 học
sinh, tổng số cán bộ, công chức, nhân
viên 32. 100% CB - GV- NV đạt chuẩn về trình độ đào
tạo. Trong đó trên chuẩn 20/25 (80%), giáo viên GVDG:16/25(64%). Mọi hoạt động của nhà trường có kỷ cương nề
nếp tốt, chất lượng các mặt giáo dục phát triển đồng đều, ổn định, vững chắc. Uy
tín của trường đối với Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, trường bạn ngày
càng được nâng cao.
Trường tiếp tục đạt được những
thành tích đáng tự hào: được
công nhận phổ cập THCS tháng 12 năm 2002. Tuyển sinh vào PTTH xếp vào tốp đầu
của huyện, trong tốp 20 trường tốt nhất của tỉnh, 2 năm liền được xếp thứ nhất,
nhì của huyện. Phòng GD&ĐT
Lệ Thủy tặng rất nhiều cờ về thành tích đồng đội HSG các môn. Hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc
gia(QĐ số:2754/QĐ-CT của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 6/11/2012); Qua kiểm định chất lượng GD đã được công nhận là cơ sở GD đạt tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ III - cấp độ cao nhất hiện nay (QĐ
số:2026/QĐ-SGD-ĐT Quảng Bình ngày 26/8/2013); Đơn vị được công nhận đạt
chuẩn văn hóa 5 năm 2009-2013(QĐ
số:676/QĐ-LĐLĐ tỉnh Quảng Bình ngày 13/12/2013).
Công tác xã hội hoá GD được
phát huy tốt. Đặc biệt trường đã tuyên truyền và tổ chức thành công kỷ niệm 50 năm thành lập trường (ngày 18/1/2015). Đây là một sự kiện có
ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc giáo dục truyền thống, kêu gọi sự quan tâm của
các thế hệ HS động viên khích lệ phong trào dạy - học của trường. Nhiều tổ
chức, cá nhân, cựu học sinh đã quan tâm và có những đóng góp thiết thực vào
việc tăng trưởng thêm cơ sở vật chất cho nhà trường.
Hoạt động văn nghệ, TDTT: Đội
văn nghệ, CLB hò khoan của trường tham gia liên hoan: “Em hát dân ca” cấp THCS
đã 2 lần đạt giải nhất toàn huyện, vinh dự được Phòng GD-ĐT huyện chọn tham gia
biểu diễn trong các hội nghị quan trọng của huyện và tham gia hội thi: “Giai điệu tuổi hồng” đã đạt giải nhất
tỉnh Quảng Bình 23/5/2015 được chọn tham gia hội thi toàn quốc… góp phần tuyên
truyền bảo tồn một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương Lệ Thủy.
Hội thi điền kinh, HKPĐ cấp huyện, tỉnh có 12 giải, đội bóng chuyền Nam của
trường đã giành giải nhất Huyện và đã đóng góp quan trọng cho thành tích của
đoàn VĐV huyện tham gia HKPĐ tỉnh.
Trường thực sự là nơi có các
phong trào học tập, hoạt động tập thể, VHVN, TDTT xếp vào tốp đầu của huyện, là
một địa chỉ giáo dục có uy tín, được nhân dân địa phương tin tưởng, gửi gắm con
em đến học tập rèn luyện.
Đó là những thành tích tiêu
biểu, đáng tự hào, phản ánh một bề
dày lịch sử của nhà trường trong
quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội - văn hoá GD ở địa phương, thể hiện công lao to lớn, sự nỗ lực không mệt
mỏi của nhiều thế hệ cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong suốt 50 năm
qua và là niềm tự hào chính đáng cho mỗi một cá nhân đã từng
học tập, công tác dưới mái trường này.
Phòng truyền thống nhà
trường còn lưu giữ được một số tư liệu, hình ảnh, hồ sơ khen thưởng khá
phong phú: 28 Bằng khen, 55 giấy khen ; 100 cờ các giải đồng đội HSG và 18
giấy chứng nhận khen thưởng thi đua các cấp từ trung ương đến tỉnh,
huyện. Và hàng trăm bức ảnh ghi lại các hoạt động tiêu biểu qua các thời kỳ.
Lần theo
thời gian, 50 năm qua lãnh
đạo nhà trường đã có 13 đồng chí giữ chức vụ HT, người nhiều nhất là 9 năm; 10 đồng chí đã từng giữ
chức vụ thư ký, chủ tịch công đoàn; 18 đồng chí giữ chức vụ Phó HT; 14 đồng chí
làm bí thư chi đoàn; 8 đồng chí làm TPT và gần
200 thầy cô đã từng và hiện đang công tác ở trường. Các thế hệ nhà giáo, CBNV
của trường đều sống giản dị, có tác phong sư phạm mẫu mực tận tâm vì học sinh
thân yêu, đoàn kết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục nhà trường được học sinh kính
trọng, nhân dân tin yêu. Đến nay, nhiều thầy cô đã trở thành giáo viên giỏi,
chiến sỹ thi đua, nhà giáo ưu tú, trở thành những cán bộ quản lý của ngành giáo
dục.
Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng
hợp xã hội hóa các hoạt động giáo dục, làm nên những thành tích, truyền thống đáng
tự hào, tạo nên một thương
hiệu GD có uy tín trên địa bàn trong nửa thế kỷ qua. Tâm
sức của các nhà giáo, các thế hệ quản lý, các đồng chí lãnh đạo địa phương, cấp
trên đã góp phần bồi dưỡng tạo nên nhiều lớp HS tiêu biểu.
Từ mái trường THCS Phong Thủy này nhiều học sinh ưu tú đã
trở thành sỹ quan, tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc; các
doanh nhân, cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành từ TW, tỉnh, huyện, tới địa
phương. Theo số liệu chúng tôi mới tập hợp chưa đầy đủ thì đã có:
Có 7 anh chị làm việc ở cấp bộ, các học viện, trong đó có
2 người là viện trưởng,viện phó.
Có 35 anh chị làm việc các ban ngành cấp tỉnh, trong đó
có 19 người làm giám đốc, phó GĐ,16 người làm trưởng, phó các ban ngành.
Có 62 anh chị làm việc các ban ngành trong huyện và các
huyện thị khác trong cả nước, trong đó có 2 người làm phó chủ tịch huyện, 32
người làm giám đốc, phó GĐ, 28 người làm trưởng, phó các phòng ban ngành.
Có 30 anh là những sĩ quan cấp tá trong quân đội và công
an.
Có 10 anh chị là những tiến sĩ, thạc sĩ làm việc trong
các cơ quan nhà nước.
Có 13 anh chị là những CBQL của ngành GD.
Có hơn 112 anh chị giữ các cương vị chủ chốt ở địa
phương, các thôn, HTX.
Có 19 anh chị là doanh nhân thành đạt đang ở khắp nơi
trên mọi miền Tổ quốc.
Trong đó tiêu biểu với những tên tuổi như:
Thiếu tướng-GSTS-NGND-phó GĐ HV chính trị Bộ quốc phòng
Nguyễn Văn Tài.
Thầy thuốc ND-AHLĐ-GSTS-viện trưởng Viện HH-TM TW Nguyễn
Anh Trí.
Nhà giáo ưu tú - Hiệu trưởng Võ Thị Lý.
Và rất nhiều người thành đạt khác đang có cuộc sống, nghề
nghiệp vững vàng.
Những năm gần đây, nhiều em tuy còn đang học, hay mới ra
trường nhưng đều là những học sinh xuất sắc, hứa hẹn rằng các em sẽ là những
người kế thừa xứng đáng truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục tô đẹp
thêm trang truyền thống thành tích của trường về nhiều mặt, các em đã đem về
cho trường, cho huyện nhà nhiều giải thưởng cao trong các hội thi HSG cấp tỉnh,
HKPĐ, hội thi văn nghệ, các sân chơi cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực. Những tên
tuổi đó sẽ mãi mãi là niềm tự hào của nhà trường và quê hương Phong Thủy !
Trên đây chỉ là một số thông tin chưa đầy đủ mà chúng tôi
mới bước đầu tập hợp được.
D. Tầm nhìn những năm sắp tới:
Phấn đấu xây dựng được mô hình
giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời
đại, xây dựng nhà trường trở thành một “ Thương
hiệu giáo dục ” có uy tín, chất lượng cao - một trường xuất sắc của huyện,
xứng đáng được học sinh tin yêu, lựa chọn để học tập rèn luyện, trưởng thành.
Nhà trường làm việc có nền nếp kỷ cương, khoa học, dân chủ, đoàn kết; môi
trường CSVC thân thiện, cán bộ, giáo viên, nhân viên được trao quyền tự chủ,
được tự do sáng tạo đổi mới để dạy học tốt và hăng hái phấn đấu. Mỗi học sinh
đều có cơ hội học tập tiến bộ, sáng tạo, phát triển tài năng trở thành người
công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Vẫn còn đó nhiều vất vả, khó
khăn nhưng với những gì có được từ hành trang nửa thế kỷ xây dựng, trưởng thành
các thế hệ thầy trò trường THCS Phong Thủy hôm nay sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên viết tiếp trang truyền thống
với khí thế của miền quê có “Gió Đại Phong”.
Một thời kỳ mới đang mở ra đối
với trường THCS Phong Thủy.
Phong Thủy, tháng 9
năm 2015
Lê Trung Chính


