Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 193
Số lượt truy cập: 63133570

Quảng cáo
HỒ CHÍ MINH ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI 5/19/2023 7:16:21 AM
Tháng năm lại về ... mùa sen bắt đầu nở. Đất trời khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ với nhiều thanh âm của hơi thở cuộc sống thời đại. Thời gian đi lên phía trước như cánh chim không bao giờ biết mỏi. Chợt ta lắng mình nghĩ về Bác kính yêu với tất cả tình cảm nâng niu, trìu mến nhất. Với dân tộc Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng - Bác Hồ là một bài ca không bao giờ dứt. Cũng như thế, ngày sinh nhật Bác năm nay, ta lại nhận ra 133 mùa xuân và những mùa xuân tiếp theo - tên Người đã và đang trở thành bất tử trong trái tim muôn người.

 Ho Chi Minh.jpg

          * Bác Hồ trong lòng các nhà thơ

          Bài thơ đầu tiên viết về Bác được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong thi ca Việt Nam là bài “Hồ Chí Minh” (1945). Mặc dù chưa gặp Bác nhưng bằng rung cảm của một nghệ sĩ yêu nước với một tấm lòng thành kính với Người, Tố Hữu đã tạo nên tác phẩm có sức khái quát tầm vóc của Bác Hồ “Trăm thế kỷ trong tên Người Ái Quốc/Bạn muôn đời của thế giới đau thương…”.

           Đến sáu năm sau (1951) Tố Hữu đã gặp Bác. Chính vì rất thật, rất gần gũi, nên hình ảnh Bác Hồ trong bài “Sáng tháng Năm” bình dị mà có sức lan toả lớn. Lần đầu tiên trong thơ ca một lãnh tụ của đất nước được gọi là Bác. Bác trước sau vẫn bình dị, đơn sơ không thể nào hoà trộn được. Nhà thơ đã tiếp cận, bắt đầu chiêm nghiệm Bác từ dáng vẻ bên ngoài cho đến tâm hồn bên trong:

                    “Giọng của Người không phải sấm trên cao

                    Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.

                    Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước

                    Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”

          Chiến thắng 1954 “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” đã mở ra một chân trời mới cho cách mạng, báo hiệu ngày khai tử của chủ nghĩa thực dân trên đất  nước ta, làm rung chuyển thế giới. Tạm biệt Việt Bắc, tạm biệt mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, Trung ương Đảng  và quân đội  về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Một lần nữa Bác xuất hiện với tư cách là trung tâm của cuộc chia tay bịn rịn giữa kẻ ở người đi, giữa miền xuôi với miền ngược và hơn hết là của đồng bào với Bác Hồ kính yêu. Có thể nói Bác đã hoá thân vào sông núi, trở thành một yếu tố tâm linh không thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Núi, sông, đất, trời như thấm vào hồn Bác. Lòng của Tố Hữu cũng là lòng của đồng bào Tây Bắc “Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi, rừng núi trông theo bóng Người”.

          Mỗi bước đi của Người trên hành trình hướng đến tự do được các nhà thơ khắc họa bằng tất cả trái tim kính yêu và lòng ngưỡng mộ. Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước” đã khái quát lại hành trình cứu nước của Bác với những câu thơ đầy cảm xúc và triết lý:

                    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

                    Cho tôi làm  sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!

                    Khi bờ bãi dần lui, làng  xóm  khuất,

                    Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

                    Và rất xúc động khi  nhà thơ mô tả tình cảm của Bác lúc gặp luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa:

                    Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

                    Lệ  Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin.

                    Bốn bức tường im  nghe Bác lật từng trang sách gấp

                    Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin.

          Nhưng con người ở đời, ai cũng không tránh khỏi quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Dẫu biết đó là quy luật tất yếu, cả dân tộc Việt Nam vẫn vỡ oà nức nở khi hay tin Bác mất, thậm chí tình cảm ấy hoá thân vào mọi sự vật “Đất trời, cây cỏ rưng rưng”. Nhà thơ Huy Cận như ngây dại, ngơ ngác, không tin vào sự thật dẫu rằng sự thật lẽ nào đơn sai:

                    Thật có phải từ đây vắng Bác?

                    Mỗi hàng cây cũng đứng ngẩn bên đường

                    Nhớ tay Bác đã trồng nên bóng mát

                    Như muôn tim, mỗi lá nghẹn ngào sương.

          Bác đã ra đi mãi mãi, nhưng nhà thơ Hải Như không nghĩ vậy. Theo ông, Bác đang ngủ sau một lần đi công tác xa về:

                    Bác nằm đó bộ ka - ki Bác mặc

                    Chưa kịp thay, Người vừa ngả lưng nằm

                    Nếu ta đoán không lầm, Bác mới đi thăm

                    Một xóm thợ xem nơi ăn, chốn nghỉ...

          Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội với nhân dân Miền Nam. Bác hẹn ngày thống nhất sẽ vô thăm đồng bào, đồng chí nhưng Miền Nam đi trước về sau đã không kịp đón Người. Nhà thơ Thu Bồn đã đem niềm day dứt ấy khóc Người:

                    Bạn từ bãi biển Hy - rông

                    Bạn còn đến được để thăm Bác Hồ

                    Còn con trông đợi Bác vô

                    Ngắm phương Bắc, nhớ Thủ đô quặn lòng.

          Sáu năm sau, năm 1975 khi hai miền Nam Bắc đã thành một dải, núi liền núi, sông liền sông. Nhà thơ Viễn Phương đã nói hộ lòng của đồng bào đồng chí Miền Nam trong một lần “Viếng lăng Bác” thật xúc động, đằm thắm, chân thành:

                    Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

                    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ,

                    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

                    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

          Hiếm có một lãnh tụ nào được nhân dân ngưỡng vọng và tôn thờ đến như vậy. Không những thế, bạn bè ở năm châu bốn biển đều ngả mũ kính chào trước một trí tuệ trác việt, một nhân cách vĩ đại. Thi sĩ ấn Độ Amrita Pritam đã phát hiện ra một chân lý rõ ràng hơn ban ngày:

                    ... Người đến gieo mầm sống

                    Mầm mặt trời lên cánh đồng bầu trời.

          Ngày nay, khi nghĩ về Người, chúng ta thấy mặt trời - Hồ Chí Minh sáng rọi, soi tỏ cho hồn ta tránh những cơn rét và bóng tối còn ẩn khuất. Bác hiển hiện trong sáng như một viên ngọc, nhà thơ Đa - giô phát hiện:

                    Người không muốn ngồi ghế cao chót vót

                    Cho ai kia cầu nguyện phụng thờ mình

                    Mà chỉ thích tầm cao thấp với chung quanh.

          * Bác Hồ trong lòng các nhạc sĩ

          Sự vĩ đại của Bác Hồ nằm ngay trong những gì giản dị, bình thường nhất. Những cử chỉ, việc làm, cách biểu hiện tình cảm, từ vóc dáng đến nền nếp sinh hoạt đời thường được các nhạc sĩ ghi lại qua hàng trăm ca khúc lay động lòng người. Chứng kiến tận mắt hình ảnh Bác Hồ nhoài người ra xe, âu yếm vẫy chào các cháu thiếu nhi đang đứng hai bên đường trong ngày 02 - 09 - 1945, nhạc sĩ Phong Nhã đã lưu lại hình ảnh một vị chủ tịch nước luôn ân cần chăm lo cho các em nhỏ qua bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Cho đến nay bài hát này luôn được các em nhỏ hát vang bằng tình cảm trong sáng nhất, thân thương nhất. Đó cũng là tình cảm của lớp lớp thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam với Hồ Chủ tịch. Trong bài “Bác sống đời đời”, nhạc sĩ Phong Nhã đã khẳng định vị trí của Người trong tâm khảm của các em thiếu niên nhi đồng. Tôi tin rằng các em đã khóc rất nhiều khi cất vang lời hát sau ngày Bác mất “Bác còn sống mãi với quê hương đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương”.

          Thuận Yến là nhạc sĩ thành công bậc nhất khi viết về Bác. Ông có đến 20 ca khúc viết về Bác Hồ. Trong đó phải kể đến các ca khúc tiêu biểu như: “Bác Hồ một tình yêu bao la”,  “Người  về thăm quê”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình” ... Dường như cảm xúc viết về Bác không hề vơi cạn mà còn nhân lên nhiều lần qua mỗi ca từ, giai điệu.

          Trong ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” ta bắt gặp phần ca từ đẹp và giai điệu vô cùng tha thiết: “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ canh gác ngoài biên cương. Bác viết thư thăm hỏi, gửi muôn vàn tình thương”. Được biết, đằng sau ca khúc này là câu chuyện cảm động về Bác. Theo nhạc sĩ Thuận Yến kể lại, lúc đó ông cùng anh em đoàn văn công mới từ tuyến lửa Bình Trị Thiên về Hà Nội. Quần áo có cái nào lành đều để lại cho anh em ngoài mặt trận cho nên ai cũng trông rách rưới và tiều tụy. Ai cũng muốn có áo quần mới để về nhà, thăm quê. Biết ước nguyện của anh em nghệ sĩ, Bác đã yêu cầu phát  áo quần mới cho mọi người. Bất ngờ hơn, Người đã đến thăm mọi người và ân cần hỏi tình hình ở Miền Nam. Rồi Bác hỏi “Thuận Yến đâu?” và cầm nắm kẹo trao cho người nhạc sĩ tài hoa này.

           

          Tháng Năm lại về, ta lại nhận thấy Bác như đang ở bên, trong lần sinh nhật thứ 133 của Người. Lòng ta thêm một lần nữa thổn thức, trái tim ta thêm một lần nữa rung động như lời của Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô từng nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.

Ngô Mậu Tình

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com