
Để có được
chuyến đi ý nghĩa này, Ban từ thiện chùa Hoằng Phúc và Nhóm thiện nguyện Từ Tâm
trước đó đã bắc những nhịp cầu yêu thương đến những những nhà hảo tâm, những
đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tất cả đều
có chung một tình cảm hướng về đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vĩ,
đặc biệt là đối với bà con thuộc bản xa xôi nhất của huyện Lệ Thủy - bản Eo Bù
- Chút Mút.
Quà đến với
đồng bào là những nhu yếu phẩm để cho bà con có cái Tết sung túc hơn, phấn khởi
hơn gồm gạo, muối, mì tôm, bột ngọt, dầu ăn, đường, bánh kẹo và rất nhiều quần
áo mùa đông..., mỗi suất trị giá khoảng 400 ngàn đồng. Nhìn cách bà con ngồi
đợi cả giờ đồng hồ (đoàn chúng tôi lên bản vào lúc 10 giờ trưa ngày 16/01/2019
nhưng bà con đã đến từ rất sớm, ngồi quây quần ở tổ công tác của bộ đội biên phòng
làng Ho) cũng như những nụ cười sung sướng, vui vẻ của bà con khi nhận quà,
chúng tôi rất cảm động và hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn mà
bà con đã, đang gặp phải.

Thượng tá
Đào Văn Sơn, Đồn trưởng đồn biên phòng làng Ho (còn gọi là đồn biên phòng 601)
cho biết, bản Eo Bù là bản xa nhất, gần biên giới Việt - Lào nhất của huyện Lệ
Thủy, gồm 70 hộ với gần 300 nhân khẩu, đều là người Bru - Vân Kiều. Sống giữa rừng già nên đất sản xuất ở đây rất hiếm, toàn bản
chỉ có 3,3 ha ruộng nước và mỗi hộ được khoảng 2,5 sào hoa màu. Đã thế, việc
trồng trọt cũng không thuận lợi vì thường bị thú rừng phá hoại. Được sự quan
tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ về
mọi mặt của bộ đội biên phòng, đời sống bà con nơi đây đã và đang từng ngày
từng giờ thay da đổi thịt, tin tưởng, phấn khởi làm ăn, xây dựng đời sống mới.Người
vui nhất có lẽ là trưởng bản Hồ Văn Bình (40 tuổi). Anh tiếp đón chúng tôi như
anh em một nhà mà nói như cách nói của bà con là “xem ai mù đung”. Anh lo lắng
và tận tình giúp chúng tôi phát những phần quà đến tận tay bà con để khỏi bỏ
sót một gia đình nào. Anh tự hào khoe với chúng tôi về những đổi mới trên bản
làng, về con đường rải nhựa sắp sửa hoàn thành, nối liền từ ngã ba Cam Liên
(Quốc lộ 1A) đến tận bản Eo Bù - Chút Mút. Anh tâm sự: “Trước đây chưa có đường
đẹp, muốn về xuôi phải trèo đèo lội suối mất một buổi. Còn bây giờ, chạy xe máy
từ đây về thị trấn Kiến Giang chỉ mất chưa đầy 2 tiếng đồng hồ thôi, ưng cái
bụng lắm!”.

Cũng theo lời của trưởng bản Hồ Văn Bình, bản Eo Bù - Chút Mút trước đây
rất nghèo khó và lạc hậu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, đời sống tinh
thần và vật chất của bà con đã có nhiều đổi thay. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo
của cấp ủy đảng các cấp và giúp đỡ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79, thuộc
Binh đoàn 15, điện lưới mang theo ánh sáng văn hóa đã về tận từng ngôi nhà sàn,
từng lớp học của các em học sinh. Đó là điều phấn khởi nhất, giá trị nhất đối
với bà con Eo Bù. Cùng với đó, giao thông thuận tiện, con đường nhựa phẳng phiu
dẫn từ trung tâm xã Lâm Thủy, nơi tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua vào
đến tận bản. Tất cả những đổi thay đáng kể đó đã làm thay đổi đổi cơ bản diện mạo và đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây huyện Lệ Thủy, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa đói
giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn liền với quốc phòng - an ninh trên địa
bàn chiến lược.
Trong câu chuyện, chúng tôi còn được già làng Hồ Vơn, năm nay đã trên 80
tuổi, người có công lớn trong việc hiến đất làm trường học, tự bỏ tiền mua ống
nước dẫn từ trong nguồn về cho dân bản dùng... Dù đã sống hơn 80 mùa rẫy, nhưng dáng hình
già làng Hồ Vơn trông vẫn chắc
nịch như cây lim, cây táu cổ thụ trong rừng. Già Vơn giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử của bản:
“Người dân bản miềng (mình) đa số có gốc gác từ tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh khốc liệt, một số người
Bru - Vân Kiều đã di cư khắp dãy Trường Sơn để tránh bom đạn và cùng
với bộ đội ta đánh đuổi đế quốc Mỹ. Đất nước thống nhất, một nhóm
người Vân Kiều đã kéo nhau về định cư tại vùng Eo Bù, cách địa điểm
này hơn 10 km. Năm 1992, do một trận lũ lớn làm trôi nhiều ngôi nhà ở
bản, mọi người buộc phải di cư sâu vào vùng Chút Mút, giáp với biên giới Việt - Lào và lập nên bản Eo Bù -
Chút Mút đến tận hôm nay…”.
Nhờ làm tốt công tác dân vận với “Ba cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và
hơn hết là bằng cái tâm của anh bộ đội Cụ Hồ, bộ đội Biên phòng Làng Ho cùng
cán bộ huyện, cán bộ địa phương đã tích cực ngày đêm vận động, giúp đỡ bà con bản
nơi bản Eo Bù - Chút Mút học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ bằng cách động
viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau
trong cuộc sống với quyết tâm không để xảy ra tình trạng đói ăn, đứt
bữa. Giữa đại ngàn Trường Sơn hun hút, cách thức học tập và làm
theo lời Bác Hồ của bà con rất
giản dị nhưng thật hiệu quả. Tất cả con em trong bản đều được người
dân cho đến trường học chữ đúng độ tuổi; không có tình trạng người
dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng; các hủ tục mê tín dị đoan dần
được đẩy lùi. Hàng năm, người dân nơi đây rất tích cực phối hợp với
lực lượng bộ đội để bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới, đấu
tranh phòng chống các loại tội phạm, tìm hài cốt liệt sĩ…
Việc đã tạm xong, chúng tôi đến thăm hai điểm trường, gồm cấp học mầm
non thuộc Trường MN Lâm Thủy và Tiểu học thuộc Trường PTDTBT TH&THCS Lâm
Thủy. Đã quá giờ trưa nên các cháu được thầy cô chuẩn bị cho đi ngủ. Tuy nhiên,
thấy chúng tôi vào, từ thầy cô đến các cháu ai cũng vui mừng. Những người bạn
của tôi, rất nhiều người trong số họ lần đầu tiên đến với bản làng xa xôi nên cứ
đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đôi mắt của các cháu đã tự nói lên rằng:
chúng cháu rất ngoan, rất lễ phép và rất vui sướng khi được nhận nhiều quà
bánh. Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy cho biết, hiện điểm
trường có 10 học sinh (gồm lớp 1 và 2, phải học ghép lớp), các cháu học chăm và
luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời từ Ban giám hiệu cũng như đồng
nghiệp ở điểm trung tâm. Cô dinh dưỡng Trần Thị Diệu, giáo viên Trường MN Lâm
Thủy cho biết: điểm trường gồm 24 cháu, tất cả đều ở lại ăn cơm trưa tại
trường. Thực phẩm được các cô đặt từ dưới xuôi mang lên, đảm bảo vệ sinh, an
toàn và giàu dinh dưỡng. Bữa ăn thường có 2 món chủ đạo là một món mặn (thịt
hoặc cá) và một món canh. Các cháu ăn ngon, ngủ khỏe và học tập rất chăm chỉ.
Chúng tôi nghĩ thầm: đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, bữa cơm
hằng ngày chả có gì ngoài “boi tiêu”, tức muối ớt giã nát ăn với cơm trắng. Thế
mà các cháu nhỏ lại được ăn no, ăn ngon, ăn đủ dưỡng chất thì thật tuyệt vời!
Rồi sẽ có một thế hệ trẻ lớn lên trong no đủ, trí tuệ để xây dựng bản làng ngày
cành văn minh, hiện đại. Đó là điều đáng mừng, đáng phấn khởi!
Bữa ăn quá giờ trưa của chúng tôi là một bữa ăn nghĩa tình từ các anh Bộ
đội Biên phòng, đậm chất miền biên viễn. Cá khe kho, chuối rừng nấu canh... Đơn
sơ vậy mà ngon lành, thấm thía đến vô cùng!

Rời bản Eo Bù, chúng tôi ai nấy dường như cứ thấy vấn vương, thấy thiêu
thiếu một điều gì đó. Từ những ánh mắt tròn xoe, thơ ngây của các cháu nhỏ đến
những cái vẫy tay bịn rịn của các chiến sĩ, đồng bào..., tất cả như không muốn chia
tay, không muốn rời xa!
Với tôn chỉ “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo”, ban từ thiện chùa
Hoằng Phúc trong thời gian qua đã hoạt động đúng với chức trách, nhiệm vụ của
mình, là chiếc cầu nối kết nối những tấm lòng yêu thương, sẻ chia đến với những
mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là mang hơi ấm đến với bà con của những xã vùng
cao, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của huyện nhà Lệ Thủy. Mỗi
lần trao đi những tình cảm ấm áp, chân thành là mỗi lần chúng tôi nhận lại
những nụ cười rạng ngời hạnh phúc, những ánh mắt lấp lánh niềm tin và hy vọng. Chúng
tôi sẽ quay trở lại Eo Bù - Chút Mút như đã hứa với bà con! Sẽ tiếp tục làm tốt
sứ mệnh kết nối yêu thương đến với đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng
vĩ, để những niềm vui, niềm hạnh phúc, những nụ cười không bao giờ tắt trên
miền biên cương này.
Chúng tôi đã thấy xuân về trên bản Eo Bù!
BẢO CHÂU