Trong vòng 20 năm trở lại đây, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đã quen thuộc với các thuật ngữ Phổ cập chống mù chữ (PCCMC), Phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH), Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH Đ ĐT), phổ cập THCS. Từ tháng 02 năm 2010 đến nay, lại được biết thêm thuật ngữ Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (gọi tắt là phổ cập mẫu giáo 5 tuổi).
Chủ trương Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi được chính thức hóa kể từ ngày 09/02/2010 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNTNT).
Vậy " Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhằm mục đích gì"?; Điều kiện phổ cập là gì?; Việc xét công nhận xã-phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi dựa trên các tiêu chí nào? Các câu hỏi này, được Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02/12/2010 của Bộ GD&ĐT chỉ rõ:
"Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi nhằm củng cố, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1" (Khoản 1 Điều 3).
Điều kiện PCGDMNTNT (tại Điều 5):
1. Có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
2. Trường, lớp có bộ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; ở vùng thuận lợi có thêm các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với máy vi tính để học tập.
3. Có đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; giáo viên được hưởng thu nhập và các chế độ khác theo thang bảng lương giáo viên mầm non.
4. Trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các chế độ, chính sách khác theo quy định hiện hành; được chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, trẻ em dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tiêu chí công nhận đạt chuẩn cũng được Thông tư chỉ rõ (tại Điều 6):
1. Đối với cá nhân
Trẻ em được công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT phải hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trước 6 tuổi.
2. Đối với đơn vị cơ sở:
a) Đối với thành phố, thị xã, thị trấn:
- Bảo đảm có đủ phòng học kiên cố, bảo đảm diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Huy động 98% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó bảo đảm 90% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Bảo đảm có 90% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi);
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 95% trở lên;
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%.
b) Đối với nông thôn, đồng bằng:
- Bảo đảm có đủ phòng học kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Huy động 95% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 85% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Bảo đảm có 85% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi);
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 90% trở lên;
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) không quá 10%.
c) Đối với vùng nông thôn đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, hải đảo:
- Có đủ phòng học bảo đảm diện tích xây dựng quy định tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Huy động 90% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 80% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Bảo đảm có 80% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi), số trẻ em còn lại được học tăng cường tiếng Việt;
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 85% trở lên;
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) không quá 15%.
3. Đối với đơn vị cấp huyện:
Bảo đảm 90% số đơn vị cơ sở đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
4. Đối với đơn vị cấp tỉnh:
Bảo đảm 100% số đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi là một chủ trương lớn của Chính phủ nằm trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đang được các địa phương trong cả nước tích cực triển khai. Trên địa bàn huyện nhà, mặc dù trong một khoảng thời gian chưa lâu nhưng nhờ sự lãnh chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự tích cực của các địa phương, sự nổ lực của toàn ngành, việc hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ đã thu được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phó trưởng phòng phụ trách bậc học mầm non cho biết:
Tuy nhiệm vụ còn mới mẻ, phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng đến nay việc hiện thực hóa Đề án của Bộ giáo dục& Đào tạo về phổ cập mẫu giáo 5 tuổi trên địa bàn huyện đã thu được một số kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực sau đây:
Một là: Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch phổ cập mẫu giáo 5 tuổi trên địa bàn (Chúng tôi sẽ giới thiệu trong một bài viết sau).
Hai là: Tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định chuyển đổi và chỉ đạo chuyển đổi thành công 16 trường mầm non bán công trên địa bàn. Ngay sau khi chuyển đổi, các đơn vị đều được vận hành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ.
Ba là: Phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện củng cố bộ máy quản lí các trường (bổ sung 13 Phó Hiệu trưởng), tuyển đủ giáo viên, nhân viên cho các trường mầm non. Trong tuyển dụng đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn liên ngành của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT Quảng Bình, đảm bảo chính sách về tuyển dụng, chuyển xếp lương tạo điều kiện cho CB, GV, NV yên tâm, phấn khởi, nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ tư là: Tích cực mua sắm trang thiết bị dạy học; Làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ, giúp cho đội ngũ tiếp cận, nắm vững chương trình giáo dục mầm non mới nhằm thực hiện có chất lượng ngay từ đầu công tác giáo dục của kế hoạch phổ cập.
Năm là: Tích cực chỉ đạo công tác chăm sóc bằng các hình thức tiếp tục mở rộng các lớp bán trú, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ tại trường, phòng chống ngộ độc thức ăn và các loại dịch bệnh cho trẻ… Từng bước thực hiện chiến lược phòng chống và giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện.
Tất cả nhằm đến mục tiêu, đến năm 2014 huyện nhà đạt chuẩn phổ cập Mẫu giáo 5 tuổi (có 26/28 xã, TT đạt chuẩn) và đến năm 2015 phổ cập mẫu giáo 5 tuổi cho 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện./.
Tâm Minh