Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 1492
Số lượt truy cập: 62697129

Quảng cáo
GẶP NGƯỜI THẦY NƠI TIẾNG GÀ GÁY CHUNG HAI ĐẤT NƯỚC 8/28/2014 8:59:46 AM
Đó là cũng là lời mời gọi của những người cầm bút như chúng tôi với quý đồng nghiệp và độc giả lethuy.edu.vn đến với trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy. Nơi đây, các thầy cô giáo ngày đêm miệt mài cho công việc cõng chữ lên non. Họ là cầu nối đưa văn hóa đến với đồng bào Vân Kiều. “Lâm Thủy là xã miền núi cao của Lệ Thủy, nơi đây là địa bàn sinh sống của đồng bào Vân Kiều. Việc dạy chữ gặp vô vàn khó khăn do địa bàn xa xôi, hiểm trở. Ở bản Eo - Bù, tiếng gà gáy chung cho nhân dân hai đất nước. Nếu không có sự dấn thân vì sự nghiệp giáo dục thì không thể làm tốt công tác chất lượng tại đây”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
27_8_nmt.jpg

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quân trong ngày khai giảng năm học 2013-2014

          Rời trung tâm huyện Lệ Thủy hướng lên đường Trường Sơn trên con đường nhựa phẳng lỳ, con “ngựa sắt” chúng tôi lướt êm. Hai bên đường bạt ngàn những rừng thông, rừng bạch đàn, rừng cao su vun vút thẳng. Thỉnh thoảng có những khoảng đất trống cây cối nghiêng đỗ do cơn bão số 10 vừa mới hoành hành, người dân chưa kịp khắc phục được. Thầy giáo Nguyễn Văn Quân kể: "Trước đây, đường sá đi lại khó khăn. Về mùa mưa, Lâm Thủy bị chia cắt với dưới xuôi. Qua tháng 9 trở đi các thầy cô giáo nơi đây phải đi bộ hàng chục km mới đến được điểm dạy. Bùn đỏ quấn lên lưng, dốc đá cheo leo tưởng chừng chúng có thể sập xuống bất kỳ lúc nào. Nhiều năm Lâm Thủy không đường, không điện, không nước, không có hộ giàu, giáo dục gặp vô vàn khó khăn”.

          Vượt qua một giai đoạn “nhọc nhằn” của giáo dục miền núi nói chung, trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy đã từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục của mình với ngành GD&ĐT Lệ Thủy, đặc biệt với đồng bào miền viễn cương Lâm Thủy.
Sau hai tiếng đồng hồ trên con ngựa sắt, chúng tôi đã đến địa phận xã Lâm Thủy. Càng vào sâu, gió càng mạnh hơn và trời càng lạnh do khối khí từ các núi đá tỏa ra. Không khí như co lại rồi duỗi ra nghe như hơi thở phì phò của núi rừng xa thẳm. Con đường uốn cong, gấp khúc trùng trùng như từng dãy bậc thang. Ðường cũng hẹp hơn, hai bên lộ không còn thấy những bạt ngàn của cây cối mà đã xuất hiện những mái nhà sàn, chen lấn vào đó là những mái nhà kiên cố mọc lên san sát. và xây dựng khá kiên cố.

          Trở lại PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy lần này, tôi thật sự bất ngờ về việc phát triên cơ sở vật chất nơi đây. Dãy phòng học được quét vôi sáng loáng, dãy nhà nội trú, nhà ăn của học sinh như những căng - tin đẹp ở dưới xuôi. Nhà trường, có đầy đủ cả ti-vi, giàn máy phục vụ cho học sinh... Thầy Quân không dấu nỗi vui mừng: " Nói cho “nhà báo” mừng ở đây khó nhất là nước sạch cho các em nhưng chúng tôi đã dẫn nước từ suối đến được rồi. Sướng lắm. Mà nước ở đây sạch trong, không nhiễm phèn. Nước dưới xuôi chưa chắc ăn uống, sinh hoạt tốt hơn đây…”. Nói đến đó thầy nín thinh, có lẽ vì sợ mình "quá đà", khi bắt gặp cái nhìn rất láu của anh phóng viên bạn tôi.

          Được biết, thời gian đầu khi mới lên Lâm Thủy thầy giáo Nguyễn Văn Quân và đồng nghiệp phải lặn lội hàng chục km đường rừng, đến nhà các em học sinh để vận động đến trường. Cùng đó là trường lớp tuềnh toàng, đơn sơ, mái lá nhìn mà thấy nao lòng. Có một thời học sinh ở đây về mùa đông hay mùa hè chỉ độc một bộ áo quần trên người. Việc cho con ăn học, phụ huynh chẳng mấy mặn mà. Cái rẫy, cùng những chuyến di canh di cư làm cho đồng bào quên cái chữ. Nhiều hôm thầy giáo Nguyễn Văn Quân và đồng nghiệp phải vào các bản học tiếng Vân Kiều để gần gũi, trò chuyện thân mật với bà con. Cái chữ nó đến một cách tự nhiên là thế. Nó cũng như con suối sau lưng nhà trường, âm thầm chảy những dòng nước mát ngọt ngào. Nói là vậy, nhưng tôi thầm khâm phục các thầy cô giáo nơi đây. Ngoài tiếng Việt ra họ còn có một “nội ngữ” thật hoành tráng.

          Chính tâm huyết của người đứng đầu nhà trường lan tỏa sang hội đồng sư phạm nên chất lượng hiệu quả công việc được nâng lên. Các gia đình đồng bào đã nhiệt tình ủng hộ, động viên con em ra rừng đến với trường lớp, các em trong độ tuổi đều đi học, việc bỏ học cứ thế giảm dần.

          Là những chiến sĩ văn hóa cõng chữ lên non, thầy Quân và giáo viên nơi đây như những nốt nhạc vui viết tiếp bài ca sư phạm đáng tự hào, khiến cho chúng tôi không khỏi kính nể. Năm học 2012-2013 trường đạt 4 giải cấp tỉnh về viết chữ đẹp của HS tiểu học ( gồm 2 giải nhì, 2 giải 3); 5 giải viết chữ đẹp HSTH cấp huyện (gồm 2 giải 3 và 3 giải khuyến khích); 1 giải 3 bơi lội HS cấp tiểu học cấp huyện; xếp thứ 19/37 về hội thi điền kinh bơi lội cấp TH năm học 2012-2013; Chất lượng học sinh giỏi cấp THCS đã có nhiều tiến bộ như: Môn toán lớp 6 xếp đồng đội thứ 17/28; Môn Ngữ văn 7 xếp thứ 19/28; môn sinh học 8 xếp vị thứ 20/27; môn Anh 7 xếp thứ 22/28 đơn vị THCS; Đặc biệt, trong kỳ thi THPT qua nhà trường xếp thứ 11/28 trường ở huyện và 19/167 trưởng tỉnh Quảng Bình.

          Câu chuyện của chúng tôi sôi nổi khi trời về trưa gió càng thổi rào rào không dứt. Trên những phòng học, tiếng thầy cô giáo giảng bài nghe tha thiết, dìu dặt. Sẵn chuyện, thầy Quân kể: "Các thầy cô ở đây dạy không quản ngày đêm, từ bồi dưỡng học sinh giỏi đến công tác dạy tuyển sinh lớp 9. Kết quả trên là phần thưởng cho những nỗ lực cố gắng của đội ngũ...". Theo chân thầy Nguyễn Văn Quân và đồng nghiệp tôi đến từng dãy phòng học, phòng nội trú của thầy cô giáo và học sinh. Tất cả đã thay đổi, khang trang khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Mới một năm không gặp “cố nhân”, nay tôi thấy tất cả đã khoác lên mình bộ áo mới. Nhà trường đã xây hàng rào xung quanh, san sân làm mặt bằng để dạy thể dục và tổ chức các hoạt động TDTT khu vực trung tâm, làm sân bê tông khu vực lẻ Tân Ly; hình thành hệ thống nhà ở nội trú, nhà ăn và công trình vệ sinh, công trình nước của khu nội trú học sinh. Thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Trang bị và nối mạng 3 máy tính tại phòng thư viện phục vụ nghiên cứu truy cập Intenet cho GV&HS. Nhà trường đã có Website riêng, có thiết bị Wifi và mạng LAN phục vụ tích cực cho công tác quản lý. Ngoài ra, đầu tư trang hoàng mới 100% lớp học, hệ thống bảng biểu, pa nô, áp phích trong trường đúng quy cách, có tác dụng giáo dục.

          Đó là cơ sở để xây dựng thành công của một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn vừa mới đưa vào hoạt động theo mô hình trường PTDTBT. Trưa ở Lâm Thủy thật mát mẻ, diệu kỳ, những đám mây như những bó bông bay bồng bềnh bãng lãng. Hiếm khi nào thời tiết lại đẹp như thế này ở mùa đông trên vùng núi cao. Các bạn đồng nghiệp mời tôi bữa trưa với dĩa măng rừng cùng với dĩa cá suối mới bắt được. Anh Hồ Khiêng, bảo vệ nhà trường góp vui bằng dĩa thịt heo rừng thơm phức. Tôi vừa ăn vừa trò chuyện vừa nghe đâu đó tiếng hò khoan Lệ Thủy của các em học sinh Vân Kiều chuẩn bị cho liên hoan “Em hát dân ca” do phòng GD&ĐT tổ chức vào ngày 16/11. Thật lạ giọng ca hò các em cứ chập chờn xao động trong trưa lồng lộng gió. Thỉnh thoảng, tôi thấy nụ cười rạng rỡ, tự tin nở trên môi người thuyền trưởng ở mái trường này. Trong nụ cười và đôi mắt ấy ánh lên bao niềm tin ở tương lai. 
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển - HP nhà trường quay sang tôi hồ hởi: “ Sẽ là thiếu nếu “nhà báo” không tìm hiểu điều này. Ở trường, công tác bồi dưỡng đội ngũ đặc biệt được chú trọng. Thầy Nguyễn Văn Quân là người tham gia trực tiếp chỉ đạo chuyên môn ở bậc Tiểu học và THCS. Vì Lâm Thủy là xã xa xôi khó đi lại, các khu vực cách nhau xa, đội ngũ chủ yếu là giáo viên trẻ mới ra trường, chưa quen thực tiễn với công tác làm chất lượng, nhiều giáo viên mới ra trường lên dạy vùng cao do vậy nhiều kỹ thuật dạy học, kỹ năng sư phạm còn hạn chế. Thầy Hiệu trưởng trở thành người đồng nghiệp đi trước để hướng dẫn giúp đỡ cho các giáo viên trẻ. Những góp ý một cách cụ thể cho giáo viên được dự giờ để họ khắc phục là tiền đề để các giáo viên trẻ hòa nhập nhanh chóng khi về xuôi hoặc tham gia và tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn liên trường. Bên cạnh việc dự giờ thầy luôn chú ý đến công tác KTNBTH nhằm giúp đỡ uốn nắn giáo viên trong công tác chuẩn bị bài”.

          Chia tay thầy cô giáo trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy trong một ngày đầu đông khi những hạt nắng đang mạ sáng cả đỉnh đèo. Nụ cười tươi tắn mà mọi người tiễn chúng tôi như lời mời lần sau lên Lâm Thủy. Suốt quãng về xuôi là hình ảnh của những đồng nghiệp tận tụy, miệt mài với công việc trồng người ở vùng núi cao xa xôi và hình ảnh người hiệu trưởng năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết luôn hiện hữu trong tôi. Con đường hun hút trước mắt giờ đây trong trẻo đến lạ thường. Tôi thầm nghĩ giáo dục đã nở hoa trên miền biên viễn và đằng sau ngôi trường này là những cống hiến, sự hy sinh của HĐSP, những con người bám trụ cần mẫn gieo chữ cho đời.

Tháng 11, năm 2013

Ngô Mậu Tình

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com