Thịt mỡ,
dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu,
tràng pháo, bánh chưng xanh.
Ở đây chỉ nói
chuyện riêng về cây nêu, nhưng cũng xin được cùng bạn đọc điểm qua 5 thứ kia,
xem như một chút lòng hoài cổ. Nói là hoài cổ, nhưng thực ra là hoài cổ theo
kiểu “Ôn cố nhi tri tân” (Ôn lại cái cũ để biết thêm về cái mới).

Không phải ngẫu
nhiên mà “thịt mỡ” được cụ Tam Nguyên đưa lên hàng đầu trong “top” của những
món cao lương thượng hạng này. Ngày xưa, (mà cũng chưa hẳn đã xưa lắm, chừng
vài chục năm đổ lại đây), thành ngữ “Thèm miếng thịt đứt tóc” vẫn
còn giá trị lắm! Huống chi thời của cụ Nguyễn Khuyến! Thế nhưng,
thời nay nó tụt xuống hạng hạ cấp, nhường chỗ cho các loại dầu ăn không chứa
cô-lét-tê-rôn... này nọ. Dưa hành thì lại được nâng cấp, trở thành món khoái
khẩu mỗi khi đã chán ngấy các món ăn béo tốt, cao sang.
Câu đối đỏ một thời
bị bỏ bẵng mất nét mĩ học này bởi họ lầm cho là phong kiến, họ không hiểu được
giá trị văn học - thứ văn chương tao nhã tuyệt đẹp của câu đối… Thật may là mấy
năm gần đây, dần dà câu đối đã trở lại với những “mực Tàu, giấy đỏ” trên phố xá
đông vui...
Tết xưa, ông cha ta
không chỉ thiên về ăn chơi. Ở đâu, nhà nào cũng muốn có một câu đối viết vào
giấy đỏ dán vào cột nhà mình sánh cùng các tranh tết. Câu đối ấy phải phù hợp
với gia cảnh, lòng tự trọng, tự hào, thể hiện ý chí của chủ nhân. Chuyện xưa kể
lại rằng: Thời vua Lê Thánh Tông (một ông vua hay chữ, đời thịnh trị nhất trong
lịch sử phong kiến), giao thừa, nhà vua cải trang thành một ông đồ xứ Nghệ đi
thị sát dân ăn tết. Ông thấy một nhà không mở cửa, cũng không có đèn, bèn gõ
của hỏi chủ nhà sao vậy. Chủ nhà cho biết ông làm nghề xấu không nỡ làm dong cả
xóm giềng. Gạn hỏi mới biết chủ nhà làm nghề hót phân. Ông vua kêu lên: “Nghề
ấy thì có gì là xấu nào, mau mở cửa ra. Tôi là ông đồ xứ Nghệ đi qua đây, xin
tặng ông chủ đôi câu đối tết”. Và trên giấy đỏ, ông vua viết:
Y nhất
nhung y năng đảm thế gian nan sự
Đệ tam xích
kiếm tận thu thiên hạ nhân tâm.
Tạm hiểu: Khoác áo
nhung y lên người ta năng động, can đảm làm các công việc khó khăn nhất của thế
gian này (ngầm ý nói rằng việc của ông cũng như việc của tôi đều là cái việc
khó khăn nhất của thế gian này); cầm ba thước kiếm (cũng như cái que hót phân)
phải thu phục hết “nhân tâm” của thiên hạ về một mối. Câu đối thật là tự hào,
quả cảm, đề cao, khích lệ công việc của nhà kia. Kính trọng thay là một ông vua
xử sự đẹp, thảo nào đời chẳng thịnh trị!

Tràng pháo bây giờ
đã chìm vào dĩ vãng vì nghiêm theo phép nước mà cấm là phải lắm. Tuy nhiên,
những năm đầu vắng pháo, vì chưa quen nên ít nhiều cũng có cảm giác nhẹt nhẽo,
thèm mùi thuốc pháo đêm giao thừa!
Nay, theo Nghị định
137 của Chính phủ, mọi người được sử dụng pháo hoa được sản xuất thủ công hoặc
công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo
ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra
tiếng nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Đó cũng là một quy định hay!
Còn cây nêu ngày
nay ít nơi còn dựng, thay vào đó, người ta treo cờ Tổ quốc để mừng Đảng, mừng
Xuân. Xin điểm lại nét sinh hoạt văn hóa vừa mang tính chất tâm linh nhưng cũng
đầy tính nhân văn cao đẹp của dân tộc ta đã có tự ngàn đời. Thời điểm dựng cây
nêu là ngày 23 Tết ông Táo cưỡi cá chép về Thiên Đình chầu hầu Ngọc Hoàng
Thượng đế để phúc trình những sự việc diễn ra trong năm nơi ông trị nhậm. Có
nơi dựng từ tiết Đại hàn vì thời gian này Vương hành khiển (vì mỗi năm một
vương cai trị ứng với giáp 12 năm gọi là Thập nhị niên vương hành khiển) sắp
hết nhiệm kì trong năm đang lo mải mê “thu xếp”, mà Vương hành khiển năm mới
thì chưa “tuyên thệ nhậm chức”. Lợi dụng lúc giao thừa này có nhiều sơ hở, bọn
ma tà quỷ quái nhòm ngó, quấy phá, bắt nạt nhất là đối với dân thường thấp cổ
bé họng. Người xưa dựng cây nêu để báo với bọn ma quỷ ấy rằng: “đất đai này đã
có chủ, lãnh thổ này đã được phân định chớ có đem lòng tà ma nhòm ngó. Chung
quanh cây nêu, sân nhà, đường đi vẽ những cung nỏ bằng vôi hướng ra cổng sẵn
sàng nhả tên. Đó là lực lượng bảo về được thị uy. Cây nêu còn có ý nghĩa nữa là
đón rước, chào mời các vị phúc thần nhập cư đem lại tốt lành cho gia chủ. Cây
nêu được dựng cho đến tiết khai hạ, tức 15 tháng giêng năm mới, mới làm lễ hạ
nêu. Khi ấy “Cơ nào đội ấy, quần thần chức sắc” đã vào việc, phép tắc đã
nghiêm.
Cây nêu làm từ một
cây tre có đủ gốc ngọn cành lá, cao từ 2,5 đến 3 mét dựng trước sân nhà hay tùy
nghi. Trên cây nêu được treo một mũ đen, đó là mũ ông Thổ Công năm mới, một lá
phướn có 4 chữ nho “Thái bình thiên hạ”, một đạo bùa hình bát quái của nhà Phật
và một cái đèn chai để đốt sáng vào ban đêm. Chữ trên lá phướn là lời nguyện
cầu mời mọc phúc thần để trong năm đó gió lành, đèn sáng, lúa tốt (phong đăng
hòa cốc). Đây là tâm niệm và cũng là ước mơ lớn nhất ngàn đời nay của người
nông dân một nắng hai sương. Họ không chỉ cầu mong riêng cho gia đình mình được
“trong ấm ngoài êm” mà xa hơn, cầu cho cả thiên hạ được an vui trong cảnh thái
bình thịnh trị. Chút tấm lòng của người xưa để phải khiến cho chúng ta - những
người sống trong thời nay phải suy ngẫm, nhìn lại mình!
Xuân về Tết đến,
xin có đôi lời bày tỏ. Cuối cùng, người viết bài này xin được mượn đôi câu đối
của người xưa, như một món quà và lời tri ân đến bạn đọc gần
xa:
Thiên tăng tuế
nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn,
phúc mãn đường.
Đỗ Đức Thuần