Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 159
Số lượt truy cập: 63119784

Quảng cáo
BỜ VAI NGHIÊNG CON SUỐI 10/24/2023 2:12:59 PM
Mấy ngày nay, những cơn mưa dữ dội liên tục dội xuống xã Lâm Thủy (Lệ Thủy). Bản làng im lìm sau cánh rừng với bạt ngàn cây keo, cây bạch đàn. Chẳng còn những cây lim, cây táu…nhiều người ôm không xuể nữa, già làng Hồ Truôi nhìn xa xăm: “Cây rừng bỏ đi đâu hết rồi, may sao con suối vẫn còn. Mây trắng vẫn đậu trên đỉnh núi sớm sớm. Người Bru-Vân Kiều ở bản như rễ cây bám đất. Thế là mừng lắm rồi!”.

Ở vùng biên viễn này, đầu mùa mưa các con suối cuộn chảy qua những rặng đá lởm chởm. Nước tung bọt trắng xóa, hả hê tung chạy về xuôi. Con suối như chiếc cầu ánh sáng lấp lánh, tỏa khắp. Mờ sáng, từ bản Xà Khía, ngược lên bản Bạch Đàn mây trắng trời, bềnh bồng. Con đường nông thôn mới chạy dọc vách đá gồ ghề, sắc nhọn. Dõi mắt ra xa, thung lũng bạt ngàn mây cứ bám vào thăm thẳm triền dốc. Khi xe vào tận bản mới thấy yên tâm vì bỏ lại một đoạn đường trơn trượt, nhỏ bé. Ngồi bên bếp, lửa dưới mái nhà sàn, già làng Hồ Truôi uống chén rượu sắn nồng thơm mới thấy hết ý vị khi đến nơi đây.

Già làng lấy tay lật thanh củi đang bùng cháy, tia lửa bắn lên như que diêm vụt sáng, rồi trầm ngâm ôn ngày cũ. Câu chuyện như lạc đi trong mưa gió bão bùng. Nguyên là cán bộ xã trong những năm 1990 của thế kỷ trước, già làng Hồ Truôi được xem là một trong ít người có chữ ở bản Bạch Đàn. Ông đã từng được đi học cái chữ của Bác Hồ, được tham gia làm cán bộ lãnh đạo, giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, HĐND xã Lâm Thủy mấy khóa liên tục. Đã về nghỉ chế độ nhiều năm, ông vẫn cùng con cháu chăm lo cái rẫy, nuôi nấng đàn heo để có thêm cái ăn, giúp các cháu đi học.

Trong 58 hộ ở bản Bạch Đàn ai ai cũng chăm chỉ làm ăn. Họ tin rằng cây lúa, cây ngô, củ sắn… không phải tự dưng mà có, chúng phải từ bàn tay con người mọc ra. Thanh niên ở bản đã biết đi TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, một vài đứa đi học nghề cơ khí. Lũ trẻ đến trường đều đặn để học con chữ. Từ đây, bản làng biết cách trồng lúa tốt tươi, năng suất cao. Những vạt lúa nước trên đồi sây trĩu, thân lúa to hơn nhờ công người chăm, lúa nhiều hạt hơn nhờ con chữ. Giờ đây, bà con dân bản đã mua xe máy, sắm tivi thông minh, giàn karaoke vang vang mỗi tối.

Đêm ở rừng, nghe tiếng suối reo, ánh mắt chập chờn bên bếp lửa mới thấy hết sự mênh mông của vũ trụ. Cơn gió rít lên từng hồi, áp vào mái nhà sàn sạt như roi quất. Già làng Hồ Truôi nhìn sang tôi:

- Đường vào bản chỉ nên đi vào ban ngày. Đêm đến, nhất là có mưa, thầy không nên đi lại vì rất nguy hiểm. Hôm nay, thầy ở lại bản cùng già uống vài chén rượu cho vui. Khi nào nghe con vượn hú chúng ta sẽ đi ngủ.

 BACHDAN.jpg

Những đồi sắn bạt ngàn.

Ở bản Bạch Đàn mới 21 giờ, vượn đã hú vang. Chắc chuyển mùa nên đàn vượn lạnh, tìm nhau hơi ấm. Kể từ ngày có con đường, bầy vượn đi sâu hơn vào rừng. Đêm nằm trên mái nhà sàn, thật thú vị. Hơi ấm  từ bếp lửa tỏa ra khắp đêm tối. Già làng Hồ Truôi kể, bây giờ đã có đường vào bản. Trước kia muốn vào đây phải đi bộ qua 9 con suối, về mùa mưa nước ngập ngang bụng, chỉ có thanh niên và người khỏe mới vượt qua được. Bản làng bị cô lập hàng tháng trời. May sao, bà con trong này tự cung, tự cấp lương thực và thực phẩm được. Chỉ thèm nhất là muối và đường thôi! Tiếng nổ li ti của những thanh củi đang cháy như đượm thêm câu chuyện.

 

- Bản làng đã hoàn toàn thay đổi. Ở đây, muốn mua gì cũng có, từ trang thiết bị điện, đến dụng cụ sản xuất nông nghiệp hay các loại lương thực, thực phẩm đều đầy đủ. Cách đây 3 năm thôi, bà con phải cõng đồ vật mua được băng qua 10km đường suối nên vô cùng khó khăn. Giờ chạy xe máy đi 15 phút là mọi thứ đều có đầy đủ rồi.

Trước đây, vì không có đường vào bản, thêm vào đó do tập quán canh tác lạc hậu, nuôi thả rong gia súc diễn ra phổ biết nên dân bản làm không đủ ăn, trông chờ vào việc săn bắt thú rừng và khai thác gỗ. Biết bao cánh rừng quằn quại, chảy máu và nhanh chóng biến mất trước bàn tay của con người. Hạt gạo, cây lúa trở nên hiếm hoi khi con người không biết trồng lúa nước, quanh năm người dân bản quen nhìn mây trắng vắt ngang những mỏm đá sắc nhọn chông lên giữa trời xanh.

Nhưng đá và mây không phải là gạo để nuôi sống con người. Đói nghèo từ đó bủa vây. Giờ mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Con đường đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và lối sống của bà con. Nhưng công cụ sản xuất như máy gặt, máy tuốt lúa, máy cày đã biến những ruộng lúa, nương sắn bội thu. Cứ mỗi lần nhìn bà con ra xã họp với khuôn mặt rạng ngời, chúng tôi không khỏi xúc động. 

Nhớ lại, chặng đường từ năm 1992 khi già làng Hồ Tình dẫn vài hộ dân ở bản Xà Khía, bản Tăng Ký đi tìm vùng đất mới để sinh sống thật gian nan, vất vả. Do thiếu đói, bệnh tật lây nhiễm nên bà con tin rằng con ma đang đuổi theo để hại người. Vả lại, không có đất canh tác nên họ phải đi tìm đất mà sống. Cũng phải đi thôi, ở lại chắc sẽ chết vì đói hoặc vì bệnh. Dẫn đầu là già làng Hồ Tình sau đó là các cặp vợ chồng dắt díu con cái mình đi theo. Họ bám theo lối mòn heo hút mà đi, đến khi qua hết các con suối đến một thung lũng rộng, khá bằng phẳng trên dãy núi cao thì dừng lại chặt cây rừng và dựng tạm những căn nhà để ở.

Hàng ngày, người lớn tay cuốc, tay dao, phát nương, phát rẫy. Sau đó, họ lấy những bọc hạt giống ra gieo hạt. Nhờ đất đai tốt tươi nên vụ thu hoạch đầu tiên, 10 hộ di dân có lúa, xếp đầy trên gác bếp. Thời gian tiếp nối, bà con được cán bộ khuyến nông huyện, Bộ đội Biên phòng Làng Ho dạy cho cách trồng lúa nước, cách chăn nuôi hiệu quả nên họ có những mùa bội thu. Từ đó, bản Bạch Đàn thay da đổi thịt, thành vùng xanh của xã Lâm Thủy.

Đến với bản Bạch Đàn hôm nay, mọi người như đứng trước một thung lũng bồng bềnh mây trắng. Những nướng sắn xanh rì, chạy hút tầm mắt, những thửa ruộng vỡ hoang cheo leo bên sườn núi như bức tranh điểm tô núi rừng. Không có con số thống kê đầy đủ, nhưng ở bản Bạch Đàn, trung bình mỗi hộ gia đình thu hoạch 3 tấn sắn. Sắn trở thành hàng hóa, một phần cung cấp cho các tư thương, một phần dành để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Con lợn, con gà, con bò được ăn khá đầy đủ và chạy khắp núi được nhiều người ưu chuộng, mang xuống chợ bán được rất nhiều tiền.

Từ số tiền ấy, bà con phục vụ cho việc tái đầu tư sản xuất, mua sắm sách vở cho đám trẻ con đến trường học chữ. Giữa nơi chỉ có mây trắng bay, dù còn nghèo khó nhưng cái việc cho con đi học luôn được quan tâm đầu tư có ý thức. Ở bản Bạch Đàn, tỷ lệ học sinh đến trường 100% và trong 10 năm qua không có học sinh nào bỏ học. Có em học sinh lớp 8 đã từng đạt giải nhì cấp tỉnh môn bơi lội, nhiều em là học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. 

Nằm nghe mưa rơi và nghe từng trận gió san sát vào vách núi, tôi khẽ kéo chiếc áo khoác trùm lên người. Ngoài kia, tiếng đàn vượn vẫn gọi nhau từng hồi dài, những thanh củi cháy đượm rụng xuống như cời rộng lòng bếp. Hình ảnh những bước chân chắc đậm như cây lim, cây táu trong hành trình khai phá vùng đất mới của bà con dân bản cứ hiện về. 

Khi trở về nhà, nhớ lại đêm ở bản, tôi chợt nghĩ có một bản Bạch Đàn văn minh, đầy sức sống hiện ra dưới bóng núi đại ngàn. Bên dòng suối, mây trôi về xuôi tiếng hát cô sơn nữ đang giặt áo. Những tiếng cồng chiêng của bà con vang lên bên ngọn lửa như cháy lòng những ai từng đến đây. Để giờ đây, khi nhớ đến mảnh đất này, tôi mang theo chén rượu đêm và mang bờ vai nghiêng con suối cùng màu trắng mây trời.

Ngô Mậu Tình

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com