Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 537
Số lượt truy cập: 72734883

Quảng cáo
THCS Phú Thủy 9/24/2021 4:31:45 PM

Địa chỉ: Xã Phú Thủy - Huyện Lệ Thủy - Tỉnh Quảng Bình

Điện thoại: 052.3997.998 

Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn

Website: www.thcsphuthuy.edu.vn

Hiệu trưởng: Lê Tuyết Nhung - 0837.287.999; PHT: Lê Văn Mùi - 0944.667.357

MÁI TRƯỜNG YÊU DẤU CỦA TÔI


Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thủy, cuộc sống mưu sinh một thời gian khó làm chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Nhân chuyến về quê ghé thăm lại mái trường xưa, mái trường cùng với những năm tháng chiến tranh khốc liệt thời chống Mỹ gắn liền với một thời niên thiếu của tôi. Những tên người tên đất trong phòng truyền thống nhà trường gợi lại trong tôi những ký ức một thời tuổi trẻ. Cả một khuôn viên trường mới thoáng đảng khang trang điểm tô bởi những sắc màu trắng đỏ của loài hoa 10 giờ đang kỳ nở rộ. Lòng tôi dậy lên một niềm tự hào xen lẫn chút ghen tỵ với đàn trẻ nhỏ hôm nay.


THCSPhu_08_01_2012_1.jpg



Quê tôi nghèo lắm, vùng đất trung du phía tây huyện Lệ Thủy với những tên làng có từ thời ông cha đi mở cỏi mới nghe thật dễ bị mắc lừa: Phú Gia, Phú Kỳ, Quy Trình, Liêm Thiện, Phú Hòa, Văn Xá, Thạch Bàn (kẻ Thẹc) nối nhau men theo chân núi nhìn ra cả một cánh đồng rộng mênh mông và xa xa là dòng sông Kiến Giang thơ mộng. Quần tụ trên cái thế đất đắc địa ấy nhưng cuộc sống xưa kia thật ác nghiệt. Đồi núi sau lưng điệp trùng với những tháng năm cằn khô nắng hạn, cánh đồng bát ngát trước mặt với một vụ lúa chua phèn sao tránh khỏi những ngày giáp hạt giêng hai. Thằng Pháp bỏ đồn Phú Hòa ra đi đâu được mươi năm thì thằng Mỹ ngày đêm đem bom tới dội. Người - đất lẫn lộn dựa dẫm vào nhau mà sống, mà đi, hy vọng tin tưởng một ngày mai thanh bình trở lại. Quê tôi nghèo vậy nhưng không hèn, các thế hệ tiền nhân coi trọng việc học, từ thời phong kiến đã có ông Nguyễn Xuân Cầu làm đến chức đốc học, nhiều cử nhân, tú tài được bổ làm quan trên quan dưới; nhiều người được cha mẹ cho ăn học thành tài, họ tham gia cách mạng chống Pháp thành công và sau trở thành những cán bộ thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Cha mẹ tôi áo vải chân trần, rừng rú ruộng đồng nuôi đàn con ăn học theo lời răn dạy của tiền nhân.

          Chúng tôi lớn lên theo trường của Đảng, tuối ấu thơ không được học trường làng do con sông Phú Hòa cách trở, ngày tôi học xong cấp 1 ở Sơn Thủy cùng là thời điểm đế quốc Mỹ mở đầu chuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm cân bằng thế trận cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc ở miền Nam.

May mắn và tự hào, thế hệ chúng tôi được vinh dự là thế hệ đầu tiên của ngôi trường cấp II Phú Thủy. Đó là là những ngày cuối thu, tháng 8 năm 1964. Trường mới thành lập do thầy Nguyễn Văn Hanh làm Hiệu trưởng, thầy Đoàn Kim Xữ dạy môn Toán và thầy Tứ dạy môn Sinh là những thầy giáo đầu tiên của ngôi trường hai gian lợp ngói, phên đất với 1 lớp 5 và 1 lớp 6 (lớp 6 chuyển từ lớp 5 “nhô”của trường cấp I sang). Ngôi trường ấy được mang tên: TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP II XÃ PHÚ THỦY, trường đặt tại phía đông ga Phú Hòa, là tiền thân của trường THCS Phú Thủy bây giờ.

Tôi chỉ học ở đấy 3 năm nhưng những hình ảnh, tư liệu trong phòng truyền thống gợi nhớ cho tôi về những năm tháng chiến tranh khốc liệt đầy gian khó và hy sinh.

Năm học 1964-1965, trường khai giảng vào ngày 03/9.

Năm học 1965-1966, trường có 3 lớp (5,6,7). Thầy Trần Bá Đương làm Hiệu trưởng.

Năm học 1966-1967, tôi là một trong những học sinh phổ thông cấp II đầu tiên được tổ chức thi tốt nghiệp tại chính mái trường thân yêu của mình.

Năm học 1967-1968, do chiến tranh ác liệt, trường được sơ tán về Lòi Thần (Văn Xá) và Phú Hoà Đông. Phòng học là một nhà hầm nửa nổi nửa chìm, xung quanh đắp bằng đất táng, trên có gác trần, đổ đất hoặc trấu để tránh bom bi. Ban giám hiệu và các thầy cô giáo làm việc và ở trong các nhà dân, vừa làm nhiệm vụ giảng dạy vừa làm nhiệm vụ ứng phó với chiến tranh.

Năm học 1970-1971, quy mô trường lớp đã có sự phát triển khá mạnh. Việc tổ chức dạy học trong thời gian này được thực hiện linh hoạt theo tình hình từng giai đoạn, có giai đoạn phải tổ chức dạy học vào ban đêm hoặc tổ chức dạy học 3 ca.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Quê hương Phú Thuỷ trở lại thanh bình sau gần 8 năm chiến tranh. Năm 1974, trường được chuyển về đôộng Kẻ Chu (Phú Hòa). Cũng bắt đầu từ năm học này, Phú Thuỷ bước vào thời kỳ ổn định xây dựng phong trào giáo dục xã nhà phát triển toàn diện.

Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, đất nước thống nhất, trường cấp I, cấp II quê tôi được nhập thành trường cấp phổ thông I-II Phú Thủy, sau đổi thành trường PTCS xã Phú Thủy. Trong năm học 1990-1991, trường THCS Phú Thuỷ được tách ra từ trường PTCS Phú Thuỷ với 7 lớp và 231 học sinh. Trường PTCS Phú Thuỷ đặt tại Chăm Sau (Phú Hòa). Năm 1993 trường được chuyển về Giếng Quéng (Phú Hòa) định cư và phát triển cho đến hôm nay.

Khuôn viên nhà trường hôm nay trông thật bề thế, cổng trường mở ra là cả một khát vọng tuổi thơ tôi ập đến, gần gủi, thân thiết đến vô cùng. Cụm pano tuyên truyền như thay lời hướng dẫn, nhắc nhở mọi người hãy cố quên đi những toan tính đời thường mà hướng tới một tương lai tươi sáng. Nhà bảo vệ, nhà để xe ngăn nắp gọn gàng làm người vào cổng phải tự soi mình trước khi bước tiếp. Dãy nhà hiệu bộ mới sơn còn tươi màu vôi mới. Ông bạn tôi thủa thiếu thời làm hiệu trưởng đã già dặn với nghề tiếp bạn cũ trong căn phòng đơn sơ nhưng đủ đầy “cuốc cày”: bảng kế hoạch, máy vi tính, mạng internet, tủ bàn, tài liệu và một tập văn bản, bài viết đang  được kiểm duyệt để chuẩn bị lên mạng.

Tiếp tôi bằng chén trà đậm hương vị chè trung du và nguồn nước giếng Quéng, bạn tôi lên tiếng đùa tôi:

- Hôm nay ngày lành, tháng tốt, được ông bạn “Phú kiều” về thăm thật quý hóa quá.

- Đa tạ, đa tạ - Tôi chắp tay đùa lại. Gần nhà bằng ba hiệu trưởng, ông vừa gần nhà vừa làm hiệu trưởng ngôi trường xinh đẹp thế này thì bằng ba trưởng phòng còn gì.

- Của các ông đấy.

Tôi hiểu câu nói đầy khiêm tốn của bạn và cũng đầy trách nhiệm của mình và càng thấm thía hơn khi bạn tôi dốc bầu tâm sự:

- Quê ông quê tôi có cùng hoàn cảnh, bọn mình lớn lên từ hạt gạo su, gạo ven được chắt lọc từ chua phèn, úng, hạn; lớn lên từ ngôi trường làng bằng những tấm tranh, sợi lạt gom góp từ mọi gia đình, ngày xưa không ai gọi là “xã hội hóa” nhưng đó là truyền thống. Bây giờ trường cao, trường thấp có nhà nước lo, còn trường đẹp, khang trang là nhờ của, công từ xã hội hóa cả đấy.

Đã qua một thủa thiếu thời, đã từng làm phụ huynh con rồi phụ huynh cháu. Những lo toan đời thường làm mình chưa nghĩ tới cái cao đẹp của những việc mình làm cho cháu cho con. Nay có chút thảnh thơi, được dạo chơi, tâm sự cùng bạn vong niên dưới mái trường đầy nắng và hoa tôi thấy cuộc đời thật ý nghĩa.

Trống trường điểm hết tiết, bọn trẻ ùa ra sân, tiếng cười nói râm ran, một bản nhạc dân ca dịu êm được phát ra từ loa phóng thanh trong nắng sáng mùa thu cùng tiếng hỏi chào lễ phép của các cháu mang lại cho tôi các cảm giác ấm áp và thật thân thiện.

Dừng lại bên hòn non bộ thơ mộng trước hai dãy nhà cao tầng uy nghi cùng không gian rộng thoáng tạo nên vẻ hài hòa của một môi trường sinh thái như làm mất đi cái căng thẳng sau những giờ học. Tôi nhờ một thầy giáo chụp cho tôi một tấm hình làm kỷ niệm...

Bạn tôi dẫn tôi vào phòng truyền thống. Những ký ức tuổi thơ cùng những năm tháng chiến tranh dần dần hiện ra. Trường cũ, người xưa, thầy Hanh, thầy Đương, Tuân, thầy Xữ, .... và cả những người anh em, người bạn thân thiết của tôi anh Trương Văn Lới, anh Trần Quốc Toản, anh Đoàn Kim Thông, ... Các thầy cô và các anh trưởng thành, ra đi từ mái trường này bây giờ mỗi người một phương biết đến khi nào hội ngộ. Những tên đất tên làng Phú Lương, Phú Kỳ, Thạch Bàn, Giếng Quéng, Kẽ Chu, Lòi thần, .... trên tấm bảng quá trình hình thành và phát triển nhà trường như gợi nhắc những kỷ niệm xưa. Giờ đây tên còn, tên đã đổi khác cũng như cái nghèo khó hoang tàn một thời bom đạn giờ đã qua đi nhường chỗ cho một vùng quê xanh màu cây trái thanh bình, hạnh phúc.

Những tấm bằng khen, những cờ luân lưu và những tên người trên tấm bảng thành tích ghi danh những thầy giáo giỏi trong 10 năm (2001-2011), trong tôi dậy lên một cảm xúc kính phục. Thầy Mai Văn Sơn 2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải KK, 48 giải cá nhân; cô Nguyễn Thị Diệu Muội 3 giải nhất, 1 giải ba, 36 giải cá nhân; cô Đào Thị Mỹ 1 giải nhất, 3 giải nhì, 2 giải ba, 30 giải cá nhân; cô Nguyễn Thị Tâm 2 giải nhì, 18 giải cá nhân; cô Lê Thị Hạnh 2 giải nhất; 24 giải cá nhân; ..... và còn nhiều nữa những thầy giáo cô giáo mà tên tuổi của họ khiêm tốn ẩn mình sau lũy tre làng. Miệt mài trên từng trang giáo án, say sưa từng phút từng giờ trên bục giảng để rồi từ đó, quê tôi có được những tiến sỹ, kỷ sư, những ông này, bà nọ nổi danh và thành đạt trên mọi lĩnh vực công tác và trong cuộc sống.

Mười năm nhà trường có 18 thầy cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi, 25 lượt thầy cô được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp huyện, 8 lượt thầy cô là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 283 lượt học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, .... quả là một thành tích đáng khâm phục đối với mái trường làng yêu dấu của tôi.

Những tôi, những Đoàn Kim Ca, Trần Quốc Toản, Lê Văn Phúc, Trần Quang Đạo, Trần Đức Diệc, Võ Trọng Nghĩa, Đoàn Kim Thái, Hà Thị Hoài, Lê Thị Thùy Linh, ....và hàng trăm các anh các chị trong cái danh sách những con người thành đạt của quê hương đã từng ngồi trên mái trường này, họ bây giờ ở đâu, có còn nhớ về con đò xưa bến cũ, nhớ về các thầy, các cô.

Các bạn ơi! Bến cũ, trường xưa còn đó mà cảnh sắc nay đã đổi thay nhiều. Ngôi trường phên đất, mái tranh ngày xưa giờ chỉ còn là hình ảnh lưu niệm trên cái sa bàn nhỏ bé trong phòng truyền thống. Ngoài kia là cả một khoảng không mênh mông với hai dãy nhà cao tầng, nhà hiệu bộ, nhà thực hành thí nghiệm, nhà thư viện, .... Tất cả tạo thành một khuôn viên xanh, sạch và đẹp.

Bạn tôi dẫn tôi đi xem các phòng bộ môn, các phòng Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ đều đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị đầy đủ phục vụ giảng dạy, học tập và đảm bảo an toàn. Phòng Thư viện với diện tích trên 100m2 sử  dụng, có hơn 6154 đầu sách các loại, bàn ghế, tủ, máy vi tính, mạng internet được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; đội tuyển tiếng Anh qua mạng (IOE) của trường đang tập trung chú ý trước những màn hình máy tính mà không biết rằng chúng tôi đang đứng sau lưng. Phòng Tin học, phòng Nghe nhìn, phòng Y tế, phòng Đoàn - Đội, tất cả đều quần tụ tạo thành một vành đai đủ đầy phục vụ cho hoạt động nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người Phú Thủy quê tôi. Chúng tôi đi ra sân thể dục; vùng “đất bắc, nước dĩ” ngày xưa giờ được nâng cao, bằng phẳng, một khoảng đất rộng trên 6 sào với tường bao, kè chắn và hệ thống thoát nước; sân bóng đá, bóng chuyền, hố nhảy, đường chạy đều được quy hoạch quy củ; những cây bàng, bằng lăng, xà cừ xen lẫn cây tràm đang kỳ phát triển hứa hẹn những mùa Hội khỏe bội thu.

Sân trường bê tông trên 3000m2 đang vắng lặng vào giữa tiết học cùng với hệ thống bồn hoa, cây cảnh, cây bóng mát làm sắc trời thu thêm lãng mạn, cả một ký ức như sống lại trong lòng người lữ khách tham quan.


THCSPhu_08_01_2012_3.gif



Tôi cùng bạn vào phòng giáo viên, bàn ghế văn phòng sắp hình 4 cạnh. Một vài thầy cô đang chăm chú trên từng trang sách vở chuẩn bị cho giờ lên lớp dừng lại chào chúng tôi, những cái bắt tay nồng ấm tình thầy trò thân thiết không vương chút bụi trần thế. Thông tin từ các bảng biểu kế hoạch, lịch công tác, thông báo cho biết một lề lối làm việc khoa học, nghiêm túc.

Tôi dừng lại nơi tấm bằng công nhận trường THCS Phú Thủy đạt chuẩn quốc gia năm 2011 do chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao tặng. Tất cả còn nguyên mới, quyết định công nhận đề ngày 16 tháng 11 năm 2011. Nhìn tấm bằng tôi nhớ lại lời anh Trần Văn Hấu - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói với tôi:

- Trường THCS đạt chuẩn quốc gia, xã mình là một trong bốn xã của huyện Lệ Thủy có hệ thống trường cấp xã đều đạt chuẩn quốc gia. Vinh dự, tự hào lắm ông ạ.

Tôi hiểu. Trong cuộc chiến chống đói nghèo, quê tôi đã vững bước đi lên bằng truyền thống, ý chí, nghị lực của con người Phú Thủy. Thành quả đó có sự đóng góp tích cực của mái trường cấp II (THCS) Phú Thủy quê tôi. Vinh dự, tự hào; Vâng, tôi thật vinh dự, tự hào mình được là một người học trò cũ của trường, một người con dân Phú Thủy. Tôi xin cám ơn bao thế hệ thầy cô giáo, bao thế hệ phụ huynh đã cho tôi có được cái cảm xúc tốt đẹp trong lần trở lại thăm mái trường xưa.


THCSPhu_08_01_2012_2.jpg



Tôi chợt giật mình vì tiếng trống tan trường đã điểm, sân trường vỡ òa trong những âm điệu thân quen, đàn chim tíu tít ùa nhau ra cổng. Cổng trường ốp đá màu đen, mái ngói, bảng tên, ghi nhớ trong ký ức tôi và mỗi người đi qua một nơi ươm mầm cho quê hương Phú Thủy.

Chia tay bạn tôi - thầy Hiệu trưởng, chúng tôi cùng nhắc nhau về bức thư anh Trương Văn Lới gửi nhà trường: Hẹn gặp nhau ngày kỷ niệm 50 năm thành lập trường cấp II Phú Thủy.

Phan Đức Niệm


Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com