TRƯỜNG PTDTBT TH&THCS LÂM THỦY –
LÁ CỜ ĐẦU CỦA GIÁO DỤC MIỀN NÚI TỈNH NHÀ
Lâm
Thủy là một xã thuộc vùng rẻo cao biên giới ở phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh
Quảng Bình, cách trung tâm thị trấn Nông Trường Lệ Ninh gần 40 km đường rừng.
Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống. Trong chiến tranh
nhân dân Lâm Thủy anh hùng đã góp phần cùng cả nước làm nên 2 cuộc kháng chiến
vĩ đại. Hòa bình lập lại, họ một nắng hai sương bám rừng làm rẫy, trỉa lúa
trồng ngô để duy trì cuộc sống và gìn giữ núi rừng. Nhờ sự quan tâm của Đảng và
Nhà nước, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, không còn cảnh chạy vạy
từng bữa ăn, vá từng manh áo như ngày trước. Đời sống văn hóa tinh thần cũng
như công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn ngày một khởi sắc hòa vào tiến
trình đổi mới của đất nước.
Trường
phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy đóng tại bản Xà Khía, xã Lâm
Thủy được thành lập vào tháng 8 năm 2002 tách từ trường PTCS Ngân Thủy. Ngày đó
trường lấy tên là trường PTCS Lâm Thủy. Khi mới thành lập chỉ có 8 lớp với 98
học sinh với 3 điểm trường Xà Khía, Bạch Đàn, Tân Ly và 11 cán bộ giáo viên
nhân viên. Thầy giáo Trần Thanh Bình làm hiệu trưởng. Đến năm học 2003-2004,
trường có thêm một lớp 6 nhô dành cho cấp THCS và từ đó đến nay các lớp cấp
THCS cứ phát triển dần lên đông về số lượng, hiệu quả về chất lượng. Đến năm
học 2005-2006 trường mở lớp đầu tiên ở điểm trường Eo Bù. Cũng trong năm học
này trường đổi tên thành trường TH&THCS Lâm Thủy cho đến tháng 10 năm 2012
đổi tên thành trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy.
13
năm từ ngày thành lập, bao vất vả gian truân trên vùng rừng thiêng nước độc
này. Núi đồi cheo leo hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn.
Có những điểm trường ở các bản xa giáo viên phải cắt núi vượt khe mà đi như
Bạch Đàn, Eo Bù. Nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự đoàn kết một lòng
của tập thể sư phạm, sự chỉ đạo giúp đỡ tận tình của phòng giáo dục và chính
quyền địa phương Lâm Thủy, các thầy cô giáo nơi đây đã vượt lên hoàn cảnh, hoàn
thành nhiệm vụ cao cả của mình góp phần vào sự phát triển về mọi mặt của một
ngôi trường vùng rẻo cao. Sau 3 năm thành lập, năm học 2005-2006 nhà trường đã
hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục chống mù chữ trên địa bàn. Tháng 12 năm
2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập
trung học cơ sở, tháng 12 năm 2014 xã được công nhận phổ cập tiểu học đạt mức
độ 3, phổ cập THCS đạt mức độ 2. Tháng 10 năm 2012 trường được chuyển đổi sang
hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Năm học 2013-2014
trường được UBND tỉnh công nhận đạt Tập thể lao động xuất sắc, tặng cờ Đơn vị
thi đua xuất sắc trong phong trào giáo dục tỉnh nhà.
Cơ
sở vật chất nhà trường phát triển vượt bậc qua hàng năm. Có ai ngờ rằng trên
miên biên giới xa xôi kia lại mọc lên một ngôi trường khang trang bề thế đến
vậy. Họ có biết đâu rằng chỉ 5 năm về trước ai đã bước chân lên Lâm Thủy chỉ
một lần thôi là cảm thấy mình đã làm một chuyến phiêu lưu đi vào kì tích rồi.
Từ ngôi trường với 6 phòng học cao tầng được xây dựng năm 2002, các điểm trường
lẻ đều tranh tre nứa lá mà giờ đây trường đã có 3 dãy nhà cao tầng với 16 phòng
học, 08 phòng nội trú khang trang sạch sẽ dành cho học sinh và 10 phòng dành
cho cán bộ giáo viên. Hệ thống sân chơi bãi tập rộng rãi thoáng mát, được lát
đá và bê tông hóa. Cây bóng mát, bồn hoa cây cảnh bố trí khoa học, đẹp mắt đảm
bảo an toàn, thân thiện. Trường có thư viện đạt chuẩn thư viên tiên tiến với 2
phòng 98 m2, trên 6000 đầu sách phục vụ đắc lực cho nhu cầu dạy học và nghiên
cứu của giáo viên cùng học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học
luôn được nhà trường chú trọng. Phòng học tin học với 12 máy hoạt động tốt được
kết nối internet, 6 màn hình 52 inch được gắn cố định ở các phòng học phục vụ tích
cực cho việc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy học. Trường có website lamthuy.edu.vn phục vụ đắc lực cho công
tác quản lý, tuyên truyền các hoạt động của nhà trường và khai thác thông tin
dạy học của cán bộ giáo viên. Phòng học đảm bảo rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh
sáng và được trang trí đầy tính thẩm mĩ. Bàn ghế trong các phòng học, phòng
chức năng hoàn toàn mới, đúng quy cách. Trường cũng có đủ các loại thiết bị dạy
học bộ môn theo quy định của thông tư 15, thông tư 19-Bộ GD&ĐT quy định
danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của 2 cấp học.
Với
hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại và đồng bộ đó, nhà trường đã triển khai
hiệu quả hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng. Mỗi năm học là một bước
tiến vững chắc để đưa nền giáo dục Lâm Thủy từng bước tiệm cận với giáo dục
miền xuôi. Phong trào thi đua dạy tốt-học tốt gắn liền với chỉ tiêu phấn đấu
từng kì từng năm học của giáo viên, học sinh, lớp, tổ chuyên môn đã tạo được
không khí thi đua dạy học sôi nổi. Với đội ngũ giáo viên trẻ, có năng lực và
đầy nhiệt huyết cùng với phương pháp bồi dưỡng đội ngũ phù hợp, liên tục và có
tính kế thừa của nhà trường, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học diễn ra sôi
nổi, thường xuyên và hiệu quả. Khi trao đổi chuyện trò về giáo dục miền núi,
Thầy giáo Nguyễn Văn Quân – hiệu trưởng nhà trường tỏ ra hết sức hào hứng. Thầy
tâm sự: “Nhà trường có đội ngũ giáo viên trẻ, còn non
kinh nghiệm nên cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ, phải vào cuộc
cùng giáo viên để họ có động lực, tìm ra hướng đi phù hợp với từng kiểu bài khi
lên lớp. Mỗi một giáo viên phải biết rằng dạy học đối tượng học sinh dân tộc
cần phải chăm bẳm, kiên nhẫn và gần gũi, biết chia xẻ với các em; phải tạo cho
các em niềm tin trong học tập mới mang đến thành công trong dạy học. Còn cái
khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học thì phải cố gắng khắc phục dần
thôi. Trong cái khó ló cái khôn, phải biết chắt bóp từ những cái nhỏ nhặt và
tham mưu tích cực với lãnh đạo các cấp mới tháo gỡ được.”
Từ
sự đoàn kết, phấn đấu không biết mệt mỏi của ban giám hiệu cùng tập thể hội
đồng sư phạm, nhà trường đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong nền
giáo dục huyện nhà. Nhìn vào bảng thành tích của trường qua hàng năm, chắc chắn
rằng ai cũng phải khâm phục trước sự nổ lực của tập thể hội đồng sư phạm. 13
giáo viên dạy giỏi cấp huyện. 3 lần huyện tổ chức Hội thi học sinh tiểu học dân
tộc thì 3 lần đơn vị đạt giải nhất. Số lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu
đạt giải qua các hội thi do ngành tổ chức qua hàng năm cứ tăng dần lên, đặc
biệt lần đầu tiên trường có một giải Ba đồng đội học sinh giỏi môn Ngữ văn 7
cấp huyện vào năm học 2013-2014. 6 năm học liên tục từ năm học 2007-2008 đến
năm học 2012-2013 trường luôn đạt tập thể lao động tiên tiến. Năm học
2013-2014, trường đạt tập thể lao động xuất sắc, được phong tặng lá cờ đầu của
giáo dục tỉnh nhà.
Nét
nổi bật của nhà trường là từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình trường phổ
thông dân tộc bán trú vào năm học 2012-2013. Học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 của
trường không còn học ở các điểm trường lẻ nữa mà được chuyển về trung tâm học.
Các em được sống trong môi trường tập thể lành mạnh, được sự chăm sóc, hướng
dẫn tận tình của các thầy cô giáo nên tiến bộ nhanh về mọi mặt. Nề nếp sinh
hoạt khoa học, ý thức tập thể cao. Cứ mỗi sáng, sau khi thể dục tập thể xong,
các em tiến hành làm vệ sinh phòng ở, sân nội trú, nhà vệ sinh theo sự hướng
dẫn của ban nội trú sau đó mới làm vệ sinh cá nhân. Phòng ở của các em luôn
được lau chùi sạch sẽ, chăn màn giường chiếu gọn gàng ngăn nắp, áo quần được
giặt giũ, phơi phông cận thận. Các em còn tham gia trồng thêm rau quả, bầu bí
để làm cho khuôn viên nội trú xanh, sạch, đẹp hơn và cải thiện bữa ăn hàng
ngày. Ngoài giờ học chính khóa tên lớp, các em tự học bài ở nhà với thái độ
nghiêm túc, miệt mài. Cuối mỗi buổi chiều các em tham gia sinh hoạt câu lạc bộ
thể dục thể thao ở khu nội trú. Nhà trường tổ chức sinh hoạt những môn thể thao
phổ biến như đá cầu, cầu lông, nhảy dây, bóng chuyền, bóng rổ. Ban quản lý nội
trú cho các em mượn bóng, vợt, cầu; các thành viên câu lạc bộ hướng dẫn các em
tập luyện. Tiếng cười nói vui vẻ chan hòa trong nhịp điệu hoạt động thể thao
làm cho sân trường thêm sôi động và đầy thân thiện. Nhà trường cũng cho phép
các em học sinh ở những bản gần trường vào cùng sinh hoạt để tăng cường kĩ năng
hoạt động cho các em và tạo tiền đề để tham gia các đợt Hội khỏe Phù Đổng do
ngành tổ chức vào năm sau. Mỗi tuần vào các tối thứ Hai và thứ Tư, các em tham
gia vào câu lạc bộ văn hóa văn nghệ. Cán bộ phụ trách câu lạc bộ sưu tầm các
bài hò khoan Lệ Thủy trên website về tập cho các em. Nhưng điệu hò mái xắp, hò
hụi; những điệu lý hoài xuân, đoản xuân, lý ngựa ô, hành văn, vè, … của dân ca Bình Trị Thiên được các em hát
khá thuần thục. Các thầy cô giáo còn tập cho các em những bài hát về mái
trường, về Đảng, Bác Hồ, Đội thiếu niên và tập cho các em điệu nhảy sạp. Có ai
ngờ rằng giữa đại ngàn của núi rừng biên cương, tối tối lại vang lên những điệu
hát, giọng hò quê hương thân thuộc đến vậy. Tiếng hát thật trong trẻo, hồn
nhiên làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, làm cho các dân tộc miền ngược
miền xuôi xích lại gần nhau hơn để hào vào dòng chảy của văn hóa dân tộc. Nhà
trường còn tổ chức sưu tầm các dụng cụ sinh hoạt văn hóa, trang phục, những mẫu
chuyện truyền thống của người Vân Kiều làm góc truyền thống dân tộc nhằm khôi
phục lại những nét văn hóa đặc sắc của người Bru đang dần bị mai một. Vào sáng
thứ Hai chào cờ đầu tuần, liên Đội yêu cầu tất cả học sinh nữ phải mặc bộ váy
đặc trưng của phụ nữ Vân Kiều để làm tăng thêm nét đặc trưng của một ngôi
trường miền biên giới. Sau giờ sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các em vào học bài ở
nhà. Các thầy cô giáo được phân công hướng dẫn các em học bài, làm bài tập,
nhắc nhở các em cách trình bày bài cẩn thận, cất giữ dụng cụ học tập ngăn nắp,
động viên các em cố gắng học tập để mai này vươn xa hơn trong cuộc sống. Từ
những hoạt động thiết thực đó, các em đã thực sự tiến bộ nhanh về mọi mặt.
Không còn học sinh đi la cà dọc đường, leo trèo đồi núi hái quả xanh ăn hay lội
suối tắm khe như trước nữa mà các em đã có ý thức với nề nếp sinh hoạt của
mình. Nhiều thầy cô ở các đơn vị trường học huyện bạn đến tham quan và đều tấm
tắc trước thái độ và ý thức của các em. Họ càng khâm phục hơn bởi khi nói đến
thành quả hôm nay thì không biết bao công sức của thầy trò đã dày công gây dựng
từ khi mới bước vào mô hình trường bán trú.
Từ
sự chăm chút miệt mài của thầy cô và sự cố gắng của các em, dưới mái trường 13
năm tuổi này đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó trong học tập. Anh
Hoàng Kim - học sinh cũ của trường giờ đã là một thầy giáo đang công tác trên
mái trường quê hương, anh Hồ Huy – trưởng công an xã, anh Hoàng Văn Hoàng đang
là học viên sĩ quan quân đội …. Các anh sẽ là tấm gương tiêu biểu để các em học
sinh hôm nay tiếp bước noi theo. Và những học sinh đang ngồi trên ghế nhà
trường cũng không phụ lòng thầy cô mong mỏi. Em Hồ Văn Mong, Hoàng Thị Di – 9
năm liên tục là học sinh giỏi toàn diện; Hồ Văn Thỏ đạt huy chương đồng, Hồ Văn
Sao đạt 2 huy chương đồng Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh; Hồ Thị Vừa, Hoàng Thị
Hậu, Hồ Văn Bích, Hoàng Văn Sang, Hoàng Thị Nương, Hồ Thị Sư, Hồ Thị Vui đạt
giải nhất hội thi Em yêu tiếng Việt cấp tỉnh … và Hoàng Thị Tươi lần đầu tiên
mang về giải Ba đồng đội học sinh giỏi Ngữ văn 7 cấp huyện. Các em sẽ mãi là
niệm tự hào của nhà trường, của nhân dân xã nhà Lâm Thủy trên mặt trận giáo
dục.
Thành
tích nhiều nhưng khó khăn cũng lắm. Để có được như ngày hôm nay không phải là
sự ngẫu nhiên trong giáo dục mà là sự nổ lực không biết mệt mỏi, sự đoàn kết
thống nhất cao của tập thể hội đồng sư phạm cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của
phòng giáo dục đào tạo, UBND huyện và chính quyền địa phương Lâm Thủy. Giờ đây
phong trào xã hội hóa giáo dục trên địa bàn đã có chuyển biến song vẫn còn một
số gia đình có tư tưởng ỷ lại, không cầu tiến; vẫn còn lối suy nghĩ học để làm
gì, trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Để giúp bà con loại bỏ tư tưởng đó cần phải
có sự tuyên truyền vận động thường xuyên, liên tục từ các cơ quan đoàn thể trên
địa bàn. Năm học 2014-2015 này nhà
trường đang khởi động xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia để năm học 2015-2016
hoàn thành các hạng mục và đề nghị UBND tỉnh kiểm tra công nhận. Song hiện tại
trường đang còn thiếu các phòng thực hành bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng hiệu
bộ, nhà bảo vệ. Những hạng mục cơ sở vật chất đó có lẽ không thể huy động từ
nội lực của chính quyền địa phương và bà con dân bản được mà phải được sự quan
tâm, hỗ trợ của các cấp. Nhà trường khẩn thiết kêu gọi các cơ quan đoàn thể,
các nhà hảo tâm, các cấp lãnh đạo hãy tiếp tục quan tâm hơn nữa để trường sớm
hoàn thành các hạng mục đạt chuẩn và để giúp các em học sinh dân tộc có một môi
trường học tập tốt hơn trên miền rẻo cao biên giới này.
Những
ngày cuối tháng Tư đã về. Trên khắp mọi miền nhân dân ta đang náo nức kỉ niệm
40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh
của Bác Hồ kính yêu. Thầy trò trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm
Thủy đang mệt mài ôn tập để chuẩn bị cho kì thi cuối năm đạt kết quả cao. Chắc
chắn rằng với tinh thần “học sinh Vân
Kiều nguyện làm theo lời Bác dạy”, các em sẽ có một mùa vàng bội thu và
viết tiếp vào bảng vàng truyền thống của trường những thành tích nổi bật trong
năm học này.
Lâm
Thủy, tháng 4/2015
Nguyễn Thanh Hiển