Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 134
Số lượt truy cập: 66689969

Quảng cáo
SAU NHỮNG CƠN HỒNG THỦY, TIẾNG HÁT VẪN CẤT LÊN NGỌT NGÀO , SAY ĐẮM... 11/14/2011 3:01:02 PM
Trong suốt một tháng trời, bao nhiêu cơn lũ thay phiên nhau, quyết nhấn chìm cả cộng đồng huyện Lệ Thủy nói chung, các trường học nói riêng trong biển nước mênh mông. Các trường vùng giữa- trung tâm huyện, cái rốn của những cơn hồng thủy, cho đến giờ, một số trang thiết bị dễ ướt , dễ vỡ vẫn đang nằm ở gác hai, khi cần sử dụng cho dạy- học thì được đưa xuống, bỡi lẽ nguy cơ sẽ có lũ nữa...

Thế mà diệu kỳ thay, vừa khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây nên, vừa tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dạy học, vừa tiếp tục tập luyện văn nghệ tham gia hội thi "Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, chào mừng ngày ngành GD- ĐT Lệ Thủy đón nhận huân chương lao động hạng nhì "... để ngày hôm nay 13 tháng 11, năm 2011, tiếng hát của các diễn viên không chuyên - đang giảng dạy và học tập ở các trường tiểu học trên toàn huyện- cất lên ngọt ngào, say đắm, ngân nga trên sân khấu nhà văn hóa trung tâm huyện,và bay xa, bay xa... đến với khán giả yêu âm nhạc, để lại trong lòng họ những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Điều bất ngờ, tạo ấn tượng đầu tiên là  hội thi đã thu hút 32 đoàn " nghệ thuật" của 32 trường tiểu học với gần 2000 diễn viên tham gia ( bình quân mỗi đoàn có 50-60 diễn viên tham gia)-. Đặc biệt cảm động, trong hàng nghìn diễn viên ấy, có sự góp mặt của các em học sinh Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện; các em đã vượt lên số phận, xóa bỏ những mặc cảm về bản thân để cùng các bạn học sinh của tất cả vùng miền  mang về hội thi những tiết mục đặc sắc.

Có thể nói, so với các hội thi nghệ thuật khác trong năm của huyện, thì đây là hội thi hoành tráng nhất, có lực lượng diễn viên không chuyên tham gia đông đảo nhất và hùng hậu nhất.

Càng bất ngờ hơn, khi người dẫn chương trình xuất hiện trên sân khấu thì  trung tâm văn hóa , cả tầng trệt, lẫn gác một khán giả đã ken đầy với một tâm trạng háo hức, chờ đợi được nghe- nhìn- cảm nhận cái hay, cái đẹp của các tiết mục do thầy cố giáo , học sinh- những người hàng ngày sống bên mình- trình diễn.

Và tâm trạng đã được đền đáp xứng đáng. Từ tiết mục mở đầu đến tiết mục kết thúc, tất cả mang đến cho sân khấu  nhiều gam màu, nhiều giọng điệu của các nhạc sĩ đã thành danh có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng yêu âm nhạc, có tiêt mục là con đẻ của chính những kỹ sư tâm hồn đang ngày ngày say sưa trên bục giảng cùng học sinh thân yêu... Ba mươi hai tiết mục bao gồm hát đơn ca, đồng ca có múa phụ họa, múa không lời, kịch múa...tất cả tạo nên sự phong phú đa sắc, đa giọng điệu của sân khấu hội thi. Có tiết mục mang âm hưởng hào hùng đậm phong cách trữ tình chính trị, say sưa ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại , Đất nước anh hùng; có tiết mục mang giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, ngây ngất... nhưng rất đỗi tự hào khi hát về nghề dạy học và những thế hệ "kỹ sư tâm hồn" đang từng ngày, từng giờ cần mẫn, chăm chút dệt mơ ước cho bao lứa tuổi thơ.

Về phương diện này, các biên đạo không chuyên đã có cố gắng lớn trong suy nghĩ, tìm tòi để lựa chọn từ kho tàng âm nhạc phong phú của dân tộc những nhạc phẩm phù hợp với chủ đề hội thi, mà tin chắc sẽ được công chúng đón nhận ... để mang  về làm đẹp sân khấu, làm đẹp hội thi.

Xem hết 32 tiết mục, tất cả khán giả- kể cả người khó tính nhất- vẫn phải thán phục công phu dàn dựng luyện tập của các diễn viên. Nhiều tiết mục đạt đến mức hoành tráng về cả số diễn viên tham gia, và dung lượng nội dung biểu diễn. Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta có thể khẳng định rằng: dẫu chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, và thậm chí chưa một ngày tham gia một trường lớp nghệ thuật nào, nhưng các biên đạo cùng diễn viên dồn hết tâm huyết vào tiết mục với một khát vọng góp phần đánh thức, nâng cánh các nhạc phẩm, để  nó bay bỗng trên sân khấu , và ngân nga trong lòng khán giả... Thực tế sau một ngày hội thi đã minh chứng cho ước nguyện chính đáng, đẹp đẽ ấy.

Sự công phu còn thể hiện rõ ở việc chuẩn bị và huy động  trang phục đạo cụ cho mỗi tiết mục: lựa chọn huy động đủ trang phục cho hơn 50 điễn viên / một đoàn, hơn thế nữa, trang phục đạo cụ phải phù hợp với nội dung, giai điệu và ý đồ của biên đạo để góp phần làm sáng giá tác phẩm nghệ thuật sẽ trình diễn trên sân khấu. Quả là một việc vô cùng khó. Thế mà kỳ lạ thay, tất cả 32  đoàn đều thực hiện được... và, nhờ vậy nó đã góp phần làm cho sân khấu hội diễn lung linh hơn, rực rỡ hơn.

Nhưng có lẽ điều làm ngây ngất hàng chục ngàn khán giả chính là nghệ thuật biểu diễn.

Là diễn viên không chuyên thế nhưng các giọng ca - từ đơn đến tốp, hợp xướng... hầu hết đã thể hiện đúng giai điệu của nhạc phẩm từ nhịp- phách- cao độ trường độ... và cả nghệ thuật luyến láy. Trên nền chung đã xuất hiện một số giọng hát có triển vọng của các diễn viên trường TH Phú Thủy, TH số 2 Sen Thủy, TH số 2 Tân Thủy, TH Ngư Thủy Trung... đặc biệt là giọng ca của cô giáo Thanh Loan trường TH số 2 Phong Thủy trong tiết mục " Bài ca sư phạm" kết lại chương trình hội thi.

Về múa phụ họa, nhìn chung các biên đạo và diễn viên đã có nhiều cố gắng trong cảm thụ nhạc phẩm, từ nhạc phẩm tìm tòi , dàn dựng với ước muốn nhờ "phụ họa " mà lời ca cất cánh bay cao, bay cao.

Có lẽ vì thế mà kết thúc hội thi, Ban tổ chức không biết gạt bỏ tiết mục nào đành phải đã cấp giấy chứng nhận và phát thưởng cho 23/32 tiết mục, trong đó có: 01 giải nhất; 03 giải nhì: 07 giải ba và 12 giải khuyến khích.

          Tuy vậy, với ý thức cầu thị và nhằm mục đích để chất lượng hội thi  các năm sau của cấp tiểu học nói riêng, toàn ngành nói chung, đạt kết quả mỹ mãn hơn, đẹp hơn người viết bài này vẫn có một ước muốn:

          Giá như các biên đạo có được cái nhìn tổng quát, chuẩn xác chiều kích không gian ba chiều của sân khấu, để quy mô của tiết mục (huy động lực lượng diễn viên, sử dụng đạo cụ...) được dàn dựng hợp lý hơn ! Giá như các tiết mục tinh hơn trong dàn dựng các lớp, cảnh phụ họa- chọn lọc, giảm bớt số diễn viên thực hiện... thì người hát và cả giọng hát không bị khuất lấp, lấn át đi, chìm đi một cách đáng tiếc; đồng thời sân khấu đỡ rối, đỡ ồn ào hơn ! Giá như trang phục của phụ họa được lựa chọn và phối màu hợp lý hơn, phù hợp với sắc màu tư tưởng của nhạc phẩm thì sẽ bớt đi cảm giác nhức mắt  cho khán giả, hơn thế nó không làm hỏng  nội dung của tác phẩm mà lại góp phần làm sang giá nhạc phẩm! Giá như việc sử dụng đạo cụ đừng bị chi phối bỡi lối tư duy xã hội học cũ kỷ- thô vụng (vầng trăng- thầy giáo, logo giáo dục, khẩu hiệu hô hào về ngày 20/11 ...) , để cho tư duy hình tượng- trừu tượng nâng cánh, tạo được sự liên tưởng phong phú, đa sắc... của  khán giả khi thưởng thức tiết mục thì hay biết mấy! Giá như lời dẫn- lời giới thiệu tiết mục- của các đơn vị viết gọn hơn, ngôn ngữ  trau chuốt hơn, giàu sức biểu cảm, khơi gợi được hồn phách của nhạc phẩm, có tác dụng vừa định hướng, vừa tạo tâm thế cho khán giả cảm thụ và thưởng thức đúng nội dung, tư tưởng nghệ thuật của "đứa con đẻ mà  mình sắp khoe" với thiên hạ thì thật là thú vị! Giá như, các Hiệu trưởng- và cả một số biên đạo- đừng bắt chước, tham lam một cách tùy tiện, vô lối, phi nghệ thuật trong việc sử dụng " khói" và "pháo hoa", thì sân khấu và tiết mục biểu diễn sẽ thanh sạch hơn, trong trẻo hơn!

Giá như ! Giá như ! Sự tham lam của kẻ yêu nghệ thuật say đắm và rất thanh khiết  này vẫn không làm giảm bớt đi đi độ sâu cảm xúc của con tim mình và cảm xúc của con tim hàng nghìn khán giả khi chia tay hội thi . Có lẽ vì thế mà trong tôi và khán giả còn âm vang mãi lời đánh giá khái quát về hội thi của đồng chí trưởng ban giám khảo và nếu được xin dẫn lại nguyên văn để kết thúc bài viết tản mạn này:

"Với một tinh thần khiêm tốn, và đặt vào trong hoàn cảnh đặc biệt của huyện nhà, của ngành, trong suốt hơn một tháng chống chọi với lũ lụt, vừa khắc phục hậu quả do thiên nhiên gây ra, vừa lo chất lượng giảng dạy, vừa tập luyện... chúng ta có thể khẳng định rằng: hội thi văn nghệ bậc tiểu học năm 2011 đã thành công tốt đẹp. 32 đoàn nghệ thuật không chuyên của 32 trường  đã mang về sân khấu 32 tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất. Nhìn chung tất cả các tiết mục ở một khía cạnh nào đó, đều đã đã lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả; có tiết mục đặc sắc neo lại lâu bền trong trái tim người yêu âm nhạc Lệ Thủy".

Nhưng có lẽ, nét chung đặc biệt, là các tiết mục như một bức thông điệp đẹp, gửi gắm tình cảm  thầy và trò của bậc tiểu học nói riêng,  toàn ngành nói chung, lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Đất nước anh hùng; lòng tự hào, tôn vinh về nghề dạy học và các thế hệ thầy cô giáo đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của cái nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý là : dệt ước mơ cho bao lứa tuổi thơ.  Hội thi là một bó hoa nghệ thuật bình dị, nhưng không kém rực rỡ, đa sắc màu, đa âm hưởng, đa giọng điệu... kính dâng lên ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày toàn ngành giáo dục Lệ Thủy vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam: Huân chương lao động hạng nhì".

(Cảm nhận tản mạn về Hội thi văn nghệ cấp Giáo dục Tiểu học huyện Lệ Thủy năm 2011)

Tháng 11/2011
Hoàng Nguyễn


VN_20_11_2.jpg


VN_20_11_3.jpg


VN_20_11_6.jpg



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com