Vật lộn với cuộc sống
còn nhiều khó khăn nhưng con người Lệ Thủy qua nhiều thế hệ đã vun đắp cho mình
một đời sống tinh thần phong phú. Qua quá trình đấu tranh, lao động, người dân
trong huyện đã luôn nâng niu những nét đẹp giá trị truyền thống về văn hóa,
tinh thần, học hành, sinh hoạt...
Mảnh đất, con người
Lệ Thủy từ lâu đã có tiếng là một vùng đất văn vật. Sử cũ cho biết, một số di
tích như Phật Lồi ở Quảng Cư, tượng đá cụt ở Uẩn Áo, chùa Chàm ở Mỹ Đức... thể
hiện dấu vết của một nền văn hóa đã từng phát triển. Khi người Việt hoàn toàn
làm chủ mảnh đất này thì đình, chùa, miếu,... được lần lượt xây dựng nên ở hầu
hết các làng thôn với mục đích tốt đẹp. Đình làng để thờ thổ thần chung (những
người khai khẩn lập ấp) là nơi nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng làng xã. Nhà thờ
họ là nơi ấp ủ tình thương dòng họ, đoàn kết yêu thương nhau “Một nhà gặp hoạn
nạn, cả họ lo chung”. Chùa là nơi phản ánh bộ mặt văn hóa của làng thôn có đạo
lí, truyền thống. Miếu để tôn thờ các vị ân linh có công đáng ghi nhớ, lưu truyền
trong đời...
Con người Lệ Thủy sớm
có tiếng hiếu học. Qua các thời kì, đều có những con người học hành đỗ đạt cao
như Dương Văn An (1514 - ?) 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa
Đinh Mùi (1547), khi mất được tặng tước Quận công, là người viết địa dư chí có
tiếng. Đến nay, tác phẩm “Ô châu cận lục” của ông có giá trị rất thiết thực cho
lịch sử quê hương, đất nước. Phạm Đại Kháng, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân
khoa Nhâm Thìn (1592), Nguyễn Đăng Hành (1823 - ?) 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng
tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân (1848), Vũ Xuân Xán (1821 - ?) 28 tuổi đỗ Đệ
tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân (1848), Lê Đại (1838 - 1885) 32
tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Tỵ (1869), Phan Văn Khải
(1854 - ?) 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1889), Võ
Khắc Triển (1893 - ?) 37 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi
(1919). Ngoài ra, còn có nhiều vị khoa giáp khác, có tấm lòng yêu nước thương
dân sâu sắc.
Trong thời Pháp thuộc,
bọn thực dân dùng chính sách ngu dân để
dễ bề cai trị. Cả huyện chỉ có một trường tiểu học Pháp – Việt tại Cổ Liễu
(Liên Thủy) nhưng tinh thần hiếu học của con em Lệ Thủy vẫn không bị giảm sút.
Nhiều thanh niên bất chấp những ràng buộc, khó khăn và thiếu thốn, quyết chí
vươn lên giành những bậc cao của nền học vấn. Trường hợp đồng chí Võ Nguyên
Giáp, tuy bị đuổi học vì tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh, đã
bị quản thúc, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, vẫn lần lượt thi đậu tú tài,
cử nhân luật học một cách xuất sắc. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp cũng tự rèn luyện
thành người chiến sĩ cách mạng và khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt đã trở
thành vị Đại tướng lừng danh khắp năm châu.
Bởi tấm lòng yêu
quê hương, đất nước nồng nàn và khát vọng vươn tới cái đẹp, nên cuộc sống tinh
thần của nhân dân Lệ Thủy luôn thể hiện rất sinh động và đáng tự hào. Từ trong
lao động cần cù “Ăn chắc, mặc bền” nhân dân đã sáng tạo ra nhiều câu ca, hò vè
của loại hình dân ca đằm thắm tình người. Đáng chú ý trong văn hóa văn nghệ dân
gian là “Hò khoan Lệ Thủy”, hò vấn đáp đã nảy sinh ra những câu hò thấm đượm
tình quê hương xứ sở.
Cùng với văn nghệ,
các lễ hội được tổ chức nhằm mục đích vui, khỏe và nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết,
thân ái. Hội bơi đua thuyền truyền thống diễn ra trên sông Kiến Giang có từ thời
1530 – 1531 (Theo “Ô châu cận lục”).
Có thể nói, truyền
thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của
mảnh đất, con người Lệ Thủy luôn được phát huy, nâng cao suốt chiều dài lịch sử.
Cùng với nhân dân Quảng Bình, con người Lệ Thủy đã góp phần tô thắm thêm những
truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương. Đó cũng là những giá trị nhân
văn và xã hội được kế thừa và phát triển
qua bao thế hệ, thể hiện sinh động và cao đẹp trong những biến cố lịch sử đấu tranh
sinh tồn, phát triển đi lên.
Đỗ Đức Thuần (giới thiệu)
----------------------------
(Còn nữa)
(Nguồn: trích “Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, tập
I”)
(*)
Tên bài do người giới thiệu đặt.